Hãy tưởng tượng về một thế giới như thế.
Bằng việc tưởng tượng về một thế giới như thế, ta có thể thấy rằng: soulmate, bằng ý nghĩa chân thực và sâu sắc nhất của từ ấy, thật sự khiến chúng ta được hạnh phúc, và đặc biệt hơn nữa - hạnh phúc ở mức độ sâu sắc nhất và đặc biệt nhất.
Nhưng ta biết rằng một thế giới như thế không có thực. Chúng ta không có cái tên nào được khắc lên mình, cũng chẳng (hoặc chưa) có cơ sở nào để tin chắc vào sự tồn tại của một ai đó được ấn định cho cuộc đời mình và chỉ duy nhất cuộc đời mình. Nhưng điều ấy cũng chẳng hề gì cả. Điều chúng ta cần làm là mở rộng ý niệm ấy, để nhận ra rằng không phải ý niệm về soulmate, hay sự tồn tại của một cá thể được ấn định là soulmate của ta, đã làm ta hạnh phúc. Thứ làm ta được hạnh phúc và được là chính mình là tình yêu.
Hay nói cách khác, tất cả những điều tưởng như xa vời và quá khó hiểu ấy có thể được tóm lược trong một câu nói của Plato:
“Love makes us whole again.”
(Tình yêu làm chúng ta toàn vẹn lần nữa.)
Soulmate (soul: linh hồn, mate: người bạn) được hiểu là một người có kết nối sâu sắc với linh hồn của ta, cùng ta chia sẻ những cảm xúc sâu sắc và mãnh liệt, như tình yêu, cảm giác bị thu hút, sự tin tưởng, mong muốn được đồng hành và sẻ chia,... Nói cách khác, tri kỷ được tin là một sự kết nối tâm trí, tôn trọng lẫn nhau, tình yêu vô điều kiện và sự thấu hiểu toàn vẹn. Đó là việc yêu và được yêu khi là chính mình và biết rằng, không chỉ người kia đang dõi theo và thấu hiểu mọi suy nghĩ của ta, mà còn ở ngay đó với ta, bên cạnh nhau, vĩnh viễn.
Nhà soạn kịch lừng lẫy trước Công nguyên Aristophanes từng mang tới một giả thuyết: xưa kia, con người không có hình dáng như hiện tại, mà có tới hai mặt, bốn tay chân. Bởi dáng vóc ấy mà loài người vô cùng mạnh mẽ, tới nỗi các vị thần sợ hãi việc một ngày nào đó mình sẽ mất khả năng thống trị loài người. Vì lẽ ấy, thần Zeus quyết định xẻ mỗi cá thể người làm đôi. Bởi thế, một cách tự nhiên, mỗi người đều tồn tại một nửa khác của mình. Nói cách khác, hai người không phải hai cá thể, mà chỉ là một, bị chia tách và rồi sẽ tìm thấy nhau vào một ngày nào đó để hoàn thiện sự sống của nhau. Aristọphanes viết,
Mỗi người đều khao khát một nửa còn lại của mình, bởi thế mà họ sẽ vươn tay về phía nhau, đan vào nhau, ôm lấy nhau và mong muốn được hoàn thiện cùng nhau.
Giữa những soulmate luôn được gắn kết bởi tình yêu. Một thứ tình yêu rộng lớn và sâu sắc, không giới hạn trong một dạng thức nào; “soulmate” của ta có thể là một người tình, một tri kỷ, một người bạn thân hay một twinflame - một kết nối linh hồn mãnh liệt, tựa như linh hồn của người này là tấm gương soi linh hồn của người kia.
Trong giả thuyết về soulmate của mình, Aristophanes cho biết những giả thuyết mình đưa ra giải thích nguồn gốc của mong muốn yêu và được yêu của chúng ta. Theo Aristophanes,
Tình yêu được hoài thai trong mỗi sinh thể loài người; nó gọi hai nửa bản chất ban đầu của ta lại gần nhau lần nữa; nó cố sức hàn liền hai mảnh ấy thành một và chữa lành vết thương của bản chất con người. Mỗi chúng ta, bởi thế, là “một nửa phù hợp” của một sinh thể người hoàn chỉnh… và mỗi chúng ta luôn miệt mài tìm kiếm một nửa khớp với mình.
Trải qua hàng thế kỷ, quan điểm của Plato và Aristophane về tình yêu vẫn trùng khớp với quan điểm hiện đại về điều ấy: tình yêu, nói một cách đơn giản, là sự khám phá những liên kết tri kỷ, là cuộc tìm kiếm một nửa còn lại - một nửa có sứ mệnh hoàn thành và chữa lành ta.
Như Aristophanes mô tả, ta có thể coi tình yêu là một phương pháp chữa lành vết thương, hay cụ thể hơn, “vết thương của bản chất con người”. Vết thương này thực chất là gì?
Hiển nhiên, ở một mặt, vết thương ấy chính là vết thương do thần Zeus gây ra khi tách mỗi cá thể người làm đôi. Từ giả thiết đó, các triết gia Hy Lạp cổ đại cho rằng: con người vốn dĩ đã luôn bị thương. Ít nhất là, con người chúng ta dễ mắc phải những thói quen và sai lầm nguy hại, những gì dường như đã in hằn vào bản chất không thể thay đổi được.
Vào thế kỷ 17, nhà triết học người Pháp Blaise Pascal đã đưa ra một lời giải thích về vết thương của bản chất con người. Theo ông, nguồn gốc của những tội lỗi của chúng ta nằm ở chỗ ta không thể chỉ ngồi yên một nơi, không thể chỉ ở một mình với chính mình, và khó khăn trong việc tìm lời giải cho những điều ta không thể biết. Chúng ta tìm kiếm những cách để khuây khoả, để ngăn những dòng suy nghĩ vẫn đêm ngày bào mòn mình như một mạch ngầm dữ dội: có lẽ chúng ta cô đơn trong vũ trụ này - có lẽ chúng ta đang lạc bước trên tảng đá nhỏ bé tên là Trái Đất này, trong một khoảng không gian và thời gian vô tận, với chẳng một sự coi sóc có thiện ý từ một lực lượng siêu việt nào trên cao.
Vết thương của bản chất người chính là tình trạng tồn tại, Pascal gợi ý: bởi những sự không chắc chắn vào vị trí của chính mình, mà chẳng một khoa học nào có thể tìm ra lời giải quyết, chúng ta vĩnh viễn đứng trước bờ vực của ngờ vực hoặc tuyệt vọng.
Pascal gợi ý rằng vết thương của bản chất chúng ta là tình trạng tồn tại: nhờ vào tình trạng hoàn toàn không chắc chắn của chúng ta, điều mà không khoa học nào có thể giải đáp hoặc giải quyết, chúng ta vĩnh viễn đứng trước bờ vực của lo lắng - hoặc tuyệt vọng. Trong những khoảnh khắc ấy, sự tồn tại của khái niệm một nửa hoàn hảo, hay soulmate, chính là một liệu pháp an ủi tuyệt vời: chúng ta không cô đơn trong vũ trụ, chúng ta có một phần mình gửi gắm ở một ai đó khác; những phần đời đan xen, quyện chặt theo một lối chặt chẽ, và chính sự kết nối ấy làm nên ý nghĩa chân thực của cuộc sống, gạt đi cảm giác cô đơn vẫn theo ta như thể từ tiền kiếp.
Đối với soulmate, Aristophanes có những kỳ vọng lớn lao,
Khi một người gặp được một nửa thuộc về anh ta và chỉ anh ta mà thôi, điều gì đó thật diệu kỳ sẽ xảy ra: cả hai người họ sẽ chịu ràng buộc trong những cảm thức về tình yêu, cảm thức rằng mình thuộc về người kia; họ sẽ chẳng muốn rời nhau ra nữa, dù chỉ là một khoảnh khắc thôi. Họ hoàn thành cuộc đời mình cùng nhau, cho dù là đến tận cuối đời vẫn chẳng thể nói ra mình muốn điều gì từ người kia.
Khái niệm "tri kỷ" ngụ ý rằng chỉ có một người duy nhất trong vũ trụ là người phù hợp với ta, một người trong cả tỉ người trên thế giới có sứ mệnh hoàn thiện ta, người mà ta sẽ nhận ra trong nháy mắt. Tuy thế, điều gì sẽ xảy ra nếu trong quá trình tìm kiếm tình yêu đích thực ấy, bạn chỉ chờ đợi trong mòn mỏi và vô ích? Điều gì sẽ xảy ra nếu, thật không may, không có một nửa kia hoàn hảo nào đang chờ đợi bạn cả?
Chúng ta vẫn thường quen với những câu chuyện cổ tích khi những vị anh hùng (hay những công chúa) tìm được người bạn tâm giao của đời mình, và “sống hạnh phúc mãi mãi về sau.” Truyện cổ tích không đề cập tới những gì xa xôi hơn thế và thực tế hơn thế: một cuộc sống thực thụ, nơi con người luôn phải vật lộn để được sống. Điều gì sẽ xảy ra nếu ta bước vào một mối quan hệ, thậm chí là cả hôn nhân, mong đợi sự hào nhoáng và thỏa mãn trước đó sẽ tồn tại lâu dài, nhưng rồi điều đó không xảy ra, tất cả nhường chỗ cho… cuộc sống bình thường, nơi mà những thắc mắc, nghi ngờ và bất mãn thông thường của cuộc sống vẫn xuất hiện và kéo dài?
71% người Mỹ tin vào khái niệm soulmate, và chính họ cũng là những người dễ tan vỡ vì niềm tin ấy. Khi cuộc sống phô ra những góc cạnh sắc ngọt, những lời hứa đôi khi khó có thể được bảo đảm, những sự thấu hiểu giảm đi và vênh lệch tăng lên, chúng ta có xu hướng hoài nghi niềm tin của mình về soulmate, thậm chí cho rằng người bên cạnh mình thật chất không phải là nửa kia hoàn hảo. Bởi thế, chúng ta vô tình hoặc cố ý xa rời người kia, vô thức tìm kiếm một ai đó khác mà ta cho là tâm giao của mình.
Ấy là lúc ta cần chiêm nghiệm lại phạm vi của khái niệm soulmate mà ta vẫn tin tưởng: soulmate có thực sự tồn tại hay chỉ là một niềm tin cố hữu không có cơ sở? Nếu sự tồn tại ấy là thực, làm thế nào để chứng minh những kết nối của ta với nửa kia, khi sự khắc nghiệt của thế giới khiến nó trở nên mờ nhạt và đáng nghi?
Chúng ta thường ít để tâm tới một điều: Chỉ soulmate chưa làm ta hạnh phúc. Nói cách khác, ta hạnh phúc không phải vì người đó. Ta thật sự hạnh phúc là vì những gì mình sẻ chia cùng người đó trong hành trình hoàn thiện cùng nhau.
Bỏ qua những giả thuyết tâm linh, bỏ qua tính cổ tích của những kết nối tâm hồn như soulmate, twinflame hay sợi chỉ đỏ trong văn hoá Đông phương, ta cần nhìn vào thực tế và nhận ra một điều: tình yêu đích thực thật chất vô cùng trần tục. Những người đến với nhau vì tình yêu và sự tin tưởng không ngừng lấp đầy lẫn nhau, che chở nhau và hoàn thiện nhau, và chính những khó khăn lẫn hoài nghi của cuộc sống khiến họ muốn gần nhau và bao dung cho nhau hơn nữa. Về căn bản, tình yêu đích thực không phải được phát hiện ra một cách đường đột (một ngày nào đó, ta va phải ai đó trên đường, và thế giới âm bản của ta bỗng chốc bừng nở thành những màu sắc rực rỡ!) hay được đinh ninh ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tình yêu đích thực là thành quả của sự quan tâm và hy sinh, của một quá trình dài phấn đấu và chiến đấu vì nhau.
Có được soulmate, chúng ta vẫn chưa có được sự an toàn và hạnh phúc tuyệt đối. Có được tình yêu, chúng ta vẫn chưa có được tất cả; những mối lo toan cuộc sống thường nhật vẫn tồn tại ở đó, vẫn chia cắt tâm hồn ta và kéo ta về phía cảm giác bất an bản chất. Tuy thế, những khó khăn của cuộc đời không phải là lý do để hoài nghi vào độ bền chắc của soulmate hay tình yêu nói chung. Những khó khăn và vênh lệch xuất hiện như một phần thử thách mà ta cần phải vượt qua để tiến gần hơn tới sự thấu hiểu và bao dung, vấn lại những kết nối còn lơi lỏng và se lại những sợi chỉ đỏ quấn lấy đầu ngón tay hai người.
Nếu một soulmate thật sự tồn tại, kết nối ấy không phải đã được hoàn thiện từ khi cả hai người sinh ra và chỉ chờ một ngày để nối liền với nhau. Nó phải luôn được tạo dựng và thành hình, suốt cả cuộc đời, trong hành trình cả đời cùng nỗ lực và vun đắp, cùng trải qua cả giông bão và những ngày nắng đẹp.
Thứ chúng ta cần không phải chỉ là tin vào soulmate. Thứ chúng ta cần là nỗ lực đưa niềm tin ấy thành sự thật: ấy thật sự là soulmate, vì tình yêu đích thực đã gắn chặt những mối nối kết và thực sự biến hai người thành một nửa hoàn hảo của nhau. Bản chất của vấn đề không nằm ở soulmate có thật sự có thật hay không, mà nằm ở niềm tin và nỗ lực xây dựng niềm tin ấy, cùng sự sẵn sàng chiến đấu vì tình yêu của bạn.
Thu Hà
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
[Trạm Nghiền Ngẫm] Hỏi thế gian TÌNH LÀ CHI và tại sao chúng ta cần biết về TÌNH YÊU?