35 cuốn sách triết học hay nhất giúp bạn sống tốt hơn và vĩ đại hơn trong tư tưởng (Phần 1)
35 cuốn sách triết học hay nhất giúp bạn sống tốt hơn và vĩ đại hơn trong tư tưởng (Phần 1)
Triết học không phải là phân tích suy nghĩ của những người đã mất từ lâu, mà đó là về cách sống một cuộc sống tốt đẹp, ngay tại đây, ngay bây giờ - và đó chính xác là mục đích của các cuốn sách triết học. Vì thế, hôm nay Trạm sẽ tổng hợp 35 cuốn sách triết học hay nhất cho bạn. Cho dù bạn là người mới bắt đầu hay một chuyên gia triết học, Trạm tin rằng bạn sẽ tìm thấy ở đây một cuốn sách mang đến cho bạn những điều mới mẻ. 

Nếu ai đã từng nghĩ triết học có nghĩa là ngồi trong khán phòng đại học, đọc những văn bản xưa cũ nhàm chán, thứ mà ngày nay chẳng mấy ai đọc nữa thì series bài viết này chính là dành cho bạn. 

Nếu khi 23 tuổi, bạn khám phá ra Ryan Holiday và tác phẩm về Chủ nghĩa Khắc kỷ của anh; sau đó bạn đọc cuốn sách The Obstacle Is the Way (Tạm dịch: Trở ngại cũng là một con đường), bạn sẽ nhận ra mình từng rất sai lầm khi định nghĩa về triết học. 

Những cuốn sách triết học hay nhất nói chung

 

1/ “Suy tưởng” của Marcus Aurelius

 

“Bạn có quyền kiểm soát tâm trí mình - không phải các sự kiện bên ngoài. Hãy nhận ra điều này và bạn sẽ tìm thấy sức mạnh.” — Marcus Aurelius

“Suy tưởng” là một bộ gồm 12 cuốn sách được viết bởi hoàng đế La Mã Marcus Aurelius, người thường xuyên viết nhật ký để ghi lại quá trình học tập của mình về triết học Khắc kỷ và các bài viết của ông sẽ dạy bạn logic, đức tin và tính kỷ luật tự giác.

Nếu bạn đang tìm kiếm sự thoải mái, động lực và trí tuệ cho cuộc sống hằng ngày thì đây là một trong những cuốn sách hay nhất mà bạn từng mua. Không có lý do gì để không đọc nó cả. Những lời khuyên của Marcus đưa ra cho chính mình 2.000 năm trước vẫn còn giá trị cho tới tận bây giờ, và cuốn sách sẽ mang lại lợi ích cho bạn trong những thời điểm khó khăn, và cũng sẽ mang lại cho bạn sự vinh quang. 

Những điều có thể rút ra được từ cuốn sách “Suy tưởng”

  1. “Logic” thực sự không phải lúc nào cũng hợp lý, nhưng mọi thứ xảy ra đều có lý do.
  2. Cuộc sống quá ngắn ngủi để phàn nàn.
  3. Nỗi đau duy nhất bạn phải chịu là nỗi đau do chính bạn tạo ra.

 

 

2/ “Đi tìm lẽ sống” của Viktor Frankl

 

“Mọi thứ đều có thể bị tước đoạt khỏi một người ngoại trừ một điều: quyền tự do cuối cùng - lựa chọn thái độ của mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào chính lựa chọn con đường riêng của mình.” — Viktor Frankl

“Đi tìm lẽ sống” là câu chuyện được kể chi tiết về những trải nghiệm kinh hoàng của người sống sót sau thảm họa diệt chủng Viktor Frankl trong các trại tập trung của Đức Quốc xã, cùng với đó là cách tiếp cận tâm lý bằng liệu pháp ý nghĩa, cũng là điều đã giúp ông sống sót và chỉ ra cách bạn có thể - và chắc chắn - tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống của mình.

Ngoài việc truyền cảm hứng cho bạn suy nghĩ lại về ý nghĩa và tìm thấy nó ở bất cứ nơi nào bạn đến, cuốn sách cũng sẽ truyền cho bạn sự tôn trọng to lớn đối với những người đi trước. 

Những điều có thể rút ra từ cuốn sách “Đi tìm lẽ sống”:

  1. Đôi khi, cách duy nhất để sống sót là đầu hàng cái chết.
  2. Cuộc sống của bạn có ý nghĩa riêng và việc tìm ra nó là tùy thuộc vào bạn.
  3. Sử dụng ý định nghịch lý để khiến nỗi sợ hãi của bạn biến mất.

 

 

3/ “The Daily Stoic - 366 chiêm nghiệm về trí tuệ và lòng can trường cùng nghệ thuật sống” của Ryan Holiday

 

“Hãy kiểm soát nhận thức của bạn. Hãy chỉ đạo hành động của bạn đúng cách. Hãy sẵn sàng chấp nhận những gì nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.” - Ryan Holiday

“The Daily Stoic” là tuyển tập các bài thiền ngắn hàng ngày trong một năm của các triết gia Khắc kỷ cổ đại, như Seneca, Epictetus và Marcus Aurelius, dạy cho bạn sự bình tĩnh, kiên cường và kiên trì thông qua ba nguyên tắc Khắc kỷ: nhận thức, hành động và ý chí.

Mỗi ngày hãy đọc một trang trong cuốn sách này, đây là điều bạn không thể không làm được vì cuốn sách rất dễ đọc. Sau khi đọc nó, bạn sẽ có được cái nhìn tổng quan tuyệt vời về Chủ nghĩa Khắc kỷ và áp dụng nhiều nguyên lý của nó vào cuộc sống.

Những điều có thể rút ra từ cuốn sách “The Daily Stoic”:

  1. Nhận thức mang lại mục đích cho những suy nghĩ, hành động của bạn và cuối cùng là mọi việc bạn làm.
  2. Chúng ta có thể thay đổi hướng đi của cuộc đời mình bằng cách chủ động lựa chọn hành động thay vì chỉ phản ứng với những thôi thúc của mình.
  3. Ý chí là nội lực kiên trì của chúng ta, sẵn sàng mang đến cho chúng ta niềm hy vọng khi mọi thứ khác đều thất bại.

 

 

4/ “Câu chuyện Triết học” của Will Durant 

 

“Nền văn minh bắt đầu bằng trật tự, phát triển bằng tự do và chết đi bằng sự hỗn loạn”. — Will Durant

“Câu chuyện Triết học” mô tả cuộc đời của các triết gia vĩ đại phương Tây, như Plato, Socrates và Nietzsche, khám phá quan điểm của họ về chính trị, tôn giáo, đạo đức, ý nghĩa cuộc sống và nhiều khái niệm quan trọng khác.

Nếu bạn tò mò về nguồn gốc của triết học thì đây chính là tựa sách bạn nên đọc. Durant và vợ ông là một trong những nhà sử học vĩ đại nhất, và họ đã cô đọng một cách tuyệt vời câu chuyện về thế giới trong khoảng 700 trang sách. Nếu bạn muốn bắt đầu với thứ gì đó ngắn hơn, trước tiên hãy đọc “Những bài học lịch sử” của hai tác giả này, sau đó hãy tìm hiểu sâu hơn về từng nhà triết học quan trọng nhất trong lịch sử trong kiệt tác này.

Những điều có thể rút ra từ cuốn sách “Câu chuyện Triết học”:

  1. Các nhà triết học Hy Lạp cổ đại đã mở đường cho triết học, khoa học và các hình thức quản lý xã hội mới.
  2. Triết gia Spinoza đã giúp giải mã những ý nghĩa ẩn giấu của tôn giáo.
  3. Voltaire chịu trách nhiệm một phần về cuộc cách mạng Pháp và sự cải thiện hệ thống chính trị trên toàn thế giới.

 

 

5/ “Cộng hòa” của Plato

  

“Hình phạt nặng nhất cho việc từ chối cai trị là bị cai trị bởi người thấp kém hơn mình”. — Plato

“Cộng hòa” là một trong những tác phẩm chính trị và triết học quan trọng nhất trong lịch sử, được viết bởi Plato, nhà triết học nguyên mẫu và là một trong những học trò của Socrates, dưới hình thức đối thoại về công lý và hệ thống chính trị.

Nếu bạn làm chính trị thì đây là cuốn sách phải đọc. Nếu không, đây vẫn là một cuốn sách có giá trị về ý nghĩa của việc bị cai trị, cách trở thành một công dân tốt và tại sao các triết gia có thể là những nhà cai trị giỏi nhưng không nhất thiết phải như vậy. 

Những điều có thể rút ra từ cuốn sách “Cộng hòa”:

  1. Công lý phải được xem xét ở cấp độ cá nhân cũng như cấp độ cộng đồng.
  2. Cả cộng đồng và linh hồn đều có thể được chia thành ba phần riêng biệt.
  3. Những triết gia cố gắng cai trị người khác sẽ gặp rất nhiều khó khăn, và đúng như vậy.

 

 

6/ “Những lời giáo huấn” của Epictetus

 

“Tự do còn có thể là gì ngoài sức mạnh để sống cuộc sống theo cách chúng ta muốn?” — Epictetus

“Những lời giáo huấn” là tập hợp các bài giảng của triết gia cổ đại Epictetus, do một trong những học trò của ông chép lại, giúp chúng ta hiểu về thế giới và dạy chúng ta chấp nhận khó khăn, thay đổi và những sự kiện trong cuộc sống mà ban đầu có thể là những thất bại nhưng cuối cùng sẽ khiến chúng ta mạnh mẽ hơn.

Không giống như hầu hết các triết gia cổ đại khác, Epictetus không giàu có ngay từ đầu. Ông từng là một nô lệ, nhưng nhờ những ý tưởng và cách cư xử của mình, ông đã được trả tự do. Ông sống giản dị cho đến cuối đời và đó là lý do tại sao các bài giảng của ông đầy ý nghĩa thông thường. Nếu bạn muốn có một góc nhìn nguyên bản về Chủ nghĩa Khắc kỷ không xuất phát từ quan điểm đặc quyền, thì đây là lựa chọn tốt nhất dành cho bạn. 

Những điều có thể rút ra từ cuốn sách “Những lời giáo huấn”:

  1. Nếu không có những thử thách trong cuộc sống, chúng ta sẽ không cảm thấy cần phải trưởng thành và thay đổi.
  2. Mọi điều tuyệt vời trong cuộc sống đều cần có thời gian và công sức để xây dựng.
  3. Nếu bạn không thể kiểm soát thì cũng đừng căng thẳng về điều đó.

 

 

7/ “Bài giảng cuối cùng” của Randy Pausch 

 

“Nếu tôi chỉ có ba từ để khuyên, thì đó sẽ là ‘nói sự thật’. Nếu tôi có thêm ba từ nữa, tôi sẽ thêm vào, ‘luôn luôn vậy.” - Randy Pausch

“Bài giảng cuối cùng” là thông điệp cuối cùng của một giáo sư đại học gửi đến thế giới trước khi ông qua đời vì bệnh ung thư ở độ tuổi còn khá trẻ, đưa ra những lời khuyên ý nghĩa về cuộc sống, những lời nói khôn ngoan, cũng như rất nhiều sự lạc quan và hy vọng cho nhân loại.

Hãy tưởng tượng giảng viên hoặc người cố vấn yêu thích của bạn ở trường sẽ giảng bài cuối cùng trước khi họ qua đời. Bạn sẽ đến dự chứ? Randy Pausch có thể không phải là giáo sư đại học yêu thích của bạn, nhưng rồi bạn sẽ thích ông thôi nếu bạn đến nghe bài giảng cuối cùng của ông. Cuốn sách chứa đầy cảm hứng, trí tuệ và những kỷ niệm sẽ khiến bạn mỉm cười. Tất nhiên, Randy cũng là giảng viên trong thực tế, nhưng bạn hãy nên đọc cuốn sách này của ông trước. Nó chứa đựng nhiều chi tiết hơn và làm cho bài giảng của ông thú vị hơn rất nhiều.

Những điều có thể rút ra được từ cuốn sách “Bài giảng cuối cùng”:

  1. Nếu bạn không bao giờ từ bỏ ước mơ của mình thì cuối cùng, một số ước mơ sẽ trở thành hiện thực.
  2. Sự hài lòng thực sự đến từ việc giúp đỡ người khác thành công.
  3. Lời khuyên giá trị nhất thường là lời khuyên đơn giản nhất.

 

Những cuốn sách triết học hay nhất về Chủ nghĩa Khắc kỷ và triết học phương Tây

 

8/ “Những bức thư đạo đức” của Seneca

  

“Nếu bạn thực sự muốn thoát khỏi những thứ đang quấy rối mình, điều bạn cần không phải là ở một nơi khác mà là trở thành một con người khác.” — Seneca

“Những bức thư đạo đức” là tập hợp những thông điệp đạo đức đầy khích lệ được triết gia theo trường phái Khắc kỷ La Mã Seneca gửi đến người bạn Lucilius của mình nhằm giúp anh ta bớt cảm xúc hơn, kỷ luật hơn và tìm thấy cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đã từng có một thứ được gọi là “bạn qua thư”. Mọi người sẽ cam kết viết thư cho nhau một cách thường xuyên. Ngày nay, hoạt động này gần như không còn nữa. Tuy nhiên, nhờ cuốn sách này, bạn có thể có được một người bạn qua thư, không chỉ bất kỳ người bạn qua thư nào mà còn là một trong những triết gia nổi tiếng nhất trong lịch sử. Nếu bạn muốn có một người bạn gửi thư động viên thì cuốn sách này rất phù hợp với bạn.

Những điều có thể rút ra được từ cuốn sách “Những bức thư đạo đức”:

  1. Mục tiêu của việc đạt được trí tuệ là sống hòa hợp với thiên nhiên.
  2. Tài sản quý giá nhất của bạn là tâm trí của bạn.
  3. Một người khôn ngoan không cần bạn bè, nhưng anh ta vẫn chọn kết bạn.

 

 

9/ “Meditations on First Philosophy” (Tạm dịch: Suy ngẫm về Triết học Tiên khởi) của René Descartes

  

“Dubium sapientiae initium - Nghi ngờ là nguồn gốc của trí tuệ.” - René Descartes

“Meditations on First Philosophy” là một trong những tác phẩm hàng đầu của triết học phương Tây, được René Descartes viết vào năm 1641, thúc giục chúng ta từ bỏ mọi thứ có thể nghi ngờ và sau đó bắt đầu suy luận về con đường phía trước dựa trên những gì chúng ta có thể biết một cách chắc chắn tuyệt đối.

Bạn có phải là người được điều khiển bởi logic và lý trí? Vậy thì đây chính là cuốn sách triết học dành cho bạn. Cách tiếp cận của Descartes rất thú vị vì ông bắt đầu từ những gì có thật 100%. Nếu bạn muốn kiểm tra kỹ năng suy luận của mình và không sợ ai đó thách thức các giả định của bạn, hãy đọc cuốn sách này.

Những điều có thể rút ra được từ cuốn sách “Meditations on First Philosophy”:

  1. Các giác quan của bạn không phải lúc nào cũng nói lên sự thật.
  2. Việc bạn suy nghĩ chứng tỏ rằng bạn tồn tại.
  3.  Có ba cấp độ của sự thật trên thế giới.

 

 

10/ “On the Shortness of Life” (Tạm dịch: Về sự ngắn ngủi của cuộc đời) của Seneca

 

“Đối với tài sản cá nhân thì người ta tiết kiệm, nhưng đối với thời gian thì người ta lại lãng phí, thứ mà đáng lẽ ra phải keo kiệt mới đúng.” — Seneca

“On the Shortness of Life” là một kiệt tác dài khoảng 20 trang từ 2000 năm trước của Seneca, triết gia theo trường phái Khắc kỷ La Mã và là thầy của các hoàng đế, viết về thời gian và cách sử dụng nó tốt nhất để đảm bảo bạn có một cuộc sống lâu dài và trọn vẹn.

Có hàng triệu cuộc nói chuyện, sách và những người nổi tiếng nói với chúng ta rằng “cuộc đời rất ngắn ngủi”. Nhưng thành thật mà nói, không ai nói điều đó hay hơn Seneca trong bài nói chuyện ngắn này. Bạn sẽ thấy mình trong đó, hết lần này đến lần khác. 

Những điều có thể rút ra được từ cuốn sách “On the Shortness of Life”:

  1. Theo đuổi sự giải trí, sang trọng và di sản là điều khiến cuộc sống lâu dài trở nên ngắn ngủi.
  2. Bạn có thể bận rộn cả đời mà không làm được điều gì có ý nghĩa, vì vậy hãy thận trọng.
  3. Khả năng chiêm nghiệm và trân trọng cuộc sống của bạn sẽ không bao giờ biến mất.

 

 

11/ “A Guide to the Good Life” (Tạm dịch: Chỉ dẫn cho một cuộc sống tốt đẹp) của William B. Irvine

  

“Cách dễ nhất để chúng ta đạt được hạnh phúc là học cách muốn những thứ chúng ta đã có.” — William B. Irvine

“A Guide to the Good Life” là lộ trình dành cho những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ, tiết lộ lý do tại sao triết lý cổ xưa này lại hữu ích trong thời đại hiện nay; Chủ nghĩa Khắc kỷ thực sự là gì và chỉ cho bạn cách áp dụng những nguyên tắc của nó trong cuộc sống của chính bạn.

Nếu bạn đang tìm kiếm cuốn sách nhập môn về Chủ nghĩa Khắc kỷ, hãy mua cuốn sách này. Nó bao gồm những thăng trầm trong lịch sử, những khái niệm quan trọng nhất, cũng như những lời khuyên hay nhất về Chủ nghĩa Khắc kỷ. Đây là cái nhìn tổng quan tuyệt vời về triết lý đang hồi sinh này.

Những điều có thể rút ra từ cuốn sách “A Guide to the Good Life”:

  1. Hai giá trị cơ bản của Chủ nghĩa Khắc kỷ là đức hạnh và sự bình yên.
  2. Học cách muốn những gì bạn đã có.
  3. Ngay lập tức chấp nhận những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn và tập trung vào những gì bạn có thể làm với những gì bạn có.

 

 

12/ “Cách trở thành một người Khắc kỷ” của Massimo Pigliucci

  

“Thà chịu đựng nỗi đau một cách vinh dự còn hơn tìm kiếm niềm vui trong điều đáng xấu hổ.” — Massimo Pigliucci 

“Cách trở thành một người Khắc kỷ” là một hướng dẫn thực tế để áp dụng triết học cổ xưa vào cuộc sống hiện đại, bao gồm các nguyên tắc Khắc kỷ mà các triết gia như Socrates, Epictetus và Cato đã tuân theo là: ham muốn, hành động và sự đồng thuận.

Để tìm hiểu sâu hơn về Chủ nghĩa Khắc kỷ và các ứng dụng trọng tâm của nó, hãy xem xét cuốn sách này. Giống như nhiều cuốn sách khác về chủ đề này, nó chia ý tưởng thành ba phần liên quan đến ba nguyên tắc Khắc kỷ, vì vậy, ngay cả khi bạn chỉ đang tìm kiếm lời khuyên về một lĩnh vực cụ thể, bạn vẫn có thể dễ dàng bỏ qua những phần khác và đi thẳng đến những gì liên quan nhất đến bạn ngay bây giờ.

Những điều có thể rút ra được từ cuốn sách “Cách trở thành một người Khắc kỷ”:

  1. Khái niệm “sự thờ ơ ưu tiên” có thể giúp bạn hành động phù hợp với đạo đức của mình mà không trở nên cực đoan.
  2. Trong Chủ nghĩa Khắc kỷ, đức hạnh là điều tốt đẹp nhất và nó được tạo thành từ bốn giá trị.
  3. Bạn có thể có được những tình bạn hữu ích, vui vẻ và tốt đẹp. Điều tốt là quan trọng nhất.

 

 

13/ “Nghĩ như hoàng đế La Mã” của Donald Robertson

 

“Nói cách khác, điều quan trọng không phải là chúng ta cảm thấy thế nào mà là cách chúng ta phản ứng với những cảm xúc đó như thế nào.” — Donald Robertson

“Nghĩ như hoàng đế La Mã” kết hợp câu chuyện của hoàng đế La Mã nổi tiếng Marcus Aurelius với những bài học từ tâm lý học hiện đại để giúp bạn trở nên kiên cường hơn về mặt cảm xúc và phát triển sức mạnh để vượt qua ngay cả những hoàn cảnh khó khăn nhất.

Nếu bạn thích học từ những câu chuyện thì đây là một cuốn sách tuyệt vời dành cho bạn. Robertson từ từ đưa ra những ý tưởng đằng sau Chủ nghĩa Khắc kỷ, trình bày chúng cùng với câu chuyện cuộc đời của Marcus, đồng thời bổ sung thêm cái nhìn sâu sắc về tâm lý học hiện đại trong quá trình đó. Kết quả là cuốn sách mang lại những hiểu biết sâu sắc mà không có cảm giác giống như một cuốn sách phi hư cấu điển hình.

Những điều có thể rút ra được từ cuốn sách “Nghĩ như hoàng đế La Mã”:

  1. Chúng ta đến từ thiên nhiên và cuối cùng chúng ta sẽ quay trở lại với nó, vì vậy việc sống hòa hợp với nó là điều hợp lý.
  2. Cuộc sống là sự cải tiến không ngừng, đó là lý do tại sao tất cả chúng ta nên rèn luyện đức tính của mình mỗi ngày.
  3. Những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ biết rằng chẳng ích gì khi lo lắng về những gì bạn không thể kiểm soát, vì vậy tốt nhất bạn hãy chấp nhận nó.

 

 

14/ “The Obstacle Is the Way” (Tạm dịch: Trở ngại cũng là một con đường) củaRyan Holiday 

 

“Không có tốt hay xấu nếu không có chúng ta, chỉ có nhận thức. Chỉ có sự việc và câu chuyện mà chúng ta tự kể về ý nghĩa của nó.” - Ryan Holiday

“The Obstacle Is the Way” sẽ giúp bạn vượt qua những khó khăn trong cuộc sống một cách kiên cường nhờ những bài học được rút ra từ những anh hùng xa xưa, các cựu tổng thống, diễn viên hiện đại và những vận động viên thành công cũng như cách họ biến nghịch cảnh thành thành công nhờ vào sức mạnh của nhận thức, hành động và sự sẵn lòng đón nhận.

Nếu bạn nghĩ tất cả những điều về Chủ nghĩa Khắc kỷ thật tuyệt vời, nhưng lại tự hỏi Chủ nghĩa Khắc kỷ trong cuộc sống ngày nay như thế nào thì cuốn sách này, và cả những cuốn sách khác của Ryan Holiday là dành cho bạn. Ryan có thể được ghi nhận là người đã đưa Chủ nghĩa Khắc kỷ vào cuộc sống thường ngày, anh đã lấy ví dụ từ vô số các nhà lãnh đạo, vận động viên và những người trong thế giới hiện đại để thể hiện lý tưởng của Chủ nghĩa Khắc kỷ. “The Obstacle Is the Way” là cuốn đầu tiên trong bộ ba cuốn sách về Chủ nghĩa Khắc kỷ của Ryan. Bạn có thể tìm đọc thêm “Vượt qua bản ng㔓Tâm tĩnh lặng”.

Những điều có thể rút ra từ cuốn sách “The Obstacle Is the Way”:

  1. Hãy tưởng tượng bạn đang khuyên nhủ chính mình như một người bạn để giữ một quan điểm khách quan.
  2. Những chướng ngại vật lớn có những điểm yếu lớn – hãy xác định chúng và sử dụng chính chúng để chống lại chúng.
  3. Hãy dùng ý chí của bạn để chấp nhận những gì bạn không thể thay đổi và thay đổi những điều bạn có thể.

Hãy cùng chờ đón những cuốn sách triết học hay nhất giúp bạn sống tốt hơn và vĩ đại hơn trong tư tưởng ở bài viết tiếp theo của Trạm nhé!

>> Đọc tiếp: 35 cuốn sách triết học hay nhất giúp bạn sống tốt hơn và vĩ đại hơn trong tư tưởng (Phần cuối)

>> Đọc tiếp: 35 cuốn sách triết học hay nhất giúp bạn sống tốt hơn và vĩ đại hơn trong tư tưởng (Phần 2)

- Trạm Đọc tổng hợp

Tags: