Những BÌA SÁCH có CHẤT LIỆU ĐỘC, LẠ
Những BÌA SÁCH có CHẤT LIỆU ĐỘC, LẠ
Vải, da, lụa, trúc chỉ… là những chất liệu được sử dụng làm bìa sách, tạo sự độc đáo cho ấn phẩm.
Mới đây, bản đặc biệt sách Những người phụ nữ bé nhỏ ra mắt với bìa lụa thủy ấn. 100 ấn bản đã nhanh chóng được người yêu sách sưu tầm. Lụa thủy ấn là một trong những chất liệu độc đáo được sử dụng làm bìa sách trong vài năm gần đây.
Ảnh: Sách Kim Vân Kiều giấy dó, hộp tranh sơn mài. Ảnh: Mai Hà Books.

Bìa da, bìa vải được sử dụng phổ biến

Ba năm trở lại đây, phong trào chơi sách đặc biệt trở nên sôi nổi. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, người làm sách đã thực hiện nhiều ấn bản đặc biệt, mỗi nhà “tung” ra những nét độc đáo riêng cho ấn phẩm của mình. Trong đó, điểm độc đáo thường được chăm chút nhất chính là bìa sách.

Chất liệu thường được sử dụng làm bìa sách đặc biệt là da. Công ty sách Nhã Nam dùng da PU, da thật cho các phiên bản sách đặc biệt của mình.

Ấn bản cao cấp cuốn Cây cam ngọt của tôi (làm 555 bản) được làm bằng da PU màu lục sẫm. Bìa trước gồm minh họa cây cam ở chính giữa và minh họa mặt trời ở bốn cạnh, bìa sau có hình minh họa nhân vật chính, do họa sĩ thiết kế. Tên sách, tên tác giả, cùng minh họa chính, các họa tiết phụ ở bìa trước và bìa sau được ép nhũ màu cam ánh đồng.

Trong khi đó, cuốn Việt Nam phong tục (làm 111 bản) được Nhã Nam làm bìa bằng da bò Vachetta nhập khẩu châu Âu, màu nâu đất. Bìa được thuộc thủ công bằng thảo mộc và nhuộm xuyên tâm, bồi trên carton. Trên bìa, tên sách, tên tác giả, cùng minh họa quả cau, lá trầu được ép nhũ màu vàng tây sắc nét.

Công ty sách Đông A có tiếng tinh xảo trong giới làm sách đặc biệt cũng thường sử dụng da thật, da nhân tạo làm bìa. Ví dụ, ấn bản S500 (làm 500 bản) Napoléon Bonaparte của Đông A có bìa sách được bọc bằng da PU. Bìa sách có hoa văn dập chìm; tên sách và một số họa tiết ép nhũ. Sách có 3 màu xám, xanh, đỏ.

Bản đặc biệt Cuốn theo chiều gió bìa màu nâu của Đông A được bọc bằng da bò màu nâu Argil nhập khẩu từ thành phố Vicenza, Italy. Lõi của bìa sách này có kết cấu ba lớp gồm MDF và carton chống cong vênh. Các cạnh bìa đều được mài tay vát cạnh để tạo sự mềm mại, thanh thoát. Trên bìa, có hoa văn dập chìm; tên sách, tên tác giả và họa tiết làn gió mạ nhũ vàng, nhũ nâu.

Vải cũng là chất liệu được nhiều đơn vị sử dụng làm bìa sách đặc biệt. Công ty Đông A dùng vải cho ấn bản S500 Bố già. Sách Một chiến dịch ở Bắc Kỳ phiên bản LUX 1.0 của Omega Plus có bìa bọc vải thô bố cao cấp, không sờn, ép nhiệt cao tần tên sách và các hình minh họa.

Ảnh: Sách Những người phụ nữ bé nhỏ bìa lụa thủy ấn. Ảnh: Hạnh Nguyễn.

Tìm về chất liệu truyền thống

Trong quá trình làm sách đặc biệt, nhiều đơn vị đã tìm tòi, áp dụng các chất liệu thủ công truyền thống của dân tộc. Một số đơn vị dùng hộp sơn mài để đựng sách đặc biệt của mình như: Kim Vân Kiều (của Mai Hà Books), Sách Tết (của Đông A), Phong vị xuân xưa (Tri Thức Trẻ Books)...

Thái Hà Books sử dụng trúc chỉ trên bìa một số ấn bản đặc biệt. Trúc chỉ là từ để định danh một loại hình giấy - nghệ thuật mới của Việt Nam. Trúc chỉ được nhà văn, dịch giả Bửu Ý định danh vào tháng 4/2012, được họa sĩ Phan Hải Bằng, giảng viên Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế, cùng các cộng sự nghiên cứu và sáng tạo nên. Đây là loại giấy được khai sinh từ văn hóa Huế.

Năm 2019, Thái Hà Books đã phối hợp Vườn trúc chỉ của họa sĩ Phan Hải Bằng đem nghệ thuật trúc chỉ vào 6 bìa sách Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế. Sáu ấn bản trúc chỉ này, mỗi bìa có một hoa văn, ý nghĩa khác nhau, đều được đấu giá để ủng hộ cho Quỹ Văn hóa Huế.

Năm 2020, Thái Hà Books tiếp tục kết hợp với họa sĩ Phan Hải Bằng thực hiện ba bìa sách trúc chỉ cuốn Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX.

Mới đây, chất liệu lụa tơ tằm Bảo Lộc (Lâm Đồng) được Phúc Minh Books sử dụng làm bìa bản đặc biệt Những người phụ nữ bé nhỏ. Nghệ nhân Đồng Phước Quang sử dụng phương pháp thủy ấn họa trên lụa bằng màu hoàn toàn tự nhiên được nghiên cứu pha chế từ hạt cà phê.

Bà Nguyễn Thị Thùy Dương - Giám đốc Công ty Phúc Minh Books - cho biết đơn vị bà chọn lụa thủy ấn vì muốn sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường.

“Chất liệu này đảm bảo hai yếu tố: Độc đáo và có độ bền cao. Lụa cũng rất phù hợp với chủ đề sách viết về những người phụ nữ”, bà Dương nói.

Giám đốc công ty Phúc Minh nói trước khi làm sách bản đặc biệt, đơn vị bà phải tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của độc giả: “Người sưu tầm đòi hỏi rất cao, đó là áp lực cũng là động lực của chúng tôi khi làm sách đặc biệt. Nhu cầu, đòi hỏi của người sưu tầm cũng vô vàn nhưng tiêu chí đầu tiên là phải độc đáo”.

Bà Dương cho biết chi phí làm bìa sách đặc biệt thường cao, do giá chất liệu cao, kỹ thuật làm bìa tỉ mỉ. Điều đó khiến giá của sách đặc biệt thường ở mức cao. Một bộ Những người phụ nữ bé nhỏ có giá 2.850.000 đồng, theo bà Dương là giá của chi phí vật liệu, công làm cùng 20% chiết khấu cho đại lý phân phối sách.

Theo giám đốc Phúc Minh Books, cái "lãi" lớn nhất của đơn vị làm bìa sách độc, lạ chính là được giới sưu tầm - những người am hiểu sách - đánh giá cao.

Theo Zing News

Tags: