Toạ đàm
Toạ đàm "Trong khi chờ đợi Godot" được tổ chức
Tối ngày 25 tháng Ba, tại Viện Pháp Hà Nội, buổi toạ đàm về tác phẩm "Trong khi chờ đợi Godot" được tổ chức, thu hút đông đảo khách mời tham gia.
Theo Nhã Nam, buổi tọa đàm giới thiệu tác phẩm Trong khi chờ đợi Godot của Samuel Beckett tại L'espace có một chút thay đổi so với dự kiến, vì một trong số các diễn giả - Tiến sĩ Nguyễn Vũ Hưng, người bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Paris VIII với đề tài "Nhận thức và ngôn ngữ Beckett", đã không thể bay từ Paris về để tham gia như kế hoạch ban đầu do dịch bệnh Covid. Cuối cùng, ban tổ chức buộc phải chuyển sang phương án tổ chức một sự kiện "bán Zoom", với hai diễn giả tại chỗ và một diễn giả từ xa.
 
Với một tác phẩm rất khó tiếp cận như Trong khi chờ đợi Godot, việc số lượng độc giả đến tham gia khá đông và thảo luận sôi nổi là một điều tương đối bất ngờ với ban tổ chức. Như Tiến sĩ Nguyễn Quyên nhận xét, thời chị học đại học trong nước, Beckett vẫn chưa được đưa vào giảng dạy, và ở Việt Nam cũng có rất ít chuyên gia nghiên cứu về Beckett. Đối với phần đông độc giả, Trong khi chờ đợi Godot vẫn là một ''tảng đá khó nhằn", khó tiếp nhận.
 
Hình ảnh trong buổi toạ đàm tối ngày 25/3. Ảnh: Nhã Nam
BTV Trần Trung Quân, người phụ trách biên tập tác phẩm, cho biết, khi nhận bản thảo này, anh và các đồng nghiệp cũng đã trao đổi khá kỹ lưỡng về việc nên thống nhất văn phong như thế nào, đồng thời cũng đã tham khảo một số bản dịch trước đó.
 
Bắt đầu bằng việc tóm tắt nội dung vở kịch, các diễn giả dần đi vào điểm qua một vài nội dung chính về thân thế và các cột mốc chính trong sự nghiệp sáng tác của Beckett, mối quan hệ giữa Beckett và Joyce, lý do Beckett chuyển sang viết tiếng Pháp thay vì tiếng Anh (ông là người Ireland) và ảnh hưởng của quyết định đó tới sự thăng hoa trong sự nghiệp sáng tác sau này; lý thuyết về kịch phi lý, quan điểm của Beckett với triết học hiện sinh và triết học nói chung; bình chú của một số chuyên gia, nhà nghiên cứu về vở kịch.
 
Với những chủ đề kể trên, buổi toạ đàm về tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người tham gia.
 
Khách mời của toạ đàm
Trong khi chờ đợi Godot được xem là "vở kịch đơn giản nhất, khó hiểu nhất mọi thời đại"Vở kịch gồm 2 hồi. Ở hồi 1, hai nhân vật Vladimir và Estragon gặp nhau bên một cái cây trụi lá, trên một con đường ở nông thôn vào buổi chiều muộn. Họ chờ đợi một người tên là Godot. Trong lúc chờ đợi, họ tán chuyện, ăn, rủ nhau treo cổ lên cái cây. Họ gặp Pozzo - một ông chủ có vẻ tàn bạo ngang ngược, và Lucky - một lão bộc trông già nua khốn khổ. Godot cử một cậu bé tới nhắn rằng hôm đó ông ta không đến nhưng nhất định hôm sau sẽ đến. Hồi 2 của vở kịch không hẳn là giống hệt hồi thứ nhất, nhưng cơ bản các chuỗi hành động vẫn lặp lại như vậy, các sự kiện xảy ra cũng tương tự. Cũng vào chiều muộn như thế, cũng vẫn chỗ cũ, chỉ khác là cây đã có vài cái lá, Vladimir và Estragon vẫn đợi, đùa cợt, nhảy nhót, nói liên thiên. Họ lại gặp Pozzo và Lucky. Godot gửi một người đưa tin đến - vẫn là cậu bé hôm qua - báo rằng mình sẽ không đến. Hai kẻ đợi chờ định treo cổ nhưng dây đứt. Họ tuyên bố sẽ rời đi, nhưng vẫn không hề nhúc nhích.
 
Không vở kịch nào có tác động mạnh mẽ ở thế kỷ hai mươi như Trong khi chờ đợi Godot của Samuel Beckett. Chính vở kịch đầu tay này đã đưa tên tuổi Beckett trở nên nổi tiếng khắp thế giới.
Tác phẩm "Trong khi chờ đợi Godot" xuất bản bởi Nhã Nam
Trong khi chờ đợi Godot là một cột mốc đỉnh cao của kịch nghệ thế kỷ hai mươi, vì nó khiến ta choáng váng trước sự thực rằng con người có thể buồn chán đến nhường nào.
 
Sau bấy nhiêu năm, có lẽ cũng không ai khái lược được tác phẩm chính xác bằng một câu thoại của nhân vật Estragon: Không có gì xảy ra, không có ai đến, không có ai đi, thật là kinh khủng. Đó là một vở kịch trống rỗng về sự trống rỗng.
 
Khi giám đốc sản xuất của phiên bản chuyển thể sân khấu đầu tiên của Trong khi chờ đợi Godot thắc mắc với Samuel Beckett rằng Godot bí ẩn đại diện cho điều gì, nhà soạn kịch đã thủng thẳng đáp lời: Tôi mà biết Godot là cái gì thì tôi đã nói ra rồi.
 
Chúng ta có thể đọc tác phẩm theo rất nhiều trường phái, nhưng sẽ ra sao nếu nó chỉ là một câu chuyện để chính những người đọc giết thời gian, một đường tắt để thời gian trôi nhanh hơn, lừa ta lặn ngụp vào một vở kịch vô nghĩa hòng lùng tìm những điều có nghĩa?
 
- Theo Hiền Trang/ Tạp chí Tia Sáng.
 
 
Tags: