Thiên đường văn chương Iowa
Thiên đường văn chương Iowa
Nếu bạn muốn tỏ ra hay ho trong mắt người Mĩ, đừng bắt đầu câu chuyện bằng Iowa.” “Ở Iowa đấy hả, chả có gì sất, có khi họ còn không biết Iowa là một bang của nước Mĩ. À, cùng lắm, tụi tui sản xuất ngô.”

Cuộc nói chuyện cụt ngủn của tôi với các bạn người bản địa ở Iowa hồi tôi năm nhất đại học làm tôi vừa nhụt chí, vừa sượng sùng theo kiểu tự ngẫm nghĩ cái sự tréo ngoe từ trên trời rơi xuống, vừa canh cánh chẳng biết có uổng số tiền ba má cất công dành dụm để mình đi học ở trời Tây cho bằng bạn bằng bè. Khốn cùng làm sao, đứa con gái duy nhất ấy không học ngành gì có thể định đoán được chắc chắn đồng lương cho tương lai, lại theo đuổi tận tâm, tận lực, và tận hiến cái chuyên mục văn học so sánh rồi dịch thuật phù phiếm, nay lại chọn học ở cái bang người thuần Việt chắc chắn là không biết, mà người Mĩ đôi khi cũng phập phù làm ngơ. Nhìn lại nửa chặng đường đại học như một cột mốc không có gì lấy làm lớn lao và hứng khởi cho cả nhà, tôi vẫn thấy còn đó nhiệt thành và tự hào vì đã lựa chọn (chưa biết đúng hay sai) hạ cánh xuống thành phố Iowa - thành phố đầu tiên được UNESCO công nhận là “Thành phố văn chương” của nước Mĩ. Song tôi cũng không ngăn được bàng hoàng khi bước ra khỏi sân bay Cedar Rapids khoảng 12 giờ tối chỉ thấy bản thân đối mặt với một sự tuyệt vọng khôn cùng. Một đứa sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn tấp nập phù hoa, khi xưa còn được phong tặng cái mĩ danh Hòn ngọc Viễn Đông, sao lại đích thân gieo mình ở giữa bạt ngàn các hecta toàn ngô và ngô không thế này. (Năm 2016, lượng ngô sản xuất ở bang Iowa đi đầu cả nước Mĩ.)

Trước khi khăn gói sang thành phố văn chương đầu tiên của nước Mĩ, tôi cứ ngỡ Iowa chỉ là ảo tưởng của một cô gái đem lòng thương văn chương đến xót xa xương tuỷ. Nhưng thật sự, cho đến lúc mở những khung cửa sổ đầu tiên tại kí túc xá của trường Đại học Iowa, tôi mới biết đó là điều hiển nhiên nhất trần đời, hiển nhiên như cái cách Iowa tồn tại với danh nghĩa là cộng đồng đề cao các giá trị văn chương và nghệ thuật sáng tạo đầu tiên của Mĩ. Iowa là thành phố thứ 3 của thế giới, sau Edinburgh (Scotland) và Melbourne (Úc), và cũng là thành phố đầu tiên (tiếc thay không còn là duy nhất vì sau này có cả Seattle) của nước Mĩ được UNESCO công nhận “Thành phố văn chương”. Hiệu chuẩn của UNESCO để phong tặng cái danh chức “Thành phố văn chương” cũng là một nhánh của “Mạng lưới các thành phố nghệ thuật” trên toàn cầu, đều dựa trên những phương diện và tiêu chí cơ bản như: số lượng, chất lượng và sự đa dạng hệ thống xuất bản trong thành phố; trình độ giáo dục về văn chương trong và ngoài nước của các cơ sở học thuật; các tác phẩm về nghệ thuật liên quan đến văn chương đóng vai trò quan trọng trong sự cấu thành nên nhịp sống xã hội; thường xuyên tổ chức các sự kiện, họp mặt, trò chuyện về văn, thơ, nghệ thuật điện ảnh; số lượng và chất lượng nhà sách, nhà xuất bản, nhà hoạt động văn hoá văn nghệ trong thành phố; các hoạt động tham gia và đóng góp vào việc đa dạng hoá văn học dịch và văn học nước ngoài; đồng thời quảng bá và khuyến khích các loại hình văn chương cần thiết để nới rộng và thiết lập mạng lưới văn chương với các thành phố khác trên toàn cầu. Năm 2008, thành phố Iowa được xướng danh Thành phố văn chương của UNESCO, từ đó nghiễm nhiên giữ lấy vị trí thành phố văn chương đầu tiên của nước Mĩ.

Mặc dù đa số dân bản địa ở bang Iowa không hình dung cặn kẽ được bức tranh nghệ thuật văn chương mà Iowa phủ lên mình, hầu hết những người ở đây vẫn biết rằng Iowa Writers’ Workshop - chương trình thạc sĩ đào tạo chuyên ngành viết sáng tạo (creative writing) của Đại học Iowa - là một nam châm ma lực hấp dẫn đông đảo người viết và người văn trên toàn thế giới. Danh tiếng của cái tên “Iowa Writers’ Workshop” được in kính cẩn trên bộ hồ sơ trong cái nghề làm chữ của một học giả không chỉ nằm ở việc Dey House (nhà viết văn/ trụ sở chính của The Workshop) được ưu ái nằm ở phía đối diện với toà nhà hiệu trưởng của trường Đại học Iowa, không chỉ dựa trên cái tỉ lệ chọi khó nhằn 1:38, đến mức mà Inside Higher Ed giễu nhại đó là một “sự từ chối xa xỉ”. (Từ năm 2013-2017, The Workshop nhận được 5.061 bản thảo từ người viết văn trên toàn cầu và chỉ nhận 135 trong số đó, vị chi là 2.7% số người nộp đơn. Để dễ so sánh, Đại học Harvard bậc cử nhân năm 2018 xác lập số phần trăm đơn nhận là 4.9% trong tổng số đơn nộp, thấp kỉ lục trong lịch sử thành lập trường. Vậy The Workshop khó tính hơn gấp hai lần hội đồng tuyển sinh ở năm nhận thấp kỉ lục của Harvard.) Nói như Lan Samantha Chang, Chủ nhiệm của The Workshop, trong video tài liệu Iowa - City of Literature (2012) thì: “Những nhà văn giỏi nhất nước Mĩ, họ quy tụ về đây và họ lấy làm ngạc nhiên, vì họ biết rằng họ không phải là nhà văn duy nhất có kĩ năng viết đỉnh nhất. Người người nhà nhà từ khắp thế giới đến với The Workshop không phải là để nghe những lời đường mật rót vào tai, rằng tác phẩm của họ toàn bích ra sao hay suy tưởng ra sao, nhưng chính vì cái ý thức cầu tiến bộ, họ muốn nghe nhận xét, muốn nghe phê bình làm sao để phát triển cái bản thảo rời rạc của họ ngay lúc đó.”

Cũng chính vì vậy, cái hay của Iowa Writers’ Workshop là nằm trong hình thức đối thoại và trò chuyện về văn chương. Ở đây dấy lên những đả kích và bất đồng mà người ta thường chỉ trích trong việc đào tạo văn bằng, rằng viết lách là thứ cố hữu trường thiên của tự nhiên, hay hay dở là do người viết, không dạy được và không đào tạo được. (Và đôi khi nhắc đến vấn đề này, người ta lại dẫn trường hợp Trần Đăng Khoa rồi đưa ra những bình luận kiểu “tài năng thơ ca của đất nước đã thui chột sau khi bị gửi vào trường Viết văn Nguyễn Du”.) Cách thế của The Workshop nhấn mạnh vào việc sáng tạo văn chương như một hoạt động trải nghiệm và đối thoại tập thể. Loren Glass, Trưởng khoa Văn học Anh tại Đại học Iowa, chia sẻ về việc tại sao chuyên ngành viết sáng tạo lại nhấn mạnh về đào tạo viết lách như một dạng workshop, đối nghịch với tiêu chí kinh viện và hàn lâm của khoa Văn học Anh của trường lúc bấy giờ: “Cái danh từ workshop chính là biểu thị của một sự định hướng: The Workshop ra đời với ý nghĩa chỉ về cái cơ học của viết sáng tạo (craft), cái luận lí ở đây là nó được dùng để chứng minh cho những nhà điều hành giáo dục của Đại học Iowa lúc đó thấy được rằng chúng ta hoàn toàn có khả năng dạy viết lách.”

Để hiểu được tại sao Iowa Writers’ Workshop lại muốn tách mình ra khỏi khoa Văn học Anh để thành lập một đế chế riêng biệt, phải hiểu được những từ trường và sự chuyển mình khác nhau của giới học thuật văn nghệ lúc đó. Năm 1861, Cộng đồng văn chương Zetagathian (Zetagathian Literary Society) được thành lập với mục đích bàn tròn về nghệ thuật viết lách và chia sẻ các tác phẩm cho nhau. (Để dễ hình dung, cũng có thể so sánh như là một dạng “tân hình thức” của Tao đàn nhị thập bát tú của vua Lê Thánh Tông hay Hội Văn đàn của vua Tự Đức ngày xưa.) Các cộng đồng văn chương thời điểm đó không phải là một phát kiến quá xa lạ gì đối với những trường đại học thiên cổ được thành lập trước cả khi nước Mĩ gọi tên chính nó. Các trường đại học lâu đời, tiêu biểu như Harvard hay Yale ở bờ Đông của Hoa Kì, đã hiện thực hóa các mô hình đối thoại văn chương như thế từ rất lâu. Nhưng bù lại, Zetagathian được triển khai theo một hình thức rất khác, do bởi Đại học Iowa là trường học công lập đầu tiên chấp thuận nam nữ đồng giáo (coeducation), nghĩa là mục tiêu hàn lâm học thuật không còn là đặc quyền duy nhất của nam giới, vì thế các cộng đồng văn chương ở Iowa đã sớm nhận ra những minh triết trong chủ nghĩa quân bình (egalitarianism) mà hòa hợp cả hai giới trạng cho một mục đích cao cả hơn là học vấn. Từ Zetagathian, Iowa chứng kiến được những mạch máu ngầm của địa hạt văn chương sục sôi trên bầu trời Trung Tây Mĩ, rồi tiếp tục sản xuất những cộng đồng sáng tạo văn nghệ, như Tabard Club (1915) hay Athelney Poetry Club (1915), thậm chí là được khuyến khích bởi nhiều giảng viên và một vài trong số cộng đồng đó lúc bấy giờ còn có sự tham gia của nhiều giáo sư và học giả nổi tiếng được đào tạo từ những trường đại học danh hoa như Harvard, nhưng đa phần họ vẫn giữ khư khư cái bản ngã và chất văn chương của miền quê Trung Tây Hoa Kì, tiêu biểu là Edwin Piper, Clark Ansley, hay Benjamin Shambaugh và John T.Frederick. Từ đó, ý nghĩa về việc chia sẻ văn chương dưới loại hình câu lạc bộ hay workshop bắt đầu nhen nhóm và phát triển vĩ đại, nhờ công của những người khai khẩn các lí thuyết về tính chất khu vực (regionalism) của miền Trung Tây nước Mĩ, như Shambaugh và Frederick, những người mà theo như nhà sử học Mary Bennett miêu tả là “còn hứng thú với các mê lộ của những câu chuyện chưa kể, về sự giãi bày chân thật của bản ngã quê hương, và những điều bình thường họ có thể thấy”. Văn học địa phương (regionalist writing) ở Iowa mở ra một kỉ nguyên mới cho trung tâm văn nghệ (literary hub), rộng đường cho những tiến bộ không ngừng và dẫn đầu về ngành viết sáng tạo của nước Mĩ.

Năm 1922, Đại học Iowa trở thành đại học khai phóng đầu tiên công nhận các chuyên ngành về sáng tạo như âm nhạc (Music), mĩ thuật mô hình và tạo hình (Graphic and Plastic Arts), kịch nghệ (Dramatic Arts) và viết sáng tạo (Creative Writing) cho bậc cao học. Sức sống mãnh liệt và sức lan tỏa dữ dội của nghệ thuật sáng tạo từ đấy nở rộ ngát tươi như cổ thụ vĩ đại với những tầng lá xanh che rợp bầu trời, tỏa bóng mát cho những đại tự sự trong văn chương/ văn nghệ toàn cầu, tiêu biểu như kịch gia E.C Mabie, hay Tennessee Williams và cả “thơ gia” như Wallace Stegner hay Paul Engle.

Mặc dù các bậc cách về sáng tạo được nâng tầm hơn so với trước kia, Đại học Iowa vẫn cơ hồ giữ lấy một thế nhị nguyên cố hữu mà phần thắng thế thuộc về tầng lớp kinh viện thượng lưu của khoa Văn học Anh, nơi nghiên cứu văn chương theo thế phê bình học thuật hàn lâm thuần tuý. Frederick cũng vì muốn trân trọng nghệ thuật sáng tạo sao cho ngang bằng với giới kinh viện văn chương mà miệt mài viết tâm thư cho Hiệu trưởng trường về sự giữ gìn các giá trị sáng tạo trong tâm thức văn chương tập thể của vùng Trung Tây Mĩ. Ông cho rằng nếu cứ tiếp tục và chỉ tiếp tục cấp kinh phí, hay chú trọng quá chuyên sâu vào các nghiên cứu ngôn từ học (philological investigation) của khoa Văn học Anh thì những nỗ lực và nội lực sáng tạo của địa phương được thiết lập bởi những người điều hành như ông, hay Piper và Mott, cũng sẽ chỉ như một hạt bụi gieo mình vào đáy hư vô mà thôi. Cũng thật may, bài văn tán tụng công sức sáng tạo ấy được đông đảo quần chúng ngân dài như một nốt vĩ thanh, từ đó kết thúc quá trình chiếm hữu độc tôn của giới phê bình thượng lưu, để cho các nghệ thuật sáng tạo được tự do phát triển. Norman Foerster cũng gật đầu đồng tình với chia sẻ của Frederick, rằng phê bình học và viết sáng tạo nên có sự liên hợp nhất định và chúng ta cần uỷ thác một thứ “merit” học thuật công bằng cho những sản phẩm của văn nghệ và sáng tạo. Nghe đến đây, người làm nghệ thuật lại không khỏi nghĩ đến sự gặp gỡ văn hoá giữa Đông - Tây và sự giao thoa hình quan niệm kim - cổ. Ở phương Đông khi xưa, cái “nghề viết” thì được gọi là cái “nghiệp viết” còn văn sĩ là cái giống xướng ca vô loài, rằng Truyện Kiều là cái thứ phế phẩm hạng ba chỉ nên đọc trong lúc tếu đùa nhàn nhã, thì ở phương Tây cũng dấy lên mối quan hệ bất mãn giữa những sáng tạo gọi tên Bohemian vừa phóng túng mà lại vừa hạ giá (phải chi cũng có giá để mà hạ), vừa “ô uế” mà lại vừa “hư danh” (chữ dùng của Laureate Marvin Bell) khi nói về cách xã hội định đoạt giá trị của văn chương và viết lách ở Iowa. Văn chương không bao giờ là cái thứ làm tiền, hay làm ra tiền, mà kể cả như vậy lại bị xếp vào hàng cuối của bậc ô uế phế phẩm, thì chẳng phải con giun xéo lắm cũng quằn mà đành đặng than trời là bất công quá hay sao?

Chính vì sự thương thân trách phận và nỗi mặc cảm “đoạn bồng nhất phiến tây phong cấp” của giống loài thi sĩ trước tình thế như cây con bị bứng gốc trong luồng gió chỉ trích, mặc nhiên ở Iowa dấy lên một trận lôi đình, nhất quyết đòi hoàn nguyên vị trí xứng đáng của văn học (dù trước đây vị trí ấy chưa từng có). Các cộng đồng văn chương ở Iowa nháo nhào sôi nổi hòng mong muốn khẳng định vị thế của nghệ thuật sáng tạo trong môi trường kinh viện hàn lâm. Họ mời đủ năm lần bảy lượt những nhà sáng tạo nổi tiếng đến Iowa thỉnh giảng, từ những người tuyến đầu của làn sóng văn chương địa phương như Thomas Benton cho đến người tiên phong Phục hưng Harlem như Langston Hughes, tất cả chỉ để khẳng định thứ bậc đúng nghĩa và đúng chuẩn cho các hoạt động văn nghệ. Dưới sức ép của dư luận, Đại học Iowa buộc phải công nhận và chính thức hoá chương trình viết sáng tạo vào năm 1936. Nghiễm nhiên vào năm 1939, The Workshop có người chủ trì đầu tiên, Wilbur Schramm, sau này trao lại quyền điều hành cho Paul Engle - người chính thức đặt nền móng cho The Iowa Writers’ Workshop. Paul Engle, lại dĩ nhiên, là người đến từ Trung Tây Hoa Kì. Chính cái chất địa phương đó khiến ông giữ vững The Workshop như một nét tiêu biểu văn hoá cho tính “middleness” (chữ dùng của Loren Glass). Cũng như những đồng hương thời đó, ông tiếp thu văn hoá giáo dục của miền Đông nước Mĩ và quay về vùng Trung Tây để sử dụng vốn liếng học thuật đó cho văn chương quê nhà. Khi Engle bắt đầu chức trách chủ trì của mình ở The Workshop, ông đã tận lực cống hiến cho The Workshop dưới dạng một chương trình tự chủ tài chính với các nguồn vốn của doanh nghiệp địa phương. Phải kể đến tài ngoại giao văn hóa của Engle trong mạng lưới văn học của mình, khi ông thuyết phục thành công các tên tuổi ngút trời, những phù tiêu của văn chương đương đại Mĩ đến thỉnh giảng tại The Workshop. Từ đó dần xuất hiện những đại tự sự của văn chương Mĩ như Flannery O’Connor, Micheal Cunningham, rồi Robert Warren hay John Berryman, tất cả dường như đều là cựu sinh viên hoặc giảng viên của The Writers’ Workshop. Cứ dần dần như thế, The Workshop thu thập hầu như toàn bộ giải thưởng văn chương danh giá của nước Mĩ từ 17 giải Pulitzer cho đến hàng loạt các U.S. Poets Laureate, National Book Award, rồi cả MacArthur Fellowship.

Trong thời kì điều hành của Paul Engle, dù gây dựng được vầng hào quang danh giá cho The Workshop, nhưng những khó khăn cứ chất chồng như núi, tất cả đều xuất phát từ sự bị gièm pha của khoa Văn học Anh, nơi bộ máy quan liêu giáo điều và trịch thượng vẫn còn thịnh hành và hoàn toàn khỏa lấp chỗ chứa cho các năng lượng khởi sự những điều mới mẻ. Đỉnh điểm là vào năm 1965, Engle đứt ruột dứt khỏi đứa con đầu lòng mình vun đắp và nuôi dưỡng bấy lâu, trao quyền điều hành The Workshop lại cho khoa Văn học Anh của trường Đại học Iowa để tiếp tục viết những câu chuyện văn chương vượt ngoài hạn định và rào cản.

Theo Uyên Linh - VNQĐ

Tags: