Bản chất của tiếng nói xuất hiện trong đầu bạn – tiếng nói nội tâm
Trong tâm trí mỗi người luôn có một quan tòa ngự trị. Người này theo dõi những gì ta làm, xem xét những biểu hiện, đánh giá ảnh hưởng của ta với người khác, soi mói thành công và thất bại của ta và cuối cùng, đưa ra một phán xét. Thế nên, lời phán này mang bản sắc con người chúng ta. Nó quyết định mức độ tự tin và trắc ẩn, cho ta cảm thức về việc mình có xứng đáng được sống hay không. Chính vị quan tòa này tạo ra lòng tự trọng của ta.
Phán xét của quan tòa có thể ít nhiều dễ chịu, tích cực hoặc không, nhưng không tuân theo bất cứ sách luật và quy chế khách quan nào. Hai cá nhân có thể có tự trọng cao thấp hoàn toàn khác nhau dù họ có thể trải qua những điều giống nhau. Một vài phán xét dường như dễ dàng mang lại cho ta cảm giác vui vẻ, ấm áp, được trân trọng hay độ lượng với bản thân. Những điều còn lại thúc đẩy cái nhìn phê phán bản thân trong ta nhiều hơn, thậm chí tạo ra việc thất vọng hay phẫn nộ với chính mình.
Rất dễ tìm ra nguồn gốc của tiếng nói nội tâm: nó là sự chủ quan hóa tiếng nói của những người xung quanh ta. Chúng ta tiếp thu thái độ khinh bỉ, thờ ơ hay nhân hậu, ấm áp qua những gì được nghe từ những năm tháng định hình tính cách. Cái đầu của ta là những ngăn rỗng, và hầu như tất cả đều chứa những tiếng nói vang vọng bên trong. Thỉnh thoảng có một tiếng nói tích cực và nhẹ nhàng cổ vũ ta chạy nốt vài mét cuối cùng trước vạch đích:“ Gần tới rồi, cố lên, cố lên”.
Nhưng tiếng lòng lại ít khi tử tế như vậy. Nó lại thường hung dữ, hà khắc, khiến ta hoảng sợ và hổ thẹn. Nó không hề tượng trưng cho bất cứ điều gì tốt đẹp trong tâm hồn hay tính cách trưởng thành của ta. Nó khiến ta tự nhủ với bản thân: “Tao ghê tởm mày, mọi thứ thật thảm hại giống hệt mày.”
Tiếng lòng luôn là tiếng nói từ bên ngoài mà ta cứ lầm tưởng là của chính mình. Ta hấp thụ giọng nói của người từng chăm sóc ta thật dịu dàng và tốt bụng - những người cười xòa với sự ngốc ngếch của ta và gọi ta bằng tên “cúng cơm”. Cũng có thể là giọng nói công kích của bố mẹ khi đang giận dữ, hay giọng đe dọa của anh chị thích bắt nạt chúng ta; của kẻ bắt nạt ở sân trường, hay của thầy cô trù ghét ta.
Chúng ta ghi nhớ những giọng điệu đó vì ở những thời điểm then chốt trong quá khứ chúng thật hấp dẫn và cứ thế ngấm vào đầu ta. Tương tự, những nhà cầm quyền thường lặp đi lặp lại thông điệp của mình cho đến khi chúng ăn sâu vào tâm trí chúng ta, bất kể thông điệp đó đó tốt hay xấu.
Bài tập: Kiểm chứng tiếng nói nội tâm
Chúng ta có thể nghe được những âm thanh từ nội tâm khi nhắc nhở bản thân hoàn thành những câu sau:
Khi tôi làm điều gì đó ngu ngốc, tôi thường nói với bản thân mình rằng…
Khi tôi thành công, tôi luôn luôn tự nhủvới mình rằng…
Khi tôi lười biếng, trái tim tôi nói rằng…
Khi tôi nghĩ về tình dục, tôi tự nói với mình rằng…
Khi tôi tức giận với ai đó, tôi tự dặn mình rằng…
Liệu tiếng nói nội tâm đang tử tế hay trừng phạt bạn?
Có giọng nói nào của người ngoài đã trở thành tiếng nói nội tâm của bạn trong mỗi câu hỏi? (viết tên họ ra)
Tại sao tiếng nói nội tâm lại quan trọng
Việc yêu bản thân nhiều hay ít ảnh hưởng rõ ràng tới cuộc sống của chúng ta. Ta cứ cho rằng việc hà khắc với bản thân dù có thể khổ sở nhưng cuối cùng sẽ có ích. Nhưng có những nguy cơ lớn bằng, thậm chí còn hơn trong việc liên tục thiếu thông cảm với hoàn cảnh của chính mình: thất vọng, trầm cảm và tự . Đây là những mối nguy không hề nhỏ.
Nếu yêu bản thân không đủ, việc hẹn hò sẽ trở nên bất khả thi, vì hóa ra một trong những điều kiện quan trọng để có khả năng chấp nhận tình yêu từ người khác lại là mức độ tình yêu ta dành cho chính mình được hình thành qua thời gian, hầu hết từ thời thơ ấu. Chúng ta cần cảm giác mình xứng đáng được yêu để không hành xử ngốc nghếch với tình cảm đến từ người bạn đời tương lai.
Nếu ta không yêu bản thân mình đủ nhiều, ta sẽ hiểu nhầm tình cảm của người khác, coi lòng tốt là sự giả tạo, thậm chí là sự xúc phạm vì ta nghĩ rằng họ thậm chí chẳng hiểu gì về mình, rằng thật ra mình không hề xứng đáng với tình cảm của họ. Cuối cùng ta sẽ tự hủy hoại bản thân, dù chỉ trong vô thức, khiến cho người lạ đã dành tình yêu cho ta khi chưa hiểu rõ về ta thất vọng.
Chúng ta rất cảnh giác với những người quá đề cao bản thân vì việc đó rõ ràng ám chỉ rằng họ “tự yêu mình”. Yêu bản thân dường như liên quan tới vị kỷ, ham hư danh, ích kỷ và không quan tâm đến nhu cầu của những người xung quanh.
Nhưng sâu xa hơn, vấn đề thực sự của chúng ta nằm ở chiều hướng khác: xu hướng thù địch bản thân sâu sắc và vô lý, thói quen không ngừng kiểm điểm thất bại, hay từ chối tha thứ cho sự ngốc nghếch của bản thân và nghi ngờ tất cả những người lạ có thiện cảm với ta. Nếu có người đối xử với ta theo cách đa số chúng ta đang đối đãi với chính mình, ta có thể sẽ ghê tởm sự độc ác ấy.
Nói chung, ta thường quen với việc bị ghét và bị ngó lơ, thế nên chẳng kì lạ khi ta cảm thấy thoải mái với chuyện đó. Ta tìm kiếm những người bạn không đề cao ta hơn là ta nghĩ về mình. Có thể ta sẽ không vui khi bị khinh bỉ, nhưng ít ra chuyện đó cho cảm giác quen thuộc. Nếu ta không khiêm nhường và chân thành tin rằng mình đáng được yêu, việc đón nhận tình cảm từ người khác có cảm giác giống như được trao thưởng vì một việc ta chẳng hề làm.
Những người không may đã lỡ ghét bản thân sẽ “kháng” lại những lời khen. Họ nghĩ rằng chắc hẳn có gì đó sai sai với những người hứng thú với loại người như họ.
Nếu không yêu bản thân đủ nhiều, ta sẽ lại từ chối sự tử tế trong nhiều lĩnh vực, như lời mời kết bạn, cơ hội thăng tiến hay lời khen ngợi. Rồi ta sẽ từ chối đi phỏng vấn, phá hoạt sự nghiệp và tự dưỡng thái độ kì lạ và thô lỗ với người bạn mới quen, với nỗ lực kéo hiện thực trở nên giống với những gì ta nhận định.
Thay đổi tiếng nói nội tâm
Có thể hiện tại, chúng ta dễ dàng nói suông: không nên phán xét bản thân mình. Hãy chỉ đơn giản chấp nhận và yêu thương. Nhưng ta cần biết tiếng lòng tử tế sẽ khá giống với một ngài phán quan đích thực: biết phải trái đúng sai nhưng cũng có khả năng bao dung, công bằng, hiểu đúng về chuyện đang diễn ra, và hào hứng giúp ta giải quyết khó khăn. Vấn đề ở đây không phải ta nên ngừng đánh giá bản thân, mà nên thay vào đó học cách đánh giá mình tốt hơn.
Để tiến bộ trong việc tự đánh giá mình, ta cần khéo léo và tỉnh táo học cách thể hiện bản thân theo cách mới như sau: tiếp xúc với tiếng nói tử tế hơn. Ta cần tiếng nói có ích, dịu dàng và đủ thường xuyên khi gặp vấn đề đủ phức tạp để tiếng nói tạo ra cảm giác tự nhiên, để cuối cùng nó sẽ trở thành suy nghĩ của chính ta.
Bạn có thể nhớ lại một tiếng nói tích cực mình từng nghe, và tập trung chú ý vào nó. Có thể đó là tiếng của bà, mẹ hoặc dì – những người gần gũi và sẵn sàng khích lệ ta. Khi ta lỡ làm đổ cốc nước cam ra thảm, họ sẽ nói rằng ai mà chẳng từng gặp tai nạn như vậy, tuần trước mẹ cũng làm dây trà ra đệm ghế đây này. Họ không mắng mỏ ta mà lại giải thích tai nạn bằng giọng nói bình thản và thấu hiểu.
Ta có thể cố gắng tập trung vào cách làm này và lặp lại thường xuyên; hãy chủ động nuôi dưỡng và huấn luận cái đầu, chứ không nên đợi nghe những câu nói tử tế (vì những lời này thật hiếm thấy). Khi mọi việc không diễn ra như mong đợi, ta có thể tự hỏi bản thân: bà và mẹ sẽ nói gì với mình nếu họ ở đây, và sau đó nhắc lại với chính mình những lời an ủi mà chắc chắn bà và mẹ sẽ dành cho ta.
Theo truyền thống, tôn giáo giúp ta nghe thấy tiếng nói nhân hậu. Ta được nghe giọng nói giúp an lòng, thường gợi nhớ về tình mẫu tử, vì theo tôn giáo thì ta đã thấm nhuần giọng mẹ. Ví như Đức Phật được gặp Quan Âm, một vị thần hộ mệnh gần giống Đức Mẹ Mary – người có thể nghe thấy khó khăn của ta, đối xử dịu dàng với ta và khiến ta mạnh mẽ đối mặt với thử thách trong đời.
Quan điểm được ám chỉ trong hình ảnh Quan Âm là được yêu và thành công là hai chuyện không hề liên quan:
Bạn xứng đáng được yêu không phải vì bạn vĩ đại, mà là vì bạn tồn tại. Thành tựu không nên trở thành thước đo của lòng tử tế. Gốc rễ của căng thẳng cực độ thường không phải nỗi sợ thất bại mà là suy nghĩ sai lệch về hậu quả của thất bại: bị bỏ rơi và chế nhạo. Khi những cảm xúc kinh hoàng đó không còn đe dọa ta, ta có thể mạnh mẽ đứng dậy đối mặt với thử thách trước mắt.
Một cách khác giúp ta điều khiển tiếng nói nội tâm là cố gắng làm một người bạn tưởng tượng với chính mình. Việc này thoạt nghe có vẻ điên, vì ta thường nghĩ bạn bè là một người độc lập chứ không phải một phần trong tâm trí. Nhưng ý tưởng này có giá trị vì ta luôn đối xử với bạn tử tế và cảm thông hơn là với chính mình. Nếu một người bạn đang gặp khó khăn, chẳng bao giờ bản năng của ta nói rằng họ là đồ thất bại ngu ngốc. Nếu một người bạn than phiền về người bạn đời đang lạnh lùng với họ, ta không nói: “mày đáng bị thế.” Ta sẽ khẳng định rằng họ vẫn luôn đáng mến biết bao. Trong tình bạn, từ trong bản năng ta đã biết cách an ủi rất khéo léo, nhưng ta lại từ chối làm vậy với bản thân.
Để tập yêu thương chính mình, ta nên đối xử với bản thân giống cách một người bạn tốt sẽ đối đãi ta. Thứ nhất, bạn tốt thích ta khi ta là chính mình. Những góp ý của họ dành cho ta đều dựa trên nền tảng chấp nhận con người thật của bạn. Khi họ gợi ý ta nên thử một việc khác lạ, họ không hề có ý đe dọa. Họ không hề nhấn mạnh rằng: mày phải thay đổi đi, không thì tao sẽ bỏ rơi mày. Người bạn tốt sẽ luôn khẳng định bản thân ta đã đủ tốt rồi. Họ chỉ muốn giúp ta giải quyết vấn đề, đưa ra gợi ý mà họ nghĩ sẽ có lợi cho chúng ta.
Bạn tốt sẽ chẳng tâng bốc ta, nhưng họ luôn ghi nhớ thành công của ta. Họ không ngại khen ngợi và nói về thế mạnh của ta. Một vấn đề cực khó chịu mà ta hay mắc phải đó là dễ dàng quên hết thế mạnh của mình khi gặp khó khăn. Khi đó ta cần ở bên một người bạn tốt, họ giúp ta nhận thức về những khó khăn mà không quên mất nhiều đức tính tốt trong ta.
Một người bạn tốt sẽ biết thông cảm. Khi ta tất bại, mà có ai chưa từng thất bại cơ chứ, họ hiểu và rộng lượng với sai lầm của ta. Những ngốc nghếch không phải lý do họ ngừng yêu mến ta. Người bạn sẽ khéo léo nói rằng, thất bại thì mới là con người chứ.
Tất cả chúng ta đều lớn lên xung quanh hàng tá định kiến trong tính cách, những điều được tạo ra đề giúp ta đối phó với sự không hoàn hảo của cha mẹ. Những thói quen này chắc chắn sẽ khiến ta thất vọng khi trường thành. Nhưng ta không có lỗi, vì ta không cố tình lớn lên như vậy. Ta không có nhiều lựa chọn tốt hơn. Ta bị buộc phải đưa ra những quyết định lớn trước khi nhận thức đầy đủ hậu quả của sự lựa chọn ấy. Ta như một gã lái xe mù đi trên những khúc quanh trong tình yêu và sự nghiệp. Ta chọn chuyển đến thành phố xa lạ, nhưng ta không thể biết liệu mình có sống tốt ở đó hay không. Ta phải chọn nghề nghiệp khi vẫn còn quá trẻ và không biết liệu sau này nhu cầu của mình có thay đổi. Trong những mối quan hệ nghiêm túc, ta phải cam kết ở bên một người trước khi ta thật sự hiểu thế nào là gắn kết sâu sắc với cuộc sống của một người lạ.
Người bạn tốt biết hết những điều này, họ hiểu rằng thất bại thật ra không hề hiếm gặp. Họ sẽ chia sẻ kinh nghiệm thất bại của chính mình cho ta tham khảo. Họ liên tục bảo ta rằng có thể vấn đề này mình ta gặp phải, nhưng mọi người ai cũng có những vấn đề tương tự. Mọi người khác không chỉ thỉnh thoảng thất bại, họ thất bại hằng ngày, chỉ là ta không biết đến điều đó thôi.
Việc ta có thể làm một người bạn tốt của một người lạ, mà không thể đối xử tử tế với chính mình thật nực cười, nhưng cũng là một hy vọng. Bởi thật ra ta đều biết cách làm một người bạn tốt, chỉ là ta không biết rằng chính bản thân mình mới là người cần sự tử tế ấy nhất.
Một chiến lược khác giúp bạn yêu bản thân hơn là hãy thay đổi thái độ về việc tự thương mình. Ta đã học về tự thương thân từ khi còn bé. Chiều Chủ Nhật, khi ta chín tuổi. Bố mẹ không cho ta ăn kem nếu ta không làm xong bài tập về nhà. Việc này thật bất công quá đi. Bọn trẻ con hàng xóm thì được đi đá bóng hay xem ti vi từ lâu rồi. Mẹ thật là quá đáng, mọi thứ thật quá tồi tệ. Thương thay thân ta.
Về lý thuyết, tất cả chúng ta đều lờ đi việc tự thương cảm. Bởi vì nó có vẻ chẳng hề tốt đẹp gì, nó là hình thức biểu hiện cái tôi cơ bản: không biết cách đặt nỗi đau của bản thân vào nỗi niềm chung của nhân loại. Ta than thở về vấn để nhỏ mọn của mình trong khi vô cảm với những thảm họa trên thế giới. Miếng thịt bị cháy trong bát cơm còn làm ta thấy buồn hơn tình trạng khổ cực của người lao động tại Trung Quốc.
Chẳng ai thích tự nhận việc thương bản thân. Nhưng mà đó lại là điều ta thường cảm thấy. Và thật ra đó là cảm xúc thật ngọt ngào.
Suy nghĩ ta xứng đáng được thương yêu nhiều hơn thường xuyên xảy ra trong đầu ta. Cuộc sống nhiều khi thật khủng khiếp, thậm chí khi bạn gắp được một miếng thịt ngon lành. Những tài năng bị phớ lờ, những năm tháng tươi đẹp sẽ trôi đi, tình yêu không thể tìm thấy,… ta xứng đáng được thương cảm và chẳng có ai xung quanh đủ hiểu để thương ta, nên ta cần tự thương mình một chút. Lý do để ta thương thân có thể đến từ một viễn cảnh có vẻ lố bịch: khổ quá, tôi chưa bao giờ được lái Ferrari, hay buồn ơi là sầu, tôi tưởng tối nay được ăn món Nhật mà họ lại đặt bàn ở pub. Nhưng những tình huống này chỉ là cơ hội thuận tiện để ta chuẩn bị đối mặt với vấn đề lớn hơn: đời về cơ bản là buồn, vì thế ta xứng dáng được thông cảm thật dịu dàng.
Hãy tưởng tượng cuộc sống sẽ ra sao nếu ta không biết thương thân. Ta sẽ rơi vào trạng thái tâm thần tồi tệ nhất: trầm cảm. Một người trầm cảm là người không còn khả năng tự thương thân, một người trở nên quá khắc nghiệt với bản thân. Bạn có thể liên tưởng đến viêc cha mẹ chăm sóc con cái: họ có thể dành hàng giờ đồng hồ làm mấy thứ nhỏ nhặt như tìm đồ chơi bị mất, sửa lại một con búp bê hay chuẩn bị một bữa tiệc sinh nhật mà chính họ còn không được mời. Họ không hề lố bịch, mà thật ra đang dạy đứa trẻ cách tự chăm sóc bản thân, và đưa ra một thông điệp quan trọng: nhiều bất mãn nhỏ có thể để lại hậu quả lớn trong tâm trí.
Dần dần, ta học cách bắt chước thái độ của cha mẹ với ta và biết cách thông cảm với chính mình khi không có ai thương ta. Đây không hoàn toàn là một hành động lý trí, mà là hành vi bắt chước máy móc. Ta tạo ra lớp vỏ đầu tiên để kiểm soát nỗi thất vọng và bực tức không ngừng gia tăng mà cuộc đời tạo ra. Những hành vi tự vệ đến từ thương thân không hề đáng khinh, mà thật cảm động và quan trọng.
Nhiều tôn giáo đồng thuận với thái độ này bằng cách sáng tạo ra những vị thánh có lòng thương vô bờ với nhân loại. Như trong Thiên Chúa giáo, Đức Mẹ Mary thường được mô tả là người dịu dàng khóc vì khổ đau của loài người. Những hình tượng nhân hậu này thật ra được phản chiếu từ chính nhu cầu cần được yêu của mỗi người chúng ta.
Tự thương cảm là tình cảm ta dành cho chính mình. Đây là mặt trưởng thành của bản thân, dành cho những lúc yếu đuối và lạc lối, an ủi tâm hồn, vuốt ve tâm hồn, tự nhủ rằng mình thật sự đáng mến mà chỉ đang lạc đường. Tự thương cảm cho phép ta được trở nên trẻ con một chút, vì đó là bản chất của ta. Nó đem lại thứ tình cảm vô điều kiện và đảm bảo mà mọi đứa trẻ, quan trọng hơn là mọi người lớn đều cần để vượt qua những khổ đau trong đời.
Chúng ta có thể thường xuyên kết nối bản thân với tiếng nói nội tâm tử tế, khôn ngoan, có ích và sống động hơn những gì ta vẫn tự nói với lòng mình. Nếu tiếng nói nội tâm đang là kiểu thô bạo, ta có thể tập biến nó trở nên tử tế và dịu dàng hơn. Có thể giọng nói khắc kỷ cho rằng chính nó mới khiến bạn trở thành người tốt hơn, nhưng mà thật ra, gánh nặng từ việc liên tục tự chỉ trích có ảnh hưởng tiêu cực.
Trạm Đọc (Read Station)
Theo The book of life