Truyền thống chỉ trao nó cho một vài người: Alexander Đại đế xứ Macedon, Rameses Đại đế của Ai Cập, Darius Đại đế của Ba Tư, Charles Đại đế, Alfred Đại đế xứ Wessex, Llywelyn Đại đế xứ Wales, Peter và Catherine Đại đế của Nga, Frederick Đại đế của Phổ,… Những người khác bị loại ra ngoài sân chơi. Người Anh không gọi Nữ hoàng Victoria Đại đế.
Tương tự, Hoàng đế Frederick Barbarossa, Hoàng đế Charles V của Tây Ban Nha và vua Louis XIV của Pháp – tất cả đều không được phong thánh. Các Tổng thống Mỹ cũng vậy, kể cả George Washington và Franklin D. Roosevelt.
Napoleon Bonaparte, Hoàng đế nước Pháp và theo đánh giá của nhiều người là vị tướng lỗi lạc nhất thời hiện đại, là một trong những trường hợp thất bại nổi tiếng nhất trong công cuộc tìm kiếm sự vĩ đại.
Lý do không phải là vì thiếu sự cố gắng ở ông. Ngay từ trẻ Napoleon đã nghiên cứu sự nghiệp của những tên tuổi lớn trong lịch sử nhằm noi theo. Sự trỗi dậy ngoạn mục và sự cai trị đầy ấn tượng của ông – ông trở thành tướng khi mới 24 tuổi và trở thành hoàng đế năm 34 tuổi – là một minh chứng thực tế cho thấy một con người có thể khiến cả thế giới khuất phục ý chí của mình như thế nào.
Cuốn sách “Napoleon Đại đế” (Napolepn – The Great) của Andrew Roberts là một trong số ít tác phẩm toát lên đầy đủ khí chất Napoleon.
Napoleon sinh năm 1769 tại Corsica trong một gia đình chỉ được coi là khá giả theo tiêu chuẩn hạn hẹp trong vùng. Thuở nhỏ, ông là một cậu bé ham đọc sách, nhưng lại không thuộc dạng có học thức cao. Trình độ Pháp văn của ông rất tệ, và ông thường bị trêu chọc ở trường vì chất giọng khôi hài. Nhưng ông vẫn tìm được đường vào quân đội; ông tốt nghiệp Trường Quân sự ở Paris và tìm được vị trí sĩ quan pháo binh. Napoleon tham chiến vài năm ở Corsica, sau đó, tới năm 1793 ông đóng vai trò nổi bật trong cuộc đánh bật quân Anh khỏi cảng Toulon và chiếm được thành phố này cho các lực lượng cộng hòa, nhờ đó ông được thăng cấp tướng.
Khi cuộc cách mạng bao trùm nước Pháp, tài năng của Napoleon trên cương vị một người lính và danh tiếng mà ông đạt được với những bài bút luận về chính trị đã tiếp tục mở rộng con đường tiến lên cho ông. Ông từng gây tai tiếng khi dọn sạch các đường phố ở Paris bằng cách bắn đạn chùm vào quân nổi loạn. Ông đưa quân vào Italy và Ai Cập, nổi bật với một chuỗi những thành công ấn tượng cùng với uy danh về một thiên tài quân sự vô song. Ông trở thành người cai trị nước Pháp năm 1799. Năm 1804, ông tự phong mình làm Hoàng đế và vợ ông, Josephine, lên ngôi Hoàng hậu. Napoleon được tôn sùng khi mới vừa qua độ tuổi hai mươi.
Trong quá trình nghiên cứu tất cả những điều trên – và sự nghiệp sau đó của Napoleon – Roberts đã tới Tây Ban Nha, Nga, và dĩ nhiên là cả Waterloo; ông đã lần theo dấu chân của nhân vật của mình tới gần như tất cả các chiến trường trong số 60 chiến trường mà Napoleon đã có mặt. Ông còn tận dụng toàn bộ ấn bản mới 33.000 lá thư của Napoleon. Kết quả là sự ra đời của một cuốn tiểu sử đồ sộ, phong phú, sâu sắc, trí tuệ, nhân văn và vô cùng đáng ngưỡng mộ dài 900 trang mà mỗi trang trong đó đều lý thú.
Chân dung Napoleon được khắc họa ở đây là một con người dữ dội – không chỉ là một vị chỉ huy mạnh mẽ, tự tin tột bậc mà còn là một nhà thống trị, một tác giả và một người tình bận rộn đến mức đáng ngạc nhiên. “Đối với tôi, tôi chỉ có duy nhất một yêu cầu, đó là thành công,” ông viết vào năm 1805. Nhưng để đạt được thành công trong lĩnh vực mà Napoleon chọn lựa – tái kiến thiết nước Pháp và chinh phạt thế giới – đòi hỏi những phẩm chất cá nhân mà không có người nào khác cùng độ tuổi với ông sở hữu. Ông không bao giờ dừng lại. Như Roberts cho biết, khi Napoleon di chuyển ở tốc độ cao nhất, người ta đã phải đổ nước vào bánh xe của ông để hạ nhiệt.
Nhưng để làm gì? Cứ mỗi tác giả muốn tôn vinh Napoleon lại có một tác giả chỉ ra rằng ông là người chịu trách nhiệm cho những cuộc chiến đã làm thiệt mạng khoảng 4 – 6 triệu người; rằng cuộc chiến ở Iberia của ông là thảm họa; rằng cuộc xâm lược Nga thê thảm năm 1812 và cuộc rút chạy khỏi Moskva chính là ví dụ tiêu biểu nhất cho thấy hàng trăm nghìn mạng sống đã bị thiệt hại trong tình cảnh khổ sở khôn kể xiết để phụng sự cho cái tôi gớm ghiếc của một con người.
Và có lẽ tất cả những điều trên đều đúng. Nhưng chúng ta đọc cuốn sách mới này của Roberts là để hiểu – thực ra là để cảm nhận – rằng tại sao vị tướng kiệt xuất đảo Corsica này lại có thể chiếm được lòng ngưỡng mộ của thế giới lâu đến vậy. Danh xưng “Vĩ đại” không phải là thước đo lòng nhân ái, yêu chuộng hòa bình mà nhằm chỉ cái năng lực hiếm có của một con người khi đặt dấu ấn cá nhân của mình lên các thời đại.
Khi đọc theo hướng này, chúng ta sẽ thấy cuốn sách của Roberts không đơn thuần chỉ là một cuốn tiểu sử xuất sắc nữa về Napoleon. Nó còn là một bài bút luận về nghệ thuật quản lý nhà nước và là một sự chiêm nghiệm về chính bản thân lịch sử: một sự bảo vệ cho toàn bộ ý tưởng về “con người vĩ đại” trước cái mà trong phần kết luận Roberts gọi là “những phân tích mang tính quyết định luận về lịch sử, vốn nhằm giải thích các sự kiện dựa trên vô vàn những lực lượng phi nhân và giảm thiểu vai trò của các cá nhân.”
Trong suốt cuộc đời mình, Napoleon đã viết và nói về mình như thể ông đã là một con người bất tử: thế giới quan của ông được định hình bởi những quan niệm về bổn phận, vinh quang và thiên tài; bộ luật của ông, trong suy nghĩ của ông, sẽ “sống mãi.” Vì vậy, hẳn là ông sẽ hài lòng lắm nếu biết rằng gần hai thế kỷ sau khi qua đời, ông vẫn là đề tài gây ám ảnh trong lịch sử (trong danh mục của Thư viện Anh có tới trên 13.000 mục có tên “Napoleon”). Chắc chắn ông cũng sẽ rất vừa ý với cả tiêu đề lẫn nội dung trong cuốn sách mới hấp dẫn của Roberts.