Chiến Binh Cầu Vồng - Hương vị của tri thức và niềm tin
Chiến Binh Cầu Vồng - Hương vị của tri thức và niềm tin
Chiến binh cầu vồng của Andrea Hirata tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng sức mạnh khổng lồ của niềm tin: Niềm tin rằng mình có thể chiến đấu, và niềm tin mình có thể chiến thắng.
Ba phần tư đầu tiên của cuốn sách là một câu chuyện cổ tích hùng tráng như khúc thần thoại chàng dũng sĩ bắn rơi mặt trời. Cuốn sách mở đầu với hình ảnh mười học sinh, hai thầy cô giáo cùng núp dưới mái trường rách nát, vượt qua bao khó khăn nối tiếp khó khăn để tìm lấy tri thức nơi hòn đảo nghèo Belitong, Indonesia. Bạn có thể mường tượng ra hình ảnh mười mấy gương mặt đen nhẻm, lấm lem dưới đáy xã hội bám trụ dưới “mái trường” xiêu vẹo - nơi còn giống chuồng trâu chuồng bò hơn một ngôi trường thực sự, khát khao nuốt lấy từng con chữ, những mong có thể tìm cho mình một cuộc sống khác. Ngôi trường kiên cường ấy gợi nhắc người ta về những toa tàu của cô bé Totto-chan - không phải giống ở những cơ sở vật chất tầm thường mà bởi đó là nơi ước mơ được vụt sáng, nơi đám trẻ được sống là chính mình, nơi các em dám mơ và dám đấu tranh vì những ước mơ.

sach chien binh cau vong Người thầy vĩ đại của những đứa trẻ nghèo ở Belitong

Ba phần tư cuốn sách ấy là một câu chuyện đẹp đến mức siêu thực, đẹp đến mức sẽ chẳng có gì lạ nếu bạn đang đọc mà phải ngỡ ngàng lật lại bìa cuốn sách để đọc dòng chữ: "dựa trên câu chuyện có thực về thời thơ ấu của chính nhà văn". Ai có thể tin nổi những cô cậu bé nghèo khó ấy lại ham học đến thế? Một cậu bé đói rách ngày ngày đạp xe 40 cây số vượt qua những cánh rừng tăm tối và những đầm lầy cá sấu để đi học, không những thế lại còn là thông minh tuyệt đỉnh; một cậu bé bẩn thỉu với đôi bàn tay cáu bẩn sứt sẹo và bóng nhẫy vì sáp dừa hóa ra lại mang trong mình một tâm hồn nghệ sĩ thiên tài; một ông giáo già, một cô giáo trẻ cặm cụi đạp xe khắp nơi để thuyết phục từng đứa trẻ đi học, thậm chí đánh đổi cả những tiện nghi mình có để phục vụ lũ trẻ; tất cả những chuyện ấy, ai có thể tin? Ai có thể tin đây, nhất là khi người ta ngày càng mất niềm tin vào giáo dục như ngày nay?

 

 

Mười một đứa trẻ ấy là mười một linh hồn thanh khiết nhất, mười một đứa con của đức thánh Allah vĩ đại, mười một "chiến binh" thật sự của Belitong.

 

 

Không chỉ xoay quanh những chuyện học hành, trường lớp, “Chiến binh cầu vồng” còn vẽ lên nền trời cao xanh sau cơn mưa tầm tã một bức tranh về tình bạn thuần khiết, tình thầy trò lay động và những câu chuyện ngọt ngào, đáng yêu về tình yêu đầu đời trẻ con.

11 chiến binh cầu vồng được chuyển thể thành phim

Đối lập với phần lớn sự vui tươi, trong trẻo và diệu kỳ đó, hơn một phần tư cuối cùng của cuốn sách lại khiến người ta không ngừng rơi nước mắt - giọt nước mắt của tình nghĩa thầy trò, bạn bè, của những nỗ lực không ngừng vượt lên gian khó, của những dày vò số phận quật xuống những đôi vai nhỏ và mái trường xiêu vẹo.

 

 

Cuộc sống liệu có phải là sự xoay vần của số phận hay không? Những ước mơ đã thắp lên nơi mái trường nghèo ấy ai sẽ là người giữ lửa? Một dải cầu vồng liệu có khiến những đứa trẻ ấy vượt lên khỏi vũng bùn của sự nghèo khó?

 

 

Xét cho cùng, “Chiến binh cầu vồng” chẳng phải là một câu chuyện cổ tích đẹp như mơ. Đó là “hiện thực”. Cả mười một đứa trẻ ấy và những người thầy của chúng cuối cùng chẳng ai thật sự đạt được ước mơ, chẳng ai thật sự bật lên được khỏi cái đói nghèo và đau khổ vốn đã bám lấy họ từ lúc sinh ra. Có chăng chỉ có chính cậu bé Ikal ngày nào là hoàn thành được một phần lời hứa: “Sẽ viết tặng cô giáo một cuốn sách.”


Những ước mơ ấy có thể đạt được hoặc không, nhưng như cậu bé thiên tài Lintang đã nói:

"Tụi mình phải tiếp tục đi học, để con cái tụi mình sau này không phải học trong một ngôi trường như thế này, để tụi mình không bị đối xử bất công."
"Đừng bỏ học, boi, đừng bỏ học."

 

SDN Dukuh Tengah 03

Hôm nay, có thể họ đã dang dở những ước mơ của mình, nhưng suốt những tháng ngày đi học miệt mài ấy, những đứa trẻ dưới đáy cùng xã hội Belitong đã được nếm hương vị của tri thức, được thưởng ngoạn niềm vui của chiến thắng và hiểu được rằng con chữ có thể mang lại cho họ những gì. Mahar trao họ niềm tin rằng họ có thể chiến thắng, và Lintang thổi bùng thêm ngọn lửa ấy rực rỡ hơn.

Và quan trọng hơn hết, tôi tin rằng con cái của họ, ngày mai, sẽ được học hành trọn vẹn hơn, và dải cầu vồng ngày nào sẽ góp phần đưa chúng đến gần hơn với ước mơ của mình. Ngọn lửa sẽ không bao giờ tắt, tri thức sẽ không bao giờ chết, và sau cơn mưa cầu vồng vẫn sẽ muôn màu.

 

Phanh.

Follow me: Phanh’s Review Corner (Instagram)

Tags: