Nên bắt đầu đọc sách của Italo Calvino từ đâu?
Nên bắt đầu đọc sách của Italo Calvino từ đâu?
“Tôi luôn cảm thấy cần phải viết xen kẽ nhiều thể loại hoàn toàn khác nhau để tôi có thể bắt đầu viết như thể chưa từng viết gì trước đó.” - Italo Calvino

Nhà văn Ý đa tài với phong cách sáng tạo này có nhiều tác phẩm ở nhiều thể loại, từ truyện ngắn, tiểu thuyết đến hồi ký và tiểu luận, từ truyện cổ tích đến truyện dân gian. Và mặc dù, như ông từng nói, ông không bao giờ lặp lại chính mình, nhưng có hai đặc điểm nổi bật trong tất cả tác phẩm của ông.

Thứ nhất, ông có khao khát tìm hiểu mọi thứ – từ khoa học, sách vở, động vật đến chiến tranh – và ông truyền tải niềm say mê này đến độc giả. Thứ hai, ông thích chơi đùa với cấu trúc truyện trong tác phẩm của mình: xây dựng những câu chuyện lồng ghép những câu chuyện, tạo ra một cuốn tiểu thuyết từ bộ bài Tarot.  

Với 24 tác phẩm của ông cho bạn lựa chọn, câu hỏi đặt ra là: nên bắt đầu từ đâu? Dưới đây là hướng dẫn để bạn có thể khám phá phần nào tài năng của Calvino, để hiểu vì sao Salman Rushdie từng nói: “Tôi không thể nghĩ ra một nhà văn nào tuyệt vời hơn để đồng hành cùng tôi khi nước Ý bùng nổ, nước Anh rực cháy, và thế giới đi đến hồi kết.”

 

1/ Nếu một đêm đông có người lữ khách (1979)

 

Cuốn tiểu thuyết năm 1979 của Calvino nổi tiếng với sự phức tạp đầy tinh tế: một câu chuyện được tạo nên từ những câu chuyện khác, xoay quanh chính trải nghiệm đọc cuốn sách này. Nó mở đầu bằng câu:

"Bạn sắp bắt đầu đọc tiểu thuyết mới của Italo Calvino, ‘Nếu một đêm đông có người lữ khách’. Hãy thư giãn. Tập trung. Gạt bỏ mọi suy nghĩ khác…"

Hình thức truyện lồng trong truyện này, cuối cùng dẫn đến một câu chuyện tình yêu đầy bất ngờ, đã truyền cảm hứng cho David Mitchell viết “Cloud Atlas” (Bản đồ mây).

 

2/ Last Comes the Raven (tạm dịch: Con quạ đến cuối cùng) (2021)

Tuyển tập mới này tập hợp các câu chuyện thời kỳ đầu của Calvino, bao gồm những truyện trong “Adam, One Afternoon” (tạm dịch: Adam, một buổi chiều) cùng một số tác phẩm chưa từng xuất bản tại Anh trước đây. Như The New York Times nhận xét, nó cho ta thấy “con người đằng sau nhà ảo thuật.”

Đây là những câu chuyện đầy hấp dẫn về cuộc sống nông thôn, nơi người lớn truyền đạt sự khôn ngoan cho những đứa trẻ không hề biết lắng nghe, những cậu thiếu niên chịu đau đớn vì kiến cắn chỉ để gây ấn tượng với các cô gái, và chiến tranh luôn lẩn khuất ngay phía chân trời. Câu chuyện tiêu đề, kể về một cậu bé thiện xạ đuổi theo một người lính, vừa căng thẳng vừa xúc động.

 

3/ Những thành phố vô hình (1972)

 

Đây có lẽ là cuốn sách mang đậm chất Calvino nhất trong tất cả các tác phẩm của ông. Nó bao gồm những mô tả ngắn về các thành phố tưởng tượng, được thuật lại bởi nhà thám hiểm Marco Polo.

Có Armilla, thành phố mà không ai chắc nó đang bị bỏ dở hay đã bị phá hủy một nửa. Có Sophronia, nơi một nửa thành phố được xếp lại và cất đi như một hội chợ di động. Hoặc có Leonia, nơi mỗi ngày vứt bỏ nhiều rác đến mức “một pháo đài từ những tàn dư không thể phá hủy bao quanh nó, thống trị nó từ mọi phía, như một dãy núi.”

Đây là một tác phẩm nguyên bản, giàu trí tưởng tượng, triết lý và đầy thú vị.

 

4/ Palomar (1983)

 

Cuốn tiểu thuyết cuối cùng mà Calvino xuất bản khi còn sống cho thấy ông ở đỉnh cao của sự sáng tạo. Tác phẩm mô tả 27 khoảnh khắc trong cuộc đời của ông Palomar, một người luôn suy nghĩ quá nhiều: ông ta đi qua một người phụ nữ đang tắm nắng nhiều lần đến mức cố tìm cách tốt nhất để tránh nhìn vào ngực cô ấy, khiến cô ấy phật ý và che lại.  

Đây là một cuốn sách về việc chú ý đến mọi thứ, nhưng chỉ nói những gì thực sự cần thiết. Ông Palomar, chán ghét việc con người liên tục bày tỏ ý kiến, quyết định chỉ lên tiếng khi chắc chắn về điều gì đó, và kết quả là “dành ra hàng tuần, hàng tháng trong im lặng.” Tất cả chúng ta đều có thể học hỏi từ ông ấy.

 

5/ Cosmicomics (tạm dịch: Vũ trụ kỳ thú) (1965)

 

Luôn hứng thú với khoa học, Calvino đã thử sức với khoa học viễn tưởng trong cuốn sách này. Được kể bởi một sinh vật có cái tên không thể phát âm là Qfwfq, những câu chuyện này tạo ra tiểu thuyết kỳ ảo dựa trên các lý thuyết khoa học. Trong một truyện, Mặt Trăng ban đầu gần Trái Đất đến mức bạn có thể chống một cái thang lên để trèo lên đó, nhưng sau đó những kẻ yêu nhau bị chia cách khi nó dần rời xa. Trong một truyện khác, diễn ra trước Vụ Nổ Lớn (Big Bang), mọi thứ đều tồn tại ở một điểm duy nhất, khiến điều kiện sống của Qfwfq và gia đình trở nên vô cùng chật chội. Đây là phong cách điển hình của Calvino, khiến bạn vừa bật cười vừa phải suy ngẫm.

 

6/ The Road to San Giovanni (tạm dịch: Đường tới San Giovanni) (1990)

 

Trong những bài tiểu luận mang tính cá nhân này, Calvino đào sâu vào ký ức và tuổi thơ của mình với sự ấm áp chân thành, thể hiện điều mà tiểu thuyết gia Clive Sinclair gọi là “độ chính xác khoa học trong trí tưởng tượng của ông và niềm vui trong sự mỉa mai và phi lý.” Ông viết về tình yêu thuở thiếu niên dành cho phim Hollywood, về việc đổ rác (tài năng nội trợ duy nhất của ông, theo như ông tự nhận), và về mối quan hệ với cha mình, người muốn ông tiếp quản vùng đất của gia đình. Chúng ta nên cảm thấy may mắn – với hàng chục cuốn sách xuất sắc đã ra đời - vì Calvino đã không nghe theo lời cha.

 

7/ The Castle of Crossed Destinies (tạm dịch: Thành phố của những định mệnh đan xen) (1969)

 

Để chứng minh rằng những câu chuyện có thể được tìm thấy ở bất cứ đâu, Calvino quyết tâm viết một cuốn sách dựa trên bộ bài Tarot, để diễn biến câu chuyện được quyết định bởi từng lá bài được lật lên. Bối cảnh là một lâu đài và một quán trọ, nơi những con người bị câm kể lại cuộc đời mình bằng cách xếp bài – câu chuyện về cô dâu bạc mệnh, hay nhà giả kim đã bán linh hồn mình – và cuốn sách cho thấy với mỗi sự việc, mỗi chúng ta lại có cách diễn giải khác nhau. “Tôi xuất bản cuốn sách này để giải thoát bản thân khỏi nó,” Calvino viết. “Nó đã ám ảnh tôi suốt nhiều năm trời.”

 

8/ Our Ancestors (tạm dịch: Tổ tiên) (1960)

 

Tuyển tập này gồm tiểu thuyết và hai truyện vừa trong tuyển tập này được viết sau khi Calvino từ bỏ việc cố gắng viết tiểu thuyết hiện thực, thay vào đó “tạo ra kiểu sách mà chính tôi cũng muốn đọc.” Thế là ta có Tử tước chẻ đôi, người bị một quả đại bác xẻ làm đôi, để rồi hai nửa cơ thể sống hai cuộc đời riêng biệt; hay Nam Tước Trên Cây, nơi một cậu bé bướng bỉnh 12 tuổi trèo lên cây và quyết định sống ở đó đến suốt đời. Những câu chuyện ngụ ngôn của Calvino, theo lời một nhà phê bình, “thử thách giới hạn của những điều không thể nghĩ đến.”

 

9/ Why Read the Classics? (tạm dịch: Tại sao nên đọc sách kinh điển?) (1991)

 

Số lượng tuyển tập tiểu luận của Calvino ngang với các tác phẩm hư cấu của ông, và đây là một điểm khởi đầu tuyệt vời. Calvino biết rất nhiều, nhưng ông thích đùa cợt hơn là khoe khoang: những tác phẩm kinh điển, theo ông, “là những cuốn sách mà người ta thường nói ‘Tôi đang đọc lại…’, chứ không phải ‘Tôi đang đọc…’” Cuốn sách này mang đến sự hướng dẫn của một bậc thầy, từ văn học Hy Lạp cổ đại đến Ernest Hemingway, chứng minh rằng “một tác phẩm kinh điển là một cuốn sách chưa bao giờ nói hết những điều nó cần nói.” Và mô tả này cũng hoàn toàn đúng với chính các tác phẩm của Calvino.

- Trạm Đọc

- Theo Penguin


>> Đọc thêm: 

- 6 tác phẩm độc đáo của Italo Calvino dành cho những ai yêu thích chất Ý

- Tác phẩm kinh điển là gì? 14 định nghĩa về ‘kinh điển’ của Italo Calvino

Tags: