Từ GI tới Gen Z: Tên gọi của các thế hệ bắt nguồn từ đâu?
Từ GI tới Gen Z: Tên gọi của các thế hệ bắt nguồn từ đâu?
Gắn nhãn một thế hệ chẳng khác gì gắn nhãn ở trường cấp ba, hiềm một nỗi số lượng người bị gắn nhãn thì lớn hơn nhiều. Ai đã đặt tên các thế hệ? Những cái tên này có nghĩa là gì? Làm sao để tránh đóng khung một nhóm người mà giữa họ có thể cách nhau tận 10 năm?
Vốn chẳng có ai thích bị dán nhãn cả. Thời trung học hẳn bạn cũng ghét bị gọi là mọt sách, thằng đầu gấu, tứ chi phát triển hay là đồ giả tạo,…

Vậy việc phân loại người khác dựa vào năm họ được sinh ra thì sao? Các thế hệ GI, thế hệ X, Baby boomers, Millennials,…

Gắn nhãn một thế hệ chẳng khác gì gắn nhãn ở trường cấp ba, hiềm một nỗi số lượng người bị gắn nhãn thì lớn hơn nhiều. Ai đã đặt tên các thế hệ? Những cái tên này có nghĩa là gì? Làm sao để tránh đóng khung một nhóm người mà giữa họ có thể cách nhau tận 10 năm?

 

Thế hệ Millennials

 

AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO CÁC THẾ HỆ?

Neil Howe - nhà sử học đặt ra thuật ngữ Millennials - cho biết: “Một mặt, tôi muốn nói là tên của một thế hệ chưa chắc liên quan đến chính thế hệ đó”. Ông đã viết cuốn Generations (tạm dịch: Thế hệ) cùng với William Strauss. “Đôi khi những cái tên này rất ngẫu nhiên và phụ thuộc vào những gì diễn ra trong năm".

Đó là lý do vì sao Howe và Strauss tạo ra thuật ngữ Millennials: “Chúng tôi nghĩ đó là một cái tên lạc quan vì những người được sinh ra trong khoảng thời gian này được nuôi dạy rất khác so với thế hệ trước đó. Họ sẽ tốt nghiệp cấp ba vào năm 2000 nên chúng tôi nghĩ đến từ Millennials (thiên niên kỷ)".

Tên của những thế hệ khác không rõ ràng được như vậy. Thế hệ X, tên gọi dành cho những người sinh trong khoản 1965-1980 vẫn chưa ra đời trong khi Howe và Strauss đang viết cuốn Generations. Ban đầu họ được gọi là thế hệ Baby busters (sụt giảm dân số) vì tỉ lệ sinh sản giảm rõ rệt so với thế hệ trước đó -  Baby boomer (bùng nổ trẻ sơ sinh).

Dòng thời gian các thế hệ tại Mỹ

Đây chỉ là ước lượng giai đoạn của các thế hệ. Số năm bắt đầu và kết thúc của từng thế hệ vẫn chưa được thống nhất. 

Thế hệ GI (1901-1924)

Họ là thanh thiếu niên trong thời kỳ Đại Suy thoái và tham gia chiến đấu trong Thế chiến thứ hai. Còn được gọi là Thế hệ vĩ đại nhất (theo cuốn sách của nhà báo Tom Brokaw) hoặc Thế hệ Lắc lư vì thích nghe nhạc jazz.

Thế hệ im lặng (1925-1942)

Quá nhỏ để tham gia Thế chiến thứ hai nhưng quá già để tham gia Mùa hè Tình yêu. Nhãn dán này miêu tả khuynh hướng thủ cựu của họ và niềm tin rằng chỉ cần làm theo quy tắc thì họ sẽ thành công.

Baby boomers (1943-1964)

Được sinh ra trong thời kỳ phát triển kinh tế và bùng nổ dân số sau Thế chiến thứ hai. Họ đi theo phong cách hippie, phản đối Chiến tranh Việt Nam, tham gia phong trào nhân quyền và đặc biệt thích nghe nhạc rock.

Thế hệ X (1965-1979)

Ban đầu họ được gọi là Thế hệ Suy giảm Dân số - Baby Busters, vì tỉ lệ sinh sản giảm rõ rệt so với thế hệ trước. Trong thời niên thiếu, họ trải qua đại dịch AIDS và chứng kiến sự sụp đổ của Bức tường Berlin. Còn được gọi là Thế hệ MTV. Chữ X trong tên gọi ám chỉ những mong muốn không thể định nghĩa rõ ràng của thế hệ này.

Millennial (1980-2000)

Lớn lên cùng sự trỗi dậy của Internet, sự kiện 11/9 và những cuộc chiến tranh sau đó. Đôi khi được gọi là thế hệ Y. Vì phụ thuộc vào công nghệ, họ bị xem là những người vị kỷ, chỉ biết quan tâm đến bản thân.

Thế hệ Z (2001-2013)

Những người được sinh ra trong thời đại Internet và được dự đoán là thế hệ phụ thuộc vào công nghệ nhất và tuân theo chủ nghĩa cá nhân nhất. Còn được gọi là iGeneration.

“Những cái nhãn do thế hệ trước đặt cho không phải lúc nào cũng đúng” - Jean Twenge nói. Ông là giáo sư tâm lý học tại Đại học bang San Diego, tác giả của cuốn Generation Me: Why Today's Young Americans Are More Confident, Assertive, Entitled — and More Miserable Than Ever Before (tạm dịch: Thế hệ của tôi: Vì sao người Mỹ trẻ tuổi tự tin, quyết đoán, thú vị - và khốn khổ hơn bao giờ hết).

Cái tên Thế hệ X lần đầu xuất hiện trong một bài phóng sự ảnh của Robert Capa về những người trẻ tuổi đang trưởng thành sau Thế chiến thứ hai. Cái tên này xuất hiện một lần nữa vào năm 1964 khi một tờ báo ở London thực hiện loạt bài về văn hóa của giới thanh niên Anh, sau này trở thành cuốn sách Generation X (Thế hệ X). 

Nhưng Thế hệ X vẫn chưa trở thành một nhãn dán cho đến khi cuốn Generation X: Tales for an Accelerated Culture (tạm dịch: Thế hệ X: Câu chuyện về một nền văn hóa luôn chuyển mình) của Douglas Coupland được xuất bản vào năm 1991. Cuốn sách giải thích rằng “X” đại diện cho một thế hệ không muốn bị định nghĩa. “Chúng tôi là một thế hệ vô danh và đầy bất mãn với chính quyền” - Matt Carmichael, nhà báo, tác giả của Buyographics: How Demographic and Economic Changes Will Reinvent the Way Marketers Reach Consumers (tạm dịch: Buyographics: Các nhân khẩu học và kinh tế thay đổi cách nhân viên tiếp thị tiếp cận người tiêu dùng).

Trước Thế hệ X là Baby boomer (bùng nổ trẻ sơ sinh) nhằm chỉ sự tăng trưởng kinh tế sau Thế chiến thứ hai và kéo theo đó là tỉ lệ sinh sản. Howe cho biết ngay cả Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ cũng sử dụng cái tên này. “Giai đoạn niên thiếu và trưởng thành của họ cũng có nhiều sự kiện xáo trộn, nên từ “boom” (bùng nổ) khá là hợp lý”, Twenge nói.

Tên gọi của các thế hệ khác miêu tả thái độ hoặc hành vi chung. Thế hệ Im lặng (1925 - 1942) thì quá trẻ để tham gia Thế chiến thứ hai nhưng lại quá già để đắm mình trong Mùa hè Tình yêu, một sự kiện văn hóa diễn ra vào năm 1967. “Cẩn trọng và đi theo chủ nghĩa thủ cựu, họ hành động như người trung niên dù chỉ mới ở tuổi 22”, Howe giải thích thêm rằng cái tên này xuất hiện lần đầu trên Tạp chí Time vào tháng 11 năm 1961. Nhưng những đặc điểm này của thế hệ im lặng chỉ được người ta bàn luận sau khi họ đã trưởng thành, Carmichael nói. “Những người đặt tên cho thế hệ hay rào trước điều đó – bạn có thể mô tả ý nghĩa của nó bất kỳ lúc nào bạn cần".

Điều này cũng đúng với Thế hệ GI, những người lính trong Thế chiến thứ hai, xuất hiện trước Thế hệ Im lặng. Nhà báo Tom Brokaw viết một cuốn sách tên The Greatest Generation (tạm dịch: Thế hệ vĩ đại nhất) để miêu tả họ. Howe nói đôi khi họ còn được gọi là Thế hệ Lắc lư vì loại nhạc ưa thích của thế hệ này là jazz.

VÌ SAO CHÚNG TA GỌI TÊN CÁC THẾ HỆ?

Các nhà báo không phải là những người duy nhất tham gia cuộc đua đặt tên cho thế hệ. Về lý thuyết, nhiều nhà quảng cáo đặt tên thế hệ để tiếp cận tốt hơn đến khách hàng. “Trong nghiên cứu thị trường, các nhà tiếp thị và các thương hiệu thích dán nhãn để mô tả con người”, Carmichael nói, “điều này giúp họ với khách hàng và nói về khách hàng”. 

Trong một bài xã luận trên tờ Advertising Age (Thời đại Quảng cáo) năm 1993, thuật ngữ Thế hệ Y được dùng để miêu tả thế hệ Millennial của ngày nay. Đến năm 2005, người ta mới biết những phân tích trên về Gen Y là sai lầm. “Chúng ta đang nói về một nhóm người nhưng với hai cách nhìn khác nhau” - Howe cho biết, “Thế hệ Y miêu tả một phiên bản cực đoan của Thế hệ X nhưng chúng tôi bảo rằng “Không, họ không như vậy”. Nếu bạn nhìn vào những số liệu thống kê ở đây, họ không hề thích rủi ro”.

Vào năm 2012, tờ Advertising Age chấp nhận mình đã sai. “Thế hệ Y chỉ là một từ miêu tả tạm thời cho đến khi chúng tôi hiểu thêm về thế hệ đó” - Carmichael cho biết. “Millennial chưa chắc đã là một cái tên hay hơn, nhưng tôi nghĩ nó ít nhất cho bạn biết rằng ở đâu đó có một bước ngoặt – có điều gì đó khác biệt diễn ra đối với thế hệ này và họ đang sống trong một thời đại cũng nhiều bước ngoặc không kém".

Một vấn đề mà những nhà nghiên cứu thị trường phải đối mặt đó là không phải ai cũng đồng tình với những nhãn dán của họ. Erica Williams Simon, một nhà chiến lược truyền thông và tác động xã hội cho rằng: “Nhãn dãn hỗ trợ các công ty và các nhà truyền thông. Nhãn dán giúp những người không trẻ và không hiểu về người trẻ tiếp cận đối tượng này dễ dàng hơn, chứ không có tác dụng xác định danh tính của chúng ta. Nhãn dán không tác động quá nhiều đâu vì kinh nghiệm sống của riêng bạn mới là thứ định hình và định nghĩa con người bạn”. Cô cho biết thêm nhược điểm của các tên gọi đó là chúng tạo ra định kiến – ám chỉ đến việc các nghiên cứu về thế hệ Millennials đều bảo rằng họ bị ám ảnh bởi công nghệ và sống khá vị kỷ.

“I” ĐẠI DIỆN CHO ĐIỀU GÌ?

Các chuyên gia đang tranh luận xem chúng ta nên gọi thế hệ sau của Millennials là gì. Có một số cái tên nổi bật – Thế hệ Z, Thế hệ Số nhiều, Thế hệ Wii – nhưng cái tên đang nổi trội nhất là iGeneration.

STOCKSY/GALLERY STOCK

Tuy nhiên, Simon cho rằng dùng tên iGen sẽ bỏ lại rất nhiều người phía sau. “Nếu chúng ta xác định thế hệ tiếp theo dựa vào công nghệ, chúng ta đang quên mất những người trẻ có thu nhập thấp, những người không thể tiếp cận với công nghệ như những người cùng tuổi có thu nhập cao hơn” - cô nói. “Rất khó để nghĩ ra một nhãn dán có thể phản ánh đúng trải nghiệm của tất cả mọi người”.

Carmichael lại thích iGen vì nó rất nhiều cách để lý giải từ này. “Tôi thích ý tưởng rằng chữ “i” có thể mang rất nhiều nghĩa: nó có thể là interactive (tương tác), nó có thể là international (quốc tế), nó có thể là một thứ gì đó mà chúng ta chưa nghĩ ra. Nhưng trong vòng 10 năm tới khi chúng ta đã hiểu rõ thế hệ này hơn, chúng ta có thể khẳng định “i” đại diện cho điều gì".

Thanh Trần | Theo Npr.org

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

 
 
 
 
Tags: