3 cuốn sách của Michael Sandel, Triết gia Harvard trứ danh
3 cuốn sách của Michael Sandel, Triết gia Harvard trứ danh
Trạm đọc (Read Station) trân trọng giới thiệu tới bạn đọc 3 cuốn sách của Michael Sandel, Triết gia Harvard trứ danh
Tiền không mua được gì
(36 lượt)
Phải trái đúng sai
(138 lượt)
Nếu mới bắt đầu tìm hiểu triết học, tôi nghĩ Phải trái đúng sai là sẽ là một lựa chọn chắc chắc bạn phải thử qua. Tài năng của Sandel là ở chỗ ông có thể giải thích những vấn đề cực kì phức tạp như Đạo đức học của Kant cho một đứa học sinh cấp 2 cũng có thể hiểu được và cảm thấy não bị kích thích. Cũng chính vì vậy mà lớp học Justice của ông tại Harvard được ghi dấu là một trong lớp học phổ biến nhất trong lịch sử trường. Hãy thử bắt đầu với một ví dụ trong cuốn sách của ông:
 

 

Cuốn 1: Phải trái đúng sai 

Vào mùa hè năm 1884, bốn thủy thủ người Anh bị đắm tàu giữa biển Nam Đại Tây Dương, cách xa đất liền hàng nghìn dặm. Vì con tàu Mignonett của họ đã bị một cơn bão nhấn chìm nên họ buộc phải chuyển sang chiếc thuyền cứu sinh, chỉ có hai hộp củ cải muối và không có nước ngọt. Thomas Dudley là thuyền trưởng của tàu, Edwin Stephens là thuyền phó và Edmund Brooks là thủy thủ–“tất cả đều là những nhân cách tuyệt vời,” theo lời kể của một tờ báo.
 
Thành viên thứ tư của đoàn là cậu bé bồi tàu (cabin boy), tên là Richard Parker, 17 tuổi. Câu mồ côi từ nhỏ và đây là chuyến đi biển dài ngày lần đầu tiên của cậu. Ra đi bất chấp lời khuyên của bạn bè, với lòng đam mê khám phá thế giới của tuổi trẻ, cậu cho rằng chuyến đi này sẽ biến mình thành một người đàn ông thực thụ. Thật buồn, mọi chuyện không như cậu hi vọng.
 
Trong ba ngày đầu tiên, 4 người đã ăn hết một hộp củ cải. Ngày thứ tư, họ may mắn bắt được một con rùa và sống sót được thêm vài ngày cùng hộp củ cải còn lại. Đến ngày thứ tám, họ không còn gì để ăn. Parker, cậu bé bồi tàu, đang nằm gọn trong 1 góc thuyền, phát bệnh vì đã uống nước biển, bất chấp lời khuyên của 3 người lớn. Cậu ta dường như sắp chết.
 
Tới ngày thứ mười chín, Dudley, người thuyền trưởng, gợi ý mọi người nên bốc thăm để quyết định xem ai sẽ chết để những người còn lại sẽ được sống. Tuy nhiên, Brooks đã từ chối và vì vậy, cuộc bốc thăm không được diễn ra.
 
Đến ngày tiếp theo vẫn không thấy bóng dáng một chiếc tàu nào. Dudley nói với Brooks hãy tránh mặt đi và ra hiệu cho Stephens rằng Parker phải bị giết. Dudley cầu nguyện, và nói với cậu bé rằng thời khắc của cậu đã đến, và dùng giao đâm thẳng vào tĩnh mạch cổ của cậu bé. Trong bốn ngày tiếp theo, họ ăn thịt và uống máu cậu bé bồi tàu để sống sót.
 
Và rồi Chúa cũng đã rủ lòng thương. Dudley miêu tả cảnh được cứu vớt trong nhật kí của mình với uyển ngữ: “Vào ngày thứ 24, khi chúng tôi đang có bữa ăn sáng,” một con tàu cuối cùng cũng xuất hiện. 3 thủy thủ được cứu sống. Sau khi trở về nước Anh, họ bị bắt giữ và đưa ra xét xử. Brooks trở thành nhân chứng. Dudley và Stephens bị đưa ra trước tòa. Họ thẳng thắn thừa nhận rằng họ đã giết và ăn thịt Parker. Tuy nhiên, họ nói với quan tòa và dân chúng rằng họ làm vậy vì tình huống ngặt nghèo khiến họ không thể làm khác.
 
Hãy giả sử bạn là quan tòa. Để đơn giản hóa vấn đề, hãy đặt ra một bên các vấn đề pháp luật, và bạn được hỏi liệu hành vi giết Parker có chấp nhận được về mặt đạo đức hay không? Có hay không và vì sao?
 
Đây là lí do của những người bảo vệ Dudley và Stephens. Giết người là sai, tuy nhiên trong một số trường hợp, nó có thể được cho phép.
 
1. Trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, việc giết một người để cứu ba người là một hành động cần thiết. Nếu không ai bị giết, và dùng làm đồ ăn, cả bốn người đều sẽ chết. Parker, yếu đuối và kiệt quệ, là một người hiến sinh hợp lí nhất. Và không như Dudley và Stephens, cậu bé không có người thân. Cái chết của cậu ta không ảnh hưởng đến ai và cũng không để lại sự thương tiếc cho vợ và con.
 
2. Dudley và Stephens không có chủ ý giết Parker. Trong những hoàn cảnh bình thường, không đời nào họ lại giết cậu bé bồi tàu nhanh nhẹn, và nếu họ giết, việc kết tội họ không có gì phải bàn cãi. Nhưng trong tình huống này, họ chỉ giết Parker vì cậu bé đằng nào cũng sắp chết.
 
Bạn cho rằng Dudley và Stephens có tội hay không? Và tại sao? Nếu Parker đồng ý làm anh hùng tự nguyện hiến tế mạng sống của mình, Dudley và Stephens còn có tội hay không? Nếu có một cuộc bốc thăm công bằng diễn ra, và Parker thua, liệu việc giết Parker có còn đúng hay không? Nếu Parker đã chết, và những người kia sống sót bằng việc ăn xác của Parker, liệu họ có tội hay không?

 

Cuốn 2: Tiền không mua được gì?

 

Năm 1979, Trung Quốc bắt đầu áp dụng chính sách một con để kìm hãm sự gia tăng dân số. Ở các thành phố lớn, những ai vi phạm sẽ bị phạt tiền lên tới 700 triệu đồng, dù số tiền đó không đáng kể với những gia đình giàu có. Chuyện kể rằng có một bà vợ đang mang bầu và ông chồng đã đến thẳng văn phòng quản lý sinh đẻ, ném thẳng 700 triệu lên bàn và nói. "Tiền đây. Chúng tôi cần chăm sóc đứa con tương lai của mình."
 
Vì vậy, các quan chức kế hoạch hóa gia đình cần phải tìm những cách khác để đối phó với giới “không thiếu tiền để nộp phạt” này. Ví dụ, với các ca sĩ thì họ cấm biểu diễn trên truyền hình quốc gia, với các giám đốc doanh nghiệp thì cấm không được kí hợp đồng với nhà nước, đồng thời kèm theo tuyên truyền, bôi xấu những người đẻ quá chỉ tiêu trên TV, báo chí.
Liệu chúng ta có thể áp dụng một giải pháp thị trường vào chuyện sinh đẻ này để giải quyết vấn đề một cách văn minh hơn không?
 
Năm 1964, nhà kinh tế học người Anh Kenneth E. Boulding đề xuất một thí nghiệm giả tưởng, áp dụng nguyên tắc thị trường để giải quyết vấn đề gia tăng dân số. Mỗi cô gái đến tuổi trưởng thành sẽ được cấp một coupon, trao cho người sở hữu quyền được có từ 1, 2, 3 con (tùy vào các nước.)
 
Nếu người giàu muốn có nhiều con hơn, họ có thể mua các phiếu đó từ những người nông dân nghèo, các chị giúp việc, những người muốn sống độc thân...Hệ thống này còn có tác động giảm thiểu sự chênh lệch thu nhập giàu-nghèo bằng cách mang lại cho người nghèo một nguồn thu nhập mới từ việc bán đi quyền được đẻ của mình.
 
Nếu nhìn ở góc độ toàn cầu, chúng ta có thể thiết lập một hệ thống mua bán coupon sinh đẻ giữa các quốc gia với nhau. Các nước như Trung Quốc, Ấn Độ muốn đẻ nhiều, có thể mua các coupon này từ các nước có nhu cầu thấp như các nước Bắc Âu, Nhật Bản.
 
Bạn nghĩ gì về việc áp dụng những giải pháp thị trường vào trong những lĩnh vực mới mẻ này? Có vấn đề gì nếu chúng ta áp dụng coupon cho quyền được đẻ của mỗi người phụ nữ? Thứ nhất, với hệ thống quota 1 con cho tất cả mọi người như đang được áp dụng lâu nay ở Trung Quốc (mới chuyển sang 2 con vào năm 2015), thì chính sách cũ đã cưỡng ép một nhu cầu tự nhiên vô cùng cơ bản của con người. Chính sách mới, tuy cũng giới hạn số lượng em bé được sinh ra trên đầu người, nhưng họ được tự do sử dụng quyền được sinh đẻ đó để kiếm lợi nhuận.
 
Thứ hai, nếu nhìn từ lí luận kinh tế, chính sách coupon rõ ràng mang đầy tính ưu việt. Cả 2 đều vui vẻ và được lợi sau khi giao dịch. Người giàu được đẻ thêm con, người nghèo được có thêm tiền. Cần phải nhắc lại ở đây là hệ thống này sẽ tự do như việc chúng ta mua rau ngoài chợ. Không ai ép được bạn mua rau của người này, cũng như không ai ép được người nghèo phải bán quyền có con của họ cả.
 
Nhưng dường như vẫn có cảm giác gì đó không ổn khi người ta mua bán quyền có con với nhau? Chính xác thì nó là gì? Tại sao 160/221 quốc gia vẫn ra luật cấm mại dâm mà không thể mọi người tự do kinh doanh ‘cơ quan sinh dục” của họ? Tại sao rất nhiều chính phủ vẫn cấm việc mua bán thận? Tại sao chúng ta không trao quyền nhận con nuôi cho người trả giá cao nhất?
 

 

Cuốn 3: Một điển phạm về sự phản hoàn mỹ

 

 
Có một cặp đôi đồng tính muốn có con, nhưng yêu cầu khi sinh ra nó phải bị điếc. Lí do là vì họ đều bị điếc, và muốn đứa con sinh ra cũng giống mình. Với họ, điếc không phải là một khuyết tập mà là một niềm tự hào. Họ đi tìm người hiến tinh trùng với điều kiện người đàn ông đó phải bị điếc, và 5 thế hệ trong gia đình anh ta cũng bị điếc nốt. Sau một thời gian, họ tìm được người phù hợp và họ đã thành công. Đứa trẻ sinh ra bị điếc.
 
Câu hỏi: Họ làm đúng hay sai? Đây chỉ là một ví dụ nhẹ nhàng so với những gì mà ngành công nghệ Gene có thể cho phép chúng ta “tùy biến hóa” đứa trẻ trong tương lai. Ở Trung Quốc, các nghiên cứu đã và đang được thực hiện để giúp các bố mẹ có thể điều chỉnh đứa con mình trước khi chúng được được sinh ra, ví dụ việc chọn lọc giới tính, loại bỏ 1 số gene gắn với một số bệnh ung thư và tương lai là chiều cao, IQ, tính cách...
 
Nếu công nghệ cho phép, liệu bạn có muốn “thiết kế” đứa con của mình không? Chẳng phải, ai cũng muốn con mình cao hơn, dáng chuẩn hơn, thông minh hơn, nhanh nhẹn hơn...hay sao?
 
Đây là một trong những ví dụ về việc nâng cấp con người, một việc chúng ta vẫn làm từ hàng triệu năm nay (hãy nghĩ đến quần áo, giầy dép, kính đeo mắt...), nhưng với sự phát triển của công nghệ, lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta có thể tác động sâu vào “bản thiết kế kiến trúc” và hướng tới một tương lai “hậu con người”.
Nhưng rủi ro tiềm tàng của cuộc chạy đua hướng đến sự hoàn hảo này là gì?
 
3 cuốn sách của giáo sư triết học trứ danh của Harvard, Michael Sandel sẽ đưa bạn tiếp cận những câu hỏi khó nhất của nhân loại thông qua các ví dụ cực kì thú vị và gần gũi. Cái tài của Sandel là ông có thể những giải thích những vấn đề cực kì phức tạp trong triết học một cách dễ hiểu và hấp dẫn đến mức não của bạn luôn bị kích thích để đặt thêm các câu hỏi. Ngoài ra, bản tiếng Anh của 3 cuốn sách đều rất dễ đọc, lập luận rất rõ ràng, rành mạch, thậm chí nhiều chỗ còn dễ đọc hơn tiếng Việt, nếu bạn khá tiếng Anh một chút.
 
Trạm đọc (Read Station)