Phương pháp loci (định vị): 2 bước để ghi nhớ hoàn toàn mọi thứ
Phương pháp loci (định vị): 2 bước để ghi nhớ hoàn toàn mọi thứ
Các vận động viên trí nhớ hiện đại sử dụng kỹ thuật cổ xưa này, cụ thể là phương pháp loci hay kỹ thuật cung điện trí nhớ để ghi nhớ lượng thông tin đáng kinh ngạc, chẳng hạn như hàng nghìn chữ số của số pi.

Phương pháp này liên quan đến việc liên kết thông tin với hình ảnh trực quan trong môi trường quen thuộc, thúc đẩy các kỹ năng đã phát triển của bộ não con người trong trí nhớ trực quan và điều hướng. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, ngay cả những người có khả năng ghi nhớ trung bình cũng có thể cải thiện đáng kể hiệu suất ghi nhớ của họ khi sử dụng kỹ thuật này.

Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi tại một bàn chơi bài, và người chia bài đưa ra 10 lá bài ngửa, sau đó anh ta đặt chúng trở lại chồng bài. Bạn có thể nhớ những quân bài ngửa kia không? Nhớ theo tuần tự thì sao?

Năm 2002, Dominic O'Brien (Tác giả cuốn sách: Siêu trí nhớ) đã giành Kỷ lục Guinness Thế giới khi đọc thuộc lòng một chuỗi 2.808 lá bài (hoặc 54 bộ bài) sau khi nhìn thấy mỗi lá bài chỉ một lần, chỉ mắc một vài lỗi trong quá trình này. Điều này nghe có vẻ như một kỳ tích nhận thức bất khả thi nếu bạn là kiểu người ngay cả chìa khóa ô tô của mình để ở đâu cũng không nhớ. Nhưng đối với những Nhà vô địch Trí nhớ Thế giới như O'Brien, đó là chuyện bình thường. 

Những người được gọi là vận động viên trí nhớ này có thể ghi nhớ một số lượng lớn thông tin đáng kinh ngạc: Rajveer Meena đã đọc chính xác 70.000 chữ số của số pi. Ryu Song I có thể ghi nhớ 4.620 số ngẫu nhiên trong một giờ. Và Katie Kermode đã ghi nhớ 103 cái tên và khuôn mặt lạ trong 15 phút.

 

Bí quyết là gì?

 

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Neuron ghi nhận: “Đáng ngạc nhiên là những khả năng ghi nhớ như vậy dường như không liên quan gì đến giải phẫu não phi thường hoặc khả năng nhận thức vượt trội nói chung”.

Thay vì dựa vào thiên bẩm, các vận động viên trí nhớ nâng cao hiệu suất của trí nhớ thông qua các chiến lược ghi nhớ. Những kỹ thuật như vậy bao gồm việc sử dụng các từ viết tắt (như ROYGBIV, để ghi nhớ màu sắc của cầu vồng), chia khối (như chia số điện thoại gồm 10 chữ số thành ba phần) và liên kết thông tin với hình ảnh trực quan.

Kỹ thuật được các vận động viên trí nhớ sử dụng phổ biến nhất là phương pháp định vị. Đó là một chiến lược ghi nhớ trong đó bạn hình thành một hình ảnh về thông tin bạn muốn ghi nhớ và sau đó liên kết hình ảnh đó với một vị trí cụ thể trên “bản đồ tinh thần”. Hình dung về một môi trường không gian quen thuộc, chẳng hạn như ngôi nhà thời thơ ấu của bạn, con đường gần bạn, văn phòng, hoặc các lối đi của cửa hàng tạp hóa địa phương của bạn.

Kỹ thuật này - còn được gọi là phương pháp cung điện trí nhớ - lợi dụng thực tế là bộ não ghi nhớ hình ảnh dễ dàng hơn từ ngữ, một hiện tượng được gọi là hiệu ứng vượt trội hình ảnh. Và giống như nhiều truyền thống tri thức, nó bắt nguồn từ người Hy Lạp cổ đại. 

 

Phương pháp loci (định vị)

 

Simonides of Ceos không chỉ là một nhà thông thái, nhà thơ và nhạc sĩ ở Hy Lạp cổ đại, mà còn là ứng cử viên cho vị khách ăn tối may mắn nhất trong lịch sử. Trong “De Oratore”, nhà văn La Mã Cicero kể câu chuyện về việc Simonides đã từng tham dự một bữa tiệc vào thế kỷ thứ 5 TCN, Khi ông ta vừa rời khỏi bữa tiệc và nói chuyện với 2 người đàn ông ở bên ngoài, mái của tòa nhà nơi diễn ra bữa tiệc đã sụp đổ và tất cả khách mời đều không qua khỏi, thi thể của họ bị biến dạng đến mức không thể nhận dạng. 

Nhưng Simonides nhận thấy rằng ông có thể xác định được người chết bằng cách suy nghĩ về vị trí của từng người trong bữa tiệc. Ông nhận ra rằng vị trí không gian có thể là một công cụ hỗ trợ trí nhớ hiệu quả. Đó là cách Simonides phát minh ra phương pháp định vị.

Người Hy Lạp và La Mã đặc biệt quan tâm đến các kỹ thuật ghi nhớ chuyên biệt, không phải để họ có thể đếm bài hay giành chức vô địch về trí nhớ, mà để các nhà hùng biện có thể ghi nhớ các bài phát biểu dài. (Nói một cách dễ hiểu, lịch sử của các phương pháp ghi nhớ là lịch sử của hùng biện.)

Trong “The Art of Memory”, nhà sử học người Anh Frances A. Yates lưu ý rằng một trong những văn bản quan trọng nhất về các kỹ thuật ghi nhớ cổ xưa là “Ad Herennium”, được viết bởi một giáo viên hùng biện không rõ tên tuổi. Giáo viên này phác thảo cách người Hy Lạp và La Mã cổ đại quan niệm về trí nhớ, theo đó, mỗi người sinh ra đều có 2 loại trí nhớ: tự nhiên và có điều kiện. Tự nhiên là kiểu chúng ta có từ khi sinh ra, cho phép chúng ta hình thành và nhớ lại những ký ức mà không cần nỗ lực có chủ đích. Ngược lại, trí nhớ có điều kiện được củng cố thông qua luyện tập. Trong phương pháp định vị, quá trình luyện tập này bao gồm hai yếu tố: địa điểm và hình ảnh.

 

Làm thế nào để xây dựng cung điện trí nhớ?

 

Bước đầu tiên là hình dung một môi trường không gian quen thuộc - cung điện trí nhớ không chỉ bao gồm địa điểm mà là một chuỗi các vị trí được sắp xếp theo thứ tự để bạn bắt đầu ở bất cứ địa điểm nào trong chuỗi đó, và có thể xê dịch lên hoặc xuống. Derren Brown - một nhà ảo thuật người Anh sử dụng phương pháp định vị trong các trò ảo thuật, chẳng hạn như bằng cách ghi nhớ thứ tự các quân bài trong bộ bài - đã giải thích cách xây dựng cung điện trí nhớ trong một cuộc phỏng vấn năm 2020 với Big Think.

“Đó có thể là con đường quen thuộc khi đi từ ga tàu đến nhà. Tất cả những gì bạn cần là vài điểm cố định dọc theo con đường ấy để bạn có thể nhớ mà không cần phải suy nghĩ. Các điểm đó có thể là một hòm thư, một cửa hàng tiện lợi, một cái cây đặc biệt… nhưng phải là những thứ quen thuộc.” Brown nói. Tiếp theo đó là hình ảnh. Đối với bất kỳ danh sách thông tin nào bạn đang cố ghi nhớ, hãy chọn điều đầu tiên và hình thành một hình ảnh sống động về nó trong tâm trí. 

Lấy ví dụ cho điều này, Brown giả dụ bạn đang cố gắng đặt lời nhắc nhở trong đầu rằng mang một bộ đồ đến tiệm giặt khô vào buổi sáng. “Bạn phải tạo ra một hình ảnh kỳ lạ về thứ đó. [Hãy tưởng tượng] Một bộ đồ sạch sẽ trắng sáng, lấp ánh mà bạn gần như không thể nhìn thẳng vào nó. Sau đó bạn gắn trong đầu hình ảnh bộ vest trắng sáng vào vị trí đầu tiên trong cung điện trí nhớ của mình, chẳng hạn như hộp thư quen thuộc trên con đường quen thuộc. Và bạn lặp lại quá trình ghép nối những hình ảnh kỳ lạ trong tâm trí với những vị trí cụ thể trong cung điện trí nhớ để ghi nhớ mọi thông tin.

“Miễn là bạn làm cho những hình ảnh đó thật kỳ quái, lố bịch, đó mới là điểm quan trong. Vào ngày hôm sau, bạn đi đi lại lại trong đầu trên con đường đó và bạn nghĩ: ‘Tại sao lại có một bộ đồ trắng trên đường nhỉ? À, mình phải mang bộ đồ đi giặt là!”.

Phương pháp định vị rất hữu ích cho các công việc hàng ngày, chẳng hạn như ghi nhớ một danh sách việc cần làm đơn giản. Nó cũng có thể mở rộng để ghi nhớ thông tin dài khi bạn có thể mở rộng “bản đồ tinh thần”. Brown cho biết anh thường mường tượng ra một tuyến đường dài qua thành phố London để ghi nhớ tới hàng trăm thứ. Để đếm các quân bài, Brown cho biết anh hình dung ra một ngôi nhà rộng lớn ở Florentine.

“Khi chơi bài, tôi đến phòng chơi bài ở tầng trên cùng. Trong đó, tôi có một bộ sưu tập gồm 52 đồ vật, mỗi đồ vật có một liên kết dễ nhớ đến một quân bài. Ví dụ, đồng hồ chỉ 7 giờ trong một mái vòm, tượng trưng cho bảy viên kim cương.”

Để đếm quân bài trong trò xì dách 4 tụ, Brown cho biết anh đã dán 3 miếng dán lên mỗi đồ vật xuất hiện trong đầu. Khi các quân bài được chia ra, anh di chuyển trong đầu đến đồ vật tương ứng và gỡ miếng dán xuống. Nếu một quân bài xuất hiện 4 lần, anh sẽ xóa hoàn toàn món đồ tương ứng với nó. Khi cần xác định những lá bài nào còn lại trong bộ bài, anh sẽ quét qua 52 món đồ trong đầu và bắt đầu kiểm kê. “Sau đó, tôi biết khi nào nên chơi để đặt cược cao.”

 

Một kỹ năng bạn hoàn toàn có thể đạt được

 

Điều này nghe có vẻ phức tạp, nhưng việc phát triển kỹ năng này có thể dễ dàng hơn bạn nghĩ. Trong nghiên cứu về Neuron đã nói ở trên, các nhà nghiên cứu đã sử dụng fMRI để so sánh hoạt động não bộ và hiệu suất ghi nhớ của các vận động viên trí nhớ đẳng cấp thế giới với những người bình thường có khả năng ghi nhớ trung bình.

Kết quả cho thấy sự khác biệt rõ ràng giữa các vận động viên trí nhớ và những người khác về cách các vùng não giao tiếp với nhau. Các vận động viên có một “mạng hồ sơ kết nối trí nhớ vượt trội” giữa các vùng não như mạng chế độ mặc định, mạng thị giác và thùy thái dương ở giữa.

Nhưng đáng ngạc nhiên hơn là một số người có khả năng ghi nhớ trung bình có thể cải thiện trí nhớ của họ thông qua phương pháp định vị. Qua một loạt các bài kiểm tra ghi nhớ trong sáu tuần, những người tham gia không phải là vận động viên đã thực hành phương pháp định vị cho thấy kết quả vượt trội hơn đáng kể so với hai nhóm đối chứng không thực hành. 

Và kết quả fMRI cho thấy rằng khi hiệu suất của nhóm này được cải thiện, cách thức mà các vùng não giao tiếp và làm việc với nhau - một quá trình được gọi là kết nối chức năng - ngày càng giống với mô hình hoạt động não bộ của các vận động viên trí nhớ. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng dường như “tổ chức lại mạng lưới chức năng của bộ não sẽ giúp cho hiệu suất bộ nhớ vượt trội”.

Vậy tại sao phương pháp định vị lại hiệu quả đến vậy? Một giả thuyết cho rằng phương pháp này giúp tăng cường trí nhớ bằng cách khai thác một số kỹ năng phát triển tự nhiên của bộ não: trí nhớ trực quan không gian và điều hướng. Nói cách khác, nó như một “lối tắt” nhận thức để ghi nhớ mọi thứ, khiến thông tin không còn trừu tượng mà trở thành hình ảnh sống động.

Bộ não con người được trang bị tốt để điều hướng lĩnh vực này. Trong hàng triệu năm, sự sống sót của các loài linh trưởng phụ thuộc vào khả năng nhận biết và ghi nhớ các chi tiết không gian trong một môi trường ba chiều phong phú, cho dù đó là vị trí trú ẩn an toàn, khuôn mặt của những người trong bộ lạc hay những địa điểm tốt nhất để tìm thức ăn. 

Vì vậy, khi cố gắng ghi nhớ hàng nghìn chữ số của số pi, hoặc đơn giản là tên của những người trong bữa tiệc tối, bạn nên khai thác khả năng cổ xưa của bộ não về trí nhớ không gian và hình ảnh.

- Theo Big Think

Tags: