Từ 10 cuốn tiểu sử/ tự truyện đáng đọc, người trẻ học được gì? (Phần 1)
Từ 10 cuốn tiểu sử/ tự truyện đáng đọc, người trẻ học được gì? (Phần 1)
Dòng sách tiểu sử về những nhân vật có ảnh hưởng lớn trên thế giới ngày càng được các bạn trẻ đón nhận. Không chỉ là những câu chuyện thú vị về cuộc đời các nhân vật, mỗi cuốn sách còn đem đến cho người đọc những bài học đáng quý. Sau đây là 5 cuốn tiểu sử đáng đọc đã được xuất bản tại Việt Nam dành cho các bạn trẻ.
Hồi ký Andersen - Chuyện Đời Tôi
(7 lượt)

 

1/ Leonardo Da Vinci

 

Ông là thiên tài sáng tạo nhất trong lịch sử.

Ông có thể truyền lại cho chúng ta bí mật gì? 

Dựa trên hàng ngàn trang sổ tay kỳ lạ cùng những khám phá mới về cuộc đời và tác phẩm của Leonardo, Câu chuyện mà Walter Isaacson kể lại xâu chuỗi nghệ thuật với khoa học của ông. Ông chỉ cho chúng ta thấy thiên tài của Leonardo hoàn toàn dựa trên những kỹ năng mà chúng ta có thể tự củng cố cho bản thân, như sự tò mò đến say mê, thói quen quan sát cẩn trọng, cùng trí tưởng tượng sinh động đôi khi hòa lẫn cả thế giới ảo tưởng huyền hoặc.

 Năng lực sáng tạo của ông, cũng giống như của những nhà phát minh vĩ đại khác, xuất phát từ chỗ đứng của họ tại giao điểm giữa nghệ thuật nhân văn và công nghệ. Ông cắt bỏ phần da thịt trên gương mặt của các tử thi, vẽ lại các cơ làm cho môi chuyển động, rồi làm nên nụ cười đáng nhớ nhất trong lịch sử trên bức họa Mona Lisa. Ông khám phá nguyên tắc toán học của quang học thị giác, chỉ ra đường đi của ánh sáng khi đập vào giác mạc, rồi tạo nên ảo ảnh về những thay đổi phối cảnh trong bức Bữa tối cuối cùng. Isaacson cũng mô tả niềm đam mê suốt đời với việc dàn dựng những vở kịch trên sân khấu đã làm giàu thêm cho các bức họa và phát minh của ông ra sao.

Khả năng kết nối nghệ thuật và khoa học, mà hình ảnh tiêu biểu nhất là bức vẽ có thể là chính ông đang nằm trọn bên trong một hình tròn và một hình vuông, đã trở thành công thức trường cửu của sáng tạo đột phá. Cuộc đời ông gợi nhắc chúng ta về tầm quan trọng của việc tích lũy từng chút một, cho cả bản thân lẫn con cái chúng ta, không chỉ tri thức sẵn có mà cả tinh thần sẵn sàng chất vấn nó – để trí tưởng tượng trở nên phong phú, và, giống như nhân vật lập dị hay nổi loạn tài năng trong bất kỳ thời đại nào, để suy nghĩ khác biệt. 

“Đọc tiểu sử Leonardo da Vinci giống như ta đang đi tham quan cuộc đời và sự nghiệp của một trong những nhân vật kiệt xuất nhất của mọi thời đại, với sự đồng hành của một trong những “hướng dẫn viên” uyên bác, cuốn hút, thông tuệ nhất trên đời. Walter Isaacson là một học giả thực thụ, một nhà văn xuất thần. Và từ những trang sách này, ta sẽ đúc rút được một kho những bài học quý báu.” – Nhà sử học David McCullough.

 

2/ Tự Truyện Andrew Carnegie

 

Từ cậu bé nghèo khó trở thành tỉ phú thép giàu bậc nhất nước Mỹ. Andrew Carnegie là một doanh nhân người Mỹ gốc Scotland, “cha đẻ” của ngành sản xuất thép và được ngưỡng mộ qua tấm lòng bác ái khi ông dành phần lớn gia sản của mình cho việc từ thiện. Ông cũng chính là người truyền dạy những "nguyên tắc thành công" cho Napoleon Hill - Tác giả Think and Grow Rich.

Carnegie sinh năm 1835 tại thị trấn Dunfermline, Scotland, và di trú tới Hoa Kỳ năm 1858. Từ những công việc đầu tiên là công nhân sản xuất ống chỉ, thợ thông nhà xí tới nhân viên đưa tin. Cuối cùng ông mở ra công ty thép Carnegie, sau đó sáp nhập với công ty thép Elbert H. Gary’s Federal và vài công ty nhỏ khác để trở thành U.S. Steel – một trong những công ty thép lớn nhất trên thế giới.

Dưới đây là 4 bài học từ Andrew Carnegie – người được xem là giàu nhất trong những người giàu nhất.

Bạn chỉ cần biết những gì cần phải biết

Hiểu được những điều cần phải biết cho công việc cũng quan trọng như hiểu những gì mà bạn không cần phải biết. Trong cuốn tự truyện của mình, Carnegie lưu ý rằng, “Tôi không hiểu máy móc chạy bằng hơi nước, nhưng tôi cố gắng hiểu một cơ chế còn phức tạp hơn nhiều, đó chính là con người”.

Là cựu sinh viên học về bản tính của con người, Carnegie nổi tiếng với sự hiểu biết làm thế nào để kết hợp các nguồn nhân lực cần thiết nhằm tạo ra các sản phẩm tuyệt vời.

Bằng việc khai thác và nhìn nhận tài năng của người khác, bạn có thể tham gia vào các cơ hội kinh doanh mà bạn chưa hẳn đã biết. Sự nghiệp của Carnegie là minh họa thuyết phục cho bài học về kỹ năng để thành công của doanh nhân, đó là cần xác định những gì họ cần biết về công việc của mình và những gì họ không cần phải biết.

Chỉ sản xuất những gì tốt nhất

Phần lớn thành công của Carnegie đến từ khả năng vượt qua những công việc khó khăn và cống hiến toàn bộ năng lượng cho công việc của mình.

Trong kinh doanh, điều đó có nghĩa là bạn phải đảm bảo rằng những sản phẩm hay dịch vụ bạn làm ra đều tuyệt vời, khách hàng hài lòng và nhân viên vui vẻ phục vụ hiệu quả. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp đối phó với sự cạnh tranh cũng như giúp bạn mở rộng quy mô và khai thác các cơ hội. Khi bạn tự hào về công việc của mình, bạn sẽ càng làm việc hiệu quả hơn.

Carnegie luôn nỗ lực để tạo ra sự minh bạch trong quản lý của tất cả các nhà máy công nghiệp của ông. Ông giữ chúng thật trật tự, sạch sẽ và luôn chào đón thanh tra chính phủ.

Tập trung vào chỉ một thứ

“Tôi tin rằng con đường đúng để đạt được thành công xuất sắc ở bất kể ngành nào là trở thành người thông thạo trong ngành đó. Tôi không tin vào việc phung phí nguồn lực vào quá nhiều thứ. Và theo kinh nghiệm, tôi hiếm khi, nếu không nói là chưa bao giờ, gặp một người đàn ông thành công xuất sắc trong việc kiếm tiền mà lại quan tâm đến quá nhiều thứ. Còn đối với bản thân tôi, quyết định của tôi đã được đưa ra từ sớm. Tôi tập trung vào sản xuất thép và sẽ trở thành bậc thầy trong lĩnh vực này”, trích từ cuốn tiểu sử của Andrew Carnegie.

Nếu năng lượng của bạn bị phân tán, bạn sẽ khó có thể cạnh tranh với những người khác đang tập trung.

Bên cạnh đó, Carnegie còn gợi ý nơi mà bạn nên đầu tư: “Lời khuyên của tôi dành cho những thanh thiếu niên là không chỉ dành thời gian và quan tâm chỉ một việc, mà nên bỏ vốn của mình vào đó”.

Hãy thành thật quan tâm đến người khác

“Tôi tin rằng cách phòng ngừa tranh cãi tốt nhất là công nhận khả năng và dành sự quan tâm chân thành đến người khác cũng như vui mừng trong sự thành công của họ… Không có hành động tốt nào lại bị cho là vô ích. Ngay cả đến giờ này, tôi thỉnh thoảng gặp những người đàn ông mà tôi đã quên và họ nhắc lại những sự quan tâm nho nhỏ mà tôi đã dành cho họ”, Carnegie viết trong cuốn tự truyện của mình.

Ngoài việc xây dựng một tình bạn với các đối tác để thúc đẩy các mối quan hệ làm ăn, Carnegie cũng rất chú trọng trong các mối quan hệ với nhân viên của mình. Nhiều trong số các cuộc đình công của nhân viên đã được ông xoa dịu thông qua các buổi gặp gỡ, trò chuyện, lắng nghe những khiếu nại của họ.

Carnegie luôn tìm kiếm những mối quan hệ tốt với các nhân viên và thường thưởng cho nhân viên thứ mà họ muốn khi họ hoàn thành tốt công việc.

 

3/ Chuyện Đời Tôi – Hans Christian Andersen

 

Kể từ thế kỷ XIX đến nay, văn đàn thế giới xuất hiện và tồn tại bền bỉ theo thời gian và không gian một tên tuổi khổng lồ: Hans Christian Andersen.

Với tự truyện Mit Livs Eventyr (Chuyện đời tôi) của ông, độc giả Việt Nam có dịp tiếp cận đại văn hào ở đa diện góc nhìn hơn, khi ông xuất hiện ở tư cách một nhà thơ, một kịch tác gia, một tiểu thuyết gia trước khi là một nhà văn chuyên viết truyện thần tiên cho thiếu nhi. Cũng qua tự truyện này, không chỉ thuật lại những năm tháng tuổi thơ cùng nhiều duyên may định mệnh đã tạo nên bước ngoặt thay đổi đời mình, Andersen còn tiết lộ những chi tiết thú vị về đời sống viết lách phong phú của mình, với chất liệu dồi dào được ông thu thập qua biết bao những chuyến du ký qua nhiều xứ sở châu Âu, những cuộc gặp và tương tác với nhiều nhân vật nổi tiếng, tiêu biểu của thế kỷ XIX ở Đức, Pháp, Ý, Hà Lan, Thụy Điển, Anh, và cả những vùng đất và những công quốc mà giờ đây chỉ còn được chúng ta biết đến qua các tài liệu lịch sử…

Andersen là nhà văn của Đức Tin, luôn một lòng tin tưởng vào sự an bài của Chúa và chấp nhận vượt qua mọi thử thách. Trên thực tế, Andersen được chào đón ở toàn thể châu Âu thông qua các bản dịch tiếng Đức nhưng lại hay bị chê bai ở quê nhà Đan Mạch, và ông đã kiên nhẫn vượt qua.

“Điều gì đang chờ đợi? Tôi không biết, nhưng tôi sẽ chào đón những năm tháng sắp đến với lòng biết ơn và hy vọng. Cả cuộc đời tôi, những ngày tươi sáng cũng như u ám, đều dẫn tới những điều tốt đẹp nhất, giống như một chuyến viễn du đưa tới một cái đích đã biết trước. Tôi là người cầm lái, tôi đã chọn lộ trình, nhưng Chúa sẽ quyết định sóng gió, bão dông. Ngài có thể đưa con tàu của tôi đi theo đường khác; và sau đó, dù thế nào đi nữa, đích đến dành cho tôi vẫn sẽ là tốt nhất.”

 

4/ Van Gogh: The Life

 

Mặc dù đã có vô số cuốn sách viết về Van Gogh, nhưng trong vòng hơn 70 năm qua vẫn chưa có một nghiên cứu nghiêm túc và đầy tham vọng nào được thực hiện về cuộc đời của ông. “Van Gogh: The Life” có thể được xem là một trong những tác phẩm nặng ký lấp vào khoảng trống đó.

Cuốn sách là một bản tiểu sử hết sức đầy đủ, chính xác và nghiêm cẩn với rất nhiều tranh minh họa và ảnh tư liệu về cuộc đời ngắn ngủi, dữ dội và thú vị của danh họa. Cuốn sách gồm tổng cộng 43 chương, hơn 1000 trang kể về cuộc đời của Van Gogh qua 3 giai đoạn:

  • Phần 1: NHỮNG NĂM ĐẦU ĐỜI (1853-1880): Tái hiện lại tuổi thơ Vincent khi còn là cậu bé kỳ lạ, ít nói, mải mê ở bãi hoang, ngắm nhìn chim muông cây cỏ rồi cô đơn nơi lớp học khi phải xa gia đình tới giai đoạn anh tin vào tiếng gọi cứu chuộc của Chúa với mong muốn đi truyền bá Phúc Âm, và đến khi anh tin rằng sự cứu chuộc của đời mình là trở thành một họa sĩ. 
  • Phần 2: NHỮNG NĂM TẠI HÀ LAN (1880-1886): Kể về thời thanh thiếu niên với những khủng hoảng tuổi mới lớn về công việc, sự nghiệp, tình yêu, câu hỏi cho mục đích của cuộc sống và lẽ sống được tìm kiếm qua con đường tôn giáo và những trang văn thơ, cũng như những tiếp xúc thuở ban đầu với hội họa.
  • Phần 3: NHỮNG NĂM Ở PHÁP (1886 – 1990): Giai đoạn trưởng thành cùng những góc khuất, những giằng xé không được giải quyết, những câu hỏi không có câu trả lời và cũng không còn ai kiên trì để trả lời khi mốc trưởng thành đã đến và người ta hành động nhiều hơn thay vì ngồi hỏi những ngẩn ngơ ngày nào, cơm áo gạo tiền và địa vị xã hội cùng sự ổn định đã khiến tâm can người họa sĩ trở nên hoảng loạn và bất ổn nhất – nghịch lý là khi đó anh đã tạo ra những tác phẩm định hình rõ phong cách của anh cho tới khi rời bỏ cuộc đời.

Cuốn sách cũng góp phần hiệu chỉnh nhiều hình dung sai lạc, kể cả cách hậu thế “huyền thoại hóa” thiên tài độc đáo này khiến Vincent không còn là Vincent như đã từng tồn tại, mang đến cho người đọc, người hâm mộ những góc nhìn mới mẻ, chân thật và vô cùng chi tiết về cuộc đời của danh họa.

“Sự kết hợp màu sắc thích đáng, anh nhấn mạnh, có thể khơi gợi đầy đủ những biến thiên cảm xúc của con người: từ sự “thống khổ” của những tông màu pha cho đến sự “bình yên tuyệt đối” của những tông cân bằng; từ “đam mê” bằng màu đỏ và xanh lá tới “sự an ủi nhẹ nhàng” của màu tử đinh hương và vàng. Trong khi miêu tả về màu sắc của mình, […] Vincent đã tiếp thu vốn từ vựng của những người thuộc phái Biểu tượng (lặp đi lặp lại những viện dẫn về “sự vĩnh cửu”, “những điều huyền bí”, “vô tận”, và “những giấc mơ”, nhưng ngang ngược tuyên bố bản thân là một “sắc họa sư duy lý” […] về những phép tính toán phức tạp đã dẫn đường cho bảng màu của anh – những lời lẽ giống như Seurat đã bị ghét cay ghét đắng đối chọi với bản tuyên ngôn về tri giác của những người theo phái Biểu tượng. Và anh từ chối thẳng thừng sự loại bỏ màu sắc thành một yếu tố đơn thuần của thiết kế như cách của trường phái Viền ngăn – một sự khấu trừ mang tính trang trí – hơn là sự “biểu hiện mạnh mẽ” của “một khí chất mãnh liệt”.

 

5/ Napoleon Đại Đế

 

Napoleon là một nhân vật đặc biệt vĩ đại và hấp dẫn trong lịch sử Pháp cũng như lịch sử thế giới. Cuộc đời, sự nghiệp, quan điểm, tài năng của ông đã là chủ đề của hàng nghìn cuốn sách trong suốt hai thế kỉ qua, và có lẽ sẽ còn được nghiên cứu tiếp trong nhiều thế kỉ sau nữa.

Thuở nhỏ, cậu bé ham mê đọc sách, nhưng trình độ học vấn không cao. Pháp văn của ông rất tệ, ông thường bị trêu chọc ở trường vì chất giọng khôi hài. Napoleon chỉ tìm thấy mình khi vào quân đội, sau khi tốt nghiệp Trường Quân sự ở Paris và tìm được vị trí sĩ quan pháo binh. Tới năm 1793 Napoleon đóng vai trò nổi bật trong cuộc đánh bật quân Anh khỏi cảng Toulon và chiếm được thành phố này cho các lực lượng cộng hòa, nhờ đó ông được thăng cấp tướng.

Khi cuộc cách mạng bao trùm nước Pháp, tài năng của Napoleon trên cương vị một người lính lên đến tột đỉnh. Ông từng gây tai tiếng khi dọn sạch các đường phố ở Paris bằng cách bắn đạn chùm vào quân nổi loạn. Ông đưa quân vào Italy và Ai Cập, nổi bật với một chuỗi những thành công ấn tượng cùng với uy danh về một thiên tài quân sự vô song. Ông trở thành người cai trị nước Pháp năm 1799. Năm 1804, ông tự phong mình làm Hoàng đế và vợ ông, Josephine, lên ngôi Hoàng hậu. Napoleon được tôn sùng khi mới vừa qua độ tuổi hai mươi.

Chân dung Napoleon được khắc họa ở đây là một con người dữ dội – không chỉ là một vị chỉ huy mạnh mẽ, tự tin tột bậc mà còn là một nhà thống trị, một tác giả và một người tình bận rộn đến mức đáng ngạc nhiên. “Đối với tôi, chỉ có duy nhất một yêu cầu, đó là thành công,” ông viết vào năm 1805. Nhưng để đạt được thành công trong lĩnh vực mà Napoleon chọn lựa – tái kiến thiết nước Pháp và chinh phạt thế giới – đòi hỏi những phẩm chất cá nhân mà không có người nào khác cùng độ tuổi với ông sở hữu. Ông không bao giờ dừng lại. Như Roberts cho biết, khi Napoleon di chuyển ở tốc độ cao nhất, người ta đã phải đổ nước vào bánh xe của ông để hạ nhiệt.

Đọc cuốn sách mới này là để hiểu tại sao vị tướng kiệt xuất đảo Corsica này lại có thể chiếm được lòng ngưỡng mộ của thế giới lâu đến vậy. Cuốn sách của Roberts có thể xem là bài bút luận xuất sắc về nghệ thuật quản lý nhà nước và là một sự chiêm nghiệm về chính bản thân lịch sử: một sự bảo vệ cho toàn bộ ý tưởng về “con người vĩ đại” trước cái mà trong phần kết luận Roberts gọi là “những phân tích mang tính quyết định luận về lịch sử”.

- Trạm Đọc tổng hợp -

 

Trạm đặc biệt dành tặng mã YEUSACH22 - Giảm 5% tối đa 10.000 ₫ cho các đơn hàng có giá trị tối thiểu 99.000 ₫ tại Tiki Trạm Đọc

 

Tags: