Ý chí- Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người
Ý chí- Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người
Ý chí có tồn tại hay không? Ý chí có ảnh hưởng như thế nào đến hành động, số phận của một con người. Trong cuốn sách bán chạy nhất năm 2011 của tờ New York Times “Ý chí- Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người” độc giả sẽ được cung cấp những thông tin khai sáng về sự tồn tại, vai trò sức mạnh của ý chí, cũng như các cách thức rèn luyện ý chí, giúp cuộc sống của bản thân không chỉ năng suất và viên mãn mà còn dễ dàng và hạnh phúc hơn.
Khi mới bắt đầu sự nghiệp, nhà tâm lý học xã hội Roy F. Baumeister thậm chí còn hoài nghi không biết một thứ như ý chí có tồn tại hay không. Tuy nhiên sau đó, ông quan sát được sự hiện hữu của ý chí; cách ý chí mang lại cho con người sức mạnh để kiên trì, cách họ mất tự chủ khi sức mạnh ý chí của họ bị cạn kiệt… trong rất nhiều thí nghiệm được những người đi trước, cũng như chính mình và cộng sự thực hiện. Ông đồng thời phát hiện ra rằng sức mạnh ý chí, giống như cơ bắp, trở nên mệt mỏi do sử dụng nhiều; nhưng cũng có thể được củng cố về lâu dài thông qua luyện tập.

Và tất cả những thông tin hấp dẫn, hữu ích có tính chất khai sáng này được trình bày một cách rõ ràng trong cuốn sách thú vị “Ý chí- Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người” do Baumeister viết cùng nhà báo John Tierney. Cuốn sách sẽ giúp độc giả biết cách sử dụng, tăng cường ý chí một cách hiệu quả, để có thể làm chủ được cuộc sống của mình, có được “một gia đình hạnh phúc, những người bạn tốt, một sự nghiệp thỏa mãn, sức khỏe cường tráng, an toàn tài chính và tự do theo đuổi niềm đam mê của riêng mình”.

Nghiên cứu theo dõi một nghìn đứa trẻ New Zealand từ khi chào đời cho đến khi 32 tuổi, được công bố năm 2010 cho thấy: những đứa trẻ với mức độ tự chủ cao, khi lớn lên đều trở thành những người có thu nhập tốt, hôn nhân ổn định, sức khỏe thể chất tốt hơn. Những đứa trẻ kém tự chủ khi lớn lên có xu hướng trở nên nghèo hơn về tài chính, có nhiều con hơn và có khả năng làm cha mẹ đơn thân nhiều hơn, thậm chí có khả năng phải vào tù cao hơn. Nhiều nghiên cứu tương tự cũng cho ra kết quả như vậy.

 

 

Theo Baumeister, khoa học công nghệ ngày càng phát triển, thì con người ngày càng bị bủa vây bởi trùng điệp các cám dỗ. Kết quả của các nghiên cứu cho thấy: một người sử dụng máy tính trung bình truy cập hơn 30 trang web mỗi ngày. Dù đang ở trong phòng làm việc, nhưng bất kì lúc nào tâm trí của họ cũng có thể bay đi chỗ khác chỉ với một cú nhấp chuột hay một chiếc điện thoại. Họ có thể trì hoãn bất cứ việc gì bằng cách kiểm tra email, dạo quanh các trang mạng xã hội, hay chơi trò chơi điện tử. Chỉ với 10 phút mua hàng trực tuyến, một người có thể tiêu hết số tiền tiết kiệm cho từ nay đến cuối năm của mình… 

Và có những người phải khổ sở khi đầu hàng những cám dỗ này, rồi gặp phải một loạt thất bại trong cuộc sống như: việc học hành, công việc bị sa sút; sức khỏe đi xuống do ăn uống không lành mạnh, không tập thể dục, lạm dụng chất kích thích; tiêu xài hoang phí; luôn lo lắng và dễ nóng giận, bị bạn bè xa lánh, thậm chí phạm tội và vướng vào vòng lao lý… Ngược lại có những người lại có nguồn sức mạnh ý chí đáng nể, tự chủ trước phần lớn các cám dỗ; kết quả là họ thành công, hạnh phúc trong công việc và cuộc sống.

Hơn bao giờ hết, ý chí/ sự tự chủ là một yếu tố quan trọng hàng đầu đối với thành công của một con người. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra những cách thức hiệu quả để cải thiện lâu dài trí thông minh – một yếu tố quan trọng khác có ảnh hưởng đến số phận của con người. 

Trong một loạt thí nghiệm được trình bày ở các chương sách tiếp theo, Baumeister đã chứng minh, ý chí- sự tự chủ trở nên bị suy yếu do sử dụng nhiều. Ví như hai nhóm sinh viên trong một thí nghiệm. Nhóm 1 được ăn các bánh quy vừa nướng nóng hổi, nhóm 2 chỉ được nhìn các bánh quy rồi buộc phải ăn củ cải sống. Sau đó hai nhóm này được giao giải quyết những bài toán hình học khó giải.

Kết quả là nhóm sinh viên được phép ăn bánh quy – tức là không phải sử dụng ý chí để thực hiện công việc này- trung bình có thể tập trung trong 20 phút để giải toán. Trong khi đó, những người đã phải sử dụng ý chí để ăn củ cải, đã bỏ cuộc chỉ trong tám phút. Hàng loạt các thí nghiệm được tác giả tiến hành sau đó cũng đưa ra kết quả tương tự. 

Từ đó, các tác giả đưa ra những đề xuất thực tế (đôi khi là hiển nhiên) để độc giả có thể áp dụng nếu muốn tăng cường sức mạnh ý chí của bản thân.

Đầu tiên, họ lưu ý tầm quan trọng của việc ăn ngủ đầy đủ - đặc biệt là việc ăn sáng nhằm cung cấp đầy đủ glucose – năng lượng quan trọng bậc nhất của não bộ, ý chí. 

Các cách tăng cường sức mạnh ý chí tiếp theo được các tác giả đề xuất là: đặt mục tiêu rõ ràng; tạo ra động lực, cam kết trước cho riêng mình; tạo ra các thói quen giúp kích hoạt các quá trình tinh thần tự động vốn không đòi hỏi nhiều năng lượng, tư duy dài hạn… Câu chuyện khám phá châu Phi hoang dã của Henry Morton Stanley trong khi phải đối mặt với sự hung dữ của những bộ tộc lạc hậu ăn thịt người, sự hoành hành của bệnh tật trong điều kiện đói khát, khí hậu khắc nghiệt… là minh chứng sống động cho quá trình này.  

Xuyên suốt cuốn sách Ý chí- Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người”, hai tác giả Baumeister và Tierney đã sử dụng rất nhiều các ví dụ, câu chuyện về các nhân vật nổi tiếng khác để chứng minh tính hiệu quả thực tế của các kỹ thuật và bài học mà họ nêu ra. Họ cũng chia sẻ các ví dụ nhấn mạnh hậu quả nếu không làm như vậy. 

Bên cạnh đó, việc áp dụng, tăng cường sự tự chủ trong quá trình ăn kiêng, từ bỏ các thói quen nghiện ngập có hại, làm sao để nuôi dạy con cái có tính tự chủ mạnh mẽ… cũng được các tác giả thảo luận và đề xuất cụ thể trong những chương cuối của cuốn sách.

Và có thể nói Ý chí- Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người” là cuốn sách sẽ cung cấp cho độc giả những thông tin khai sáng về sự tồn tại, vai trò sức mạnh của ý chí, cũng như các cách thức rèn luyện ý chí giúp cuộc sống của bản thân không chỉ năng suất và viên mãn mà còn dễ dàng và hạnh phúc hơn.

Nhận xét về cuốn sách, Dan Ariely, Tiến sĩ quản trị kinh doanh và tâm lý, tác giả nối tiếng viết: "Ý chí ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta. Từ trì hoãn, tiết kiệm để nghỉ hưu đến tập thể dục, Tierney và Baumeister đã mang đến cho chúng ta một cuốn sách tuyệt vời, trong đó họ không chỉ chia sẻ những nghiên cứu hấp dẫn về ý chí; mà còn cung cấp những thủ thuật đơn giản để giúp chúng ta khai thác phẩm chất quan trọng này. "

Thông tin về tác giả

Roy F. Baumeister (1953) là một trong những nhà tâm lý học xã hội có tầm ảnh hưởng và có nhiều tác phẩm nhất thế giới. Ông đã xuất bản hơn 500 bài báo khoa học và hơn 30 quyển sách. Cuốn sách của ông (viết cùng John Tierney) Ý chí: Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người là cuốn sách bán chạy nhất năm 2011 của New York Times. Vào năm 2013, ông được nhận giải thưởng cao nhất của Hiệp hội Khoa học Tâm lý, giải thưởng William James. Hiện tại, ông là giáo sư đảm nhiệm giảng dạy về Tâm lý học tại Đại học Queensland (Úc).

John Tierney (1953) là một nhà báo người Mỹ và một biên tập viên có nhiều đóng góp cho tờ City Journal. Ông tốt nghiệp Đại học Yale năm 1976, sau đó trở thành biên tập viên và phóng viên cho nhiều tờ báo, tạp chí nổi tiếng như New York Times, Discover, National Geographic Traveler, Health,... Ông tự nhận mình là một người ngược đời khi chỉ trích các vấn đề về chủ nghĩa môi trường, “cơ sở khoa học”, chính phủ “lớn” và kêu gọi giảm thiểu khí CO2. 

Tags: