Nếu đem ra so sánh thì khung cảnh ở hiện đại có vẻ ảm đạm hơn nhiều. Thay vì một gia đình ngồi quanh lò sưởi, chúng ta thường chỉ thấy hình ảnh một người với một khay đồ ăn trên bàn và một chiếc tivi. Chính Tập đoàn Swanson (ban đầu là một nhà sản xuất gia cầm ở Omaha, Nebraska) đã tung ra ý tưởng “bữa tối tivi đông lạnh” vào năm 1954, cũng là năm mà tivi màu được giới thiệu khắp Hoa Kỳ. Bữa tối bao gồm 2 lát ức gà tây, khoai lang, bơ đậu Hà Lan và sốt bánh mì ngô. Công ty đã lên kế hoạch bán 5.000 phần ăn trong năm đầu tiên, nhưng kết quả là họ bán được tới 10 triệu. Những năm sau đó, Swanson thực hiện nhiều thay đổi dành cho bữa ăn đơn độc này. Họ tạo ra ngăn thứ tư cho khay - thường được dùng để chất đầy các lát táo hoặc đào với siro. Có xúc xích gà tây và gà lát, ‘thịt bò nạc trong nước thịt tự nhiên’, một khay kiểu Đức và một phiên bản dành cho lễ Tạ ơn (thêm ‘chút gì đó gọi là cổ vũ - sốt nam việt quất tangy. Hoan hô!’). Đó có thể là một quãng đường ngắn về mặt thời gian, nhưng lại là một chặng đường dài về mặt tinh thần, từ lễ Tạ ơn đầy tiếng cười của gia đình cho đến bữa ăn gà tây được sản xuất công nghiệp dành riêng cho một người của Swanson (‘Chỉ cần hâm nóng và phục vụ’).
“Hiện đại” chắc hẳn là một nơi có nhiều cô đơn hơn bất cứ thế giới trước nó. Và câu hỏi là tại sao thế? Bữa tối đông lạnh có thể là một lời giải thích nhanh gọn, nhưng những khay đồ ăn công nghiệp này giống như một triệu chứng cho thấy chúng ta đang ngày càng cảm thấy bất an trong sự cô đơn hơn là nguyên nhân khiến chúng ta xa lánh nhau. Nó cũng không phải do công nghệ (thành phố, ô tô hay màn hình) mà chúng ta trở nên xa cách; đó chỉ là một chuỗi các lý do thể xác định được. Cuộc sống một mình cũng không sinh ra nhiều vấn đề như chúng ta thường nghĩ, rằng nó khiến con người trở nên sân si và xấu tính hơn. Sự cô đơn không trỗi dậy đơn giản chỉ vì ai đó tình cờ bị cô lập về mặt vật lý, mà nó xuất hiện khi nền văn hóa hiện nay thôi thúc chúng ta nên cảm thấy xấu hổ khi bị như vậy. Vậy nên nguyên nhân đầu tiên và chủ yếu khiến chúng ta cảm thấy cô đơn, thực ra chính là từ bản thân chúng ta, thông qua những câu chuyện mà chúng ta tự nói với mình về ý nghĩa của sự cô đơn.
Hầu hết các thời đại trước đây của chúng ta đều biết rằng sự cô độc - theo cách hiểu chung - không hẳn là dấu hiệu của một cuộc sống khốn khổ hay thiếu thốn. Có nhiều cách để một người được là chính mình, với đầy đủ danh dự và sự hiệp thông với những gì cao quý và thiêng liêng. Sự cô lập về thể chất cũng mang lại cảm giác kết nối mạnh mẽ với những vị thần, với một nhân vật trong sách, một bản nhạc hay với phần tĩnh lặng trong tâm trí của họ. Con người có thể ở một mình mà không cảm thấy bị cô lập hay thiếu an toàn - cũng giống như một người đang ở trong vòng tay của gia đình cũng có thể cảm thấy khốn khổ vì cảm giác như mình vô hình và không được ai lắng nghe.
Thủa sơ khai của Cơ đốc giáo, người ta tin rằng hòa đồng không bao gồm cả việc trò chuyện với bất kỳ ai lân cận với mình (họ hàng hay bạn cùng học một trường), mà nó có nghĩa là kết nối với những suối nguồn ý nghĩa quan trọng nhất của vũ trụ. Mục tiêu này đôi lúc cũng đòi hỏi con người phải sống một mình ở nơi hẻo lánh hơn, trong một túp lều trong rừng hoặc một ngọn tháp trên vách đá, và học cách kết nối với Thượng đế cũng như tình yêu và trí tuệ của Ngài. Vào thế kỷ IV, vị thánh vĩ đại của Cơ đốc giáo sơ khai - Thánh Anthony, được cho là đã sống hơn 40 năm ở sa mạc phía Tây của Ai Cập, không nói một lời, chỉ ăn bánh mì và muối, giao tiếp với Thượng đế bằng một phương pháp gọi là ‘hysychasm’ - một kiểu cầu nguyện, chiêm niệm huyền bí mà trong đó, mỗi tín đồ cố gắng tĩnh lặng mọi thứ bên trong họ (bao gồm cả hơi thở) trong nhiều giờ để cố gắng đến gần hơn với những bí ẩn vô tận của Đức Chúa Trời. Ấn tượng với cuộc đời của Anthony, nhiều người đã đến sa mạc để làm theo ông, dựng lều trong các hang động gần đó, nuôi râu và tóc, đồng thời viết ra những điều họ suy nghĩ và quan sát được. Họ được gọi chung là các Giáo phụ Sa mạc, với triết lý sống khổ hạnh và lòng mộ đạo đơn độc của họ sẽ tiếp tục có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thành lập các tu viện, các cơ sở mà trong nhiều thế kỷ tiếp theo, sẽ nghi thức hóa và hệ thống hóa đời sống những tín hữu đơn độc. Trong thời kỳ đỉnh cao của Chủ nghĩa tu viện thời Trung cổ, ước tính có khoảng một triệu người trên khắp châu Âu và Bắc Phi đã chọn cách bỏ qua sự nhộn nhịp của gia đình để sống chậm lại, dừng chân ở những vùng đất hiểm trở và hẻo lánh nhất trên thế giới, sống trong im lặng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thần linh.
Tuy nhiên, với sự nổi dậy của phong trào Cải cách mà kèm theo là việc phá hủy các tu viện, lòng thành kính cùng sự đơn độc cũng bắt đầu mất đi sự cao quý vốn có và rút lui như một lựa chọn thực tế hơn. Những người trước đây chọn sống một mình trên đỉnh núi nay được khuyến khích phụng sự Chúa Trời bằng cách ở với cộng đồng, tìm một người bạn đời phù hợp và bắt đầu một gia đình. Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng sống cô độc có thể làm nảy sinh tính ích kỷ hoặc là dấu hiệu của một tâm trí không ổn định.
Chính trong bối cảnh tôn giáo - xã hội mới này, ảnh hưởng của Chủ nghĩa lãng mạn đã chen chân vào như một trào lưu tư tưởng (với nhiều mục đích khác nhau) khuyến khích mọi người từ bỏ các cam kết trong việc kết nối với bản thân và tự hỏi sự cô độc có nghĩa lý gì hay không. Đối với những người theo Chủ nghĩa lãng mạn, hạnh phúc nằm ở việc tìm được một người bạn tri kỷ đặc biệt, người mà ta có thể từ bỏ sự độc lập của mình, và là người mà ta có thể kết hợp cả tâm trí và thể xác với họ. Với một người yêu chân thành ở bên, con người sẽ không bao giờ cảm thấy buồn phiền hay lạc lõng nữa, cuối cùng con người có thể nhận ra mục đích của cuộc đời và trân trọng thành quả của họ: những người có mái ấm để trở về.
Những người theo Chủ nghĩa lãng mạn đã vẽ lên một bức tranh cảm động về cuộc sống lứa đôi, và nhờ vào nghệ thuật và những ví dụ về cuộc sống của chính mình, họ đã thuyết phục được thế giới hiện đại. Nhưng trong quá trình này, phong trào Lãng mạn cũng dẫn đến một tác động tai hại đến cách chúng ta nhìn nhận về việc ở một mình. Chủ nghĩa Lãng mạn đã biến sự cô độc từ một lựa chọn sâu sắc và đáng tôn trọng, thành triệu chứng bệnh lý. Có vẻ như qua lăng kính của Chủ nghĩa lãng mạn, chẳng có lý do gì khiến một người bình thường lại muốn ở một mình, trừ khi họ có bệnh tâm lý hay có nhu cầu tình dục lệch lạc. Nhà triết học Chủ nghĩa Lãng mạn (người đã kết hôn 4 lần) Betrand Russell giải thích: “những người sống mà chưa từng biết đến tiếp xúc thân mật và sức hút mãnh liệt của hạnh phúc lứa đôi, chẳng khác nào đã bỏ lỡ điều tuyệt vời nhất mà cuộc sống ban tặng”. Nghe có vẻ đáng khích lệ, nhưng bên dưới lớp bề mặt đó cũng cho thấy một lời đe dọa đặc trưng của thời kỳ Lãng mạn.
Bằng quá trình tuyên truyền rất thành công về hôn nhân, chủ nghĩa Lãng mạn chắc chắn rằng những người đang sống một mình sẽ không còn cách nào khác ngoài việc mất niềm tin vào phẩm chất đáng quý và sự thẳng thắn của họ - mà sau cùng có thể khiến họ bị cô lập hơn rất nhiều so với các Giáo phụ Sa mạc sau nửa thế kỷ im lặng ở sa mạc Nitrian.
Với vẻ ngây thơ trong sáng, những người theo Chủ nghĩa lãng mạn chia sẻ câu chuyện của những cặp đôi yêu nhau và hạnh phúc của họ. Giống như Cơ đốc giáo, chủ nghĩa Lãng mạn cũng có các vị thánh và những hình tượng thiêng liêng, các đoạn sử thi và những cuốn sách thánh. Cũng có những cặp đôi như Abigail Adams và người chồng John - vị tổng thống thứ 2 của Hoa Kỳ, với mối quan hệ vô cùng ấm áp và đầy cảm hứng đã được Chủ nghĩa lãng mạn coi là một ví dụ rằng hôn nhân là dành cho tất cả mọi người (trái ngược với một câu chuyện cổ tích cũng khá hấp dẫn khác rằng làm tổng thống thì rất khó và chỉ mang tính đại diện). Vợ chồng họ vẫn vô cùng gắn bó trong 54 năm, viết thư cho nhau 5 lần mỗi ngày khi phải sống xa nhau (tổng số thư thu thập được là 1.160 bức) và biết mọi thứ về nhau từ tư tưởng chính trị - tôn giáo cho đến sở thích ăn súp, găng tay và bản nhạc yêu thích. Trên giường bệnh vào năm 1818, Abigail được cho là đã nói với chồng: “Đừng buồn, anh bạn của em, người bạn thân yêu nhất của em. Em đã sẵn sàng để ra đi. Và John à, sẽ không lâu đâu” (dù trên thực tế là 8 năm sau). Ý tưởng về những người tốt sẽ không chỉ nên duyên trong kiếp này mà họ còn tiếp tục duyên phận như vậy ở kiếp sau - một niềm tin mà sau đó được thực hiện vào thế kỷ 19 thông qua thói quen chôn các cặp vợ chồng trong hầm chung hoặc hầm đôi. Có thể thấy độc thân đã không còn là một lựa chọn khôn ngoan với người sống nữa - và cả với người chết, như vừa nói trên.
Chủ nghĩa lãng mạn không chỉ khiến những người độc thân cảm thấy kỳ quái, nó còn tạo ra áp lực nặng nề cho cả những người đang trong mối quan hệ vợ chồng, những người không chắc họ có thật sự mãn nguyện với bạn đời của mình hay không. Nó khiến những người vốn đang sống im lặng, tử tế, với thói quen và phong cách sống lý tưởng của họ, bỗng cảm thấy cô đơn và đáng bị nguyền rủa hơn bất kỳ điều gì họ từng làm. Trong phần lớn lịch sử, không ai kỳ vọng rằng con người sẽ luôn cảm thấy mãn nguyện vừa ý trong cuộc sống lứa đôi. Trên thực tế, nhẫn nhịn và hòa giải được coi là những thành tựu thực sự. Một người sẽ được xem là sống tốt nếu người đó không đâm ra chán ghét bạn đời của mình sau vài thập kỷ sống chung. Nhưng dưới ảnh hưởng mới của Chủ nghĩa lãng mạn, bất cứ điều gì không đạt đến mức hạnh phúc ngây ngất bất tận đều có thể bị xem là vi phạm các nguyên tắc cơ bản để tồn tại. Dẫu cho con người tồn tại đâu chỉ để dung hòa với một con người khác. Chúng ta có thể lựa chọn gắn bó với ai đó bởi vì nhiều khả năng: vì nó thực sự không đến nỗi quá tệ; vì để cho tiện; bởi vì họ có gương mặt khá ổn (ít nhất cũng có một góc ổn) và thỉnh thoảng họ cư xử khá thân thiện… Nhưng tất cả những lý do này đều bị xem tư tưởng dị giáo đáng bị lên án một cách nghiêm trọng.
Chủ nghĩa lãng mạn đã đẩy con người vào thế bị kẹt giữa 2 gọng kìm: bằng cách cho thấy tình trạng độc thân là điều không thể về mặt tâm lý, nó khiến chúng ta hoảng sợ và từ đó chấp nhận một lời cầu hôn mà lẽ ra chúng ta nên từ chối. Nhưng đồng thời, bằng cách gợi ý rằng nhiệt huyết và chân ái là tiêu chuẩn cho mọi mối quan hệ tốt đẹp, nó khiến phần lớn cặp đôi cảm thấy như họ đã lựa chọn sai một ly và giờ đi cả dặm.
Các mối căng thẳng bùng phát ở Anh sau Thế chiến thứ nhất. Theo sau thiệt hại về nhân mạng trong cuộc chiến tranh, một cuộc điều tra dân số còn cho thấy số phụ nữ lúc bấy giờ đông hơn nam giới khoảng 1,75 triệu người. Các tờ báo thay nhau lên tiếng cảnh báo về “2 triệu phụ nữ thặng dư”. Trên thực tế việc không kết hôn không có nghĩa là người ta sẽ rơi vào trạng thái sầu não đáng cảnh báo đến như vậy; cũng không có kết luận nào cho thấy cảm giác cô đơn có liên quan đến cả hai điều trên, và rằng cuộc sống độc thân phong phú có khi lại phù hợp với họ hơn. Thế nhưng số ‘phụ nữ ế sau chiến tranh’ sau này được cho là đã bị đối xử bởi tổ hợp của sự chế nhạo và từ thiện. Một Ủy ban Di cư ra nước ngoài đã được thành lập với mục đích khá rõ ràng là khuyến khích những phụ nữ Anh còn độc thân đi đến các vùng xa xôi của Đế quốc, để thoát khỏi sự ô nhục khi ở quê nhà vì mang tiếng độc thân. Đến thế hệ tiếp theo, những ‘phụ nữ ế chồng’ hay ‘bà cô già chưa chồng’ này trở thành một điểm ngắm để chế nhạo và thương hại. Đơn giản mà nói thì thật khó mà tưởng tượng nổi một con người có thể sống yên ổn mà không chồng.
Khi nhóm nhạc The Beatles cho ra bài Eleanor Rigby vào năm 1966 cho thấy ý niệm về sự cô đơn trong thời hiện đại rõ hơn bất cứ bài hát nào. Và ngay lập tức nó lý giải vì sao Eleanor là một nhân vật đáng thương. Khuôn mặt nổi tiếng mà cô cất trong một cái lọ đặt bên cửa đại diện cho người bạn đời hấp dẫn mà - giống như tất cả những người độc thân khác, cô buộc phải ao ước mình tìm được. ‘Chỉ có tình yêu lãng mạn mới có thể khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp’ trở thành triết lý của bài hát, của tất cả các tác phẩm của The Beatles và trên thực tế, của mọi bản nhạc pop hiện đại được viết. Thất bại trong việc kết hôn, theo như chủ nghĩa Lãng mạn cảnh báo, khiến người ta cô đơn đến mức đi nhặt gạo trong nhà thờ vào dịp đám cưới của người khác, hoặc bị so với ông linh mục Mackenzie kỳ lạ - với vẻ hào nhoáng đã phai mờ kể từ thời các Giáo phụ Sa mạc, để xem ai dị hơn.
Thế giới hiện đại không chỉ biến việc có bạn đời trở thành bắt buộc, nó còn làm ta cảm thấy cần thiết phải có một nhóm bạn sôi động - và phải nhiệt tình đến gặp họ thường xuyên tại các bữa tiệc. Đi cùng với sự phát triển của hệ thống đèn điện, nhà hàng, vũ trường và quán bar là cơ hội xã giao trong hội nhóm lớn cũng ngày càng tăng. Những ngày cuối tuần bỗng có một mục tiêu mới dành cho việc đi ‘quẩy’ - và một nỗi lo khác cũng bắt đầu nhen nhóm mỗi khi tối thứ 7 đến gần, người ta nhận ra mình chẳng có nơi nào đi trong thành phố vui nhộn này. Một lịch trình trống dần trở thành biểu hiện của sự lập dị. Chúng ta được giáo dục một cách tinh tế với quan niệm rằng những người thích giao du sẽ được tôn trọng hơn; rằng trông chẳng hấp dẫn gì nếu cứ ôm khư khư cuốn sách và chẳng có giá trị gì để tìm hiểu suy nghĩ của ai đó thông qua hồi ký, hay đọc về thời thơ ấu của người khác.
Năm 1921, Carl Jung - trong cuốn sách Psychological Types (tạm dịch: Các loại tâm lý) - đã đưa ra hai thuật ngữ 'hướng ngoại' và 'hướng nội' để phân chia nhân loại. Loại đầu tiên đề cập tới những người có thể phát huy tốt tiềm năng của mình khi ở cùng những người khác; và loại sau là những người cần tránh xa đám đông và những cuộc nói chuyện phiếm để bản thân họ ở trạng thái tốt nhất. “Mỗi người đều sở hữu hai cơ chế,” Jung viết - nhưng rõ ràng chúng ta biết có một loại phù hợp với tinh thần của thế giới hiện đại hơn; thế giới hiện đại thuộc về những người hướng ngoại, trong khi những người hướng nội thường bị mặc kệ ở nhà để cảm thấy như thể công việc họ yêu thích nhất - được ở một mình - là một căn bệnh.
Tất nhiên không phải ai cũng thế. Nhưng để cảm thấy bớt cô đơn, chúng ta - hoặc hầu hết chúng ta - không nhất thiết phải đi chơi nhiều hơn hay cần nỗ lực hơn để tìm một người yêu hoàn hảo; thay vào đó xã hội cần thay đổi câu chuyện của nó về ý nghĩa của sự đơn độc. Chúng ta cần biến những thành kiến mà chúng ta đã được dạy là dấu hiệu của thất bại và quái đản, thành những lựa chọn sâu sắc và sáng suốt. Và chẳng có gì điên rồ nếu chúng ta nhận thấy một người không muốn đứng trong một căn phòng ồn ào trò chuyện với mọi người, một người muốn ăn một bữa ăn đơn giản một mình hay một người muốn được ở yên một tập giấy hay muốn đi dạo ở một nơi thiên nhiên... Chúng chính là bằng chứng cho thấy họ có một nội tâm phức tạp và biết hưởng thụ.
Sự cô độc không phải là một lựa chọn tồi để thay thế khi thiếu vắng bạn bè. Nó không phải là thứ mà người ta tìm đến mỗi khi - và chỉ khi nào bị từ chối mời đến một buổi dạ tiệc hay bị mất vị hôn phu trong chiến tranh. Cô độc là một thiên đường mà từ đó mọi lời chào hỏi ồn ào, mọi nhận xét hời hợt và mọi cuộc xung đột thiếu tế nhị đều là một sự gián đoạn khó chịu mà chúng ta nên tự hào rằng mình đã chống lại chúng.
Cách để khiến con người cảm thấy bớt cô đơn không phải là kéo họ ra khỏi những suy nghĩ miên man trong rừng hay trong các bữa tối, trong thư viện hay sa mạc - và ép họ đi chơi bowling đi, mà điều cần làm là trấn an họ rằng ở một mình chẳng liên quan gì đến thất bại. Để giảm bớt cuộc khủng hoảng về sự cô đơn trong thế giới hiện đại, chúng ta cần phục hồi ý nghĩa của sự đơn độc và lấy lại phẩm giá cho tình trạng độc thân. Tóm lại thì cũng chẳng có gì phải làm quá lên nếu chúng ta muốn đi ăn tối, hay nhiều bữa tối một mình.
Thanh Trần | The School of Life
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Văn hóa muộn phiền - Hãy cho phép bản thân mình được buồn
Thông minh về mặt cảm xúc - Bạn đã thấu hiểu được bao nhiêu về Trí tuệ Xúc cảm?