Tất cả chúng ta đều có thể là nạn nhân của chứng trầm cảm. Không ai có thể tránh khỏi những khủng hoảng và tổn thương tinh thần như, người thân qua đời, áp lực công việc kéo dài, bị lạm dụng, bạo hành, mất mát tình cảm, thất nghiệp, phá sản… Nếu không cảnh giác trước “căn bệnh thiên niên kỷ” này, con người thời công nghệ 4.0 rất dễ trượt sâu vào nỗi chán chường, u uất, đánh mất mọi niềm vui sống. Trầm cảm không chỉ là vấn đề của xã hội hiện đại, đó còn là cuộc chiến của mỗi người trên toàn cầu.
Tâm lý học và thần kinh học đã nghiên cứu những trải nghiệm đau khổ gây nên thay đổi trong não bộ con người và gọi tên nó là chứng “trầm cảm”, đồng thời đưa ra giải pháp y học để chữa trị. Tuy nhiên, chứng bệnh trầm cảm vẫn hoành hành bất chấp tiến bộ khoa học và y tế, liệu con người có cần một giải pháp khác? Trong những giai đoạn đen tối nhất, khi không một liều thuốc, một lời động viên hay giải pháp duy lý nào có thể mang đến ánh sáng, còn điều gì có thể dìu dắt ta vượt qua khổ đau tận cùng?
Cuốn sách “Từ nước mắt đến nụ cười” mang đến cho độc giả cách mở món quà mang tên nỗi đau và tìm lại niềm vui sống. Đó là sử dụng những hiểu biết tâm linh để hóa giải chứng trầm cảm và nỗi đau tinh thần. Marianne Williamson, tác giả, diễn giả và nữ chính trị gia người Mỹ, đã truyền đạt những triết lý tôn giáo một cách gần gũi, giúp bạn đọc đại chúng hiểu về căn nguyên và cách chuyển hóa trầm cảm dưới góc nhìn tâm linh.
Đầu tiên, Marianne Williamson đưa ra luận điểm trọng tâm: Mọi đau khổ bắt nguồn từ một tâm trí bám vào những ảo ảnh của thế giới. “Mọi thứ khiến chúng ta đau khổ, từ những vụ lạm dụng ghê tởm nhất đến việc mất đi người thân yêu, đều diễn ra trong một cõi ảo tưởng”, bà diễn giải.
Theo tác giả, hành trình chữa lành chỉ bắt đầu khi chúng ta nhìn nỗi đau của mình, con người mình và thế giới dưới một “kiểu tư duy khai sáng”. “Tâm trí của tôi là nguồn gốc nỗi buồn của tôi. Và tâm trí của tôi cũng là nguồn hạnh phúc của tôi. Chỉ tôi là người quyết định chọn sử dụng tâm trí mình ra sao, và lựa chọn đó sẽ quyết định liệu tôi đang trên đường đến với nỗi đau hay đến với sự yên bình”, bà cho hay.
Khi điều chỉnh lại suy nghĩ ở phần nguyên nhân thì phần kết quả sau đó sẽ tự động thay đổi. Qua từng chương sách, Marianne Williamson đưa ra những hiểu biết tôn giáo khác nhau để chuyển hóa trải nghiệm đau khổ của con người.
Cuốn sách chỉ ra, thiền trong Phật giáo là một công cụ để tâm trí đau khổ vượt qua nỗi đau đớn. Thực hành thiền định rèn chúng ta tập trung vào hiện tại khi tâm trí bị ám ảnh bởi quá khứ và tương lai, tập trung vào lòng từ bi khi bản ngã bị ám ảnh bởi lỗi lầm, để từ đó, vượt lên trên tổn thương và đau khổ.
Hay như hiểu biết về Thiên chúa giáo mà Marianne Williamson bàn đến trong cuốn sách, “Việc chấp nhận sự phục sinh đưa chúng ta vượt ra ngoài hy vọng đơn thuần. Chúng ta không chỉ hy vọng rằng mọi thứ sẽ ổn. Chúng ta biết rằng vào đúng thời điểm, mọi thứ rồi sẽ ổn, vì nó đã như vậy trong chủ tâm của Thượng đế”.
Trên hết, Marianne Williamson nhấn mạnh, không phải thuốc men hay liệu pháp y tế nào, tình yêu thương, sự tha thứ và đức tin mới là liều thuốc ưu việt để chữa lành những nỗi đau. Tác giả nêu ví dụ về những cựu binh Mỹ gặp khủng hoảng tinh thần sau khi trở về từ chiến trường Việt Nam. “Không một loại thuốc bên ngoài nào có thể đơn độc giải quyết các vấn đề thuộc ký ức mà những người lính hồi hương gặp phải”, Marianne Williamson nói, “những người này cần đến phương thuốc tinh thần. Họ cần tình yêu của đồng loại, cần lòng tốt của con người, cần đến những lời cầu nguyện, liệu pháp, thiền định”.
Sau cùng, trên hành trình chữa lành, sẽ luôn có ánh sáng lọt qua “kẽ nứt tí xíu” trong tâm trí khi ta không ngừng hy vọng. “Với mỗi lời cầu nguyện, chúng ta cắm điện sáng. Với mỗi hành động tha thứ, chúng ta cắm điện sáng. Với mỗi năm phút thiền, chúng ta cắm điện sáng. Với mỗi suy nghĩ về sự nhân từ, chúng ta cắm điện sáng. Với mỗi khoảnh khắc của niềm tin, chúng ta cắm điện sáng”, Marianne Williamson động viên. Giống như một bông hoa nhỏ mọc lên từ vết nứt của nền xi măng, sự bình an cuối cùng cũng xuất hiện sau những khoảng thời gian đau buồn đã tàn phá trái tim.
Còn rất nhiều quan điểm đột phá khác về trầm cảm được bàn đến trong “Từ nước mắt đến nụ cười”: Ý nghĩa sâu sắc của nỗi buồn; Mối liên hệ giữa nỗi đau riêng của từng cá nhân với bối cảnh lớn hơn - những khủng hoảng của xã hội hiện đại; Những bất cập của y khoa khi bác sĩ dễ dàng kê thuốc cho bất cứ ai gặp muộn phiền… Tác giả cũng kêu gọi cái nhìn “bình thường hóa” đối với nỗi đau khổ, coi đó là điều bất cứ ai cũng có thể trải qua trong đời thay vì là một “căn bệnh khó bề cứu chữa”.
Bản thân Marianne Williamson đã trải qua nhiều bi kịch, cùng nhiều năm sống chung với trầm cảm. Là một người từng được chữa lành khi tiếp nhận ánh sáng tâm linh, những gì Marianne Williamson truyền đạt trong “Từ nước mắt đến nụ cười” không cao siêu, xa lạ, mà ngược lại, dễ ứng dụng và chan chứa sự đồng cảm.
Với bất cứ ai, “Từ nước mắt đến nụ cười” sẽ là khởi đầu cho một hành trình vượt khỏi khổ đau để đi đến bình an nội tại.
Marianne Williamson là tác giả, diễn giả, nhà hoạt động chính trị và lãnh đạo tâm linh nổi tiếng trên toàn thế giới. Đặc biệt, cô là một trong những ứng cử viên tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ năm 2020. Tính đến nay, Marianne Williamson là tác giả của 14 cuốn sách, với hơn 3 triệu bản được bán ra trên thị trường, trong đó có 4 cuốn lọt vào danh mục sách bán chạy nhất theo The New York Times.
Sách của Marianne Williamson chủ yếu bàn về những giá trị tinh thần và tình yêu thương con người, giúp độc giả khám phá bản thân và vượt lên trên những nghịch cảnh để tìm thấy niềm vui và sự an yên trong cuộc sống.