Hội thảo “Sách lý luận, chính trị với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc” diễn ra sáng 3/12 tại Nhà xuất bản (NXB) Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội. Chương trình do Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức.
Ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Phạm Chí Thành, quyền Giám đốc Tổng biên tập NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, cùng nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu tham dự chương trình.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - phát biểu đề dẫn hội thảo.
Ông nói hội thảo là dịp để nhận thức sâu sắc hơn vai trò quan trọng của sách lý luận, chính trị và công tác xuất bản sách lý luận, chính trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đề xuất các định hướng, giải pháp nhằm đổi mới công tác xuất bản sách lý luận, chính trị theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và hợp với thực tiễn của đất nước; phát huy hơn nữa vai trò to lớn của các nhà xuất bản lý luận chính trị trong bối cảnh mới.
Hội thảo khoa học quốc gia nhận được gần 70 tham luận của các nhà khoa học. Đại biểu tại hội thảo đã tập trung phân tích, đánh giá làm sáng tỏ những đóng góp quan trọng của sách lý luận chính trị đối với việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong những năm qua, nhiều nhà xuất bản quan tâm đầu tư thực hiện mảng sách lý luận chính trị.
Tham luận gửi tới hội thảo của ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - đề cập lượng sách lý luận, chính trị xuất bản trong 10 năm qua: Khoảng 60.000 đầu sách, với trên 200 triệu bản, chiếm 6-8% số đầu sách và 8-10% số bản sách hàng năm.
Đưa sách lý luận, chính trị đến độc giả nhiều hơn
Các tham luận tại hội thảo cũng đóng góp ý kiến nhằm phát triển mảng sách lý luận, chính trị, cũng như bàn phương cách để xây dựng NXB Chính trị Quốc gia Sự thật trở thành trung tâm xất bản, phát hành sách lý luận chính trị.
Trong tham luận gửi tới hội thảo, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông - chỉ ra điểm hạn chế về đội ngũ tác giả ở lĩnh vực sách lý luận, chính trị.
“Đội ngũ tác giả viết sách lý luận chính trị hiện nay còn mỏng. Biên tập viên ít, số biên tập viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao chưa nhiều. Trong khi đó, mảng sách lý luận, chính trị đòi hỏi người làm công tác biên tập không những phải vững về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, mà còn có bản lĩnh chính trị”, ông Nguyễn Nguyên nêu trong tham luận.
GS.TS Đinh Xuân Dũng - nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương - nói khi chấm Giải thưởng Sách Quốc gia, có những cuốn lý luận, chính trị rất hay, nhưng mở tới trang cuối thì ông thấy chỉ in 200 cuốn.
“Chúng ta làm sách chất lượng, nhưng cũng phải làm hiệu quả, để sách hay, sách chất lượng đến với độc giả nhiều hơn”, GS Đinh Xuân Dũng nói.
Bên cạnh vai trò chủ chốt của NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, các NXB như Lý luận Chính trị, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Tư pháp luôn có tỷ lệ sách lý luận, chính trị cao với khoảng 30-50% trong tổng số sách được xuất bản.
Giai đoạn 2003-2008, NXB Lý luận chính trị đã xuất bản hơn 3.200 đầu sách, số lượng in hơn 450.000 bản, trong đó sách lý luận chính trị chiếm 93%.
NXB Quân đội Nhân dân xuất bản hơn 10.500 đầu sách, với hơn 18 triệu bản, trong đó sách lý luận chính trị chiếm 27%.
Tham luận của ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông - nêu mảng sách lý luận, chính trị dù chiếm tỷ lệ không lớn về đầu sách nhưng có vai trò hết sức quan trọng, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyên truyền chủ trường, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ông cho rằng “hoạt động phát hành sách lý luận, chính trị của chúng ta lâu nay còn ít nhiều lúng túng”. Có nhiều lý do, một trong số đó được GS.TS Đinh Xuân Dũng chỉ ra là công tác phát hành đã “bỏ trống” công việc điều tra tổng thể nhu cầu người đọc, chưa “phân khúc” người đọc để đi tới nắm chắc và phát triển “người đọc mục tiêu” của sách lý luận chính trị.
GS.TS Đinh Xuân Dũng cho rằng cần thực hiện hai loại sách lý luận, chính trị: Một là sách thể hiện kết quả nghiên cứu có giá trị sâu, chuyên sâu vào các vấn đề lý luận, chính trị đang đặt ra trong thực tiễn. Thứ hai là sách lý luận, chính trị phổ thông, phổ cập, cơ bản thiết thực, dễ hiểu, dễ vận dụng.
Trạm đọc theo Zingnews.vn