"Người Việt đọc sách tinh hoa nhiều hơn chúng ta tưởng"
Trong buổi chia sẻ và nói chuyện với các nhân sự tại Alpha Books nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024, ông Nguyễn Cảnh Bình đã có những nhìn nhận về ngành sách và văn hóa đọc.

"Thị trường sách Việt Nam đang phát triển, dù có thể quy mô và tốc độ chưa bằng các nước phát triển và một số nước trong khu vực, nhưng xu hướng chung khá tích cực.

Dù còn nhiều vấn đề nhưng nhìn chung môi trường xuất bản ngày càng cởi mở, xã hội và các nhà lãnh đạo ngày càng quan tâm hơn tới văn hóa đọc. Ngay hôm qua, tôi nhìn thấy Nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Văn Truyền… đến gian hàng chúng tôi mua sách; nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo đã và đang tới thăm hội sách nhiều hơn, chú ý hơn, quan tâm hơn. Hy vọng mọi người ngày càng hiểu hơn về vai trò, ý nghĩa của sách, của tri thức, của xuất bản với sự phát triển của quốc gia và dân tộc.

Thách thức vẫn rất lớn khi người Việt nhìn chung ít đọc sách, giá sách còn khá cao so với thu nhập trung bình của người dân… Tình trạng vi phạm bản quyền, bán sách lậu tràn lan, việc đọc sách đã được chính thức hóa nhưng vẫn ở phong trào mà chưa trở thành thực chất. Tuy nhiên với tư cách là một người làm trong ngành sách thì tôi xin chia sẻ ba điều sau.

Thứ nhất, một điều mà chính tôi cũng ngạc nhiên là người Việt đọc sách tinh hoa khá nhiều. Ví dụ cuốn "Sapiens: Lược sử về loài người" của Yuval Noah Harari; hay cuốn "Tư duy nhanh và chậm" của Daniel Kahneman, cuốn sách tóm lược hàng thập niên nghiên cứu giúp ông đoạt giải Nobel kinh tế năm 2002… Đó đều là những cuốn sách rất "nặng" về nội dung, khá hàn lâm, vậy mà đều phát hành tới hơn 50.000-100.000 bản. Con số này khiến khá nhiều người không tin vì hiện nay trung bình một cuốn sách chỉ phát hành được vài ngàn bản là nhiều. Tôi tin còn nhiều cuốn sách tinh hoa của các đơn vị khác ở Việt Nam đã có thể đạt hàng trăm ngàn bản.

Những cuốn sách tương đối hàn lâm, nhiều hàm lượng chất xám nhiều khi nằm trong số những đầu sách bán chạy nhất, cho dù giá bán những đầu sách này không hề rẻ. Điều này chứng minh rằng, hóa ra có rất nhiều bạn đọc sẵn sàng mua và đọc những cuốn sách "dày và nặng". Đây là điều đáng mừng.

Cách đây 20 năm, tôi và dịch giả Cao Việt Dũng từng nói chuyện vui với nhau, rằng có lẽ Hà Nội chỉ có khoảng 10.000 độc giả cho sách tinh hoa. Nhưng sau này chúng tôi mới phát hiện là mình đã sai, con số đó phải là trên 50.000, trên 100.000 và trên cả nước thì nhiều hơn rất nhiều. Tôi cũng vui mừng phát khóc khi cuốn "Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?" mà tôi biên soạn năm 2004 đến nay đã bán được trên 10.000 bản! Hơn 10.000 người quan tâm đến cuốn sách nghiên cứu về hiến pháp và thể chế! Thực sự rất đáng kể.

Thứ hai, là một người làm sách thì điều tôi thực sự trăn trở là số lượng tác giả Việt, sách Việt hiện nay còn chiếm tỷ lệ nhỏ so với sách dịch, sách của tác giả nước ngoài. Từ năm 2007, khi trao đổi với các nhà xuất bản Thái Lan, được biết tỷ lệ sách "nội địa" của họ so với sách dịch là 50-50. Nghĩa là họ đã cân bằng được giữa sách của tác giả nước ngoài và tác giả trong nước. Còn ở ta nhiều năm nay tỷ lệ sách "nội địa" chỉ chiếm khoảng 20-30%.

Để cân bằng được tỷ lệ này thì nỗ lực của các nhà xuất bản, các đơn vị làm sách là chưa đủ, mà cần sự chung ta của cả xã hội và của các tác giả người Việt. Về phía chúng tôi luôn trân trọng và ưu tiên bản thảo của các tác giả trong nước.

Trong ngành xuất bản, hàng năm, tôi nghĩ rằng rất cần có nhiều tài trợ, hỗ trợ và giải thưởng cho các tác giả người Việt về sách về các đề tài lịch sử, chính trị của đất nước, gồm các thể loại chân dung, tự truyện, hồi ký, ghi chép, công trình khoa học, nghiên cứu… Tôi mong muốn và sẵn lòng hợp tác với những cá nhân, tổ chức quan tâm đến phát triển giải thưởng này, cùng với việc huy động thêm sự ủng hộ của xã hội và các doanh nhân khác.

Thứ ba, dịp này chúng ta đang kỷ niệm 3 năm ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, nhưng thực ra là kỷ niệm 10 năm lần đầu tiên có Ngày sách ở Việt Nam (2014-2024). Chúng ta đã đi được một chặng đường rất dài trong việc tôn vinh và lan tỏa văn hóa đọc. Nhưng như tôi vừa nói, cứ sau chặng đường 10 năm những vấn đề mới, thách thức mới lại đặt ra đòi hỏi ngành xuất bản phải có những giải pháp, sáng kiến, chương trình hành động lớn lao hơn.

Chẳng hạn, theo một số liệu thống kê thì số thư viện ở Việt Nam là nhiều nhất trong số các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên nhìn sâu vào thì chúng ta sẽ thấy rất nhiều thư viện ở Việt Nam hoạt động hình thức, những thư viện ở cấp xã rất ít sách, những thư viện ở tỉnh rất ít người đọc, rất ít hoạt động. Vậy thì đi vào chiều sâu là gì? Là chúng ta phải biến thư viện trở thành một không gian văn hóa chứ không chỉ là nơi có nhiều sách, một nơi mà mọi người muốn đến để tìm kiếm tri thức, để gặp gỡ, kết nối với những người khác, chia sẻ và làm giàu thêm tri thức văn hóa cho mình và cộng đồng.

Hàng năm các địa phương chi hàng hàng trăm tỷ đồng để sửa chữa vỉa hè… Nhưng đầu tư cho văn hóa đọc lại quá ít ỏi, chúng tôi chỉ cần con số nhỏ hơn như vậy cũng có thể mang lại sự thay đổi lớn. Sự phát triển của quốc gia, của dân tộc đòi hỏi cả đầu tư vào phần "cứng" và phần "mềm", và xu hướng là chuyển dịch ngày càng mạnh theo hướng đầu tư tư vào chất xám và con người.

[...]

Tôi vẫn thường nói với các đồng nghiệp rằng muốn tri thức được coi trọng thì bản thân những người làm sách như chúng ta phải coi trọng tri thức. Đừng mong chờ xã hội coi trọng chúng ta, nếu chúng ta không tự coi trọng chính bản thân mình với tư cách là những người làm sách.

Tôi muốn rằng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam không chỉ là ngày của Văn hóa đọc mà còn là ngày hội nghề nghiệp của những người làm sách. Ngày mà những người làm sách ngồi lại với nhau, nói những câu chuyện nghề nghiệp và sứ mệnh của mình. Hội sách không còn mới nữa, hội sách là câu chuyện của các đơn vị xuất bản, các đơn vị phát hành. Chúng ta đã đi một chặng đường dài từ mở cửa đến chính thức hóa địa vị của người làm sách, và xã hội hóa chuyện bán sách, đưa sách đến người đọc.

Giờ đây, chúng ta lại cần đi tiếp: đưa xuất bản và tri thức thành một chính sách quốc gia hướng đến trí tuệ, tri thức và chất lượng tư duy của người Việt. Chúng ta đang trong hành trình hiện đại hóa đất nước, thì tất yếu phải hiện đại hóa tư duy của dân tộc, thậm chí việc hiện đại hóa tư duy còn phải đi trước."

- Theo Dân Trí

Tags: