Yêu phải chăng là một nghệ thuật? Chúng ta cần học gì để có được tình yêu?
Yêu phải chăng là một nghệ thuật? Chúng ta cần học gì để có được tình yêu?
“Bất cứ ai trông đợi sự chỉ dẫn dễ dãi về nghệ thuật yêu sẽ thất vọng khi đọc cuốn sách này. Cuốn sách, ngược lại, muốn cho thấy tình yêu không phải một thứ tình cảm mà bất cứ ai cũng có thể dễ dàng đắm chìm vào, dù người đó đạt tới mức độ trưởng thành nào.”
Nghệ Thuật Yêu
(33 lượt)
Chưa có thời nào mà những câu “thả thính” lại được hưởng ứng một cách nhiệt tình và trở thành phong trào như thời nay. Hầu hết chúng ta đều khao khát tình yêu, không lúc này thì lúc khác - chúng ta sợ “ế”. Nhưng làm sao để có được tình yêu? Không lẽ cứ mãi “thả thính” trên facebook, tik tok, check-in ở vài quán cafe với dòng chữ “ngồi yên, tình yêu sẽ tới”...

Nếu có một cuốn bí kíp ghi lại các bước để chắc chắn có được tình yêu, để yêu và được yêu, hẳn nó sẽ được bán đắt như tôm tươi. Nhưng không, sẽ không bao giờ có một cuốn sách như thế cả. Bởi như nhà phân tâm học Erich Fromm viết từ năm 1957 trong cuốn Nghệ thuật yêu, “yêu là một thể nghiệm cá nhân mà mỗi người chỉ có thể có được nhờ chính mình, và dành cho chính mình.” Vậy chúng ta có thể làm gì, chờ đợi may mắn hoặc cứ thất bại hết lần này đến lần khác ư? Trên thực tế, hầu như không có phi vụ nào táo bạo, với nhiều mong đợi và kỳ vọng lớn lao nhưng lại thường xuyên thất bại - như tình yêu. Nếu chuyện này xảy ra với bất kỳ hoạt động nào khác, người ta thường sẽ hăng hái hơn để biết lý do thất bại và học cách cải thiện – hoặc sẽ bỏ cuộc. Nhưng nhân loại sẽ không từ bỏ tình yêu, nên dường như chỉ có một cách phù hợp duy nhất để vượt qua thất bại trong tình yêu, đó là nghiên cứu những lý do thất bại, và tiếp tục học hỏi ý nghĩa của tình yêu. Và đó cũng là khía cạnh mà Erich Fromm chọn để tiếp cận với tình yêu trong cuốn Nghệ thuật yêu.

“Bất cứ ai trông đợi sự chỉ dẫn dễ dãi về nghệ thuật yêu sẽ thất vọng khi đọc cuốn sách này. Cuốn sách, ngược lại, muốn cho thấy tình yêu không phải một thứ tình cảm mà bất cứ ai cũng có thể dễ dàng đắm chìm vào, dù người đó đạt tới mức độ trưởng thành nào.”

Như tác giả đã rào trước rằng đây không phải cuốn sách sơ xài dạy cho bạn cách yêu hay làm sao để có người yêu. Yêu phải chăng là một nghệ thuật? Nếu đúng thế, nó đòi hỏi sự hiểu biết và nỗ lực. Hay yêu là một cảm giác dễ chịu, và việc thể nghiệm tình yêu là một vấn đề cơ duyên, là cái mà người ta “ngã vào” [falling] nếu hữu duyên? Cuốn sách nhỏ này dựa trên tiền đề đầu, mặc dù hầu hết con người ngày nay chắc hẳn tin vào tiền đề sau.

Ở thời điểm khi Erich Fromm cho ra mắt cuốn sách này, ông đã trở thành học giả đầu tiên nghiên cứu về “tình yêu” và “năng lực yêu” như một đề tài nghiêm túc để nêu ra trước công luận. Cho đến nay nó vẫn là một trong số ít những cuốn sách nổi tiếng tập trung vào chủ đề này. Không phải mọi người nghĩ rằng tình yêu không quan trọng. Chúng ta khao khát tình yêu. Chúng ta xem bao nhiêu bộ phim về những chuyện tình hạnh phúc lẫn bất hạnh, nghe hàng trăm bài ca nhạt nhẽo về tình yêu, chúng ta cũng rất nỗ lực trong tình yêu – nhưng hiếm ai nghĩ cần phải học thật nghiêm túc về nó. 

Thứ nhất, về mặt tâm lý hầu hết mọi người xem tình yêu trước tiên là vấn đề được yêu, hơn là yêu. Đa phần đàn ông và phụ nữ cố gắng nhiều không phải để yêu, mà cốt để trở nên hấp dẫn hơn và đáng được yêu hơn. Ai cũng nghĩ yêu thật đơn giản, miễn là thu hút được đúng đối tượng. Chúng ta thường chú trọng vấn đề đối tượng hơn là năng lực yêu. Và còn một sai lầm nữa dẫn tới việc mặc định rằng chẳng có gì để học về tình yêu, đó là chúng ta thường lẫn lộn giữa trải nghiệm ban đầu khi mới “sa vào” tình yêu với trạng thái lâu bền của việc đang yêu. Trên thực tế, chúng ta coi mức độ mãnh liệt, cuồng si, “điên rồ” vì nhau là bằng chứng cho tình yêu nồng nhiệt của mình, trong khi nó chỉ cho thấy mức độ cô đơn của chúng ta trước đó mà thôi.

 

Vậy nếu yêu là một nghệ thuật, ta phải học về nó như thế nào? 

 

Bước thứ nhất cần làm là phải ý thức được yêu là một nghệ thuật, giống như sống cũng là một nghệ thuật vậy. Nếu ta muốn học cách yêu, chúng ta phải bắt đầu giống như cách ta học bất kỳ nghệ thuật nào khác, như âm nhạc, hội họa, làm mộc, hay y học và kỹ thuật. Quá trình học hỏi một nghệ thuật này được chia thành hai phần trong cuốn Nghệ thuật yêu của Erich Fromm: phần đầu là lý thuyết về tình yêu chiếm phần lớn cuốn sách; hai là các gợi ý để thực hành. 

Khác với những gì chúng ta đã được nghe về tình yêu trong thơ ca lẫn đời thường, khi yêu không chỉ đơn giản là “chết ở trong lòng một ít”, LÝ THUYẾT VỀ TÌNH YÊU CỦA ERICH FROMM chính là nỗ lực truy tìm bản chất của tình yêu ở mọi góc độ: trong tiềm thức lẫn ý thức, qua tâm lý lẫn hành vi, đối với cá nhân lẫn văn hóa cộng đồng... “tình yêu” đối với Fromm “chính là câu trả lời chín chắn cho vấn đề tồn tại”. 

Nhu cầu sâu xa nhất của con người là vượt qua sự chia cách, để rời khỏi ngục tù cô độc của mình. Con người – ở mọi thời đại và mọi nền văn hóa – đều phải đối mặt với một vấn đề duy nhất: làm sao vượt qua cảm giác bị chia cách, làm sao để đạt được sự hòa hợp, làm sao để siêu vượt khỏi cuộc sống cá nhân của mỗi người và tìm thấy sự cứu rỗi, tức tìm thấy lại sự “hòa điệu”, không còn bị “chia cách”. Đây cũng là câu hỏi được đặt ra cho người nguyên thủy sống trong hang động, dân du mục chăn gia súc, người nông dân ở Ai Cập, thương nhân xứ Phoenicia, binh lính La Mã, thầy tu thời Trung Cổ, võ sĩ Nhật Bản, nhân viên văn phòng hoặc công nhân nhà máy thời nay.

Cuốn sách dựa trên toàn bộ các thể nghiệm của Fromm. Ông nổi tiếng, chính xác là bởi vì trong thời đại của các hệ tư tưởng, Fromm không phải là một nhà tư tưởng. Ông nhiệt thành lấy những gì mình cần từ Do Thái giáo, từ chủ nghĩa Marx, từ phân tâm học, và sau đó là từ Đạo giáo và Thiền tông, song Fromm rốt cuộc là một người theo chủ nghĩa nhân văn.

Ông đặc biệt coi thường các bài báo trên những tờ tạp chí bóng bẩy, viết về hôn nhân hạnh phúc như thể việc quản lý môi giới kinh doanh. Ông viết, “cả một nhóm hoạt động trơn tru, thì cũng là mối quan hệ được ‘bôi trơn’ giữa hai người xa lạ suốt đời”. Ông xem sự hợp nhất của một cặp đôi là thứ lý tưởng – và không chỉ là “nhất thể tính” với đối phương. Với Fromm, ngay cả tình yêu nhục dục (theo nghĩa hẹp nhất) vẫn là, “ta yêu toàn thể nhân loại ở trong người ấy, yêu tất cả những gì sống động ở trong người ấy”.

Giống như đức tin tôn giáo, TÌNH YÊU CŨNG LÀ MỘT VIỆC THỰC HÀNH. Ông mô tả các yếu tố của tình yêu: kỷ luật, sự tập trung, tính kiên nhẫn và sự tinh thông nghệ thuật. Chúng ta “phải” là ai? Chúng ta phải trung thành với những thái độ nào? Giống như tự do, tình yêu đòi hỏi lòng can đảm. Tình yêu là một khả năng tự nhiên mà chúng ta có thể phát triển bên trong mình.

Nhưng, ngoài học kiến thức lý thuyết và kiến thức thực hành, còn có một yếu tố cần thiết thứ ba đó là phải coi việc tinh thông nghệ thuật là mối quan tâm tối hậu. Có lẽ, ở đây có câu trả lời cho câu hỏi vì sao trong nền văn hóa của chúng ta rất hiếm người học về nghệ thuật này, bất chấp những thất bại rõ ràng của họ: dù có khát vọng thầm kín về tình yêu, hầu hết mọi thứ khác vẫn được coi là quan trọng hơn tình yêu – thành đạt, thể diện, tiền bạc, quyền lực. Hầu như mọi năng lượng của ta đều được dùng để học cách đạt được những mục tiêu này, và hầu như chẳng còn năng lượng để học về nghệ thuật yêu. “Tình yêu mì ăn liền” có lẽ vẫn dễ dàng hơn.

 

Vậy vì sao cuốn sách có vẻ nghiêm túc và nặng nề như Nghệ thuật yêu đã tiếp tục tồn tại? 

 

Bởi vì chúng ta biết rằng Fromm đã nhắm đúng mục tiêu – đó là chúng ta không thể tìm thấy tình yêu nếu đồng thời vẫn lười biếng và nhượng bộ những cám dỗ của văn hóa. Hay sẽ là nửa vời nếu chúng ta vừa hăng hái đi tìm tình yêu vừa yêu một cách dễ dãi. Để thay đổi tình yêu ta nhận, chúng ta sẽ phải thay đổi năng lực yêu - tức là khả năng trao đi tình yêu. 

Về hình thức cuốn sách này cũng giữ được sự mới mẻ dù đã xuất bản từ rất lâu do tính cách cá nhân của Fromm được thể hiện rất rõ. Chủ đề, nhan đề, giọng điệu, tầm nhìn, và thông điệp – người đọc sẽ thấy những yếu tố nói trên bắt nguồn từ một con người quan tâm tới mình. Như đã viết trong Lời tựa, Erich Fromm không viết bằng giọng khoa trương: “để tránh phức tạp hóa không cần thiết, tôi đã cố gắng đề cập vấn đề bằng một ngôn ngữ khả dĩ ít chuyên môn nhất. Cũng vì lý do đó, tôi cũng đã hạn chế tối đa trích dẫn các tài liệu về chủ đề tình yêu”. Dẫu vậy, đây cũng không hẳn là một cuốn dễ đọc bởi bởi dù sao thì lượng kiến thức chuyên môn và những tư tưởng triết học vẫn rất nhiều và không thể diễn giải qua loa được.

Ở Việt Nam, trước năm 1975, chúng ta có hai bản dịch tác phẩm này, một của dịch giả Tuệ Sỹ với nhan đề Tâm thức luyến ái, và của Giáo sư Thụ Nhân với tên gọi Phân tâm học về tình yêu. Phiên bản mới nhất đổi thành Nghệ thuật yêu quả thật hợp lý hơn. Bởi chúng ta không chỉ yêu để làm nảy sinh tình yêu, như bất kỳ môn nghệ thuật nào khác, việc học và thực hành nó còn là cách để chúng ta nhìn lại bản thân, và từ đó nhìn đến những vấn đề sâu rộng hơn. Chúng ta sẽ không thể thỏa mãn trong tình yêu cá nhân nếu chúng ta không có khả năng yêu thương đồng loại, nếu không có đức khiêm hạ đích thực, lòng can đảm, đức tin và kỷ luật. Trong một nền văn hóa hiếm hoi những phẩm chất này, thì việc đạt được khả năng yêu ắt vẫn là một thành tựu hiếm có. Hoặc bất kỳ ai cũng có thể tự hỏi bản thân rằng có bao nhiêu người thực sự biết yêu trong những người ta quen biết?

Thanh Trần

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Nghệ Thuật Yêu: Những quan niệm sai lầm và dối trá khiến người ta cứ mãi lao đao bởi nó

Cô đơn trong thế giới hiện đại - Cuộc sống độc thân có tệ hại như bạn nghĩ?

Làm sao “hãy là chính mình” khi chưa biết ‘đâu là mình’?

 
Tags: