Đôi nét về ‘Light Novel’ – thể loại văn học đặc thù của Nhật Bản đương đại
Đôi nét về ‘Light Novel’ – thể loại văn học đặc thù của Nhật Bản đương đại
Trong năm 2020, cụm từ "Light Novel" đứng thứ 4 trong danh mục những từ ngữ được tìm kiếm nhiều nhất liên quan đến sách. Qua một thời gian khá lâu để tìm chỗ đứng và chinh phục độc giả trên toàn thế giới, Light Novel hiện tại đã có nhiều bước tiến rõ rệt và trở nên phổ biến tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Light Novel (ライトノベル raito noberu) là một dòng tiểu thuyết Nhật Bản vốn nhắm vào giới độc giả là học sinh trung học cơ sở hay trung học phổ thông. Cái tên “raito noberu” là một họa chế Anh ngữ (wasei-eigo), tức là một từ tiếng Nhật mượn gốc từ tiếng Anh “light novel”. Light Novel thường được gọi tắt là ranobe (ラノベ ranobe) hay rainobe (ライノベ rainobe).

Mỗi light novel thường có độ dài từ 40.000 – 50.000 từ (loại light novel ngắn hơn có độ dài tương đương với tiểu thuyết ngắn theo chuẩn của Hoa Kỳ), thường được xuất bản dưới dạng văn khố bản (bunkobon, khổ A6 105 x 148 mm), và được minh họa khá nhiều bằng hình vẽ. Nội dung truyện thường được đăng nhiều kỳ trên các tập san văn thơ trước khi xuất bản dưới dạng một tập tiểu thuyết hoàn chỉnh.

"Your name", bộ light novel đình đám từng "làm mưa làm gió"' tại thị trường sách Việt Nam. Ảnh: rebatngo.org

Thuật ngữ “Light Novel” xuất hiện từ khoảng 20 năm trước trên một diễn đàn, khi người điều hành diễn đàn muốn tạo ra một cách gọi tổng quát cho những quyển truyện bỏ túi, dễ đọc (loại truyện nhỏ gọn, dễ bỏ vào trong cặp xách, túi quần… để mang đi. Chính vì vậy, người ta có thể thuận tiện đọc nó ở nhiều nơi như trên tàu điện, xe buýt, bến xe,…), cái tên “Light Novel” cũng từ đó xuất hiện và trở nên phổ biến như hiện nay.

Thật ra cho đến nay, vẫn chưa hề có một định nghĩa chính xác nào về Light Novel. Nhưng đặc điểm chung dễ nhận thấy nhất là chúng thường có khoảng 250 trang chữ, với hình ảnh minh họa sống động, trau chuốt trên bìa sách mang phong cách manga đặc trưng của Nhật Bản. Theo thời gian, ranh giới cho định nghĩa Light Novel lại ngày một mờ nhạt hơn, ngày nay bạn có thể thấy rất nhiều loại hình văn học mang nhãn mác “Light Novel” rất khó phân biệt, và các tựa truyện truyền thống nay lại được tái bản với nhiều minh họa hơn trước.

Sự khác biệt lớn nhất giữa Light Novel và các tác phẩm văn học là số lượng hình minh họa. Cứ khoảng mỗi 20 trang trong một light novel sẽ lại gặp một hình minh họa cho tình huống trong câu chuyện. Bìa truyện thường được tô màu bắt mắt để thu hút khách hàng khi họ xem lướt qua các kệ trưng bày.

Tầm ảnh hưởng của người họa sĩ vẽ minh họa là rất lớn trong việc xuất bản light novel, vì có một số độc giả đưa ra chọn lựa hoàn toàn dựa vào nét vẽ trên bìa truyện. Thêm vào đó, hình ảnh minh họa góp phần rất lớn trong việc vẽ ra hình tượng nhân vật mà tác giả muốn xây dựng, cũng như phụ giúp chuyển tải dữ liệu từ câu chữ thành hình ảnh trong trí tưởng tượng của người đọc.

Nguồn ảnh: pibook.vn

Nội dung của Light Novel cũng rất đa dạng: từ thể loại tình cảm lãng mạn cho đến trinh thám, phiêu lưu mạo hiểm. Light novel chịu ảnh hưởng khá lớn từ Manga – Anime; cốt truyện thường giống với cốt truyện của Manga; ngoài ra các light novel cũng sử dụng rất nhiều hình minh họa theo phong cách Manga – Anime. Rất nhiều light novel nổi tiếng đã được chuyển thể thành Anime – Manga, có thể nói Light Novel là một kho tàng kịch bản to lớn cho nền công nghiệp 2D Nhật Bản cũng không sai. Ngược lại, các Anime hay Manga ăn khách cũng có thể được chuyển thể thành light novel.

Phong cách của Light Novel cũng hướng đến sự tiện lợi cho người đọc. Các đoạn văn thường rất ngắn và chen vào giữa các đoạn hội thoại dài. Qua một thời gian khá lâu để tìm chỗ đứng và chinh phục độc giả trên toàn thế giới, Light Novel hiện tại đã có nhiều bước tiến rõ rệt và trở nên phổ biến tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Theo Redsvn

 

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Shinkai Makoto: Người Đàn Ông Thích Chia Cắt Những Mối Tình

Những cuốn sách chạm tới trái tim xuyên biên giới

[Trạm Nghiền Ngẫm] Thế Giới Không Lối Thoát - Luôn có lối thoát cho tuổi trẻ mắc kẹt

Tags: