Nếu bạn cần một chút cảm hứng để bắt đầu một sở thích mới giúp bạn “chữa lành” thì hãy tham khảo cách chữa lành của 15 tác giả nổi tiếng dưới đây nhé!
1/ Agatha Christie thích khảo cổ học
Nhà văn chuyên viết truyện trinh thám người Anh Agatha Christie có một cuộc đời khá phiêu lưu. Năm 1930, bà kết hôn với nhà khảo cổ học nổi tiếng Max Mallowan.
Bà cùng ông đi khắp Trung Đông và hỗ trợ ông trong các cuộc khai quật khảo cổ. Những trải nghiệm trong những chuyến đi ấy đã truyền cảm hứng cho một số tiểu thuyết của bà: “Hẹn với thần chết”, “Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông” và “Tận cùng cái chết”.
Trong cuốn hồi ký “Come, Tell Me How You Live”, Agatha kể lại trải nghiệm trong một cuộc khai quật khảo cổ ở Syria và chia sẻ những bức ảnh ghi lại chuyến đi của mình.
2/ Victor Hugo ban đầu chỉ vẽ chơi, ai dè lại là họa sĩ thực thụ
Nổi tiếng với tiểu thuyết “Những người khốn khổ” và “Thằng gù nhà thờ Đức Bà”, nhà văn người Pháp Victor Hugo cũng là một họa sĩ tài năng, đã vẽ hơn 4.000 bức vẽ trong suốt cuộc đời của mình.
Lúc đầu, Hugo chỉ coi hội họa như một trò tiêu khiển, nhưng cuối cùng ông theo đuổi nó một cách nghiêm túc hơn và tranh của ông được các họa sĩ hàng đầu trong thời đại của ông ca ngợi. Tuy nhiên, ông thường chỉ chia sẻ những bức tranh của mình một cách riêng tư vì sợ chúng có thể làm lu mờ những thành tựu văn học của ông.
Nhiều nhà văn nổi tiếng khác cũng có chung niềm đam mê hội họa như Hugo. Chẳng hạn như nhà thơ người Mỹ E. E. Cummings vẽ hàng ngày, tạo ra một khối lượng lớn tác phẩm gồm khoảng 1.600 bản phác thảo, bản vẽ, màu nước và tranh sơn dầu.
Các nhà văn khác như J. R. R. Tolkien, T. S. Eliot, William Faulkner, Rudyard Kipling, Beatrix Potter và William Makepeace Thackery cũng đã tự vẽ minh họa cho các tác phẩm văn học của mình.
3/ Sylvia Plath thích nuôi ong
Năm 1962, nhà văn, nhà thơ người Mỹ Sylvia Plath và chồng bà, Ted Hughes (cũng là một nhà văn thành công), quyết định theo nghề nuôi ong. Cha của Plath, Otto, từng là một nhà côn trùng học chuyên về ong. Trong một lá thư gửi mẹ vào tháng 6, Plath viết rằng:
“Hôm nay, chúng con đã trở thành những người nuôi ong. Chúng con đã đi dự cuộc gặp mặt ở địa phương vào tuần trước. Tất cả đều phải đeo mạng chắn ong và điều này thật hồi hộp. Ông Pollard còn cho chúng con một tổ ong cũ, và chúng con đã sơn nó màu trắng và xanh lá cây. Ông ấy còn vừa mang đến một đàn ong lai Ý rất ngoan mà chúng con đã đặt hàng trước đó… Con thấy mình hơi vụng nhưng sẽ cố gắng đọc và học tất cả những gì có thể về nghề nuôi ong.”
Không lâu trước khi qua đời, Plath đã viết một loạt năm bài thơ về loài ong, lấy cảm hứng từ trải nghiệm nuôi ong của bà.
4/ Emily Dickinson thích làm bánh, thậm chỉ còn giật giải về làm bánh
Emily Dickinson, một nhà thơ người Mỹ, thích dành thời gian của mình trong bếp. Thậm chí, có thể gọi bà là thợ làm bánh thành đạt, bà đã giành được vị trí thứ hai tại Triển lãm Gia súc Amherst năm 1856 cho ổ bánh mì tròn Ấn Độ và lúa mạch đen.
Dickinson thích nướng bánh cho gia đình và bạn bè, thậm chí còn thả giỏ bánh từ cửa sổ xuống cho trẻ em hàng xóm ở con phố bên dưới. Trên mặt sau của các công thức nấu ăn và giấy gói thực phẩm, bà viết nguệch ngoạc những dòng thơ.
5/ Leo Tolstoy chơi cờ vua xả stress
Nổi tiếng nhất với tiểu thuyết “Chiến tranh và Hòa bình”, nhà văn Nga Leo Tolstoy cũng là một người đam mê cờ vua. Khi còn là một cậu bé, ông đã học chơi cờ và cẩn thận ghi lại những ván đấu của mình.
Người viết tiểu sử của ông, Aylmer Maude, người mà ông thường chơi cùng, nhận xét rằng Tolstoy “không học từ sách vở nhưng đã chơi cờ rất nhiều, rất lanh lợi và khéo léo”.
6/ Ernest Hemingway ngao du đây đó để “chữa lành”
Ernest Hemingway thích dành thời gian ở ngoài trời, săn bắn và câu cá. Ông đã tham gia một số chuyến đi săn ở Châu Phi và cũng là một ngư dân ở Carribean. Năm 1935, ông câu được con cá marlin lớn nhất từ trước đến nay.
Những cuộc phiêu lưu của ông là nguồn cảm hứng cho nhiều cuốn sách và truyện ngắn của ông, và Hemingway được cho là đã từng nói rằng: “Để viết về cuộc đời thì trước hết bạn phải sống với nó”. Và chắc chắn, ông đã “sống” cuộc đời của mình.
7/ Jack Kerouac nếu không trở thành nhà văn thì có lẽ sẽ là một vận động viên
Khi còn là một thiếu niên, tiểu thuyết gia và nhà thơ người Mỹ Jack Kerouac đã phát minh ra một số môn thể thao giả tưởng. Ông ấy tiếp tục chơi trò chơi bóng chày giả tưởng của mình ngay cả khi đã trưởng thành và ghi đầy sổ tay những số liệu thống kê và phân tích chi tiết.
Một bài báo trên tờ New York Times giải thích: “Ông ám ảnh với việc chơi một trận bóng chày do mình sáng chế, lập biểu đồ thành tích của những cầu thủ tưởng tượng như Wino Love, Warby Pepper, Heinie Twiett, Phegus Cody và Zagg Parker, và các đội được đặt tên theo các hãng xe (ví dụ: Pittsburgh Plymouths và New York Chevvies) hoặc theo màu sắc (ví dụ: Boston Grays và Cincinnati Blacks).”
Bản thân Kerouac là một vận động viên tài năng. Ông chơi bóng đá khi đang theo học tại Đại học Columbia và viết bài về thể thao cho tờ báo sinh viên.
8/ Madeleine L’Engle tìm đến những phím đàn để thoát khỏi bế tắc
Nhà văn người Mỹ Madeleine L'Engle nổi tiếng với tiểu thuyết dành cho giới trẻ và cuốn sách “Nếp gấp thời gian” từng đoạt giải thưởng Newberry. Bất cứ khi nào L'Engle thấy mình gặp khó khăn trong việc viết văn, bà sẽ chơi piano.
Trong một bài phỏng vấn, bà đã giải thích:
“Chơi piano đối với tôi là một cách để thoát khỏi bế tắc. Nếu tôi gặp khó khăn trong cuộc sống hoặc trong những gì tôi đang viết, nếu có thể, tôi sẽ chơi piano. Nó giúp tôi phá vỡ rào cản giữa ý thức và tiềm thức. Ý thức muốn tiếp quản và không chịu để tiềm thức, trực giác làm việc. Vì vậy, nếu tôi chơi piano, điều đó sẽ phá vỡ rào cản ấy, và trực giác của tôi sẽ tự do giao phó mọi thứ cho tâm trí, trí tuệ của tôi. Vì vậy, nó không chỉ là một sở thích. Đó là một cách tận hưởng.”
9/ Flannery O'Connor thích nghiên cứu nông nghiệp
Được biết đến với phong cách viết Gothic miền Nam, Flannery O'Connor cũng là một nhà nông học tận tâm. Khi còn trẻ, bà đã nuôi gà, trong đó có một con có thể đi lùi. Cô bé O'Connor sáu tuổi và chú gà cưng khác thường thậm chí còn trở thành tin tức thời sự.
Năm 1952, bà mang những con công và gà mái đầu tiên đến trang trại của mình ở Georgia.
O'Connor đã viết về tình yêu của mình với những con công trong bài tiểu luận "Sống chung với một con công" năm 1961. Bà nói rằng: “Tôi sẽ giữ vững lập trường và hãy để những con công sinh sôi nảy nở, vì tôi tin chắc rằng, những lời cuối cùng sẽ thuộc về chúng.” Hình ảnh con công cũng thường xuất hiện trong truyện ngắn của bà.
10/ Mark Twain thử sức trong lĩnh vực phát minh
Là bạn của Nikola Tesla và Thomas Edison (thậm chí còn xuất hiện trong một trong những bộ phim của Edison), nhà văn người Mỹ Mark Twain cũng đã thử sức mình trong lĩnh vực phát minh.
Ông đã được cấp bằng sáng chế cho ba phát minh khác nhau: dây đai có thể điều chỉnh và tháo rời cho hàng may mặc (ngày nay thường được sử dụng cho áo ngực), sổ tay có keo tự dính (khi cần dán vật gì thì chỉ cần bôi nước vào phần keo đấy), và một trò chơi giáo dục có tên là “công cụ xây dựng trí nhớ”. Phát minh sổ lưu niệm của ông đặc biệt thành công và bán được hơn 25.000 cuốn.
11/ P. G. Wodehouse nghĩ giá như mình chơi golf sớm hơn
Tác giả người Anh P. G. Wodehouse đã viết 25 truyện ngắn về chơi golf, tất cả đều được kể lại bởi một nhân vật tên là The Oldest Member.
Wodehouse đã từng viết: “Bất cứ khi nào bạn nhìn thấy tôi với cặp lông mày nhíu lại, bạn có thể chắc chắn rằng điều tôi đang nghĩ là ‘Giá như tôi chơi golf sớm hơn và dành toàn bộ thời gian cho nó thay vì loay hoay viết truyện các thứ’, lẽ ra tôi đã có thể giảm điểm kép (handicap) của mình xuống dưới 18.”
12/ H. G. Wells thích các trò chơi chiến đấu giả lập
Năm 1913, tác giả khoa học viễn tưởng người Anh H. G. Wells đã xuất bản “Little Wars” một trong những cuốn sách đầu tiên (có kèm ảnh) hệ thống hóa một bộ quy tắc cho trò chơi chiến đấu. Wells nhận xét: “Bạn chỉ cần chơi ở Little Wars ba hoặc bốn lần để nhận ra Great War là một điều ngớ ngẩn đến mức nào.”
Nhà văn Colin Middleton Murry đã đến thăm H. G. Wells tại nhà ông và quan sát một trong những trò chơi chiến đấu. Murry viết: “Wells lao đi khắp nơi một cách điên cuồng, lên dây cót cho những đoàn tàu chạy bằng đồng hồ, xây cầu và công sự, bắn bút chì từ những khẩu đại bác đồ chơi. Khá là cuồng loạn và hoàn toàn không giống bất kỳ người trưởng thành nào mà tôi từng biết.”
13/ J. R. R. Tolkien thích nghiên cứu ngôn ngữ
J. R. R. Tolkien, tác giả của hai cuốn tiểu thuyết giả tưởng được yêu thích “Anh chàng Hobbit” và “Chúa tể những chiếc nhẫn”, là một nhà bác ngữ học xuất sắc, người đã nghiên cứu nhiều ngôn ngữ và dạy tiếng Anglo-Saxon tại Đại học Oxford. Ông bắt đầu sáng tạo ngôn ngữ khi còn là một thiếu niên và niềm đam mê này theo ông suốt cả cuộc đời.
Năm 1916, ông viết một lá thư cho người vợ tương lai của mình là Edith và nói với bà rằng ông đang nghiên cứu “ngôn ngữ cổ tích nhảm nhí để cải thiện nó. Anh thường khao khát được làm việc đó và không cho phép mình làm việc đó, vì dù yêu thích nó nhưng dường như nó là một sở thích điên rồ.”
Tuy nhiên, chính nhờ sở thích này mà ông đã tạo ra thần thoại Trung Địa của mình. Trong bài giảng “A Secret Vice” năm 1930, Tolkien giải thích: “Việc tạo ra ngôn ngữ và thần thoại có liên quan đến nhau. Việc xây dựng ngôn ngữ của bạn sẽ tạo ra một thần thoại.”
14/ Ayn Rand dành hàng giờ cho bộ sưu tập tem sau một ngày dài viết lách
Là tác giả của những cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất như “Atlas vươn mình” và “Suối nguồn”, Ayn Rand đã dành phần lớn thời gian để viết và quảng bá triết lý Chủ nghĩa Khách quan của mình. Tuy nhiên bà cũng là một người đam mê sưu tập tem.
Trong một bài báo cho The Minkus Stamp Journal năm 1971, bà viết: “Nếu tôi cảm thấy mệt mỏi sau cả ngày viết lách, tôi dành hàng giờ cho bộ sưu tập tem của mình và điều đó khiến tôi tiếp tục viết vào buổi tối. Một album tem là một phương pháp phục hồi trí não kỳ diệu.”
Vào ngày 22 tháng 4 năm 1999, dịch vụ bưu chính Hoa Kỳ đã phát hành một con tem tưởng nhớ Ayn Rand và tác phẩm văn học của bà. Đó là một lời tri ân đặc biệt phù hợp với Ayn Rand.
15/ Beatrix Potter thích nghiên cứu nấm
Nổi tiếng với những câu chuyện thiếu nhi và những bức tranh minh họa màu nước tuyệt đẹp, nhà văn người Anh Beatrix Potter cũng rất quan tâm đến khoa học tự nhiên, đặc biệt là thực vật học. Bà đã phát triển lý thuyết về sự nảy mầm của nấm và là người đầu tiên ở Anh cũng như là một trong những người đầu tiên trên thế giới hiểu được mối quan hệ cộng sinh giữa tảo và nấm.
Nhưng vì là phụ nữ và không được đào tạo chính quy về khoa học nên nhiều hiệp hội khoa học đã từ chối coi trọng công việc của bà. Nghiên cứu của bà chỉ được đánh giá cao sau khi bà qua đời.
Potter đã tặng những bức vẽ chi tiết của mình cho Bảo tàng và Thư viện Armitt, và các nhà nấm học vẫn sử dụng chúng cho đến ngày nay để xác định các loại nấm.
- Trạm Đọc
- Tham khảo Nicole Bianchi