Ai là người đầu tiên nhận giải Nobel Văn học?
Ai là người đầu tiên nhận giải Nobel Văn học?
Nhưng bạn có biết về NGƯỜI ĐẦU TIÊN NHẬN GIẢI NOBEL VĂN HỌC LÀ AI?

Chúng ta đều biết:

  • Nhà văn Haruki Murakami được mệnh danh là người đàn ông bị Nobel văn học khước từ nhiều nhất.
  • Ca - nhạc sĩ Bob Dylan nhận giải Nobel văn học 2016 trong khi chưa từng phát hành thơ hay tác phẩm văn chương nào trước đó. (Ông có xuất bản sách về hội họa và tranh vẽ của mình)
  • Ernest Hemingway , Kazuo Ishiguro…  đều là những tên tuổi lớn của văn đàn thế giới được xướng tên trong hạng mục trao giải này

 Nhưng bạn có biết về NGƯỜI ĐẦU TIÊN NHẬN GIẢI NOBEL VĂN HỌC LÀ AI?

 Bạn có tìm được đáp án dựa trên những dữ kiện mà Trạm đưa ra dưới đây không? Thử xem nhé:

  • Ông là một nhà thơ người Pháp
  • Nhận giải Nobel văn học vào năm 1901
  • Là một thành viên của Viện Hàn lâm Pháp
  • Tên tuổi của ông sớm được biết đến trên thi đàn Việt từ đầu thế kỷ XX, đặc biệt với bản dịch Chiếc bình vỡ (Le vase brisé) do thi sĩ Đông Hồ chuyển ngữ
  • Ông để lại nhiều dấu ấn trong một bài bài thơ nổi tiếng của tác giả Thơ Mới như Lan Son và Tế Hanh

Người mà Trạm muốn giới thiệu tới bạn đọc hôm nay là thi sĩ Sully Prudhomme (1839 – 1907). Vào năm 1901, Viên hàn lâm Thụy Điển đã vinh danh ông là người đầu tiên nhận giải Nobel Văn học “vì những giá trị văn chương xuất sắc, chủ nghĩa lý tưởng cao cả, nghệ thuật hoàn thiện và sự kết hợp tuyệt vời giữa tình cảm và tài năng”. Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, bên cạnh Thơ ca, ông cũng viết tiểu luận về mỹ học và triết học.

Như đã hé lộ ở trên, ông là một nhà thơ người Pháp, đồng thời cũng là thành viên của Viện Hàn Lâm Pháp. Vào tháng 12/1927, thi sĩ Đông Hồ lần đầu tiên đã cho đăng bản dịch bài thơ “Chiếc bình vỡ” (La vase brisé) trên Nam Phong tạp chí số 124 đã đưa tên tuổi của ông đến gần hơn với bạn đọc Việt thời đó. Trong phong trào Thơ Mới, có thể tìm thấy dấu ấn của Sully trong một vài bài thơ nổi tiếng như bài “La vase brisé” trong “Vết thương lòng” của Lan Sơn và bài “Le Long du Quai” đối với “Những ngày nghỉ học của Tế Hanh.

Này cành “tiên thảo” cắm trong bình,

Bình hoa phải quạt chạm nào mình.

Chạm phải bình hoa khe khẽ nứt,

Nhưng không tiếng động ai hay tình.

 

Gọi là khẽ nứt tí như thế,

Ngày một ngày hai càng thấm thía.

Vết thương thỉnh thoảng ăn sâu vào,

Dần dần nứt quanh cả bốn phía.

 

Thánh thót bên bình giọt nước rơi,

Nhị nhạt, hương phai, hoa hết tươi;

Nỗi ấy người đời ai có biết,

Chớ động! bình kia đã vỡ rồi!

 

Thường tình người ta có khác chi,

Phải tay người yêu chạm đến khi;

Chạm đến quả tim tê tái vỡ,

Hoa “ái tình” kia cũng héo đi.

 

Trông vẫn còn nguyên ai biết đâu,

Vết thương kia nhỏ nhưng mà sâu;

Lan dần, dần thấm đến giọt lệ,

Bình vỡ! ai ôi! chớ động vào!

- Chiếc bình vỡ - Đông Hồ dịch

 Một số tác phẩm của ông được các nhạc sĩ nổi tiếng của Pháp như César Franck, Gabriel Fauré, Charles Gounod, Louis Vierne phổ thành nhạc.

 Tại Việt Nam, Đông A đã phát hành ấn phẩm Sully Prudhomme - Thi khúc và Thi phẩm là bản dịch trọn vẹn tập thơ đầu tay của ông mang tên Stances et Poèmes. Tập thơ được chia làm hai phần, bao gồm 103 bài nằm trong phần đầu Stances (Thi khúc) và 14 bài ở phần sau Poèmes (Thi phẩm), được chuyển ngữ bởi Trân Châu, Đạt Nhân và Khắc Đỗ.

 Một số thông tin thú vị khác liên quan đến Nobel Văn học mà bạn có thể quan tâm:

  • Cho đến nay tác giả lớn tuổi nhất được nhận Giải Nobel Văn học là Doris Lessing, nữ nhà văn người Anh này đã 88 tuổi khi được công bố là người nhận giải năm 2007. Còn người trẻ nhất được nhận giải là Rudyard Kipling, ông 42 tuổi khi nhận giải năm 1907.
  • Người nhận Giải Nobel Văn học sống thọ nhất cho đến nay là Bertrand Russell, ông qua đời năm 97 tuổi. Còn người chết trẻ nhất trong số những người đoạt giải là nhà văn Pháp Albert Camus, ông qua đời sau một tai nạn ô tô năm 46 tuổi, chỉ ba năm sau khi được nhận giải Nobel.
  • Cho đến nay sau khi hơn 100 tác giả đã được trao Giải Nobel Văn học thì mới chỉ có 16 phụ nữ được nhận vinh dự này, đó là Selma Lagerlöf (1909), Grazia Deledda (1926), Sigrid Undset (1928), Pearl S. Buck (1938), Gabriela Mistral (1945), Nelly Sachs (1966), Nadine Gordimer (1991), Toni Morrison (1993), Wisława Szymborska (1996) và Elfriede Jelinek (2004), Doris Lessing (2007), Herta Muller (2009), Alice Munro (2013), Svetlana Alexievich (2015), Olga Tokarczuk (2018) và Louise Glück (2020).

 Trạm Đọc tổng hợp

Tags: