35 cuốn sách triết học hay nhất giúp bạn sống tốt hơn và vĩ đại hơn trong tư tưởng (Phần 2)
35 cuốn sách triết học hay nhất giúp bạn sống tốt hơn và vĩ đại hơn trong tư tưởng (Phần 2)
Hãy cùng Trạm tiếp tục điểm qua 35 cuốn sách triết học hay nhất giúp bạn sống tốt hơn và vĩ đại hơn trong tư tưởng nhé. Trong phần 2 của series này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những cuốn sách triết học hay nhất về triết học phương Đông, về các triết gia vĩ đại, về luân lý và đạo đức.

Những cuốn sách triết học hay nhất về triết học phương Đông

 

15/ “The Bhagavad Gita” (Chí tôn ca) của Vyasa

  

“Thà sống theo số phận của chính mình một cách không hoàn hảo còn hơn là bắt chước cuộc sống của người khác một cách hoàn hảo.” — Vyasa

"Bhagavad Gita" là văn bản tâm linh số một trong Ấn Độ giáo, chứa đựng trí tuệ về cuộc sống, những lời khuyên răn về cách sống đạo đức nhưng chân thực trước những cám dỗ của cuộc sống hay ước mơ của người khác.

Bạn không cần phải là người theo đạo Hindu mới đánh giá cao trí tuệ của đạo Hindu. Triết học sẽ mang đến nhiều lợi ích khi bạn cân bằng nhiều quan điểm, mặc dù rất khó để người ngoại đạo nắm bắt hoàn toàn “Gita”, nhưng nó vẫn rất có giá trị về mặt nghiên cứu.

Những điều có thể rút ra được từ cuốn sách “The Bhagavad Gita”:

  1. Sống cuộc sống mà bạn làm những gì bạn dự định làm sẽ mang lại sự bình yên, trong khi điều ngược lại sẽ gây ra đau đớn và bất an.
  2. Hãy tìm ý nghĩa trên hành trình, buông bỏ những dự đoán liên tục.
  3. Thiền có thể giúp bạn làm chủ suy nghĩ và lấy lại sự tập trung.

 

 

16/ “Binh pháp Tôn Tử” của Tôn Tử

 

“Những chiến binh chiến thắng thì giành chiến thắng trước rồi mới ra trận, trong khi những chiến binh bại trận thì ra trận trước rồi mới tìm cách giành chiến thắng.” — Tôn Tử

“Binh pháp Tôn Tử” là một trong những văn bản quan trọng về chiến lược quân sự và chiến tranh của Trung Quốc, được viết vào khoảng năm 500 TCN. Ngày nay, cuốn binh pháp là một trong những nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp, vận động viên, và tất nhiên là cả các tướng lĩnh đánh bại đối thủ và cạnh tranh một cách lành mạnh.

Nếu bạn đang tìm kiếm một cách tiếp cận triết học mang tính định hướng hành động cao thì cuốn sách kinh điển này có thể dành cho bạn. Đây là một cuốn sách về chiến tranh, nhưng nó cũng là một cuốn sách về cách kinh doanh, về công việc và cuộc sống. Nếu bạn có thể áp dụng một cách ẩn dụ các chiến lược của Tôn Tử vào cuộc họp lớn sắp tới, biết đâu cuộc họp lại diễn ra thuận lợi. Bạn cũng sẽ học được nhiều điều về thái độ sống, vì con đường lý tưởng nhất của người chiến binh là con đường đạo đức. 

Những điều có thể rút ra được từ cuốn sách “Binh pháp Tôn Tử”:

  1. Chỉ khi lao vào trận chiến thì mình mới biết mình có thể thắng.
  2. Đánh lừa đối thủ cạnh tranh của bạn để khiến họ làm những gì bạn muốn.
  3. Dẫn dắt nhóm của bạn như thể bạn đang dẫn dắt một người đàn ông duy nhất.

 

 

17/ “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử

 

“Nếu bạn nhận ra rằng mọi thứ đều thay đổi, bạn sẽ chẳng còn gì để cố gắng níu giữ nữa.” - Lão Tử

“Đạo Đức Kinh” là một tập hợp gồm 81 chương ngắn, chứa đầy những lời khuyên về cách sống hòa hợp với “Đạo” - một cách giải thích cổ xưa của Trung Quốc về sức mạnh tinh thần làm nền tảng cho mọi sự sống, được viết lần đầu tiên vào khoảng năm 400 TCN nhưng vẫn còn nhiều giá trị cho đến ngày nay.

Trong khi triết học phương Tây tập trung nhiều hơn vào bản thân và giao tiếp với thế giới bên ngoài thì triết học phương Đông lại đề cao sự hòa hợp và trở thành một phần của thế giới. Rất ít cuốn sách tóm tắt cách tiếp cận tư tưởng phương Đông phù hợp hơn cuốn sách này.

Những điều có thể rút ra được từ “Đạo Đức Kinh”:

  1. Hoàn toàn chấp nhận bất cứ điều gì thời điểm hiện tại mang lại. Hãy cống hiến hết mình cho thực tế.
  2. Hãy thừa nhận những lỗi lầm của bản thân, bởi vì cuối cùng, chúng có thể là nguồn sức mạnh lớn nhất của bạn.
  3. Luôn cạnh tranh với tinh thần vui vẻ để hòa hợp với Đạo.

 

 

18/ “Hỷ lạc từ tâm” của Đức Đạt Lai Lạt Ma và Đức Tổng Giám Mục Nam Phi Desmond Tutu

 

“Bạn càng dành nhiều thời gian để suy nghĩ về bản thân, bạn sẽ càng trải qua nhiều đau khổ.” — Đức Đạt Lai Lạt Ma & Desmond Tutu

“Hỷ lạc từ tâm” là kết quả của cuộc gặp kéo dài 7 ngày giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma và Đức Tổng Giám Mục Nam Phi Desmond Tutu, hai trong số những nhà lãnh đạo tinh thần có ảnh hưởng nhất thế giới, trong đó họ thảo luận về một trong những câu hỏi quan trọng nhất của cuộc đời: làm thế nào để chúng ta tìm thấy niềm vui bất chấp đau khổ?

Có thể bạn sẽ muốn lắng nghe những cuộc hội thoại trong cuộc gặp gỡ vĩ đại này khi họ thảo luận về việc đón nhận đau khổ như một kỹ năng sống thiết yếu, vì đau khổ là điều không thể tránh khỏi. Nếu bạn đang tìm kiếm niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống, đừng bỏ qua cuốn sách này. 

Những điều có thể rút ra được từ cuốn sách “Hỷ lạc từ tâm”:

  1. Một cuộc sống không có đau khổ không tồn tại.
  2. Vì chúng ta không thể kiểm soát nỗi đau nên chúng ta phải thực hành cách ứng phó với nó.
  3. Lòng bi mẫn và nỗi buồn giúp chúng ta giảm bớt những phản ứng rắc rối trước đau khổ.

 

Những cuốn sách triết học hay nhất về những triết gia vĩ đại

 

19/ “Khắc Kỷ - Từ Zeno Đến Marcus Aurelius” của Ryan Holiday

 

“Không có định nghĩa nào đúng hơn về một người theo chủ nghĩa Khắc kỷ: có nhưng không muốn, tận hưởng mà không cần.” - Ryan Holiday

“Khắc Kỷ - Từ Zeno Đến Marcus Aurelius” đi sâu vào kinh nghiệm và niềm tin của một số triết gia đầu tiên thực hành bốn đức tính Khắc kỷ là lòng dũng cảm, sự ôn hòa, công bằng và trí tuệ.

Nếu bạn đã bắt đầu tìm hiểu Chủ nghĩa Khắc kỷ và muốn biết thêm về cuộc đời của các triết gia Khắc kỷ thì cuốn sách này là dành cho bạn. Ngoài những ý tưởng quan trọng nhất của chủ nghĩa Khắc kỷ, bạn còn tìm thấy nhiều giai thoại và chi tiết về cuộc đời của Epicurus, Seneca, Marcus Aurelius và những người khác. Nếu bạn thích đọc tiểu sử, bạn sẽ thích cuốn sách này.

Những điều có thể rút ra được từ cuốn sách “Khắc Kỷ - Từ Zeno Đến Marcus Aurelius”: 

  1. Sự ra đời của Chủ nghĩa Khắc kỷ là kết quả của những khó khăn. 
  2. Không phải tất cả những người ban đầu theo Chủ nghĩa Khắc kỷ đều hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chuẩn của nó.
  3. Marcus Aurelius là một hoàng đế La Mã, người thực hành Chủ nghĩa Khắc kỷ đã giúp ông lãnh đạo bằng lòng trắc ẩn và sự khiêm tốn.

 

 

20/ “Plato at the Googleplex - Why Philosophy Won't Go Away” (Tạm dịch: Plato tại Googleplex - Tại sao triết học sẽ không mất đi) của Rebecca Goldstein 

 

“Nếu chúng ta không hiểu các công cụ của mình thì có nguy cơ chúng ta sẽ trở thành công cụ của các công cụ của mình”. — Rebecca Goldstein

“Plato at Googleplex” đặt ra hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu nhà triết học cổ đại Plato còn sống đến ngày nay và tiếp xúc với thế giới hiện đại, ví dụ như tham quan trụ sở của Google, và ý nghĩa của những cuộc gặp gỡ giữa ông với triết học trong nền văn minh siêu công nghệ.

Nếu bạn đang hoài nghi rằng triết học vẫn còn chỗ đứng trong thế giới hiện đại thì cuốn sách này là dành cho bạn. Nếu hôm nay Plato có mặt trong một chuyến diễn thuyết, ông sẽ nói gì với chúng ta? Cuốn sách này kết hợp sự thú vị của một cuốn tiểu thuyết với cái nhìn sâu sắc của một cuốn sách lịch sử, và kết quả là bạn sẽ có một hành trình khó quên. Thậm chí, nó có thể thay đổi suy nghĩ của bạn. 

Những điều có thể rút ra được từ cuốn sách “Plato at the Googleplex”:

  1. Google có thể trả lời hầu hết các câu hỏi nhưng không phải tất cả.
  2. Không có hai người nào giống nhau và giáo dục cũng không nên đối xử với họ như vậy.
  3. Plato đã đưa ra một định nghĩa về tình yêu bao hàm tất cả các mối quan hệ của con người.

 

 

21/ “Breakfast With Socrates” (Tạm dịch: Bữa sáng cùng Socrates) của Robert Rowland Smith

 

“Bạn không thể tự do để làm điều đúng đắn, trừ khi bạn có thể tự do phạm sai lầm.” — Robert Rowland Smith

“Breakfast With Socrates” sẽ đưa bạn trải qua một ngày bình thường cùng với những bộ óc phi thường, liên kết từng giờ và các hoạt động trong ngày với những ý tưởng cốt lõi với những triết gia vĩ đại trong lịch sử như Descartes, Nietzsche hay Socrates.

Nếu bạn đang tìm kiếm một cuốn sách nhập môn triết học dễ hiểu và cực kỳ thực tế thì đừng tìm đâu xa. Từ bữa sáng, rồi đi làm, cho đến khi bạn đi ngủ lúc đêm xuống, cuốn sách này sẽ vẽ nên bối cảnh triết học cho nhiều tình huống quen thuộc hàng ngày. Mỗi bối cảnh đều chứa đựng trí tuệ của một trong những nhà triết học vĩ đại trong lịch sử. Quả là một cuốn sách thú vị!

Những điều có thể rút ra được từ cuốn sách “Breakfast With Socrates”:

  1. Triết học không phải là việc bạn phải quay mòng mòng suốt ngày; đó là về việc đưa ra quyết định sáng suốt.
  2. Thói quen buổi sáng của bạn là cuộc chiến của cái tôi.
  3. Một cách tốt để đánh giá mức độ hạnh phúc của bạn là tự hỏi liệu bạn có muốn sống lại cuộc sống như cũ không.

 

Những cuốn sách triết học hay nhất về luân lý và đạo đức

 

22/ “The Nicomachean Ethics” (Tạm dịch: Đạo đức học Nicomachean) của Aristotle

 

“Người thích sống cô độc thì là dã thú hoặc là thần thánh.” — Aristotle

 “The Nicomachean Ethics” là một văn bản quan trọng về mặt lịch sử, tổng hợp cuộc thảo luận sâu rộng của Aristotle về các câu hỏi hiện sinh liên quan đến hạnh phúc, đạo đức, tình bạn, kiến ​​thức, niềm vui, đức hạnh và thậm chí cả xã hội nói chung.

Cuốn sách này là dành cho mọt sách và những ai thực sự đam mê triết học. Nếu bạn muốn khẳng định rằng bạn đã thực sự đọc Aristotle, hãy kiếm cho mình một bản của cuốn sách này.

Những điều có thể rút ra được từ cuốn sách “The Nicomachean Ethics”:

  1. Hãy đặt mục tiêu đạt được trạng thái eudaimonia (hạnh phúc trọn vẹn) thay vì hạnh phúc thông thường. 
  2. Arete, hay đức hạnh, được thể hiện  thông qua cả cuộc đời làm việc.
  3. Hãy cố gắng trở thành một người cao thượng - một người làm được những điều vĩ đại và đáng trân trọng.

 

 

23/ “Quân vương” của Niccolò Machiavelli

 

"Mọi người đều nhìn thấy vẻ bề ngoài của bạn, chỉ có vài người nhìn thấy được con người thực sự của bạn." — Niccolò Machiavelli

“Quân vương” một chuyên luận chính trị thế kỷ 16 nổi tiếng với việc dung túng, thậm chí khuyến khích hành vi xấu xa của những người cai trị chính trị để họ tiếp tục nắm quyền.

Có thể nói, nên gắn tấm biển “Hãy thận trọng” khi đọc cuốn sách này. Nếu bạn hiểu rằng những người có quyền lực có thể dễ dàng lạm dụng nó như thế nào thì bạn càng ít có khả năng trở thành nạn nhân của các âm mưu quyền lực trong tương lai. 

Đừng nghĩ đây là một cuốn sách hướng dẫn, vì nó sẽ chỉ dẫn bạn vào con đường đen tối. Tuy nhiên, nếu bạn đọc nó cẩn thận, bạn sẽ được khai sáng.

Những điều có thể rút ra được từ cuốn sách “Quân vương”:

  1. Các quốc gia có thể dễ bị chinh phục nhưng khó bị cai trị hoặc ngược lại – và thị trường cũng vậy.
  2. Nếu một quốc gia thực sự muốn tự bảo vệ mình thì quốc gia đó cần có quân đội riêng chứ không phải lính đánh thuê. Và các doanh nghiệp cũng vậy.
  3. Nếu muốn điều hành một doanh nghiệp, bạn phải tập hợp các cố vấn của mình và biết khi nào nên lắng nghe họ.

 

 

24/ “The Ethics of Ambiguity” (Tạm dịch: Đạo đức của sự mơ hồ) của Simone de Beauvoir

 

“Chúng ta gặp khó khăn trong việc sống vì chúng ta quá quyết tâm đánh lừa cái chết.” - Simone de Beauvoir

 “The Ethics of Ambiguity” giải thích triết học hiện sinh trong bối cảnh hậu Thế chiến thứ hai, cho chúng ta thấy cách chúng ta có thể chấp nhận sự phi lý của cuộc sống và sử dụng tính ngẫu nhiên của nó để sáng tạo thay vì tuyệt vọng.

Triết học, giống như nhiều lĩnh vực khác và viết sách nói chung, từ lâu đã luôn là lĩnh vực của nam giới. Và cuốn sách này sẽ đem lại cho bạn cảm giác mới mẻ vì nó là quan điểm của một người phụ nữ. Nếu bạn đang tìm kiếm cuốn sách nhập môn về chủ nghĩa hiện sinh và/ hoặc một số thông tin cơ bản về một trong những nữ triết gia xuất sắc nhất trong lịch sử, hãy chọn cuốn sách này.

Những điều có thể rút ra được từ cuốn sách “The Ethics of Ambiguity”:

  1. Bạn tự do hơn bạn nghĩ và bạn nên tận dụng nó.
  2. Không có cái gọi là quan điểm hoàn toàn trung lập.
  3. Những lý tưởng trừu tượng không quan trọng bằng con người thật, nhưng chính phủ của chúng ta luôn làm rối tung điều này.

 

 

25/ “The Better Angels of Our Nature” (Tạm dịch: Những thiên thần tốt hơn trong bản chất của chúng ta) của Steven Pinker

 

“Khi người ta nhận thức được sự suy giảm bạo lực, thế giới bắt đầu có vẻ khác đi. Quá khứ dường như bớt vô tội; hiện tại bớt nham hiểm.” —Steven Pinker

“The Better Angels of Our Nature” chứng minh rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ yên bình nhất trong lịch sử, đưa chúng ta trải qua một số thay đổi lớn dẫn đến việc giảm tội phạm trên toàn cầu, giải thích điều gì thúc đẩy chúng ta hành xử bạo lực và cho thấy rằng những động cơ này vượt xa xu hướng hòa bình tự nhiên của chúng ta.

Nếu bạn đang tìm kiếm hy vọng, sự lạc quan và niềm tin nhiều hơn vào nhân loại thì đây chính là cuốn sách bạn nên đọc.

Những điều có thể rút ra được từ cuốn sách “The Better Angels of Our Nature”:

  1. Các hệ tư tưởng luôn bắt đầu với mục đích tốt, nhưng chúng có thể nhanh chóng sa sút thành việc thúc đẩy bạo lực.
  2. Hiệu ứng Flynn làm tăng khả năng suy luận của con người theo thời gian, do đó khiến chúng ta ít bạo lực hơn.
  3. Nhờ phát minh ra máy in, triết lý nhân đạo có thể lan rộng, làm giảm bạo lực khắp nơi.

>> Đọc lại: 35 cuốn sách triết học hay nhất giúp bạn sống tốt hơn và vĩ đại hơn trong tư tưởng (Phần 1)

>> Đọc tiếp: 35 cuốn sách triết học hay nhất giúp bạn sống tốt hơn và vĩ đại hơn trong tư tưởng (Phần cuối)

- Trạm Đọc tổng hợp

Tags: