Anh Đoàn Công Huynh nguyên là Tổng biên tập Báo Hoa Học Trò, Báo Tiền Phong và nguyên là Cục trưởng Cục đối ngoại Bộ Thông tin & Truyền thông.
Trong giới báo chí, anh Đoàn Công Huynh được biết đến với vai trò là người có công gầy dựng và phát triển tờ báo Hoa Học Trò từ những ngày sơ khai đầy chông gai đến đỉnh cao thành công. Chia sẻ hiếm hoi của anh về quá trình này nhân dịp kỷ niệm 30 năm báo Hoa Học Trò vào năm 2021 vừa qua khiến những người làm nghề, đặc biệt là lãnh đạo các tờ báo tại Việt Nam học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý giá từ anh. Với độc giả thuộc lứa tuổi trưởng thành hiện tại, anh Huynh chính là anh Chánh Văn nổi tiếng khi xưa, “ông chủ” của Văn phòng “Di vu” Hoa Học Trò, chuyên gia gỡ rối tuổi trăng náu, trăng tròn, trăng xế.Về chủ đề đọc sách và những cuốn sách yêu thích của bản thân, anh chia sẻ:
Trạm đọc có hỏi tôi về 5 cuốn sách truyền cảm hứng/ có ảnh hưởng nhất đối với tôi. Đề nghị này coi vậy mà không phải dễ trả lời. Tôi nghĩ, người ta lớn lên, đi học, ai cũng phải gắn bó với sách vở. Phải đọc (sách) và chép (vở). Người xưa gắn chuyện học hành với từ “bút nghiên” thì mới chỉ thiên về chép (vở) mà chưa chú trọng về đọc (sách).
Do đó đọc sách trước hết là để học, là việc bắt buộc. Đọc sách không chỉ là thoả mãn khoái thú, mà để phục vụ việc học, là sách giáo khoa, giáo trình, là kĩ năng sống, là triết học, tôn giáo, là chính trị kinh tế học… Đó là loại sách mà phải chấp nhận “đọc đau đớn”. Tôi xin phép sẽ chia sẻ một bài dài về đọc sách vào dịp sau.
Còn bây giờ, tôi xin trả lời về việc “đọc sách không đau đớn”, những cuốn sách hấp dẫn lôi cuốn mình tự nhiên. Đó là những cuốn sách mà tôi thích đọc, và đọc đi đọc lại hoài. Và nếu phải chỉ ra số lượng 5 cuốn thì là những cuốn này:
Trước hết, thích là thích, vậy đã. Có thể đó là do cách viết, do thái độ nhà văn, và do tư tưởng nhà văn nữa.
Mà nói là 5 cuốn nhưng thực ra là hơn 5 cuốn.
Chẳng hạn, tôi thích kiểu thái độ của Lão Tử, tôi thích cách viết của cuốn Đạo Đức Kinh. Nó giúp tôi nên sống thế nào, để rồi thôi khỏi phải vật vã tìm kiếm ý nghĩa sống mà từng tìm mãi chưa ưng. Và kèm theo Đạo Đức Kinh của Lão Tử là một loạt cuốn sách trong hệ sinh thái “tìm kiếm ý nghĩa” này: cuốn Kinh thánh tân ước, cuốn Đức Phật lịch sử của M. O' C. Walshe, và bộ sách của Nguyễn Duy Cần (Thuật xử thế của người xưa, Cái dũng của thánh nhân…)
Cũng vậy, Bố già là một cuốn sách rất lôi cuốn để hiểu về quá trình luật pháp nước Mĩ. Kèm với hệ sinh thái Bố già tôi cũng thích bộ sách khác của Vũ Tài Lục (Thủ đoạn chính trị, Quốc tế chính trị, Thân phận trí thức…)
Đôn Ki-hô-tê hay Đông Ki-xốt (Don Quixote) và Harry Potter được thích trước hết đó là những kiệt tác, viết rất hấp dẫn, lôi cuốn kì lạ. Nó giúp ta bay bổng trí tưởng tượng nhưng cũng giúp xác định lẽ sống, lí tưởng sống rất sâu sắc. Cùng đó là sự trưởng thành về mặt tư tưởng của mỗi con người, đại khái ở tuổi 20 mà không có lí tưởng lãng mạn thì là không có trái tim, nhưng ở tuổi 40 mà vẫn còn lí tưởng lãng mạn thì không có trí óc, là xách động, là nhiệt vọng, là làm tan nát cấu trúc xã hội…
Tam quốc diễn nghĩa là một bộ sách bạn có thể đọc rách nhiều bộ nên phải mua nhiều lần. Trước in 6 tập nay in 13 tập. Mỗi lần chuyển công tác, thay đổi công việc hay đứng trước những bước ngoặt nào đó tôi thường lôi bộ sách này ra đọc. Để giải trí và để cho khoái hoạt, vậy thôi, chẳng vì mục đích gì, nhưng rất khoái thú. Đó là câu chuyện lớn của đời người sinh ra và đi lại trong cõi thiên hạ. Cùng với hệ sinh thái cuốn sách Tam quốc này là Thuỷ Hử, Hán Sở tranh hùng, Đông Chu liệt quốc… Đọc để biết chính trị khu vực, đọc để trả lời một câu hỏi nên là vương đạo hay bá đạo, cái gì là nên là được…
- Việt Hà ghi