(Cười) Trả lời bạn ấy là tôi chịu thôi. Với tôi “Tích phân” là cách nói ngược của “phân tích” (Cười)
Ở thời của tôi, chương trình không có nặng như bậy giờ. Hồi đó chúng tôi chỉ học một buổi, buổi còn lại là chăn bò chăn trâu, lao động phụ giúp gia đì đình. Chúng tôi có nhiều thời gian và cũng có nhiều tự do hơn để vui chơi với bạn bè hang xóm, nhất là ở nông thôn. Còn bây giờ, tôi thấy các cháu phải học hành cực khổ quá, học ngày học đêm, học đến kiệt sức mà không biết để làm gì. Tôi đi phỏng vấn, có bà mẹ kể, con của chị ấy than với chị “ mẹ ơi, học làm gì mà học nhiều quá vậy mẹ !” Nghe mà thương mấy đứa nhỏ.
Cũng như Việt Nam, Phần Lan cũng đang thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông của họ. Từ khóa trong đợt thay đổi này là “thay đổi”: xã hội đang thay đổi, con người đang thay đổi, tri thức và các kỹ năng mà xã hội tương lai cần đang thay đổi…, do vậy, nên giáo dục cũng buộc phải thay đổi.
Trước một xã hội không có gì chắc chắn và thay đổi từng ngày như thế, cái cần nhất nơi người học sinh để có thể bước vào đời một cách vững chãi là khả năng thích ứng, khả năng tự lập, tư duy độc lập, phản biện, sang tạo, khả năng phán đoán, nhận định và thực hiện những quyết định, cũng như khả năng về ngôn ngữ, truyền thông và các kỹ năng hợp tác với người khác, v.v. Nên học cái gì ở trường thì cũng để phục vụ đào tạo mẫu người như thế.
Vì vậy Phần Lan thực hiện giảng dạy theo hướng tích hợp vì các tình huống ngoài đời vốn không tách bạch được với nhau; họ thực hiện “ khác biệt hóa” trong phương thức giảng dạy, vì mỗi trẻ nhỏ vốn là mỗi chủ thể duy biệt; họ ưu tiên chuyển tải cho học sinh các kỹ năng về ngôn ngữ về truyền thông, tăng thời lượng bàn luận trên lớp, làm việc nhóm… vì họ nhận định rằng muốn trẻ thành công sau này thì kỹ năng hợp tác với những người khác (trong nước hoặc quốc tế) là rất quan trọng.
Quan điểm của những nhà giáo dục Phần Lan là: dạy để học sinh sống và làm việc, không dạy vì điểm số, dạy cách học thay vì dạy học, anh thấy thế nào ?
Rất chuẩn, mục đích cuối cùng của sự dạy và sự học phải là như thế. Điểm số cao nhưng nếu không cho phép các bạn trẻ khi bước vào đời một cách vững chắc: có thể sống và sống hạnh phúc, có thể làm việc và làm việc hiệu quả, biết tìm kiếm, làm chủ tri thức và khả năng tự học suốt đời thì hoàn tòan vô ích.
Thế còn tự học thì sao? Vai trò của tự học lớn đến mức độ nào trong thời đại này? Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm riêng của bản thân
Giáo dục phổ thông cho tôi khả năng đọc, viết, tính toán cơ bản, ngoài ra tôi không nhớ gì nhiều nữa. Nếu còn đọng lại một chút, thì đó là những gì tôi tự làm hay tôi và các bạn học cũng nhóm tự làm, chẳng hạn như những lần được thuyết trình ở bậc đại học, hay những bài tập hay luận văn phải tự nghiên cứu, tự làm để nộp cho thầy.
Những gì có hiện nay là tự học hỏi hoặc được hướng dẫn để tự học hỏi qua những năm làm thạc và tiến sĩ ở Pháp, hay những gì qua việc tự nghiên cứu, tự đọc hiện nay.
Vậy nên, tôi cho rằng tự học là rất quan trọng, mình sẽ nhớ, sẽ nội tâm hóa một cách dễ dàng những gì mình tự làm, còn của thầy cô truyền thụ mà không có mình tham gia trong đó đều đã trả cho thầy hết. Cho nên nhà trường thay vì tập trung chuyển tải kiến thức có sẵn thì hãy dạy phương pháp để người học tự chinh phục tri thức, người thầy, và kể cả cha mẹ chỉ nên đóng vai là “sách hướng dẫn” (Montessori) thôi, để trẻ tự lớn lên, tự phát triển về mọi mặt theo cách của từng trẻ.
Nếu tập trung vào tự học thì các giáo viên ngày nay không còn quan trọng nữa?
Không, tôi không nghĩ như thế, ngược lại giáo viên phải rất uyên bác. Kiến thức của giáo viên càng rộng càng sâu, thì càng có thể hướng dẫn học trò mình tự mở rộng và đào sâu những gì họ đang học hỏi một cách hiệu quả hơn. Giáo viên đóng vai là người hướng đạo, nên phải biết rõ con đường của trò đang đi, thậm chí phải biết rõ tấm bản đồ với những con đường gần đó thì mới hướng dẫn tốt được chứ.
Theo tôi thấy thì Internet là phương tiện rất tốt, học tập hay làm gì đi nữa trong thời buổi này đều cần đến nó, thế nhưng nó không thể là ”người thầy của mọi người thầy” được. Trước hết, các tài liệu học thuật nghiêm túc không phải lúc nào cũng có trên đó, có thể tương lai mọi tài liệu sẽ được số hóa, nhưng hiện nay thì chưa. Nhưng nếu có tất cả trên đó, thì như đã nói người thầy vẫn rất quan trọng với vai trò hướng đạo cho học sinh của mình. Trước một biển kiến thức mênh mông và thay đổi từng ngày, nếu không có người chỉ đường, người học sẽ mất rất nhiều thời gian và có khi là lạc đường.
Kế nữa, trường lớp đâu phải chỉ là nơi thu nhận kiến thức, mà còn là nơi giúp người trẻ phát triển toàn diện về mặt nhân cách đạo đức, là môi trường xã hội hóa người trẻ. Môi trường học tập thường đóng dấu ấn trên nhân cách của học sinh, vậy nên một môi trường sư phạm lành mạnh thân thiện, có thầy có trò, có bạn hữu là cần thiết để giúp người trẻ phát triển một cách lành mạnh và cân bằng.
Phần Lan giao quyền tự xây dựng/thay đổi giáo án cho các giáo viên, tự điều chỉnh phương pháp giảng dạy. Liệu sự trao quyền này có phải giải pháp tối ưu trong thời đại "giáo dục Internet" phát triển không?
Thực tế đã chứng minh Phần Lan đã thành công trong giáo dục phổ thông, nhiều nhà nghiên cứu đã kết luận là nhờ vào yếu tố người thầy. Người giáo viên phải được đào tạo và tuyển lựa kỹ lưỡng, người giáo viên là những người hướng dẫn, là nhà giáo dục, nhà sư phạm. Họ là actor chủ động trong lớp nên cần tạo khoảng trống tự do cho họ có thể phát huy hết tiềm năng, họ là những ”kỹ sư tâm hồn” nên họ cần xã hội tin tưởng và tôn trọng.
Người Phần Lan cho rằng để giáo dục tốt thì cần hiểu cặn kẽ từng học sinh từ đó soạn những "giáo án" riêng phù hợp với từng em, mà chẳng ai làm được điều này tốt hơn giáo viên đứng lớp, do vậy cần phải giao quyền rộng rãi cho giáo viên, đương nhiên luôn kèm theo trách nhiệm.
Tuổi sinh viên là tuổi đã trưởng thành, họ có những chiến lược riêng, có những lựa chọn riêng dựa trên suy nghĩ và sự phán đoán của họ. Như đã nói ở trên, mục tiêu của sự học là để có thể sống, làm việc và cho phép phát triển về sau, nếu có những môn học mà các bạn cho là ”thừa thải” không hữu ích gì thì các bạn hãy thông minh vượt qua, để dành thời gian đầu tư cho những gì hữu ích hơn.
Các bạn sinh viên là những chủ thể chủ động mà, đừng ngồi đó chấp nhận số phận đã định đoạt, đã được thiết kế sẵn, hãy là tác nhân chủ động của sự thay đổi.
Chúng ta bắt chước nước ngoài nhiều lắm, tôi không thể liệt kê ra hết được, nhưng xem ra chưa bắt chước đến nơi đến chốn như Nhật, như Hàn đã bắt chước.
Nói thật là tôi sợ khoản ”sáng tạo” riêng khi học hỏi một điều gì đó từ nước ngoài liên quan đến giáo dục hiện nay. Tôi nghĩ rằng, khi học hỏi nền giáo dục của một nước thì phải nghiên cứu một cách sâu sắc cái triết lý, cái logic của họ, đừng bắt chước một cách hời hợt, bắt chước hình thức bên ngoài mà không hiểu cái phông văn hóa và triết lý phía sau, rồi pha chế lung tung và cho đó là sáng tạo.
Hãy nghiên cứu tới nơi tới chốn hoàn cảnh của mình, của người, nghiên cứu về thời cuộc, về viễn cảnh tương lai, rồi đưa ra tầm nhìn, viễn kiến một cách thuyết phục. Sau đó tổ chức tranh biện về những điều đó với các chuyên gia, với dân chúng để nhìn rõ hơn và cũng để có sự đồng thuận, từ đó xây dựng một chương trình cải cách cho hiệu quả dựa trên lý tính, trên khoa học chứ không phân biệt của Phần Lan hay của ai. Nếu Phần Lan có một nền giáo dục xuất sắc, thì đó là thành quả của sự tiến bố của nhân loại, chúng ta hãy mạnh dạn học hỏi họ. Với tôi, giáo dục không thể thoát ly ra khỏi văn hóa, nhưng chính văn hóa cũng đang thay đổi, nếu nền văn hóa không phục vụ cho hạnh phúc của con người, không thúc đẩy sự phát triển thì hãy dũng cảm vượt qua nền văn hóa đó để đi lên.
Trạm Đọc xin cảm ơn anh về buổi trao đổi!
Thực hiện: Đỗ Hiếu - Hải Quỳnh/Trạm Đọc