Nhằm tôn vinh các tác giả, dịch giả, người làm công tác xuất bản, đồng thời góp phần lưu giữ, quảng bá những tác phẩm có giá trị trên phạm vi cả nước, ngành Xuất bản đã có Giải thưởng sách quốc gia, hằng năm tiến hành lựa chọn, công bố và trao giải cho các tác phẩm nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ. Là Thủ đô của cả nước, Hà Nội cũng nên xây dựng và phát triển giải thưởng sách của riêng mình.
Giải thưởng này có thể hoạt động theo các hướng như: Rà soát lại toàn bộ các tác phẩm viết về Hà Nội của cả tác giả trong và ngoài nước, lập danh sách “100 cuốn sách hữu ích/hay nhất về Hà Nội”, tuyên truyền rộng rãi tới công dân Thủ đô, khách du lịch trong nước. Trong số này, có thể chọn ra một số tác phẩm tiêu biểu nhất để dịch và xuất bản bằng tiếng Anh cho khách quốc tế. Bên cạnh đó, 2 năm một lần, chúng ta có thể định kỳ chọn và trao tặng Giải thưởng sách Hà Nội cho tác phẩm hay nhất về Hà Nội. Thành phố có thể sử dụng cuốn sách này làm quà tặng trong các chuyến công tác, tiếp khách quốc tế; góp phần quảng bá hơn nữa về Thủ đô.
Cũng nằm trong khuôn khổ của hoạt động này, Thành phố Hà Nội sẽ lựa chọn một cá nhân tiêu biểu trong hoạt động phát triển văn hóa đọc để trao giải Đại sứ văn hóa đọc Thủ đô. Vị đại sứ này có thể là người Hà Nội, cũng có thể là người ở nơi khác, miễn là có đóng góp tích cực cho lĩnh vực này. Làm được như vậy thì chương trình sẽ có sức lan tỏa rộng rãi, bởi "Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc" được triển khai nhiều năm qua đã trở thành nơi ươm mầm và khuyến khích trẻ em đọc sách.
Thói quen đọc sách của con người cần phải được rèn luyện từ nhỏ. Một điều quan trọng để phát triển văn hóa đọc cho giới trẻ là cần phải tạo ra nhiều không gian đọc sách. Bên cạnh hệ thống thư viện ở trường học, phường, xã, thư viện công cộng, các tỉnh, thành phố nên thành lập một thư viện công cộng cho trẻ em; tại Hà Nội, có thể xây dựng thư viện đó ở Công viên Thống Nhất. Với điều kiện thích hợp về không gian như vậy, chúng ta có thể xây dựng một thư viện mở hiện đại với diện tích khoảng 3.000m2, khác hẳn các không gian thư viện đóng/truyền thống để vừa tạo thêm sinh khí cho công viên, vừa tạo không gian sinh hoạt văn hóa cho người Hà Nội, đặc biệt là trẻ em. Tại thư viện này, cần định kỳ tổ chức triển lãm sách, các hoạt động gắn với sách cho thiếu nhi như: Đọc sách cùng người nổi tiếng, Ngày hội trải nghiệm khoa học theo trang sách...
Cùng với việc xây dựng không gian đọc, cũng cần quan tâm đến xây dựng không gian khoa học, khởi nghiệp. Thế giới đang chứng kiến khoa học và công nghệ làm thay đổi từng ngày đời sống kinh tế - xã hội. Sự biến đổi của môi trường sống, khí hậu, sự xuất hiện của các loại dịch bệnh trước nay chưa từng có... đòi hỏi mỗi cá nhân, cộng đồng, quốc gia đầu tư vào phát triển con người, phát triển khoa học kỹ thuật nhằm tìm ra các giải pháp ứng phó.
Hầu hết số phòng thí nghiệm khoa học ở các trường học hiện gặp khó khăn về sở vật chất và trang thiết bị. Vì vậy, để thực sự trở thành một trung tâm của khoa học, của khởi nghiệp, Hà Nội cần hình thành và phát triển những không gian khoa học như vậy để nuôi dưỡng những thế hệ công dân mới cho Thủ đô. Đó là những không gian khởi nghiệp, không gian khoa học thực sự hiện đại, có khả năng kết nối với công viên khoa học rộng hơn ở Láng - Hòa Lạc, để qua đó góp phần hình thành nên một thế hệ người trẻ mới đam mê tìm tòi khám phá, nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ.
Thực tế, chúng ta đã có Cung Thiếu nhi, Cung Trí thức, Phố sách Hà Nội và một số không gian sinh hoạt công cộng khác, nhưng chưa thể nói là đã thực sự thành công. Nhiều không gian thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa... chưa được khai thác hiệu quả mà một phần nguyên nhân là do hoạt động theo mô hình cũ. Trên thế giới, nhiều không gian văn hóa được vận hành theo mô hình nhà nước đầu tư, sở hữu nhưng cho tư nhân đấu thầu thuê quyền khai thác, vận hành, và dường như đó là cách làm hiệu quả. Tư nhân không thể đủ tài chính và quyền hạn để sở hữu các không gian lớn nhưng có thể tổ chức hoạt động hiệu quả hơn, quan trọng là chúng ta cần có cơ chế giám sát thích hợp nhằm đảm bảo các cơ sở này hoạt động đúng mục đích với các chỉ số đo lường được công khai.
Mang lại nhiều không gian mới, có chiều sâu chất lượng hơn nữa cho công dân Thủ đô là góp phần hình thành và nuôi dưỡng nên một lớp người yêu thích đọc sách, say mê khoa học công nghệ, ham học hỏi, cầu tiến.
Nguyễn Cảnh Bình (CEO Alpha Group)