Có bao giờ bạn tự đặt ra câu hỏi rằng tại sao nước này lại phát triển và tại sao nước kia lại lạc hậu? Tại sao cùng chịu những hậu quả nặng nề của chiến tranh mà nước này thì mạnh mẽ vươn lên còn nước kia mãi vẫn chưa thể vượt qua? Tại sao nước này hạn chế về điều kiện tự nhiên thì lại giàu có còn nước kia dồi dào tài nguyên thì lại nghèo nàn?
Joe Studwell, sau hơn hai thập niên làm việc và nghiên cứu về nền kinh tế Châu Á, biên tập viên sáng lập của tờ The China Economic Quarterly, đã cho ra đời cuốn sách "Châu Á vận hành như thế nào: Thành công và thất bại của khu vực năng động nhất thế giới”, nhằm trình bày những nghiên cứu chuyên sâu của ông về nền kinh tế của 9 quốc gia tiêu biểu nhất, được chia thành 3 nhóm riêng biệt (tuy có một số quốc gia không được đề cập đến do tính đặc thù về kinh tế - chính trị - văn hóa) bao gồm: Nhóm các quốc gia Đông Bắc Á (Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc), Nhóm các quốc gia Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philipnines) và Nhóm “Hậu Cộng sản” (Trung Quốc, Việt Nam). Mọi yếu tố dù là nhỏ nhất cũng được xét đến trong quá trình chuyển đổi kinh tế như một nhân tố quan trọng góp phần thay đổi diện mạo của một quốc gia.
Đâu là những đòn bẩy giúp chuyển đổi kinh tế thành công?
Đây là cuốn sách nói về cách mà các quốc gia thành công hoặc không thành công trong việc thực hiện chuyển đổi kinh tế. Cuốn sách lập luận rằng có ba hành động can thiệp quan trọng mà các chính phủ có thể sử dụng để đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế: nông nghiệp, sản xuất, tài chính. Nếu chính sách nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của một quốc gia vì nông nghiệp thúc đẩy gia tăng sản lượng nhanh chóng ở các nền kinh tế dựa vào nông thôn, và chính sách sản xuất quan trọng vì chiến lược công nghiệp non trẻ là cách nhanh nhất để giúp một quốc gia chuyển sang các hoạt động nhiều giá trị gia tăng hơn, thì chính sách tài chính quan trọng vì nó điều hướng các nguồn lực giới hạn của quốc gia vào hai mục tiêu này.
Để làm sáng rõ lên tầm quan trọng và ảnh hưởng của ba yếu tố này đến sự thành công hay thất bại của các nền kinh tế Châu Á, Joe Studwell đã trình bày từng khía cạnh như sau:
Nông nghiệp: Cuốn sách của Studwell đã thể hiện rõ ràng về việc khớp nối vai trò quan trọng của nông nghiệp trong sự phát triển. Ông giải thích rằng một trong những điều mà tất cả các quốc gia nghèo hiện đang khá dồi dào là lao động nông nghiệp - thường chiếm tới ba phần tư dân số đất nước. Thật không may, hầu hết các nước nghèo có chính sách đất đai có lợi cho những chủ đất giàu có, với đông đảo nông dân nghèo đang làm việc cho họ. Studwell lập luận rằng những chính sách này không chỉ tạo ra sự bất bình đẳng rất lớn mà chúng cũng dẫn tới năng suất cây trồng tệ hại.
Ngược lại, ông cho biết, khi chính phủ cung cấp cho nông dân quyền sở hữu những suất đất khiêm tốn và cho phép họ hưởng lợi từ thành quả lao động của mình, sản lượng nông nghiệp sẽ cao hơn trên mỗi hecta. Và sản lượng tăng giúp những nước này đang tạo ra thặng dư và tiết kiệm mà họ cần để tăng sức mạnh cho cỗ máy sản xuất của mình.
Sản xuất: Studwell lập luận rằng một khi các nước đang sản xuất nông sản dư thừa ổn định, họ nên bắt đầu chuyển sang giai đoạn sản xuất phát triển. Ông chỉ ra một trường hợp mang tính lịch sử quan trọng là những nước thành công không chỉ đơn giản dựa vào sức mạnh của bàn tay vô hình; họ bổ sung những nguồn lực thị trường với bàn tay sắt của chính sách định hướng công nghiệp hóa của nhà nước. Các nước này gia nhập vào một sự kết hợp của chế độ bảo hộ (Hỗ trợ những ngành công nghiệp non trẻ để đem đến cho họ thời gian và năng lực có thể cạnh tranh trên toàn cầu) và sau đó những kẻ thua cuộc sẽ bị loại bỏ (cắt đứt những nguồn lực cho các công ty không thành công trên các thị trường xuất khẩu).
Tài chính: Studwell chỉ ra rằng những quốc gia đang phát triển nhanh chóng thường hứa suông về những nguyên tắc thị trường tự do trong khi thực sự giữ những tổ chức tài chính của họ trong vòng kiểm soát chặt chẽ. Nói cách khác, họ ban hành những chính sách để bảo vệ mình chống lại những cú sốc và sự trói buộc của dòng chảy vốn toàn cầu, và họ chắc chắn rằng những tổ chức tài chính phục vụ cho sự phát triển lâu dài của đất nước chứ không phải là lợi ích ngắn hạn của những tổ chức này.
Việt Nam: một bản sao cấu trúc kinh tế Trung Hoa?
Riêng đối với độc giả Việt Nam, khá đáng buồn rằng nhằm để cô đọng hơn cấu trúc của cuốn sách, nước ta không được đề cập đến trong cuốn sách này vì tác giả cho rằng Việt Nam “dường như rất giống với Trung Quốc khi sở hữu một cơ cấu tổ chức cấu trúc kinh tế nhất định, là kết quả của việc quốc gia cộng sản này đang dần cải cách”.
Tuy nhiên, qua lăng kính nghiên cứu kĩ lưỡng và ấn tượng của Joe Studwell, Châu Á vận hành như thế nào? vẫn sẽ trở thành một cuốn sách đáng đọc cho bất cứ ai có niềm đam mê với kinh tế nói chung và kinh tế Châu Á nói riêng, một khu vực với các quốc gia năng động, khu vực hứa hẹn sẽ định hình tương lai của Thế giới.
Phanh
Trạm Đọc.