Trong bộ live-action Alice in Borderland hiện đang làm mưa làm gió trên những trang phim, người ta chú ý nhiều tới xuất thân của nhân vật chính Arisu. Arisu là một cậu học sinh phổ thông không mấy nổi bật, ôm một trái tim chồng chất tổn thương vì quá khứ. Tổn thương của cậu đến từ sự chèn ép quá mức của người cha - một con người quá ưu tú và đặt áp lực ưu tú ấy lên hai cậu con trai mình. Cha yêu thương Arisu, nhưng lại bằng một tình thương mà ta khó có thể nói là hoàn toàn đúng đắn: ép cậu phải học thật tốt, phải toả sáng, thậm chí nỡ lòng tước đi cả đam mê duy nhất mà cậu có - âm nhạc. Bởi thế, Arisu mang trong mình vô số bất an và hoài nghi, và phản kháng lại bằng cách khiến chính mình dần bị huỷ hoại trong suy nghĩ về sự thất bại và yếu kém của chính mình. Chính điều ấy đẩy Arisu tới “Thế giới không lối thoát” - “hố đen” hút lấy những tâm hồn bị tổn thương, thèm muốn sự chú ý và quan tâm thực thụ từ một ai đó.
Bên ngoài câu chuyện của cậu trai Arisu, trong cuộc sống này, ta cũng có thể trông thấy biết bao những sự săn sóc và quan tâm không đúng cách khác. Có những người đã “lớn”, nhưng lại chẳng có “trưởng thành”, mãi sợ hãi và rụt rè trước thế giới như một chú chim đã đủ lông cánh mà chẳng thể nào rời tổ. Họ sẽ chỉ quẩn quanh trong thế giới được bảo bọc bởi một ai khác, run rẩy trước gió bão cuộc đời, không bao giờ chiêm nghiệm, không bao giờ thả mình vào thế giới. Ta gọi đó là sự “bảo vệ”, bởi ta sợ sinh thể ta thương yêu chịu tổn thương, bị trầy xước. Nhưng vốn con người chỉ là một khối vật liệu thô cần được mài giũa thành hình hài, không chịu đẽo gọt liệu có thành hình dáng con người?
Ai trong số chúng ta, khi yêu thương hay có trách nhiệm chăm sóc một ai, đều muốn cho họ điều tốt đẹp nhất. “Cho họ điều tốt đẹp nhất,” từ phía ta, đôi khi vô hình trung lại có nghĩa là biến họ thành bản thể mà ta cho là tốt đẹp nhất. Nhưng như vậy liệu đã là đủ, hay đúng? Chúng ta có đang đi đúng hướng hay không, khi đặt lên người ta yêu quá nhiều kỳ vọng, hoặc quá nhiều sự kiểm soát, và cho rằng ấy mới là cách tốt để hình thành “khuôn mẫu hoàn hảo nhất” cho người mà ta thương yêu?
Một bài báo trên Pocket Worthy mang nhan đề Trưởng thành như một người làm vườn đã nói về điều ấy. Mở đầu bằng lời nhắn nhủ
Hãy tập cho mình cái nghệ thuật của việc trở nên “đủ tốt” - tưới mầm cây của bạn mỗi ngày một lần, nhưng hãy để nó tự đứng vững trước bão giông,
bài viết tỉ tê một cách chân thành mà giản đơn:
“Có một điều hết sức phổ biến đối với các huấn luyện viên, giáo viên, quản lý và cha mẹ, là thách thức trong việc cân bằng giữa việc kiểm soát quá mức người mình có trách nhiệm nâng giấc (trong trường hợp là cha mẹ, ấy chính là con cái) và mặt kia - phó mặc chúng.
Kiểm soát quá mức thường tạo ra sự phản kháng. Ngay cả khi việc kiểm soát quá mức tỏ ra hữu ích, sự hữu dụng ấy cũng chỉ có xu hướng xảy ra trong một thời gian ngắn. Cuối cùng, nó dẫn đến sự phụ thuộc. Trong khi đó, sự bỏ rơi dẫn đến tổn thương về mặt tư duy đạo đức, và trong một số trường hợp, gây ra cả những tổn thương vật lý. Cả hai cách tiếp cận đều không phải là giải pháp tốt về lâu dài.
Có lẽ có một con đường nằm giữa hai lối ấy. Cách thức của một người làm vườn.
Một người làm vườn không thể thực hiện công việc của họ qua một chương trình làm việc quá chặt chẽ và khuôn thước, bởi họ chẳng thể nào biết được thời tiết sẽ như thế nào, hoặc cây cối sẽ ra sao, khi chúng vươn mình và đổi thay ngày qua ngày. Nhưng họ cũng không thể bỏ mặc những thân cây của mình được; nếu họ làm vậy, cây có thể sẽ chết, hoặc ít nhất là không nảy mầm đầy đủ như chúng đáng ra có thể. Công việc của người làm vườn là tạo ra một không gian an toàn cho cây cối của họ tồn tại được, sau đó chú ý đến cây cối, đáp ứng những nhu cầu tối cần thiết của chúng nhưng không “chiều hư” chúng. Nghệ sĩ Jenny Odell viết, "Ở đâu đó giữa quá mức kỹ thuật và bỏ mặc có một điểm rơi ngọt ngào. Ấy là kiên nhẫn lắng nghe và quan sát ... [là] trở thành một cộng tác viên thầm lặng và kiên nhẫn với hệ sinh thái mà bạn hướng tới."
Điều này khiến tôi nhớ đến một khái niệm được gọi là “người mẹ đủ tốt” - ngày nay, “cha mẹ đủ tốt” có lẽ là điều tôi muốn nói hơn — do nhà phân tâm học DW Winnicott đặt ra vào đầu những năm 1950. Cha mẹ đủ tốt không đáp ứng ngay lập tức từng nhu cầu của con họ. Tuy thế, họ cũng không bỏ rơi con mình. Thay vào đó, họ tạo không gian để con trở thành chính mình. Họ quan tâm tới con, sao cho có thể hướng dẫn quá trình lớn lên và phát triển trên quãng đường trưởng thành của con. Họ tạo ra một không gian, mà ở trong đó, con họ được lớn lên.
Một biểu hiện của “đủ tốt” là dịch chuyển từ việc đưa ra những chỉ dẫn tường tận sang việc đặt ra câu hỏi. Không chỉ là những câu hỏi gợi dẫn hay những câu mà bạn đã biết rõ câu trả lời, mà là những câu hỏi thực sự được sinh ra thuần tuý từ sự tò mò. Những câu hỏi này có thể trở thành phương pháp để giữ chân ai đó trên con đường, mà không cần mở đường cho họ.
Điều này, hẳn nhiên, không dễ dàng như kiểm soát quá mức hoặc phó mặc. Tuy thế, nó có thể mạnh hơn rất nhiều, và cuối cùng, nó có lợi hơn. Tài sản tốt nhất trong bất kỳ mối quan hệ nào là sự quan tâm và tình yêu. Và như tôi đã viết trước đây, quan tâm và yêu thương là gì nếu không chú ý và kết nối chặt chẽ với những gì trước mắt bạn?”
Trong cuốn sách đẹp đẽ mang tên “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”, con mèo của bến cảng Zorba quyết định dạy cho chú hải âu nhỏ tên Lucky bay lên như một chú hải âu thực thụ, dẫu Lucky lớn lên trong cộng đồng mèo, và không con mèo nào biết đích xác cách thức để Lucky có thể bay lên. Zorba đã không chọn cách bảo bọc Lucky vĩnh viễn. Bằng một lời khẳng định “Con phải bay,” Zorba đã tiếp sức cho chú hải âu nhỏ học cách bay lên, tìm được điều đích thực là mình.
Cuộc sống chính là một cuộc chiến tìm tới, hoặc tìm về, sự cân bằng. Tình yêu hay sự săn sóc cũng cần sự cân bằng như thế, và sự cân bằng ấy chỉ có được sau quá trình không ngừng học hỏi. Hẳn rồi, ta phải học cả cách yêu. Không phải cứ dốc lòng thương yêu là đã đủ, mà còn cần thương yêu cho đúng. Yêu như cách yêu của một người làm vườn chính là một cách thức “đúng” như thế: cái cây cần săn sóc, nhưng cũng cần được tự do lớn lên. Ai trong số chúng ta cũng vậy: chúng ta cần sự nâng đỡ, nhưng cũng cần tự mình đối diện với vấp ngã của cuộc đời. Nếu không vấp ngã, ta không thể trưởng thành. Nếu không có tình yêu thương, ta đâu thể học được cách cho đi.
Ai trong số chúng ta hẳn rồi sẽ đối diện với nỗi sợ mở đầu bằng chữ "nhưng...", "Nhưng giả như khi ta lơi lỏng vòng tay, người ta yêu sẽ...?" Sợ hãi là một điều tất yếu. Tìm ra điểm rơi giữa bảo bọc quá mức và phó mặc là một điều khó khăn và khắc nghiệt. Tuy thế, nếu như ta mãi chẳng để người ta thương yêu có thể trưởng thành sau tranh đấu và va vấp, hoặc chẳng để người nhận được yêu thương, người ấy sẽ mãi mãi không thể trưởng thành cho toàn vẹn.
Nỗ lực của mỗi người trong đời chính là học được cách thắt một mối liên kết mà không trói buộc. Hãy yêu như một người làm vườn trước những mầm cây của mình - tập cho mình một nghệ thuật "đủ tốt". Bạn chỉ cần "đủ", như thế là đã đủ rồi.
Thu Hà
Bài viết sử dụng bài báo từ Pocket Worthy.