Từ nhỏ, chúng ta đã được khuyến khích rằng hãy mơ lớn, bầu trời phía trước là bất tận và không có gì là không thể. Những ngày còn trẻ ta bắt đầu mơ những giấc mơ mãnh liệt, những mục tiêu to lớn,...với hy vọng có được những thành công vượt bậc, những cột mốc thay đổi cuộc đời.
Hầu hết chúng ta đặt mục tiêu với mục đích rất tốt, vậy tại sao các kế hoạch được xây dựng tốt nhất của chúng ta thường trở nên thất bại? Các kế hoạch lớn có thể nhanh chóng trở nên quá tải, những thất bại đầu tiên làm ta bớt kỳ vọng hơn, cũng bớt nỗ lực hơn.
Chẳng có gì sai khi ta thực hiện những thay đổi tích cực và thực hiện những ước vọng của mình ngay từ đầu nhưng có cách nào để tránh những trở ngại trên con đường thực hiện những khao khát của mình hay không? Rất may, câu trả lời là có - và thậm chí nó dễ dàng đạt được hơn bạn tưởng tượng rất nhiều.
Làm việc tại Nhóm Nghiên cứu Hành vi (Behavioural Insights Team - BIT), Owain Service và Rory Gallagher biết tác động to lớn mà những thay đổi nhỏ và kế hoạch rõ ràng mang lại dựa trên hiểu biết khoa học về hành vi của con người. Trong cuốn sách “Dám nghĩ nhỏ” (Think Small) hai tác giả đã diễn giải về cách tiếp cận thành công nhờ lối tư duy nhỏ và chuyển chúng thành một khuôn khổ đơn giản, dễ dàng có tiềm năng tạo ra sự khác biệt lớn cho cuộc sống của chúng ta.
Cuốn sách này chỉ ra cho bạn một sự thật khá phũ phàng về việc người ta có thể đánh mất chính mình bằng cách thiết lập những mục tiêu đầy tham vọng. Thật dễ dàng để đặt ra một mục tiêu lớn, chúng thú vị và đầy cảm hứng nhưng liệu bạn có thể kiên trì với nó không? Đó là một câu chuyện hoàn toàn khác. Đối với chúng ta, vấn đề với việc đặt ra các mục tiêu lớn không nằm ở việc đặt ra chúng. Vấn đề là chúng ta sẽ thực hiện nó như thế nào?
Những mục tiêu lớn, đồ sộ, táo bạo thường là một nhiệm vụ to lớn đến nỗi chỉ cần sai một điều nhỏ đã khiến bạn hoàn toàn chệch choạc và từ bỏ. Hoặc chúng ta xây dựng quá nhiều thứ trong tâm trí đến nỗi thậm chí không thể bắt đầu! Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng mình sẽ theo đuổi mục tiêu với sự tập trung cao độ nhưng thực tế là tâm trí của chúng ta không phải lúc nào cũng ở trạng thái tỉnh táo. Sự xao nhãng và cám dỗ thường xuyên xảy ra, và cuối cùng là ta không thể khuất phục được chúng.
Trong ‘Dám nghĩ nhỏ” bạn sẽ nhận ra rằng vấn đề lớn nhất đang cản trở bạn hoàn thành mục tiêu lớn là bạn không suy nghĩ đủ nhỏ. Vâng, một cách chính xác: Bạn chưa nghĩ đủ NHỎ
Tư duy dám nghĩ nhỏ
Nhiều người trong chúng ta có những mục tiêu dài hạn. Nhưng rất ít trong số đó biến chúng thành hiện thực. Và đó là lúc "Tư duy nhỏ" phát huy tác dụng.
Tư duy “dám nghĩ nhỏ” là thực hiện được từng bước nhỏ để đưa bản thân tới cái đích mà mình mong muốn. Chắc hẳn nhiều người đã nghe qua khái niệm này nhưng chúng ta hiếm khi thực hiện một cách nhất quán và có kỷ luật.
Để giúp chúng ta tiến gần hơn tới mục tiêu mình đề ra, Service và Gallagher giới thiệu bộ hành vi nền tảng gồm bảy bước như sau:
Xác định mục tiêu: Bước đầu tiên là theo đuổi một mục tiêu duy nhất, đặt ra các mục tiêu nhỏ và thời hạn rõ ràng. Khi lựa chọn mục tiêu, chúng ta cần xác định được tầm quan trọng của từng mục tiêu, từ dài hạn đến ngắn hạn, cũng như thấy được sự tương quan giữa các mục tiêu. Đặt ra nhiều mục tiêu có nghĩa là bạn sẽ nghĩ xem mục tiêu nào trong số những mục tiêu này là quan trọng nhất.
Một khi đã nhắm được đích đến, chúng ta cần Lập một kế hoạch (bước thứ 2) “với những quy định rõ ràng và đơn giản để làm giảm nỗ lực nhận thức mà bạn phải bỏ ra khi theo đuổi mục tiêu”. Điều này sẽ cho phép bạn biết khi nào bạn đã đạt được mục tiêu của mình. Nó cũng sẽ giúp bạn xem xét mục tiêu đang được tiến triển như thế nào. Hãy chia mục tiêu của bạn thành các bước có thể quản lý được. Bạn sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu cuối cùng hơn nếu bạn xác định được các bước nhỏ trên con đường đạt được mục tiêu đó. Phân bổ cho mỗi bước nhỏ một khoảng thời gian lặp đi lặp lại. Những điều này sau đó, theo thời gian, sẽ biến kế hoạch thành thói quen hành động cho mục tiêu của mình.
Các mục tiêu nhỏ dễ đạt được thường xuyên hơn, có nghĩa là chúng ta có thể đặt ra chúng thường xuyên hơn, xây dựng chúng và không ngừng thấy mình ngày càng tốt hơn. Mỗi mục tiêu nhỏ giúp bạn mạnh mẽ, tự tin và có thể thử sức với những điều khó khăn hơn. Thậm chí, bạn biết những gì cần phải hoàn thành tiếp theo để giúp bạn tiến bộ.
Sau đó hãy đặt ra sự Cam kết (bước thứ 3): Công khai mục tiêu của bạn để mọi người công nhận và đánh giá sự tiến bộ của bạn. Bên cạnh đó, đừng quên Đề ra phần thưởng(bước thứ tư): Trong bước này, bạn có thể sử dụng các biện pháp khuyến khích phù hợp để tạo động lực và thúc đẩy bạn đạt được mục tiêu. Đó đơn giản chỉ là tự sắm cho mình những bộ đồ mới hoặc thay đổi một kiểu tóc khác biệt. Việc nuông chiều bản thân có giới hạn mỗi khi đạt được một thành tích nào đó sẽ giúp bạn cảm nhận được sự tuyệt vời, hạnh phúc và tràn đầy năng lượng để chuẩn bị cho những công việc và sự khởi đầu mới.
Quan trọng là hãy luôn nhớ rằng bạn không hề đơn độc trên hành trình chinh phục mục tiêu. Hãy tìm kiếm sự Chia sẻ và Phản hồi (bước thứ năm và thứ 6), sẵn sàng nhận sự giúp đỡ, nhận xét cũng như đánh giá của người khác về các thành quả của bạn, và bạn sẽ nhận ra mình có đang đi đúng hướng hay không.
Điều cuối cùng và cũng quan trọng không kém là bạn phải Kiên trì theo đuổi (bước thứ 7)với những mục tiêu mà mình đã đặt ra từng ngày, từng giờ. Muốn thay đổi và tạo bước đột phá lớn trên con đường dẫn tới thành công thì đây chính là lúc bạn cần phát huy tính kỷ luật và sự bền bỉ của mình. Hãy tập trung tuyệt đối vào mục tiêu phía trước cũng như là hạn chế các suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực.
Mỗi bước trong bộ khung hành vi trên đều chứa đựng những nguyên tắc được các tác giả giải thích rất cặn kẽ, đơn giản và dễ áp dụng.
Bạn không cần phải tuân theo một cách dập khuôn bảy công cụ bộ hành vi cho mọi mục tiêu, nhưng chắc chắn nó sẽ hỗ trợ bạn thành công nếu bạn biết áp dụng từng công cụ một cách linh hoạt, mềm dẻo.
Bạn có thể bắt đầu từ ngày hôm nay bằng cách đặt ra các bước nhỏ hàng ngày để giúp bạn đạt được mục tiêu lớn. Chẳng hạn:
Nếu mục tiêu của bạn là "giảm 3 kg" - hãy biến nó thành "ăn một bữa sáng lành mạnh trong tuần này."
Nếu mục tiêu của bạn là “khởi nghiệp” - hãy đổi thành “đọc các cuốn sách hay nhất về lãnh đạo.”
…
Tuy nhiên, việc suy nghĩ nhỏ hơn thực sự không dễ dàng. Những mục tiêu nhỏ sẽ giúp bạn phát triển nhanh và có thể bạn sẽ cảm thấy quá dễ dàng để đạt được nó. Hãy nhớ rằng, việc đẩy bản thân đi quá xa, quá nhanh, là một cách nhanh chóng khiến bạn kiệt sức và mất động lực.
Thay vào đó, bạn cần cam kết thực hiện các mục tiêu nhỏ, một cách đều đặn và ổn định.
Trong khi, hàng ngàn blog trên internet nói về việc cải thiện năng suất thông qua lập kế hoạch lớn một cách kỹ lưỡng, thì “Dám nghĩ nhỏ” như một lời cảnh tỉnh nếu bạn đang quay cuồng trong những mục tiêu lớn lao đầy tham vọng. Cuốn sách là một minh họa chi tiết về cách những bước nhỏ có thể dẫn đến thành công lớn. Các giải pháp được đưa ra đều rất dễ áp dụng, có cấu trúc chặt chẽ, mạch lạc và nhất quán ở cả bảy bước. Thêm vào đó, xuyên suốt cuốn sách là các tình huống cũng như câu chuyện có thật, gần gũi và sinh động để bạn có thể hình dung cụ thể hơn về bộ khung hành vi và lối tư duy “nghĩ nhỏ”.
– Rory Sutherland, Phó Chủ tịch tập đoàn Ogilvy & Mather đã nhận xét về cuốn sách như sau:
Một cuốn sách tuyệt vời, bác bỏ lối suy nghĩ sáo mòn và cũ rích vẫn thường làm ta chệch hướng rằng: chỉ có những thay đổi lớn và táo bạo mới tạo ra được kết quả ấn tượng.
Trong thời điểm mà chúng ta được cho là phải chạy đua với tốc độ phát triển của thời đại, thật tuyệt khi biết rằng những kế hoạch tốt nhất có thể là những kế hoạch đơn giản, nhỏ bé và có thể đưa chúng ta đi lâu dài.
Dù bạn đang đặt ra mục tiêu nào cho công việc kinh doanh và cuộc sống của mình, “Dám nghĩ nhỏ” chắc chắn sẽ tiếp thêm cho bạn sức mạnh và động lực giúp bạn tự tin rằng có thể đạt được chúng. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ và giành được một vài chiến thắng bằng nỗ lực của bạn, sau đó lấy đà đó và bắt đầu thành công.