Nghệ Thuật Yêu: Những quan niệm sai lầm và dối trá khiến người ta cứ mãi lao đao bởi nó
Nghệ Thuật Yêu: Những quan niệm sai lầm và dối trá khiến người ta cứ mãi lao đao bởi nó
“Hầu như không có bất kỳ hoạt động nào, bất kỳ sự nghiệp nào, khởi đầu với những hy vọng và kỳ vọng lớn lao như vậy, nhưng vẫn thất bại thường xuyên, như tình yêu.”

“Yêu mà không biết cách yêu thương sẽ làm tổn thương người mình yêu”, thiền sư nổi tiếng Thích Nhất Hạnh khuyên nhủ mọi người trong chuyên luận tuyệt vời bàn về cách yêu thương của ông — đây là một ý nghĩ khiến chúng ta vô cùng bối rối trong bối cảnh của những huyền thoại văn hóa trong thời đại hiện nay liên tục rót vào đầu chúng ta rằng: tình yêu là một điều gì đó xảy đến với chúng ta một cách bị động và tình cờ, một thứ gì đó mà chúng ta rơi vào, một cái gì đó tấn công chúng ta giống như mũi tên; thay vì cho rằng đó là một kỹ năng có được thông qua việc thực hành có chủ ý giống như bất kỳ việc theo đuổi sự xuất sắc nào khác của con người. Việc chúng ta không nhận ra khía cạnh khéo léo này có lẽ là nguyên do chính khiến tình yêu lúc nào cũng đan xen với sự thất vọng.

Đó là những gì mà nhà tâm lý học xã hội, nhà phân tâm và triết gia vĩ đại người Đức Erich Fromm (23/3/1900 – 18/3/1980) xem xét trong tuyệt tác được xuất bản vào năm 1956 của ông Nghệ thuật yêu (The Art of Loving) cách các nghệ sĩ mới vào nghề làm việc trên con đường trở thành bậc thầy, đòi hỏi cả kiến ​​thức và nỗ lực của người làm nghệ thuật.

 


Erich Fromm viết:

Cuốn sách này muốn thể hiện rằng tình yêu không phải là một quan điểm mà bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng tự cho phép mình muốn làm gì thì làm được, bất kể mức độ trưởng thành mà người ấy đạt được. Nó muốn thuyết phục người đọc rằng tất cả những nỗ lực của người ấy cho tình yêu chắc chắn sẽ thất bại, trừ khi người ấy cố gắng tích cực nhất để phát triển toàn bộ tính cách của mình, để đạt được một hướng đi hữu hiệu; sự hài lòng trong tình yêu đôi lứa không thể đạt được nếu không có khả năng yêu người bên cạnh mình, không có sự khiêm nhường, can đảm, đức tin và kỷ luật thực sự. Trong nền văn hóa mà những phẩm chất này là hiếm có, thì việc đạt được khả năng yêu là một thành tựu khó đạt được.

Fromm xem xét sự nhìn nhận sai lệch của chúng ta về nguyên lý âm-dương có tính tất yếu trong tình yêu:

Hầu hết mọi người nhìn nhận vấn đề của tình yêu chủ yếu là về vấn đề được yêu, hơn là về yêu, về khả năng yêu. Do đó, vấn đề với họ là làm thế nào để được yêu, làm thế nào để đáng yêu.

[…]

Mọi người nghĩ rằng để yêu là điều đơn giản, nhưng để tìm đúng đối tượng để yêu — hoặc để được yêu — thì lại khó. Thái độ này có một vài nguyên do bắt nguồn từ sự phát triển của xã hội hiện đại. Một nguyên do là sự thay đổi to lớn xảy ra trong thế kỷ XX liên quan đến việc chọn “đối tượng yêu”.

 

Minh họa: Brian Rea

Sự cố định của chúng ta trong việc lựa chọn đối tượng yêu, Fromm lập luận, đã gieo rắc một sự “nhầm lẫn giữa kinh nghiệm ban đầu về 'việc rơi' vào trạng thái tình yêu ‘vĩnh cửu’, hoặc như có thể nói dễ hiểu hơn là, vào trạng thái 'đang ở' trong lưới tình”, một điều mà Stendhal đã đề cập hơn một thế kỷ trước đó trong lý thuyết về “sự kết tinh” của tình yêu. Fromm xem xét sự nguy hiểm của việc nhầm lẫn giữa tia lửa với chất đốt:

Nếu hai người xa lạ, như tất cả chúng ta, đột nhiên để bức tường giữa hai người bị phá vỡ và cảm thấy gần gũi đối phương, cảm thấy hai người như một, thì khoảnh khắc của sự đồng nhất này là một trong những trải nghiệm vui vẻ nhất, thú vị nhất trong cuộc sống. Đó là điều tuyệt vời và kỳ diệu nhất cho những người đã bị ngăn cách, bị cô lập, không có tình yêu. Phép lạ của sự thân mật bất ngờ này thường được tạo điều kiện nếu nó được kết hợp với, hoặc được khởi xướng bởi sự hấp dẫn và thỏa mãn dục tình. Tuy nhiên, về mặt bản chất loại tình yêu này không kéo dài. Hai người dần dần trở nên quen thuộc, sự thân mật ngày càng mất đi đặc tính kỳ diệu của nó, cho đến khi sự đối nghịch, thất vọng, nhàm chán lẫn nhau của họ giết chết bất cứ điều gì còn sót lại của sự phấn khích ban đầu. Nhưng, khi mới yêu nhau, họ không biết tất cả những điều này: trên thực tế, họ lấy mức độ say mê, “điên cuồng” về nhau, để chứng minh cho mức độ yêu của họ, trong khi nó chỉ có thể chứng minh mức độ cô đơn trước đó của họ mà thôi.

[…]

Hầu như không có bất kỳ hoạt động nào, bất kỳ sự nghiệp nào, khởi đầu với những hy vọng và kỳ vọng lớn lao như vậy, nhưng vẫn thất bại thường xuyên, như tình yêu.

Minh họa: Brian Rea

Cách duy nhất để loại trừ sự thất bại tình yêu trong quá khứ này, Fromm lập luận, là xem xét các nguyên do cơ bản cho sự mất kết nối giữa niềm tin của chúng ta về tình yêu và “bộ máy thực tế” của nó — trong đó phải bao gồm việc thừa nhận tình yêu như một cách thực hành có sự am hiểu chứ không phải là một ân sủng. Fromm viết:

Bước đầu tiên cần làm là nhận thức được rằng yêu là một nghệ thuật, giống như sống. Nếu muốn học cách yêu thương, thì ta phải làm như khi ta muốn học bất kỳ môn nghệ thuật nào khác, như âm nhạc, hội họa, mộc, hoặc nghệ thuật chữa bệnh hay kỹ nghệ. Các bước cần thiết trong việc học bất kỳ môn nghệ thuật là gì? Quá trình học một nghệ thuật có thể được chia thành hai phần: một là nắm vững lý thuyết; và hai là làm chủ cách thực hành. Nếu muốn tìm hiểu nghệ thuật chữa bệnh, thì trước tiên ta phải biết sự thật về cơ thể con người và về các căn bệnh khác nhau. Khi có tất cả kiến ​​thức lý thuyết này, điều này không đồng nghĩa với việc ta là có năng lực trong nghệ thuật chữa bệnh. Ta sẽ trở thành bậc thầy trong nghệ thuật này chỉ sau khi ta đã thực hành đủ nhiều; cho đến cuối cùng những kết quả về kiến ​​thức lý thuyết và thực hành của ta được hòa trộn thành một — [thành] trực giác của ta, đây là bản chất thành thạo bất kỳ môn nghệ thuật nào. Nhưng, ngoài việc học lý thuyết và thực hành, còn có một yếu tố thứ ba cần thiết cho việc trở thành bậc thầy trong bất kỳ môn nghệ thuật nào — đó là việc làm chủ nghệ thuật phải trở thành vấn đề của sự quan tâm tối hậu (ultimate concern); không có điều gì khác trên thế gian này quan trọng hơn nghệ thuật. Điều này đúng cho âm nhạc, y học, nghề mộc — lẫn cho cả tình yêu nữa. Và, có lẽ, đây là câu trả lời cho câu hỏi tại sao mọi người trong nền văn hóa của chúng ta hiếm khi nỗ lực học môn nghệ thuật này, bất chấp những thất bại rõ ràng của họ: mặc dù khao khát tình yêu sâu sắc, hầu hết mọi thứ khác đều được coi là quan trọng hơn tình yêu: thành công, uy tín, tiền bạc, quyền lực — hầu như tất cả năng lượng của chúng ta đều dành cho việc học làm sao để đạt được những mục tiêu này, và hầu như chẳng có mục tiêu dành cho việc học nghệ thuật yêu cả.

Trong phần còn lại của tuyệt tác bất hủ Nghệ thuật Yêu, Fromm tiếp tục khám phá các quan niệm sai lầm và những dối trá trong nền văn hóa của mình khiến chúng ta không làm chủ được kỹ năng quan trọng nhất này của con người, ông phác thảo cả lý thuyết lẫn cách thực hành của tình yêu với sự thấu hiểu phi thường về sự phức tạp của trái tim con người. Những quan niệm của triết gia người Pháp Alain Badiou về nguyên do tại sao chúng ta yêu và ở trong lưới tình và của Mary Oliver về những sự điên rồ tất yếu của tình yêu là những bổ sung cho tuyệt tác này.

Nguyễn Việt Anh Dịch - Trạm Đọc | Nguồn: Brain Pickings

Tags: