Tuần này bạn đọc gì: 5 cuốn sách nên tìm đọc trong tháng 7
Tuần này bạn đọc gì: 5 cuốn sách nên tìm đọc trong tháng 7

 

Homo Deus - Lược sử tương lai

 

 

 

Kể từ khi mạng Internet trở thành một phần thiết yếu trong đời sống của chúng ta, nhiều người thậm chí sẵn sàng nhường hết quyền kiểm soát cho các thiết bị thông minh. Thế giới mạng có gì quyền năng đến thế, đủ để khiến loài người vốn là chủ nhân Trái đất phải cúi mình?

 

Homo Deus (Chúa-Người), là cuốn sách thứ hai của Yuval Harari, tác giả cuốn Homo Sapiens, đã được xuất bản ở Việt Nam (do Nhã Nam chứ không phải Omega+ phát hành).

Cuốn này chủ yếu nói về những suy đoán của tác giả về loài người trong tương lai dựa trên những tiến bộ khoa học kĩ thuật của con người, liệu chúng ta có thể kiểm soát được công nghệ như tế bào gốc, nanomachines hay trí tuệ nhân tạo (A.I)? Nếu loài người bị diệt chủng thì sinh vật nào sẽ kế thừa loài người, thống trị thế giới và tôn giáo mới nào sẽ được sản sinh.

Chỉ trong vài chục năm nữa, loài người sẽ sản sinh ra một tầng lớp gọi là "tầng lớp vô dụng", những người không những thất nghiệp mà còn chẳng làm được gì.

Thứ công nghệ có thể khiến con người trở nên vô dụng cũng có thể có khả năng nuôi sống và hỗ trợ những người thất nghiệp qua “mức thu nhập cơ bản” (một dự án giúp tất cả mọi người trong xã hội được một số tiền nhất định ngay cả khi không làm gì). Vấn đề là làm thế nào để khiến đám người này bận rộn và hạnh phúc? Con người phải làm điều gì đó có mục đích, nếu không họ sẽ phát điên lên vì buồn chán? Vậy tầng lớp vô dụng phải làm gì khi có cả ngày rảnh rỗi?

 

Khi mây đen kéo tới

 

Làm sao để có được nhận thức đúng về trầm cảm? Tại sao ta lại bị trầm cảm? Phải làm thế nào khi ta bị trầm cảm? Làm sao để giúp người thân yêu vượt qua cơn trầm cảm? Ai là người có thể trở nên trầm cảm? Và rốt cuộc, ta có đang trầm cảm không? Đây là những câu hỏi hầu như ai cũng gặp vài lần trong đời mình. “Khi mây đen kéo tới” đã ra đời để giúp trả lời những câu hỏi này.

 

 

Sự khác biệt lớn nhất của “Khi mây đen kéo tới” với những cuốn sách – tài liệu khác từng có trên thị trường sách, chính là cuốn sách nhỏ này được viết bằng những chia sẻ, ghi chú tỉ mỉ dưới góc nhìn của một nhà khoa học có trải nghiệm cá nhân trong việc đồng hành cùng người thân vượt qua quãng thời gian dài trầm cảm. Khác với những kết luận, dẫn chứng của một nhà nghiên cứu đơn thuần, cuốn sách chứa đựng những câu chuyện nhỏ hàng ngày, giúp bạn đọc hình dung ra những biểu hiện cụ thể, những diễn biến cảm xúc – hành vi cụ thể hàng ngày, những mẩu đối thoại hàng ngày mà một người mẹ có thể giúp con trai mình vượt qua những cơn trầm cảm, những xáo trộn trong sinh hoạt gia đình hàng ngày; những nỗi buồn, những khoảnh khắc mà người thân của người có bệnh trầm cảm phải đối mặt để động viên, giữ vững tinh thần cho chính mình.

 

Kỳ thư Kybalion

 

 

Mục đích tác phẩm này không nhằm đề ra một triết học hoặc một học thuyết đặc biệt nào, đúng hơn là cung cấp cho những môn sinh một bản tuyên ngôn về Chân lí ngõ hầu dùng để hoà giải nhiều mảnh mún về tri thức mật truyền mà họ có được nhưng chúng hiển nhiên bất đồng với nhau và thường khiến cho người nhập môn dễ chán nản. Chủ ý của chúng tôi không phải là dựng lên một Ngôi đền Tri thức mới, đúng hơn là trao vào tay môn sinh chiếc Chìa khoá Chủ để người ấy có thể mở được nhiều cánh cửa nội tại trong Ngôi đền Huyền nhiệm thông qua những cổng chính khi người ấy bước vào.

Không có bộ phận giáo huấn bí truyền nào mà thế giới có được lại được bảo vệ cẩn mật như những phần mảnh từ những Giáo huấn Hermetic vốn được truyền thừa tới chúng ta qua hàng chục thế kỉ kể từ người sáng lập vĩ đại ra nó là Hermes Trismegistus, ‘vị thư kí của thần linh’, ngài từng sống ở Ai Cập cổ đại vào cái thưở nòi giống hậu duệ hiện tại hãy còn thơ ấu. Cùng thời với Abraham, nếu những truyền thuyết là đúng, thì ngài chính là hướng đạo sư của vị thánh nhân tôn quý ấy, Hermes đã là và vẫn là vầng Mặt trời Trung tâm Vĩ đại của giáo lí Huyền môn (Occultism) mà nguồn sáng chiếu rọi tới vô kể những lời dạy đã được truyền bá kể từ thời đại của ngài. Mọi lời dạy nền tảng và cơ bản đã thấm sâu vào trong những giáo huấn bí truyền của mỗi chủng tộc và đều có thể truy nguyên về Hermes. Thậm chí những lời dạy cổ xưa nhất của Ấn Độ chắc chắn đều có nguồn gốc từ những giáo huấn Hermetic nguyên thuỷ.

Từ xứ sở ở Sông Hằng, nhiều nhà huyền môn cấp cao đã lang thang tới đất Ai Cập và ngồi dưới chân Thầy. Từ ngài, họ có được chiếc Chìa khoá Chủ để lí giải và hoà giải những quan điểm bất đồng của họ, và vì vậy Giáo pháp bí truyền đã được thiết lập vững chắc. Từ những xứ sở khác, những nhà trí thức cũng tìm tới, tất cả họ đều xem Hermes là vị Thầy của những vị Thầy và ảnh hưởng của ngài lớn tới nỗi bất chấp bao nhiêu cuộc lang thang kể từ con đường ấy qua các thế kỉ của những vị thầy ở những xứ sở khác nhau này, ta vẫn còn có thể tìm thấy một sự tương đồng và tương ứng cơ bản làm nền tảng cho nhiều lí thuyết đôi khi khá bất đồng được nuôi dưỡng và được dạy bởi những nhà huyền môn của những xứ sở khác nhau ngày nay. Những môn sinh của ngành Tôn giáo So sánh sẽ có thể nhận ra tầm ảnh hưởng của Giáo huấn Hermetic trong mọi tôn giáo xứng đáng với cái tên mà giờ đây được nhân loại biết tới, cho dù đó là một tôn giáo đã chết hoặc một tôn giáo cường tráng tràn trề trong thời đại chúng ta. Luôn luôn có những tương ứng nhất định bất kể có những điểm mâu thuẫn, và những Giáo huấn Hermetic tác động như nguồn Hoà giải vĩ đại.

 

Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản

 

 

 

Đây có thể chỉ là một (trong rất nhiều) cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản bạn đã, đang, và sẽ đọc trong cuộc đời, nhưng điều khiến nó khác biệt, là tất cả đều được viết bởi trải nghiệm cá nhân và thế giới quan riêng của Chi Nguyễn – The Present Writer về cuộc sống.

Cuốn sách này sẽ không cho bạn một “công thức chuẩn” để đánh giá thế nào là tối giản, thế nào là hạnh phúc. Cũng sẽ không có điều gì hoàn toàn đúng và hoàn toàn sai áp đặt lên bạn. Thay vào đó, cuốn sách giới thiệu những khái niệm mở, truyền cảm hứng để bạn thay đổi tư duy và tự đưa ra quyết định đâu là lối sống phù hợp nhất với mình.

Vậy nên, chính xác thì, đây không-chỉ- là một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản. Đây là một cuốn sách về Sự-Thay-Đổi. Bạn được đồng hành và khám phá hành trình thay đổi của tác giả, và được truyền cảm hứng để mở ra một hành trình thay đổi cho chính mình — hành trình đến cái đích hạnh phúc và lối sống mà bạn hằng mong muốn.

 

Chơi Chữ

 

“Nghề chơi cũng lắm công phu”, huống hồ chơi… chữ!
Chơi chữ, đối với nhà Nho, cần phải có những yếu tố mà nhiều người không gom được đủ: Có học đã đành, nhưng lại còn phải có tài.

Học có hàm súc, mới biết dùng chữ cho rành rẽ, dùng điển cho đích đáng, khiến câu văn ít lời mà nhiều ý; tài có mẫn tiệp, mới lĩnh hội được mau lẹ những nét trội trong một cảnh huống, và diễn xuất một cách nhanh chóng, hồ như là tự nhiên.

Trong văn chương ta, có nhiều lối chơi: thơ, phú, câu đối, “tập Kiều”, ứng dụng lối nào là tùy theo tình, theo cảnh, theo cách cấu tứ và nguồn cảm hứng của nhà văn.

Những lúc tửu hậu trà dư, những khi đối cảnh sinh tình, nhà Nho gặp những tình tiết đáng cười đáng bỉ, thường thốt ra lời văn, ngụ ý mình và răn đời.

Văn tuy gọi là chơi, song lắm khi có bao hàm sâu sắc, và bao giờ cũng đặt công dụng vào hai chữ cảnh tỉnh.

Thú chơi chữ, ngày nay không mấy ai ham chuộng nữa. Ta tiêu khiển bằng chớp bóng, bằng cải lương, nếu không bằng bài bạc, bằng du lãm, là những lối tiêu khiển dản dị hơn và cũng dễ thưởng thức hơn.

Đành rằng năng khiếu trào lộng của dân tộc là một thiên tư không bao giờ mất được: Nếu nó không diễn xuất bằng cách này, ắt nhiên nó cũng sẽ diễn xuất bằng cách khác. Nhưng dù sao, lối chơi chữ cũng đã như lỗi thời rồi. Vì thế chúng tôi tưởng chép lại vài câu văn cũ, gọi là nhắc lại lối tiêu khiển của người xưa, âu cũng là một cách giữ lại trên giấy mực một cái gì sắp mất, một cái gì không có cơ tồn tại, một cái gì khi mất đi sẽ không trở lại được nữa, dưới cái sắc thái cũ kỹ, chất phác, mà không thiếu thú vị, của nó.

Tags: