Dịch giả chuyển ngữ Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông Bình Slavická có nhận xét: “Nền thơ ca Czech không thể được như ngày hôm nay nếu như không có cách tân của Jan Neruda, nền báo chí Czech cũng không thể có phong cách riêng trong thể loại tiểu phẩm sắc bén và hóm hỉnh về cuộc sống bình thường nếu như không có phong cách viết báo của ông".
Thế mà trước khi Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông được xuất bản, độc giả Việt hầu như không biết đến Jan Neruda, thiểu số chỉ biết đến ông qua một vài bài thơ do dịch giả Đỗ Ngọc Việt Dũng chuyển ngữ.
Jan Neruda là nhà báo, nhà văn, nhà thơ và nhà phê bình nghệ thuật người Czech; một trong những đại diện nổi bật nhất của Chủ nghĩa hiện thực Czech và là thành viên của “Trường phái Tháng Năm”.
Nhắc đến văn học Czech, độc giả Việt Nam thường nhớ đến những tên tuổi lớn như Franz Kafka - một tượng đài văn chương được ưu ái bởi cả giới học thuật và đại chúng, Milan Kundera với tiểu thuyết trứ danh Đời nhẹ khôn kham. Ít ai biết rằng Jan Neruda cũng là một nhân vật có tầm quan trọng bậc nhất trong đời sống văn hóa của Praha nói riêng và Cộng hòa Czech nói chung.
Đặc biệt cuốn sách Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông (NXB Văn học phát hành lần đầu tiên tại Việt Nam) được xếp vào hàng kinh điển của văn học Trung Âu, đã đưa Neruda trở thành một nhà hiện thực chủ nghĩa tiêu biểu nhất của Cộng hòa Czech thế kỉ XIX, một Charles Dickens của Praha. Cuốn sách này có ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ nhà văn Czech, trong đó có tiểu thuyết gia đạt giải Franz Kafka Ivan Klima. Nhà thơ Pablo Neruda của Chile đạt giải Nobel Văn học năm 1971 cũng lấy bút danh theo tên của Jan Neruda.
Neruda là một con người hướng nội, sống trong cô đơn và chưa từng kết hôn. Ông bắt đầu cầm bút với tư cách là nhà thơ nhưng thành danh với tư cách nhà báo. Ông được coi là người định hình nền báo chí hiện đại Czech, viết trên 2000 tiểu luận trong cuộc đời làm báo của mình. Không chỉ là nhà báo, Neruda còn là một nhà văn, nhà thơ quan trọng nhất của thời đại mình.
Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông, vốn được coi là cánh cửa dẫn đến nền văn hóa Czech, là tập hợp những mẩu chuyện được viết trong khoảng những năm 1860 và 1870, thể hiện phong cách viết giao thoa giữa báo chí và văn học rất đặc trưng của nhà văn. Khu phố nhỏ ven sông Malá Strana cũng có ý nghĩa văn hóa như 36 phố phường Hà Nội, đã được mô tả tinh tế, cụ thể, sống động qua lăng kính của một nhà báo đồng thời là nhà văn, hiện lên tất cả với những thói hư tật xấu của thị dân Praha, đồng thời cũng xuất hiện hình ảnh của tình yêu và sự cảm thông giữa người với người.
Diễn giả khách mời Quyên Nguyễn trong sự kiện cũng chỉ ra một điểm khá bất ngờ: những gì Neruda mô tả có nhiều tương đồng với Praha qua ngòi bút của Franz Kafka - một cuộc sống thị dân có phần ngột ngạt, không gian sống cá nhân dường như biến mất, tất cả như phơi bày, lột trần dưới con mắt phán xét của cộng đồng.
Những lát cắt cuộc sống lần lượt được thể hiện qua cuốn sách, không bao gồm giải thích và đánh giá từ tác giả, ông chỉ thuần túy ghi chép chân thực hiện tại, theo cách gần như là ngẫu nhiên, không trình tự, logic nào. Dịch giả Bình Slavická cũng nói thêm: chính vì chủ đề “thường nhật” và lối viết tự do như vậy, ông bị giới phê bình hoài nghi về văn tài, coi văn chương của ông như văn chương gắn liền với thành phố, cụ thể là thành phố Praha.
Nhưng chính bằng việc đi sâu vào những tiểu tiết cụ thể, ông thực sự đã tái hiện thành công đời sống xã hội Praha, đưa văn chương Czech đến với chủ nghĩa hiện thực lúc bây giờ phổ biến ở châu Âu.
Nói về duyên dịch Neruda, dịch giả Bình Slavická thành thật: “Tôi cảm thấy thôi thúc muốn dịch cuốn này bởi vì Neruda là một tác giả thực sự lớn, không chỉ trong văn học Séc mà còn trong văn học châu Âu. Những câu chuyện về khu phố nhỏ ở ven sông thậm chí còn xuất hiện trong chương trình học phổ thông của Séc. Cá nhân tôi thấy tác phẩm hay vô cùng, được viết từ thế kỉ XIX nhưng rất hiện đại và thời sự”.
Jan Neruda là đại diện tiêu biểu trong nỗ lực đưa tiếng Czech vào văn học, trong bối cảnh ngôn ngữ độc tôn lúc bấy giờ là tiếng Đức và văn học viết bằng tiếng Czech ít nhiều bị o bế. Ông chủ đích đưa tiếng Czech từ ngoài đường phố, chưa được trau chuốt, tắm rửa vào văn học, chấm dứt quá trình Đức hóa ngôn ngữ Czech.
“Jan Neruda là sứ giả muộn màng của văn học Séc đối với người Việt”, dịch giả Bình Slavická nói. Thật đáng mừng vì cuối cùng, sứ giả đó cũng đến với chúng ta, qua tác phẩm tiêu biểu nhất của mình.
Theo Zing News