10 trường phái triết học và lý do bạn nên biết về chúng
10 trường phái triết học và lý do bạn nên biết về chúng
Để có niềm vui đọc sách, đây là mười trường phái triết học bạn nên biết. Một số trong số chúng thường bị hiểu nhầm và bài viết này sẽ giúp bạn tháo gỡ hiểu nhầm đó.

 

1/ Chủ nghĩa Hư vô

 

Đây là triết lý hàng đầu của những thanh thiếu niên bốc đồng hiểu lầm Nietzsche. 

“Chủ nghĩa Hư vô” (nihilism) có nguồn gốc từ tiếng Latin (nihil), có nghĩa là “không có gì”, và nó là một chuỗi các quan điểm và vấn đề liên quan hơn là một trường phái tư tưởng duy nhất. 

Cốt lõi của chủ nghĩa Hư vô chính là sự thiếu niềm tin vào ý nghĩa hoặc bản chất trong một lĩnh vực triết học.

Ví dụ, chủ nghĩa Hư vô đạo đức cho rằng các sự kiện đạo đức không thể tồn tại; chủ nghĩa Hư vô siêu hình cho rằng chúng ta không thể có những sự kiện siêu hình; Chủ nghĩa Hư vô hiện sinh cho rằng cuộc sống không thể có ý nghĩa và không có gì có giá trị - đây là kiểu mà hầu hết mọi người nghĩ đến khi nghe từ này.

Ngược lại với hiểu biết phổ biến, Nietzsche không phải là người theo chủ nghĩa Hư vô. Đúng hơn, ông viết về những nguy hiểm do chủ nghĩa hư vô gây ra và đưa ra giải pháp cho chúng. Những người theo chủ nghĩa Hư vô thực sự bao gồm phong trào hư vô của Nga.

 

 

2/ Chủ nghĩa Hiện sinh

 

Triết lý hàng đầu của sinh viên đại học đầy lo lắng và hiểu rõ Nietzsche.

Chủ nghĩa Hiện sinh là một trường phái tư tưởng bắt nguồn từ tác phẩm của Soren Kierkegaard và Nietzsche.  Chủ nghĩa hiện sinh tập trung vào các vấn đề do chủ nghĩa hư vô hiện sinh đặt ra. 

Sống để làm gì nếu cuộc sống không có mục đích cố hữu, chúng ta có thể tìm thấy giá trị ở đâu sau cái chết của Chúa và làm thế nào chúng ta đối mặt với nhận thức về cái chết không thể tránh khỏi của mình?

Những người theo chủ nghĩa Hiện sinh cũng đặt câu hỏi về ý chí tự do, sự lựa chọn và những khó khăn khi trở thành một cá nhân. 

Các nhà Hiện sinh còn có Jean-Paul Sartre, Simone de Beauvoir và Martin Heidegger. Albert Camus có liên quan đến phong trào nhưng tự coi mình là người độc lập với phong trào đó. 

 

 

3/ Chủ nghĩa Khắc kỷ

 

Một triết lý phổ biến ở Hy Lạp và La Mã cổ đại, và ngày nay được nhiều người áp dụng trong môi trường căng thẳng cao độ.

Chủ nghĩa Khắc kỷ tập trung vào cách sống trong một thế giới mà mọi thứ không diễn ra theo ý muốn của bạn. Trời mưa khi bạn vừa mới rửa xe? Hãy chấp nhận nó. Cô bạn bên cạnh lúc nào cũng nói chuyện với chất giọng thều thào như một con mèo sắp chết? Hãy chấp nhận nó. 

Ý tưởng cốt lõi của chủ nghĩa Khắc kỷ là chấp nhận tất cả những điều nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Nỗi đau sẽ qua đi, bạn là người ở lại, vì vậy điều tốt nhất nên làm là tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát. 

Những triết gia theo chủ nghĩa Khắc kỷ nổi tiếng gồm Zeno xứ Citium, Seneca và Marcus Aurelius. Ngày nay, nhiều vận động viên đã ứng dụng chủ nghĩa Khắc kỷ để tập trung vào thành tích của mình trong các trận đấu, hơn là thành tích của đội khác. 

 

 

4/ Chủ nghĩa Khoái lạc

 

Chủ nghĩa Khoái lạc cho rằng niềm vui hay hạnh phúc là thứ có giá trị nội tại. Ý tưởng này đã được nhiều trường phái khác ủng hộ trong lịch sử, nổi tiếng nhất là trường phái vị lợi.

Chủ nghĩa Khoái lạc xem hạnh phúc là niềm vui, thường “bật đèn xanh” cho sự đồi trụy, và nhà tư tưởng Hy Lạp Epicurus cũng là một người theo chủ nghĩa Khoái lạc, gắn nó với một hệ thống đạo đức gọi là “hạnh độ”. Ông lập luận rằng sự điều độ sẽ mang lại hạnh phúc lớn nhất cho cá nhân về lâu dài. 

Từ "chủ nghĩa khoái lạc", khi được sử dụng như một từ lóng, chỉ liên liên quan đến trường phái này ở chỗ nhiều nhà tư tưởng cũng coi niềm vui là chìa khóa cho một cuộc sống tốt đẹp. Nhiều triết gia theo chủ nghĩa Khoái lạc coi khoái lạc là một loại hạnh phúc, nhưng ít người coi đó là hạnh phúc “duy nhất”. Hầu hết họ sẽ nói rằng bạn nên đọc sách thay vì say xỉn, vì đọc sách mang lại cảm giác cao hơn là say mèm. 

Những người theo chủ nghĩa Khoái lạc nổi tiếng bao gồm Jeremy Bentham, Epicurus và Michel Onfray. Chủ nghĩa khoái lạc cũng là triết lý lâu đời nhất được ghi lại, xuất hiện trong Sử thi Gilgamesh.

 

 

5/ Chủ nghĩa Mác

 

Chủ nghĩa Mác là một trường phái dựa trên những ý tưởng của Karl Marx, triết gia người Đức thế kỷ 19 và những ý tưởng liên quan mà những người khác đã bổ sung sau khi ông qua đời. 

Những ý tưởng chính của ông đều là những lời phê phán chủ nghĩa tư bản, chẳng hạn như ý tưởng cho rằng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa khiến chúng ta xa lánh kết quả lao động, kết quả là chủ nghĩa tư bản sản xuất quá mức và sụp đổ, cũng như lý thuyết giá trị lao động.

Ông cũng đề xuất một số ý tưởng nhằm giúp khắc phục những vấn đề mà ông tìm thấy ở chủ nghĩa tư bản.

Chủ nghĩa Mác trong văn hóa phê phán chủ nghĩa tiêu dùng vì đã biến mọi thứ thành hàng hóa và hiện tượng sở hữu hàng loạt ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta, được khởi xướng bởi các triết gia người Đức, những người cũng không thích hệ thống Xô Viết.

Những người theo chủ nghĩa Mác nổi tiếng bao gồm Lenin, Stalin, Mao và Slavoj Zizek; mặc dù tất cả những cá nhân được liệt kê đều bị những người theo chủ nghĩa Marx khác gọi là dị giáo vào một lúc nào đó. Trớ trêu thay, chính Marx lại tự nhận mình không phải là một người như vậy.

 

 

6/ Chủ nghĩa Thực chứng logic

 

Bạn đã bao giờ tự hỏi liệu chúng ta có thể căn cứ hoàn toàn mọi thứ dựa trên logic và bằng chứng thực nghiệm không? Những người theo chủ nghĩa Thực chứng logic đã cố gắng rất nhiều. 

Trường phái này rất phổ biến vào những năm 1920 và 1930, và tập trung vào ý tưởng về sự xác minh, vốn tìm cách đặt mọi kiến thức dựa trên dữ liệu thực nghiệm hoặc sự lặp lại logic. Theo ý tưởng này, siêu hình học, đạo đức học, thần học và mỹ học không thể được nghiên cứu về mặt triết học vì chúng không đưa ra những ý tưởng có giá trị thực tế. Chính bởi vậy nên nguyên lý cốt lõi của chủ nghĩa xác minh cũng không thể được chứng minh là đúng, đặt ra một vấn đề nan giải cho trường phái này. 

Trường phái này đã không thành công và phải chịu một đòn nặng nề khi Ludwig Wittgenstein tố cáo công việc trước đây của ông ủng hộ ý tưởng của trường phái, sau đó ông thay đổi hoàn toàn hướng đi. Trường phái này vẫn có nhiều ảnh hưởng, đặc biệt là đối với các tác phẩm của Karl Popper và Wittgenstein, những người đã cố gắng bác bỏ những nguyên lý cốt lõi. 

Các thành viên nổi tiếng của trường phái này bao gồm Bertrand Russell, Ludwig Wittgenstein và Vienna Circle. Tất cả đều rất xuất sắc nhưng sau khi trường phái này suy thoái, hầu hết họ đã chuyển sang các hướng khác. 

 

 

7/ Đạo giáo

 

Đạo giáo là một trường phái tư tưởng dựa trên Đạo Đức Kinh, được viết bởi triết gia Trung Quốc cổ đại Lão Tử khi ông rời Trung Quốc để sống như một ẩn sĩ. Đạo giáo dựa trên những ý tưởng về sự khiêm tốn, “đạo”, tập trung vào cá nhân, sự đơn giản và tự nhiên. Nó thường được người Trung Quốc thực hành như một tôn giáo dân gian và những người theo Đạo giáo thường tôn thờ nhiều vị thần khác nhau. 

Tư tưởng Đạo giáo sau này hợp nhất với Phật giáo và tạo ra Thiền. Các yếu tố của nó cũng sẽ được đưa vào khái niệm Nho giáo mới. Các nguyên tắc của Đạo giáo cũng gây được tiếng vang với nhà vật lý Niels Bohr, người ngưỡng mộ khả năng của Đạo giáo trong việc coi những điều đối lập là bổ sung cho nhau.

 

 

8/ Chủ nghĩa Duy lý

 

Nếu các giác quan của chúng ta thường sai lầm, làm sao chúng ta có thể tin tưởng chúng sẽ hiểu đúng thực tế?  Đây là nguyên lý then chốt của chủ nghĩa Duy lý: cho rằng kiến ​​thức phải đến chủ yếu từ lý trí và suy nghĩ, chứ không phải từ bằng chứng thực nghiệm.

Ý tưởng này đã được phổ biến rộng rãi trong lịch sử. Những nhà tư tưởng ủng hộ chủ nghĩa duy lý bao gồm Socrates, Rene Descartes và Spinoza. 

Họ cho rằng chỉ riêng lý trí thôi cũng có thể tiết lộ những sự thật vĩ đại của thế giới, nhưng phần lớn quan điểm của họ đã không còn được sử dụng để ủng hộ một nhóm phương pháp đa dạng hơn để tìm ra sự thật. 

Triết gia người Anh Galen Strawson đã giải thích giới hạn của những cách tiếp cận tri thức theo chủ nghĩa Duy lý. Ông giải thích: “Bạn có thể tìm được điều đúng đắn khi chỉ nằm dài trên ghế. Bạn không cần phải đứng dậy khỏi ghế và đi ra ngoài để xem xét mọi thứ diễn ra như thế nào trong thế giới thực tế. Bạn không cần phải làm bất kỳ nghiên cứu khoa học nào.” 

Điều đó thật thuật tiện, nhưng không còn đủ nữa. Ngày nay, hầu hết các nhà tư tưởng đều kết hợp các khái niệm duy lý với dữ liệu thực nghiệm.

 

 

9/ Thuyết tương đối

 

Thuyết tương đối là ý tưởng cho rằng góc nhìn có liên quan đến bối cảnh và sự suy xét. Và ý tưởng này thậm chí có thể được áp dụng cho chính đạo đức hoặc sự thật, rằng không có sự thật về đạo đức hay sự thật tuyệt đối. 

Tương tự, thuyết tương đối tình huống là một ý tưởng về đạo đức, trong đó trong đó một quy tắc phải được tuân theo trong mọi điều kiện ngoại trừ một số điều kiện, khi đó chúng ta sẽ tuân theo một quy tắc khác. Ví dụ: Đừng giết người trừ khi bạn phải làm thế để tự cứu lấy mạng của mình. Ý tưởng này sau khi được sửa đổi, đã được triết gia người Mỹ Robert Nozick ủng hộ trong cuốn sách “Anarchy, State, and Utopia” của ông.

Hầu hết các bạn có lẽ đều quen thuộc với ý tưởng “thuyết tương đối về văn hóa”, đó là quan niệm cho rằng đạo đức của hai nền văn hóa khác nhau không thể so sánh được và một người ở ngoài nền văn hóa này không thể phê phán các giá trị và đạo đức của nền văn hóa khác. Ý tưởng này không được bất kỳ triết gia lớn nào nắm giữ và thường bị những người làm việc trong lĩnh vực đạo đức coi là sự tự chuốc lấy thất bại.

 

 

10/ Đạo Phật

 

Là một tôn giáo dựa trên lời dạy của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Phật giáo cho rằng  đau khổ có nguyên nhân và chúng ta có thể vượt qua nó bằng phương pháp thiền định, đi theo con đường bát chánh đạo và chiêm nghiệm.

Trong Phật giáo cũng chia thành nhiều trường phái đa dạng về tư tưởng, chủ yếu gắn kết với nhau bởi những ý tưởng của Đức Phật về đau khổ. Một số người là vô thần, trong khi những người khác có đền thờ các vị thần. Một số người cho rằng nghiệp chướng tồn tại và tái sinh là một phần của cuộc sống trong khi những người khác bác bỏ bất kỳ cuộc thảo luận nào về thế giới bên kia. Ở phương Tây, tư tưởng Phật giáo về thiền định thường được chia sẻ rộng rãi trong khi các yếu tố khác của tôn giáo bị bỏ qua.

 

- Trạm Đọc

- Theo Big Think

 

Tags: