Bốn chuyển hải hành: Câu chuyện phiêu lưu kỳ thú của Columbus
Bốn chuyển hải hành: Câu chuyện phiêu lưu kỳ thú của Columbus
Với nguồn tài liệu đồ sộ, tác giả đã dệt nên câu chuyện phiêu lưu kỳ thú và chân thực về bốn chuyến hải hành của Chritopher Columbus trên con đường tìm miền đất mới. Cuốn sách là một tài liệu khoa học đầy đủ nhưng đồng thời cũng như một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu kỳ diệu. Tôi tin cuốn sách này sẽ là niềm cảm hứng đầu năm đầy ý nghĩa để khởi đầu cho những chuyến đi và khám phá của mỗi người.
Columbus: Bốn Chuyến Hải Hành (1492-1504)
(37 lượt)

“Bạn sẽ không bao giờ vượt qua được đại dương trừ khi bạn có đủ can đảm để rời tầm mắt khỏi bờ”
- Christopher Columbus (1451-1506) 

“Tôi lên đường tìm Ấn Độ và sẽ tiếp tục cho đến khi nào hoàn thành sứ mệnh đó, với sự giúp đỡ của Chúa.” Bằng niềm tin sắt đá, Columbus đã ra khơi theo hướng Tây Nam từ cảng Palos (Tây Ban Nha) với ba con tàu biển - Nina, Pinta và tàu chỉ huy Santa Maria - để đến với miền đất hứa của mình, cũng là Tân thế giới chưa từng được biết đến trong lịch sử. Chính vào buổi sớm mai ngày 12/10/1492 đó, di sản và danh tiếng của Đô đốc đại dương Columbus đã bắt đầu, xuyên suốt sự nghiệp của ông, vinh quang và tủi nhục luôn luôn song hành, và cho tới tận ngày nay, cuộc đua ấy vẫn đang được những thế hệ sau không ngừng tiếp nối.

Christopher Columbus sinh năm 1451 tại thành phố Genoa của Italy, năm 1476 ông đến sống ở Bồ Đào Nha và lưu lạc đến Tây Ban Nha. Qua các nơi, ông đã tham gia rất nhiều cuộc viễn du với những người đi biển cho đến khi có được chuyến hải hành đầu tiên với sự trợ giúp của triều đình Tây Ban Nha. Thời kỳ này, Ấn Độ và Trung Quốc là hai quốc gia giàu có bậc nhất ở phương Đông, nơi bất cứ lái buôn châu Âu nào cũng muốn được đến để trao đổi hàng hóa. Nhưng người ta phải vượt qua rất nhiều lục địa rộng lớn, vượt qua đường đi dài hiểm trở. Một con đường mới, ngắn hơn sẽ là giải pháp tối ưu để khắc phục những điều đó.

Trên tuyến đường biển tương tự với các chuyến du hành của Marco Polo sang đất nước Trung Hoa và tìm kiếm một con đường giàu sang cho bản thân, Columbus đã sa chân vào “một thế giới khác”, nơi không có tấm bản đồ nào dẫn dắt mình. Càng tìm hiểu nhiều, ông càng trở nên kinh ngạc, vì đế chế mà ông đang tìm đã cho thấy nó rộng hơn và đa dạng hơn rất nhiều so với ông hình dung. Columbus ngạc nhiên rằng: “Tôi thấy nhiều cây cối rất khác với cây cối của chúng ta... mỗi cành một kiểu riêng, đây là điều kỳ lạ nhất trên thế giới. Sự đa dạng giữa mọi thứ thật là vô cùng lớn!”. Sự kinh ngạc tột độ và niềm phấn khích tràn ngập trong những ghi chép trong lịch trình đồ sộ của ông.

Tựa như những vần thơ về chuyến phiêu lưu của Odyssey, tôi đắm chìm trong các trang sách và như đang cùng ông phiêu lưu theo những chuyến hải hành. Những ghi chép của ông không chỉ dừng lại nơi cảm xúc choáng ngợp trước vẻ đẹp của thiên nhiên với cát vàng, mây trắng trên những bãi biển vùng Caribbean, đó còn là những thiên sử thi của những con tàu thám hiểm vật lộn trong giông bão giữa biển khơi: “Ông cuộn buồm và gần như đi suốt đêm dưới mấy cột buồm trơ trọi, chỉ giữ lại một mảnh buồm giữa vùng biển động. Đại dương trở nên đáng sợ, và những con sóng chồm lên nhau, dồn ép mấy con tàu”... “những con sóng cuộn cao, bóng tối bao trùm khắp nơi còn đêm đen phủ kín biển cả, chỉ trừ những nơi có ánh chớp lóe lên và tiếng sấm vọng lại”.

Nhưng sau những choáng ngợp và tình cảm dạt dào bộc lộ với cảnh vật và người dân vùng đất mới, lòng tham trong ông và những thủy thủ Tây Ban Nha về vàng, gia vị và nô lệ đã trỗi dậy, hủy hoại họ và hủy hoại cả vùng đất tươi đẹp này. Chỉ có vàng mới đánh thức ông ra khỏi những cơn mơ màng, và khoảnh khắc phát hiện một người đàn ông “đeo một chiếc khuyên vàng ở mũi” có các nét khắc đã khiến ông thay đổi.

Từ chuyến hải hành đầu tiên đến chuyến hải hành cuối cùng lần thứ tư, từ pháo đài La Navidad đến thị trấn La Isabela, Columbus đã thiết lập một chế độ khai thác kiệt quệ lượng vàng của hòn đảo. Hệ thống ấy, theo cách nào đó, còn tệ hơn cả chế độ nô lệ, nó đã phá hủy mọi cơ hội để có sự trợ giúp hay hợp tác giữa người Anh-điêng và người Ki-tô giáo trong mọi nỗ lực ngoài việc cống nạp vàng đầy vô nghĩa. Trang sử tăm tối của người Anh điêng cũng đã bắt đầu khi những đoàn tàu của người Ki-tô giáo thâm nhập bãi biển ngày một nhiều, những con tàu mang theo sự tham lam vô độ cùng giấc mơ làm giàu nhanh chóng.

Chỉ trong thời kỳ của Columbus, khoảng 50.000 người Anh-điêng bản xứ đã chết bởi nạn đói hành hạ, và khủng khiếp hơn là sự tự hủy diệt. Bị đàn áp với những yêu cầu quá đáng của việc cống nộp vàng, người Anh-điêng đã buông xuôi và tự tử hàng loạt để tránh bị người Ki-tô giáo giết hại hay bắt giữ, để tránh việc chia sẻ đất đai, đồng ruộng, lùm cây, bãi tắm, rừng và phụ nữ của họ với người Ki-tô giáo.

Không còn thứ gì nguyên sơ như cũ, các cuộc thám hiểm của Columbus đã thay đổi Cựu lục địa và Tân thế giới mãi mãi, các tác động của nó vượt qua cả cuộc chinh phục vì đế chế và thương mại. Bên cạnh vấn đề về Ki-tô giáo, nạn nô lệ, vàng hay bất cứ quyền lực nào mà Columbus và Tây Ban Nha có được, sự chuyển giao hai chiều giữa hai lục địa đã mang lại các thay đổi lớn hơn những gì mà họ có thể hình dung. Một khi đã bắt đầu, thời kỳ trao đổi Columbus không bao giờ ngừng lại, và nó tiếp tục với tốc độ luôn tăng lên. “Có lẽ nó sẽ không bao giờ lặp lại theo một cách ngoạn mục như ở Châu Mỹ trong thế kỷ đầu tiên hậu Columbus, cho đến một ngày nào đó diễn ra một sự trao đổi về dạng sống giữa các hành tinh”. Dù tốt hơn hay tệ hơn, thì đây là di sản kéo dài, không ngừng nghỉ, không tránh được, và bao trùm lên tất cả của Columbus.

Một điều rất thú vị, gia sản đáng giá mà Columbus để lại còn là một thư viện khổng lồ gồm 15.000 đầu sách thu hút các học giả từ khắp châu Âu. Thư viện này đã làm nổi bật phương diện ham đọc sách và có học vấn của gia đình Columbus. Tuy Columbus là một nhà hàng hải và được xem như là một người táo bạo, nhưng để chuẩn bị cho những chuyến đi, ông đã nghiên cứu rất chuyên sâu về biển, và trong suốt cuộc đời mình, ông luôn khao khát kiếm tìm và áp dụng những thông tin mới cùng tri thức.

Đã hơn 500 năm kể từ chuyến phiêu lưu đầu tiên của Columbus đi tìm kiếm vùng đất mới, tấm gương và những chuyến đi của ông đã trở thành niềm cảm hứng cho nhân loại và cho nhiều thế hệ tiếp theo. Bốn chuyến hải hành của Christopher Columbus đã làm nên một trong những câu chuyện phiêu lưu vĩ đại nhất của lịch sử, như một câu chuyện cổ tích thần tiên đã thành hiện thực. Và đến lượt chúng ta, các bạn hãy cùng tôi giở những trang sách đầu tiên và sẵn sàng phiêu lưu cùng ông nhé!

Hoàng Tùng

Xem thêm Tại Đây

Tags: