Hy Lạp cổ đại vẫn luôn tỏa ra sức mê hoặc với những ai yêu thích tìm hiểu những truyền thuyết kỳ thú và các tập tục văn hóa của người Hy Lạp cổ.
Thần thoại Hy Lạp bao gồm những chuyện có tính chất hoang đường về nguồn gốc vũ trụ, loài người, giải thích các hiện tượng tự nhiên, xã hội, lịch sử các thành bang và bộ tộc Hy Lạp, đồng thời kể lại những sự tích về các anh hùng cổ xưa của đất nước Hy Lạp.
Sự hiểu biết thần thoại Hy Lạp rất cần cho những người muốn làm quen với văn học, vì từ lâu thần thoại Hy Lạp đã trở thành nguồn cảm hứng bất tuyệt của các nhà văn phương Tây, một nguồn văn liệu dồi dào, một di sản vô giá đối với văn học và nghệ thuật thế giới. Chỉ xét riêng về giá trị văn học, thần thoại Hy Lạp cũng rất đặc sắc.
Đó là những chuyện hết sức hấp dẫn về các vị thần và các anh hùng, với những tình cảm, những khát vọng, ngay cả những khuyết điểm của con người. Đằng sau cái vẻ cổ xưa của thần thoại, ta thấy hiện ra những vấn đề triết học làm rung cảm con người ở mọi thời đại. Không phải ngẫu nhiên mà mãi cho đến nay vô số chủ đề của thơ, kịch, tiểu thuyết châu Âu đã lấy đề tài trong thần thoại Hy Lạp.
Iliad là bản trường ca Hy lạp cổ nhất và có lẽ hay nhất trong văn học Tây phương. Qua chuỗi dài lịch sử đã tạo cảm hứng cho vô vàn tác phẩm nghệ thuật, từ hội họa, kiến trúc, thi ca cho đến tiểu thuyết, kịch nghệ, âm nhạc.
Tác phẩm Iliad gồm hai mươi bốn khúc, khúc nào cũng lôi cuốn khiến người nghe ngây ngất, phần vì ý phần vì lời. Kể một giai đoạn ngắn năm mươi ngày trong năm thứ mười cuộc chiến tranh thành Troie, với câu chuyện xoay quanh về mối bất hòa giữa vị tướng kiệt xuất Achilleus của Hy Lạp và thống soái Agamemnon, cùng với nỗi phẫn nộ Achilleus cực chẳng đã phải mang trong lòng.
Chiến trận rền vang, chàng lui về trại không tham dự, lực lượng Achaian vì thế suy yếu trầm trọng. Mãi tới lúc bạn chí thiết Patroklos tử trận, chàng mới rời trại ra chiến trường giao chiến và giết chết Hektor. Không những thế nhân giao chiến, mà cả thần linh cũng xung đột sâu sắc, và cuộc chiến vì thế trở nên kéo dài và vô cùng đẫm máu. Phần cuối trường ca kể về lễ hỏa táng Hektor.
Bản anh hùng ca Odyssêy là bức tranh hoành tráng, hào hùng của người Hy Lạp trong cuộc chinh phục thiên nhiên và di dân mở đất. Tác phẩm gồm 12.110 câu thơ, chia làm 24 khúc ca, kể lại hành trình gian nan của Odyssêy (hay Ulysses) trên đường trở về quê hương sau khi quân Hy Lạp hạ được thành Troy.
Odyssey phản ánh một giai đoạn cao trong quá trình tan rã của chế độ công xã thị tộc: Đó là thời kỳ những người Hy Lạp đã bước vào cuộc sống lao động hòa bình có khát vọng chinh phục thế giới xung quanh, thời kỳ hình thành gia đình một vợ một chồng với chế độ phụ quyền và quyền tư hữu tài sản.
Ngoài ra ta còn thấy khát vọng sống văn minh, hữu ái của người xưa như một nguyện vọng không riêng gì của thời đại Homer mà của nhân loại ở mọi thời đại. Chủ đề của Odyssêy là tinh thần chế ngự hoàn cảnh, chủ đề ăn sâu cắm rễ trong lòng dân tộc Hy Lạp, Homer liên tục nhấn mạnh qua mấy phẩm từ nổi trội gắn liền với ba nhân vật chính: Odysseus khôn khéo, Penelope kín đáo, Telemachos thận trọng.
Về hình thức thi phẩm là chuyện phiêu lưu, kết hợp tài tình giản dị với phong phú, thực tế với tưởng tượng, hữu hình với vô hình, thần linh với thế nhân, ảnh hưởng sâu đậm văn hóa, văn minh Tây phương hơn bất kể sáng tác văn chương nào từ trước tới giờ.
Cuốn sách này thực sự là một tuyệt tác của Arrian, một sự bảo đảm vĩnh viễn cho danh tiếng của ông. Arrian đã nói rõ về tầm quan trọng của cuốn sách này đối với ông:
"Tôi không cần tuyên bố danh tính của mình - mặc dù nó chưa từng được ai biết tới; tôi không cần ghi rõ quê hương tôi và gia đình tôi, hoặc bất kỳ chức vụ hành chính nào mà tôi đã từng nắm giữ. Tôi chỉ muốn nói điều này: rằng cuốn sách này, từ khi tôi còn trẻ, đã quý giá hơn quê hương, dòng họ và sự thăng tiến - quả thực, đối với tôi, nó chính là tất cả những điều đó.
...Nhưng là một con người, nếu ai đó coi thường Alexander, trước hết anh ta nên tự soi chiếu mình với ngài: bản thân anh ta một kẻ tầm thường, ít tiếng tăm còn Alexander là một Hoàng đế vĩ đại với những thành công mà không ngòi bút nào tả xiết, người cai trị hai lục địa, người mà danh tiếng đã được cả thế gian biết đến. Làm sao có ai đó lăng mạ ngài, khi đó hiểu rằng, sự khinh thị và mục đích tầm thường của anh ta chỉ chứng minh cho sự bất lực của bản thân mà thôi."
Arrian đã nắm bắt được một đề tài hấp dẫn, và một cơ hội huy hoàng. Không một ai đã từng viết về Alexander Đại đế nhiều hơn ông. Không một ai, một nhà thơ hoặc nhà văn nào, có được sự công minh như ông. Chừng nào những tác phẩm của những tác giả trước đó (viết về Alexander) còn chứa đựng những sai lầm hiển nhiên, chừng đó một Alexander thực sự còn bị che giấu dưới vô vàn những tuyên bố mâu thuẫn. Cuốn sách của Arrian quả thực đã chấm dứt tình trạng này. Tầm quan trọng của Alexander Đại đế to lớn đến mức Arrian đã không ngần ngại thách thức cả những sử gia Hy Lạp vĩ đại.
Ngày cuối trong đời Socrates là một loạt bốn cuộc đối thoại, ghi lại những thời khắc cuối đời của Socrates và những lời biện giải đanh thép của ông khi bị Bồi thẩm đoàn của Hội đồng Thành quốc kết tộI tử hình vì bị cho rằng ông đã hủ hóa thanh niên, coi thường thần linh mà thành quốc tin tưởng.
Là tấm gương trong sạch, coi trọng danh dự và xem thường cái chết, Socrates đã từ chối sự giúp đỡ của bạn bè dù biết mình không thể sống được bao lâu, dù cho cái chết của mình là âm mưu đê hèn từ những kẻ tham quyền lực và bại hoại đạo đức.
Ông tuyên bố rằng “Tránh cái chết không khó, tránh đê tiện khó hơn nhiều. Vì đê tiện chạy nhanh hơn cái chết”.
Bạn đã đọc được bao nhiêu trong 5 tác phẩm trên?
#DD
Trạm Đọc - Readstation