Matt de la Peña là tác giả giành được Huân chương Newbery năm 2016 với tác phẩm “Trạm dừng cuối ở Phố Chợ”, được họa sĩ Christian Robinson vẽ minh họa.
Newbery là giải thưởng trao tặng cho những tác giả có đóng góp đáng kể vào nền văn học thiếu nhi Hoa Kỳ. Đây cũng được coi là giải thưởng đầu tiên trên thế giới dành riêng cho văn học thiếu nhi.
Đối với trường hợp “Trạm dừng cuối ở Phố Chợ”, đây là một trong những trường hợp hiếm hoi giải Newbery được trao cho thể loại sách tranh, bởi lẽ Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ có một giải thưởng riêng dành cho thể loại này, đó là Huân chương Caldecott. “Trạm dừng cuối ở Phố Chợ” tạo ra một kỳ tích hy hữu trong lịch sử văn học thiếu nhi Hoa Kỳ vì tác giả dành được Huân chương Newbery, còn họa sĩ thì được vinh danh trong danh sách tuyển chọn chung cuộc của Huân chương Caldecott. Ngoài ra tác phẩm còn được trao giải Coretta Scott King nữa.
Bên dưới là bài phát biểu nhận giải của tác giả Matt de la Peña tại hội nghị thường niên của Hội nghị Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ ở Orlando, Florida, vào ngày 26 tháng 6 năm 2016.
****
“Tôi chưa bao giờ biết, thậm chí còn chưa từng dám tưởng tượng trong một khoảnh khắc nào, rằng có một nơi dành cho những người như chúng tôi.”
Dòng chữ cuối cùng mà tác giả Denis Johnson viết trong bộ truyện ngắn Jesus's son chính xác là những gì tôi cảm thấy vào năm 2003 – khi tôi được báo tin tiểu thuyết đầu tay của mình Ball Don’t Lie sắp được Random House xuất bản. Hơn 10 năm sau, một lần nữa, những dòng chữ ấy lại diễn tả đúng tâm trạng của tôi tối nay, khi tôi đứng ở đây với mọi người.
Một tôi đang ăn mặc tươm tất và chải chuốt quả đầu láng bóng.
Một tôi đang ngồi trên ghế bên chiếc bàn này.
Tôi chưa bao giờ có thể tưởng tượng bất cứ điều gì như thế này. Tôi và sách ấy hả? Đọc sách ấy hả? Ồ, không, đừng đùa chứ, tôi là một đứa nhóc thuộc tầng lớp lao động. Một đứa mê bóng rổ điên cuồng có nửa dòng máu Mỹ La-tinh. Tôi dành hàng giờ sau khi tan học để chơi bóng ở một bãi đón xe địa phương ngoài Birmingham. Tôi mơ mộng về những cô nàng xinh đẹp và những cú lên bóng điệu nghệ.
Nhưng thời gian quả thật luôn có cách để cho ta thấy viễn cảnh của một người.
Hóa ra tôi đã sai.
Hóa ra từ nào đến giờ, tôi đã luôn luôn là một độc giả.
Có lẽ tôi chẳng mặn mà với tiểu thuyết mấy, nhưng tôi đã “đọc” những khoảng lặng dài của bố tôi khi hai bố con ngồi trong chiếc xe bọ rùa VW cũ kỹ của ông trên xa lộ. Tôi đã “đọc” những sớm tinh mơ bố mình ráng kéo người ra khỏi giường lúc 3 giờ rưỡi để đi làm. Không nghỉ bệnh một ngày nào. Tôi đã “đọc” những nỗi lo triền miên của mẹ mình khi cầm trên tay đống hóa đơn. Và cái tủ lạnh trống không. Tôi cũng “đọc” ánh mắt của mẹ mỗi khi bà nhìn chị em tôi. Như thể chúng tôi vô cùng đặc biệt. Như thể chúng tôi có thể vượt ra khỏi số phận nghèo khó của mình. Tôi đã “đọc” những chiêu trò tán tỉnh tại phòng gym Muni trong công viên Balboa. Rồi cách những cầu thủ cự phách nhất có được quyền lực hệt như một CEO ngay thời khắc họ sút bóng và hô lên với khán giả “Ghi bàn rồi!”. Và tôi đã “đọc” cách những người đàn ông ấy bị tước mất quyền lực ngay khi trận đấu kết thúc và họ bước ra khỏi phòng tập, ra khỏi lãnh thổ của họ và trở về đời sống bình thường của chúng ta.
Tôi không đọc quá nổi trang 27 của cuốn sách “Bắt trẻ đồng xanh” nhưng đã đọc tạp san bóng rổ không sót một chữ nào. Đều đặn hàng tháng. Tôi hay ghé vào thư viện trường cấp hai của mình một tiếng trước khi vào lớp, tìm một cái bàn trống ở phía sau và nhét số tập san mới nhất trong bìa một cuốn sách thông thái nào đó mà tôi vớ được – thường là tiểu thuyết của Nga với những cái tên tôi không tài nào phát âm được. Cô thủ thư Frank với nụ cười ấm áp, thỉnh thoảng lướt ngang qua chỗ tôi ngồi và hỏi: “Chiến tranh và Hòa bình à? Em thích nó chứ?”.
“Hay tuyệt cô ơi”, tôi chém gió. “Em rất thích đọc về mấy cuộc chiến tranh này kia. Và cách mà cuối cùng chúng trở thành hòa bình”. Cô ấy cười toe toét, gật gù hài lòng rồi lướt đi. Tôi cũng cười mãn nguyện vì cái tài chém gió điêu luyện của mình. Ấy vậy mà vài ngày sau đó, cô Frank ném nhẹ cuốn tập san bóng rổ mới ra lên chỗ bàn tôi ngồi kèm một cái nháy mắt đầy ẩn ý.
Lúc ấy tôi không hề xem mình như một độc giả, nhưng cô Frank thì biết rõ. Sự thật là tôi không đọc mấy cuốn tạp chí đó để biết số liệu thống kê hay bảng xếp hạng, điều tôi quan tâm là những thách thức mà các cầu thủ đã vượt qua để đạt được vị trí như hiện tại. Tôi đọc vì bị cuốn theo những câu chuyện. Và những gì tôi tìm thấy trong một vài bài báo ấy có giá trị chẳng hề thua kém những gì mà sau này tôi chiêm nghiệm được từ cuốn sách Chiến tranh và Hòa bình.
Hơn 10 năm qua, tôi đã ghé thăm hàng trăm ngôi trường và gặp gỡ hàng ngàn học sinh. Nhiều em y chang tôi của ngày xưa. Những độc giả “tự định nghĩa bản thân không phải độc giả” nhưng lại dành cả ngày để đọc và khám phá thế giới. Ở cương vị một tác giả, sứ mệnh của tôi là giúp một số em chuyển những kỹ năng ấy thành con chữ. Tôi không hề nhận ra sứ mệnh ấy cho đến khi vào đại học và được giới thiệu những cuốn sách như: Màu Tím, Đôi mắt họ đã dõi theo Chúa, Trăm năm cô đơn và cả tuyển tập Đuối nước của Junot Díaz’”. Khi tôi sau cùng cũng thích văn học, tôi thực sự say mê nó.
Nhưng sẽ thế nào nếu tôi đưa một vài đứa trẻ đến với sự diệu kỳ của sách sớm hơn mình? Sẽ thế nào nếu tôi viết một câu chuyện mà trong đó có một không gian bí mật dành riêng cho những đứa trẻ cứng cỏi trong chiếc áo hoodie luôn ngồi phía sau thính phòng?
“Tôi chưa bao giờ biết, thậm chí còn chưa từng dám tưởng tượng trong một khoảnh khắc nào, rằng có một nơi dành cho những người như chúng tôi.”
***
Đáng tiếc là không phải lúc nào chúng ta cũng làm được như vậy. Đôi lúc chúng ta phải lùi lại và hướng tới những điều căn bản và cấp thiết hơn. Tôi đã nghe đi nghe lại rất nhiều lần câu hỏi này từ học sinh của những ngôi trường khó khăn: “Chú ơi, tại sao chú tới đây?”.
Ẩn ý trong câu hỏi quá rõ ràng.
Ngôi trường này chẳng có gì đáng để ghé thăm đâu.
Tụi cháu chẳng có gì đáng để quan tâm đâu.
Khi tôi viết “Trạm dừng cuối ở Phố Chợ”, tư duy đáng quan ngại ấy của bọn trẻ cứ quanh quẩn trong đầu tôi. Nana – người bà sáng suốt trong tác phẩm, luôn thúc đẩy CJ nhìn thấy vẻ đẹp của vạn vật xung quanh cậu bé. Nhưng bà cũng hướng CJ đến một điều cơ bản hơn nhiều: Nhìn thấy vẻ đẹp trong chính bản thân mình. Nhìn thấy bản thân mình xứng đáng. “Có những khi mình sẽ bị những thứ tăm tối, dơ bẩn phủ lắp CJ ạ. Đó chính là lúc mình nhận thức được rõ hơn rằng điều gì là đẹp đẽ trên đời.”
Và nếu ta lớn lên ở ngoài biên giới của “giấc mơ Mỹ” mà người người ao ước, ta đang có lợi thế để ghi lại toàn bộ sự thật của đất nước này. Về việc không phải tất cả chúng ta đều đang thực thi cùng một bộ luật. Về việc không phải tất cả những câu chuyện của chúng ta đều có cùng một giá trị dưới góc nhìn của những nhà làm luật.
Trong đầu tôi còn hiện lên một điều gì đó khác nữa khi tôi viết “Trạm dừng cuối ở Phố Chợ”. Tính tới thời điểm ấy, tôi đã xuất bản khá nhiều tiểu thuyết trực tiếp đề cập đến vấn đề chủng tộc và giai cấp. Tôi khá tự hào khi nhìn thấy sự hiện diện của những cuốn sách ấy ở các trường học có sự đa dạng học sinh. Nhưng khó mà tìm thấy sách của tôi ở những trường giàu có hay trường tư. Hoặc là chúng được xếp riêng trên một kệ tên là “Sách đa dạng”, hoặc là chúng không tồn tại ở đó luôn. Điều này làm tôi rất trăn trở. Tại sao thật dễ bắt gặp một lớp toàn học sinh gốc Mỹ La-tinh đọc “Gatsby vĩ đại”, tác phẩm nói về mặt tối suy tàn của giấc mơ Mỹ trong một thời đại thịnh vượng và thừa mứa vật chất, nhưng tìm đỏ mắt vẫn không thấy một lớp toàn học sinh Mỹ da trắng nào đọc “Yaqui Delgado muốn đá đít cậu”, cuốn sách đoạt giải Pura Belpré Author Award năm 2014 nói về một cô bé gốc La-tinh bị bạn bè da trắng bắt nạt ở trường?
Có lẽ tôi cũng là một phần của vấn đề này.
Lần nọ, một thủ thư mời tôi ghé thăm ngôi trường của cô ấy: “Matt à, tôi vô cùng phấn khởi. Anh sẽ là tác giả gốc Mỹ La-tinh yêu thích của tôi.”
Tôi ngại ngùng trả lời: “Thú thật với cô là hầu hết sách của tôi đều nói về việc không cảm thấy đủ chất Mê-hi-cô.”
Cô ấy lờ đi: “Chúng tôi vừa nhận được một khoản trợ cấp hậu hĩnh từ khu vực nên sẵn sàng trả cho anh mức thù lao gấp đôi hiện tại.”
Tôi đáp lại ngay: “Úi chà, thế thì như tôi vừa nói với cô rồi đó, tôi chính là tác giả gốc Mỹ La-tinh mà cô yêu mến đây.”
Một vài năm sau, tôi có một cuộc trò chuyện còn đau đầu hơn nhiều. Trong một hội nghị quốc gia nọ, một thủ thư đến chỗ tôi và hào hứng giới thiệu bản thân: “Tôi rất thích sách của anh. Ở trường tôi không có những học sinh như vậy nên chúng tôi không trữ nhiều sách anh viết. Nhưng tôi vẫn muốn anh biết rằng tôi thật lòng ngưỡng mộ các tác phẩm của anh.”
“Không sao đâu, tôi hiểu hết mà. À, cái này tôi tò mò thôi, nhưng mà có bao nhiêu phù thủy ở trường trường của cô thế?”. (Mượn lời của Tim Federle)
***
Với tác phẩm “Trạm dừng cuối ở Phố Chợ”, tôi quyết định thử một làm một điều mới mẻ hơn – Sáng tác một cuốn sách với các nhân vật đa dạng nhưng không tập trung nói về sự đa dạng. Khi bản thảo thứ mười bảy hoàn tất, tôi cảm thấy vô cùng tự hào với hành trình cả bên trong lẫn bên ngoài của cậu bé CJ. Tôi tự hào với nhạc điệu trong ngôn ngữ mà mình tạo ra. Nhưng chỉ khi tôi nhìn thấy con chữ của mình được chuyển thành những bức vẽ có hồn, độc đáo và vui tươi của Christian Robinson thì tôi mới bắt đầu tự hỏi – tất nhiên, một cách thầm kín thôi – rằng liệu có phải chúng tôi đang tạo ra một thứ gì đó vô cùng đặc biệt.
Nhưng tôi không bao giờ tưởng tượng bất kỳ thứ gì như buổi sáng ngày 11 tháng 1.
Khi ấy, tôi đang dạy học ở Đại học Hamline tại Minneapolis, tình cờ dạy cùng với tác giả đoạt giải Printz - Laura Ruby. Tôi đã thức tới 2 giờ rưỡi sáng để hoàn thành cuốn tiểu thuyết tiếp theo của mình. Cảm giác lúc tôi nhấn nút gửi bản thảo cho biên tập viên thật sung sướng. Cuối cùng thì tôi cũng có thể nghỉ ngơi. Trước khi ngủ, tôi đặt điện thoại ở gần giường và mở chuông. Có tin đồn rằng “Trạm dừng cuối ở Phố Chợ” có thể tạo ra cú hích nào đó ở giải thưởng Caldecott. Tôi cá là hội đồng chấm giải sẽ không gọi cho mình, nhưng Christian và tôi có cùng người đại diện - Steve Mark, và anh ấy sẽ gọi điện nếu có bất kỳ tin vui nào.
Một tiếng sau thì chuông reo.
Nhưng không phải từ Steve.
Một giọng đàn ông ở đầu dây bên kia: “Cho hỏi phải anh Matt không? Tôi là Ernie Cox, đại diện của hội đồng chấm giải Newbery. Chúng tôi có tin này muốn báo cho anh.” Lúc ấy tôi đã nghĩ, gã này chắc đang say xỉn ngoài đường cả đêm rồi. Vì anh ta nói trật lất tên hội đồng chấm giải. Tôi ngồi dậy và kéo điện thoại lại gần tai hơn. “Tác phẩm “Trạm dừng cuối ở Phố Chợ” của anh được trao Huân chương John Newbery năm 2016”, tôi nghe thấy tiếng hò reo của các thành viên của hội đồng phía sau.
Mới đầu, tôi chỉ vô cùng bối rối.
Rồi sau đó tôi bắt đầu choáng váng.
Từ lúc 15 tuổi đến trước buổi sáng hôm ấy, tôi chưa từng rơi một giọt lệ nào. Tôi không hề nói quá chút nào nhé. Nhưng giữa cuộc nói chuyện ngắn ngủi với Ernie Cox và hội đồng ấy, thành tích trên đã bị phá vỡ. Hai dòng nước mắt lăn xuống má tôi. Không phải vì hạnh phúc – dù chắc chắn lúc ấy tôi hạnh phúc chết đi được, mà vì tôi cảm thấy tôi đã được tha thứ cho tất cả những thiếu sót, lỗi lầm của bản thân với tư cách là một tác giả. Công việc này là một chuyến đi vô cùng đơn độc, lẻ loi. Và có những khoảnh khắc mà ta cảm thấy gần như không thể tin tưởng bản thân mình nữa. 90% thời gian sáng tác tôi đều cảm thấy chữ nghĩa của mình chưa đủ hay, hoặc là nhân vật chưa đủ thật. Hay tệ nhất, là cảm thấy mình chưa đủ giỏi. Rồi cuối mỗi ngày làm việc, tôi nhận ra mình cứ lẩm bẩm mãi hai câu: “Đáng lẽ ra hôm nay mình nên viết nhiều hơn. Đáng lẽ ra mình nên giỏi giang hơn.” Nhưng buổi sáng ngày 11 tháng 1 ấy, những người bên kia đầu dây đã nói với tôi rằng tôi đã làm được một thứ gì đó rất tốt. Một thứ gì đó rất xứng đáng.
Tôi không thể thốt nên lời nào trong một khoảng thời gian dài. Não tôi bận suy nghĩ xem chuyện gì đang xảy ra.
“Matt ơi? Anh còn đang nghe không?”, Ernie hỏi.
Ngay khi vừa cúp máy, tôi lập tức gọi cho vợ mình. “Nghe này Caroline”, tôi nói bằng một giọng đều đều, “anh có chuyện này muốn kể cho em.” Tôi ngừng một lúc lâu, cố gắng kiểm soát bản thân như tôi đã làm trong suốt cuộc đời mình từ trước đến giờ.
“Sao thế? Mọi chuyện ổn chứ anh?”, cô ấy lo lắng.
“Anh nghĩ là “Trạm dừng cuối ở Phố Chợ” thắng giải Newbery.”
“Chờ đã. Anh chắc chứ?”, cô ấy ngừng một lúc.
“Không,” tôi đáp.
Cô ấy vớ lấy chiếc iPad, mở website của ALA và tìm kiếm thông tin hội đồng chấm giải năm 2016.
“Nghe này, người gọi cho anh là nam hay nữ?”, cô ấy hỏi.
“Nam.”
“Thôi rồi, chủ tịch hội đồng chấm giải Caldecott là nữ!”.
***
Có rất nhiều người tôi muốn cảm ơn.
Trước hết, tôi muốn cảm ơn Christian Robinson. “Trạm dừng cuối ở Phố Chợ” là một cuốn sách tranh, vì thế tôi luôn tin rằng chính minh họa tuyệt vời của cậu đã làm nên cuốn sách. Cậu là một người vô cùng đặc biệt, Christian à. Và Nana của cậu là một người phụ nữ có một không hai. Tôi rất vinh dự được viết nên câu chuyện này cùng với cậu.
Gửi Steven Mark. Tôi vẫn giữ nguyên những điều đã nói hồi tháng 1. Anh là Steve Nash của làng sách thiếu nhi (Steve Nash là cầu thủ bóng rổ huyền thoại trong lịch sử NBA). Tôi nói vậy không chỉ vì anh đã mang đến cho tôi cơ hội làm việc cùng Christian, mà còn vì anh chính là người đầu tiên đề nghị tôi thử sức ở mảng sách tranh. Tôi là một tiểu thuyết gia còn non nớt nhưng anh đã nhìn thấy tiềm năng của tôi với sách tranh. Thú thật là ban đầu tôi đã nghĩ rằng chắc gã này mất trí rồi. Nhưng hóa ra anh đã đúng. Steven à, tôi rất tự hào được ở trong đội của anh.
Gửi Jennifer Besser. Cảm ơn vì chị đã cho cuốn sách này cơ hội được xuất bản và vì đã không ngừng đấu tranh ở hậu trường để giữ những đoạn hội thoại của CJ chân thực nhất có thể. Hơn ai hết, chị hiểu rằng CJ sẽ nói một thứ ngôn ngữ khác nếu cậu bé ở trường học. Nhưng không, CJ ở trên một chuyến xe buýt với bà mình.
Gửi Cecilia Yung và Lauren Donovan. Cảm ơn vì đã trở thành những người đầu tiên nâng đỡ câu chuyện của CJ. Chị Cecilia à, tôi sẽ không bao giờ quên 2 tiếng đồng hồ cùng trò chuyện với chị về “Trạm dừng cuối ở Phố Chợ” tại Los Angeles, khi cuốn sách chưa là gì ngoài một bài thơ được viết theo ngôn ngữ nói đời thường và mỗi câu thơ được cách ra một dòng. Định hướng nghệ thuật cho tác phẩm của chị thật tuyệt vời, không có gì để bàn cãi.
Lauren à, em là một ảo thuật gia của công chúng (và phần nào thì tôi hiểu được điều này). Em vừa tài năng lại rộng lượng vô cùng, Lauren ạ. Và tôi rất muốn cộng tác với em để làm những cuốn sách tranh tiếp theo.
Gửi đến toàn thể cán bộ thư viện và trường học của Penguin, đặc biệt là Carmela Iaria, Venessa Carson và Alexis Watts. Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu để bày tỏ trọn vẹn sự cảm kích của mình và Christian đối với những gì mọi người đã hỗ trợ trong suốt một năm qua. Cảm ơn mọi người đã làm việc vất vả ở hậu trường. Sẵn tiện thì tôi rất muốn mời mọi người một bữa để cảm ơn.
Gửi đến tất cả những người còn lại ở Penguin – những người đã thầm lặng hỗ trợ cuốn sách của tôi dưới bất kỳ hình thức nào. Tôi hiểu rằng cần cả một đội quân hùng hậu để một cuốn sách có được một cuộc đời đúng nghĩa. Tôi thật lòng biết ơn từng người trong nhà xuất bản Penguin.
Gửi đến những thủ thư ngoài kia vẫn ngày đêm làm việc không ngừng nghỉ để trao vào tay trẻ em những cuốn sách hay nhất. Cảm ơn công sức của mọi người. Tôi hoàn toàn ý thức được rằng chính nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình, hết mình của mọi người mà tôi mới có được sự nghiệp văn chương như hiện tại.
Gửi đến gia đình của tôi – Gia đình de la Peñas. Mẹ à, mẹ chính là lý do để con không ngừng nỗ lực trong cuộc đời này. Con biết ơn mẹ đã cho phép con đọc từng bản nháp của cuốn sách này cho mẹ nghe. Những phản hồi của mẹ về cuốn sách này cũng xứng đáng nhận giải thưởng Newbery. Bố à, cảm ơn bố đã dạy con biết về cuộc đời. Con đã kể chuyện bố chuyển hướng vào văn chương muộn màng không biết bao nhiêu lần. Con cá là 20% những người ở đây tối nay đã biết câu chuyện ấy rồi. Điều tất cả mọi người ở đây không biết chính là việc con đã dựa trên sự thông thái thầm lặng của bố để viết nên những lời thoại sâu sắc của nhân vật Nana trong cuốn sách.
Gửi Caroline, người vợ, người bạn thân nhất của anh. Anh muốn em biết rằng anh luôn dõi theo em. Mấy năm qua, anh thường xuyên ngược xuôi khắp nơi. Mấy lúc ở nhà thì anh toàn ngập trong những hạn nộp bản thảo. Nhưng em đã vượt qua tất cả những chuyện ấy một cách đầy bao dung. Chưa kể em còn phải đi làm toàn thời gian cả ngày. Vợ à, anh luôn dõi theo em. Và anh rất thương em. Không có gì khiến anh tự hào hơn tổ ấm mà chúng mình đang cùng nhau vun trồng, xây đắp, nuôi dưỡng.
Gửi con gái 2 tuổi Luna của bố - người đang ngủ ngon lành ở khách sạn lúc này. Cảm ơn con đã mang lại niềm vui bất tận cho bố. Con luôn khiến tim bố rung động. Bố thương con, con gái bé bỏng à.
Và cuối cùng, gửi đến Hội đồng chấm giải John Newbery năm 2016. Tôi vẫn không thể tin mình có vinh dự nhận được giải thưởng này. Điều khiến tôi vô cùng tự hào là suy nghĩ của những độc giả thuộc đa dạng các bối cảnh, địa vị xã hội, tầng lớp… ngoài kia – những người vẫn rất cần được nhìn thấy bản thân mình qua trang sách. Bây giờ tôi sẽ kể với mọi người hai người trong số đó.
***
Người đầu tiên là một bé gái tôi gặp tại một trường trung học vô cùng nghèo khó ở Newark, New Jersey. Một tổ chức tên là My Very Own Library đã quyên góp 100 cuốn sách của tôi cho những học sinh ở đây. Cuối buổi giao lưu của tôi, các em xếp hàng để được ký tặng vào sách. Một bé em người Mỹ gốc Phi với những bím tóc xoăn tít, mặc quần jean cũ mèm và hàm răng khấp khểnh hệt như tôi, tiến đến nhận cuốn sách được ký tặng của mình. Em nhìn nó, rồi nhìn tôi và hỏi: “Chú ơi, sao chú không xin chữ ký của cháu?”.
Đám bạn của em cười vật vã, một đứa trong số đó nói vọng lên: “Sao chú ấy phải xin chữ ký của mày chứ, đồ ngốc? Mày có phải người nổi tiếng gì đâu!”
Bình thường chắc tôi cũng đã phá lên cười với tụi nhỏ rồi.
Nhưng tôi nhìn thấy nét mặt của cô bé.
Vì vậy, tôi đưa cho em cây bút Sharpie của mình và giơ cánh tay của mình ra: “Ô chà, chú muốn chữ ký của cháu lắm. Cơ mà chú chẳng có tờ giấy nào cả, nhưng cháu có thể ký cho chú ở đây, trên tay chú nè.”
Có lẽ đó chính là sự táo bạo ta cần để trở thành một ai đó khi ta chẳng có gì đáng giá trong đời. Và có lẽ đó cũng chính là sự táo bạo ta cần đưa vào trang sách để có thể trao cho trẻ em sự lựa chọn trở thành một người hùng cất lên tiếng nói của hiện thực.
Và cuối cùng, tôi muốn kể về một cậu bé tôi gặp năm ngoái ở Virginia. Tôi vừa mới giao lưu với toàn thể học sinh trong trường tiểu học xong, ở hội trường. Tôi đọc cuốn sách “Trạm dừng cuối ở Phố Chợ” và kể một vài bí mật về cuốn sách. Trước khi kết thúc, tôi muốn tặng cuốn sách này cho một học sinh. Trong suốt buổi giao lưu, tôi quan sát tất cả học sinh, và có một em mà tôi muốn tặng cuốn sách này. Tôi bước về phía các em học sinh, đưa cuốn sách cho một cậu bé ngồi khá tách biệt. Cậu bé nhận cuốn sách, các bạn vỗ tay, rồi tôi ra về.
Nhưng trước khi tôi rời khỏi ngôi trường, tầm 15 phút sau đó, một vài học sinh vây quanh tôi. Chúng muốn nói chuyện với tôi. Rồi cậu bé mà tôi tặng sách đột ngột xuất hiện. Cậu bé vẫn giữ chặt cuốn sách trong tay: “Chú ơi, tại sao chú đưa cuốn sách này cho cháu?”. Cậu bé nói bằng một giọng thỏ thẻ. Tôi nhún vai: “Thú thật là chú cũng không biết nữa. Chỉ là… chú cảm thấy ở cháu có gì đó rất đặc biệt.”
Và rồi một điều tôi không bao giờ ngờ tới xảy ra. Cậu bé òa khóc. Mấy đứa khác xoa vai, vỗ lưng bạn mình và giải thích với tôi: “Cậu ấy mới chuyển tới đây. Mọi thứ hoàn toàn mới mẻ với cậu ấy.”
Lúc đã rời đi tới bãi đỗ xe, ngồi trong chiếc xe của mình, tôi vẫn cứ nghĩ về cậu bé ấy. Và những giọng nước mắt của em. Và cách em giữ chặt cuốn sách của tôi trong tay. Tôi không biết tất cả những điều ấy có ý nghĩa gì, nhưng tôi biết nó thật mạnh mẽ.
Để rồi vào tháng 1 này, tôi được thông báo nhận giải thưởng Newbery. Tôi đã trở thành cậu bé ấy. Tại sao mọi người chọn tôi? Tôi cứ băn khoăn mãi. Không tài nào hiểu được. Liệu rằng tôi có thực sự xứng đáng? Sau đó rất nhiều bạn bè khi biết tin đã đến xoa vai, vỗ lưng tôi. Vài tuần sau, tôi chấp nhận rằng mình sẽ không bao giờ có thể hiểu được tất cả những việc hiện tại đang xảy ra với đời mình có ý nghĩa gì. Nó sẽ mãi mãi là một bí ẩn đẹp đẽ. Một bí ẩn vĩ đại.
“Tôi chưa bao giờ biết, thậm chí còn chưa từng dám tưởng tượng trong một khoảnh khắc nào, rằng có một nơi dành cho những người như chúng tôi.”
Từ tận đáy lòng mình, chân thành cảm ơn tất cả mọi người!
…
Ghi chú: Tác phẩm “Trạm dừng cuối ở Phố Chợ” đã vừa được công ty sách Crabit Kidbooks dịch và ấn hành ở Việt Nam.