Định hình Bẫy Cảm Xúc
Ngay khi nhận thức được tình hình, bộ não của bạn lập tức vận hành và đối chiếu sự kiện này với một hệ thống niềm tin (quy chuẩn, kỳ vọng, trải nghiệm…) có sẵn bên trong bạn, từ đó đánh giá sự việc và chỉ đạo bạn đưa ra những phản ứng cảm xúc tương đương. Bạn sẽ cảm thấy tương lai mình thật tuyệt vọng, sẽ bật khóc khi bị mỉa mai và lao đến chửi rủa đứa em ngớ ngẩn. Mọi thứ nghe chừng thật hợp lý, tại thời điểm đó. Nhưng nó chẳng giúp tình hình tốt hơn và bạn sẽ lại là kẻ đêm đêm nằm vắt tay lên trán.
Vấn đề nằm ở đâu? Chính là ở hệ thống các giá trị niềm tin của chính bạn. Cái bạn tưởng là đúng, là lý trí, thực chất lại hết sức bột phát và cảm tính. Đó là lý do khi bạn đắp chăn đau khổ vì bị một công ty từ chối thì vẫn luôn có những người miệt mài nộp đi hàng chục bản CV mỗi tháng. Khi bạn tự ti vì bị chê béo, thì có những người lại lấy đó làm động lực để làm đẹp cho bản thân. Thực chất bản thân việc bị từ chối hay chê bai không tồi tệ, chỉ có bạn tự biến chúng thành điều tồi tệ mà thôi.
Khi ấy, bạn đã mắc phải Bẫy Cảm Xúc. Đó là thế giới của những nỗi lo lắng, tức giận, trầm cảm và hàng ti tỉ những cảm xúc tiêu cực khác. Nó sẽ ăn mòn và giết chết bạn, từ bên trong. Và nó sẽ đẩy bạn, đến những hành động sai lầm sau đó.
Xây dựng lại Niềm tin
Với những minh họa và dẫn dắt dễ hiểu, Thoát khỏi bẫy cảm xúc sẽ giúp bạn học cách tôn trọng và chấp nhận những mặt tốt – xấu của chính bản thân, điều mà ai cũng ngỡ đã tỏ tường nhưng lại chẳng mấy người làm được. Tác giả Daniel Rutley cũng khuyên rằng, bạn hãy bắt đầu từ những bài tập yêu thương nhỏ nhất được ông ghi chép tỉ mỉ ở cuối mỗi chương, và lặp đi lặp lại chúng mỗi ngày.
Khi bạn thực sự chung sống với con người thật của mình, những cảm xúc tiêu cực sẽ chẳng có lý do gì để xuất hiện, ngay cả khi lựa chọn của bạn không mang đến một kết quả lý tưởng. Quá khứ thì không thể thay đổi, nhưng tương lai thì có. Học cách chấp nhận và yêu thương bản thân không phải là cái cớ để bạn xuề xòa với chính mình, mà là để xây dựng một tâm thế tích cực, và sẵn sàng học hỏi từ những điều chưa-hoàn-hảo. Đó, chính là tiền đề lý tưởng để bạn có được một niềm tin lý trí.
Giành lại quyền kiểm soát
Kiểm soát cảm xúc tốt sẽ giúp cải thiện khả năng nhìn nhận và tư duy vấn đề của bạn, giúp bạn đưa ra những quyết định sáng suốt hơn, thay vì để bản thân bị chi phối bởi những cảm xúc phóng đại và tiêu cực. Đó cũng là lý do tại sao bạn là mẫu hình lý tưởng trong các bài trắc nghiệm in trên tạp chí nhưng lại luôn “sống lỗi” ở ngoài đời. Khi trả lời các câu hỏi, bạn không bị xúc cảm dẫn dắt. Bạn nhìn nhận logic hơn và sáng suốt hơn. Nhưng khi đối mặt với thực tế, bạn nhanh chóng trở thành nô lệ của cảm xúc. Bạn sợ hãi. Bạn lo lắng. Bạn tức giận. Bạn không còn coi vấn đề đơn giản như nó đã từng.
Vậy làm thế nào để biến mọi quyết định trong cuộc đời, cũng giản đơn như một bài trắc nghiệm?
Đứng dưới góc độ tâm lý học và cả sinh học, Thoát khỏi bẫy cảm xúc sẽ chỉ rõ cơ chế hình thành cảm xúc trong mỗi con người và bằng cách nào ta có thể làm chủ được từng yếu tố trong cơ chế đó. Từ những yếu tố nội tại đến ngoại cảnh bên ngoài, từ tâm lý cho đến ngôn ngữ cơ thể, tất cả đều tham gia vào quá trình hình thành cảm xúc của bạn. Bạn sẽ thấy ngạc nhiên, khi ngay cả việc ngồi đúng cách, sống đúng nơi hay thay đổi cách dùng chủ ngữ cũng có thể giúp bạn cải thiện khả năng kiểm soát cảm xúc của mình cực hiệu quả.
Không phải là một cuốn sách self-help “ba xu” tầm thường, Thoát khỏi Bẫy cảm xúc của Daniel Rutley gần gũi, dễ hiểu, khoa học và điều quan trọng nhất, là bạn có thể áp dụng được nó ở bất cứ nơi đâu, và bất kỳ thời điểm nào. Bởi cảm xúc luôn nằm sẵn trong con người bạn, và đã đến lúc, để bạn có một cuộc chuyện trò nghiêm túc hơn với nó.
Vân Anh