Thế gian này nếu chẳng còn mèo: Bạn có sẵn sàng xóa sổ loài mèo?
Thế gian này nếu chẳng còn mèo: Bạn có sẵn sàng xóa sổ loài mèo?
“Chỉ sống thôi thì có ý nghĩa gì? Ý nghĩa nằm ở chỗ mình sống thế nào chứ, đúng không?”
Thử tưởng tượng xem nào, bạn đang sống một cuộc đời bình yên thì nhận được tin sét đánh, bạn có một khối u ở trong não và chẳng còn sống được bao lâu nữa. Bạn sẽ buồn khổ, sẽ khóc lóc, sẽ gào lên trong tuyệt vọng, hay sẽ bình tĩnh đối diện với mọi chuyện? Nếu chưa tìm ra phản ứng của mình thì tưởng tượng tiếp vậy. Từ một kẻ chẳng mấy nữa sẽ từ giã cuộc đời, ác quỷ đột nhiên xuất hiện và mang tới cho bạn một cuộc giao dịch quá hời, đánh đổi một thứ trên cuộc đời này để có thêm một ngày được sống. Bạn chọn đánh đổi điều gì đây?
Cuốn sách Thế gian này nếu chẳng còn mèo 

Nghe có vẻ hoang đường, nhưng đó chính xác là chuyện anh bưu tá trong cuốn sách "Thế gian này nếu chẳng còn mèo" gặp phải. Thực tế trong cuộc sống, có rất nhiều thứ có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Bởi vậy nên chẳng ai tự đặt ra câu hỏi cho chính mình rằng “Nếu không có thứ này, cuộc sống của mình sẽ ra sao?” Cũng vì chưa đặt ra tình huống ấy, nên nếu phải đặt chúng lên bàn cân cùng sinh mệnh của mình, thì thôi để chúng biến mất hết đi. Dẫu sao sinh mệnh vẫn quan trọng hơn nhiều. Anh bưu tá đã nghĩ như thế, do đó vật anh đánh đổi với ác quỷ, chính là điện thoại, phim ảnh và đồng hồ. Giờ thì cùng tìm hiểu vì sao chúng xứng đáng biến mất nhé.

“Dạo gần đây, từ lúc mở mắt vào buổi sáng cho đến tận tối khuya trước khi đi ngủ, tôi đều nghịch điện thoại di động. Tôi phải dùng đến một nửa thời gian khi thức để loay hoay với nó, ít đọc sách hơn trước kia, báo chí lại càng không đụng tới. Nhiều bộ phim vốn tôi rất muốn xem nhưng giờ lại xếp xó. Trên tàu điện, mọi người đều cắm mặt vào điện thoại di động. Dù đang xem phim hay ăn uống, họ vẫn không rời tay khỏi nó.”

Kể từ khi xuất hiện đến nay, điện thoại đã dần chi phối cuộc sống của con người. Chúng ta cần có điện thoại để giảm bớt thời gian đợi chờ nhưng lại làm tăng lên nỗi bất an trong lòng. Không ai có thể chịu được việc phải chờ đợi một ai đó, thế nên mọi người nhắn tin và gọi điện cho nhau. Tuy vậy, nếu nhắn tin mà không được hồi âm, gọi điện mà không được trả lời thì ngay lập tức một triệu giả thiết sẽ được đặt ra khiến ta lo lắng khôn nguôi. Mang lại nhiều rắc rối đến thế nên làm điện thoại biến mất và thêm một ngày nữa để sống không phải tốt hơn sao?

Phim ảnh lại khác. Đừng tin vào những khẩu hiệu dạng như NO MUSIC NO LIFE. Thế giới không còn phim ảnh, chúng ta sẽ chỉ hơi cô đơn một chút thôi chứ chẳng thể chết được. Thế nhưng, nếu chúng ta không còn nữa, phim ảnh để đấy cho ai xem? Vậy nên sự tồn tại của chúng ta là điều kiện tiên quyết để phim ảnh tồn tại. Chúng ta không còn, sự tồn tại của phim ảnh cũng trở thành vô nghĩa.

Cũng như vậy, mặt trời mọc vào sáng sớm và lặn vào lúc chiều tà, đó là quy luật tự nhiên. Ngày nào cũng như ngày nào, cớ sao phải chia thành giờ, phút, giây? Nói cách khác, tên gọi “thời gian” chỉ là do con người đặt ra để thuận tiện cho bản thân mình mà thôi. Mấy giờ phải thức giấc, mấy giờ phải đi làm, mấy giờ được nghỉ ngơi, ăn uống và mấy giờ thì đi ngủ? “Hệ lụy của tự do là bất an. Nhân loại đã từ bỏ tự do để đổi lại cảm giác an tâm khi đặt mình trong quy tắc.”

Nghe thật đơn giản phải không? Vậy nhưng, khi những thứ đó biến mất hết, anh bưu tá còn lại gì? Điện thoại không còn, phương tiện lưu giữ ký ức và mối giao thiệp không còn, anh chỉ còn lại sự bứt rứt khi không liên lạc được với người thương cùng với cái lạnh khiến anh không ngừng run rẩy. Phim ảnh không còn, ký ức ngày bé nắm tay cha mẹ ngồi trong rạp chiếu phim cũng biến mất, sở thích chung kéo anh và cậu bạn thân lại gần nhau giờ chỉ là màn sương giăng mờ ảo. Đồng hồ không còn, anh sẽ lãng phí những khoảng thời gian quý báu cuối cùng để làm những việc quan trọng, ví như gặp lại cha mình.

Câu nói xuyên suốt cả cuốn sách là của mẹ anh bưu tá “Có được thì phải có mất.” Trong cuộc đời, sẽ có những lúc chúng ta đứng giữa những lựa chọn khác nhau, dù có quyết định thế nào đi chăng nữa cũng không có một lựa chọn nào là hoàn hảo cả.

“Nhưng con người luôn chỉ muốn đạt được, có ai muốn phải mất đi đâu. Tệ nhất là có người không chịu bỏ ra bất cứ thứ gì mà lại muốn nắm trong tay tất cả, như thế khác gì quân ăn cướp. Có người giành được, nhất định sẽ có người mất đi. Hạnh phúc của người này xây dựng trên bất hạnh của kẻ khác. Mẹ thường nói với tôi, đây là quy luật của thế gian.”

Phải đến tận khi ác quỷ yêu cầu để loài mèo biến mất anh mới hiểu rõ điều mẹ mình nói. Người ta cần đến hàng nghìn lý do để khiến một vật tồn tại ở trên đời, trong khi đó để nó ra đi lại chẳng cần đến lý do nào hết. Anh muốn được sống, nên anh đánh đổi tất cả mọi thứ. Nhưng tất cả biến mất rồi, thì anh sống còn có ý nghĩa gì? Nếu đến loài mèo cũng biến mất thì ký ức về gia đình, về người mẹ anh vô cùng yêu thương liệu có còn không? Hóa ra, “không phải mèo cần người mà là người cần mèo mới đúng.” Chúng ta có nuôi mèo đâu, mèo chỉ là đang ở bên cạnh chúng ta thôi.

Cả cuốn sách là một câu chuyện đầy tính nhân văn về tình yêu thương và cách sống đúng đắn. Những thứ được đem ra giao dịch thực chất chỉ là chất xúc tác để anh bưu tá nhận ra mình đã bỏ lỡ những gì trong cuộc đời này. Đó có thể là lời chia tay không còn nhớ rõ lý do với cô gái anh yêu, là khoảng cách giữa anh và cậu bạn thân, là chiến tranh lạnh giữa anh và cha, và còn là sự mơ hồ về nỗi lo lắng của mẹ. Ngay trước khi chết, anh mới nhận ra được điều gì là quan trọng với mình.

"Thế gian này nếu chẳng còn mèo" không chỉ gây hấp dẫn ở nội dung mà còn ở cách tác giả Kawamura Genki thể hiện. Một câu chuyện buồn được kể theo cách hài hước và kết thúc vô cùng tươi sáng. Cuộc sống này là một chỉnh thể, mỗi sự vật dẫu có bé nhỏ thế nào, cũng đều tồn tại một mối liên hệ nhất định với những thứ khác. Cuốn sách này dành cho tất cả mọi người, những người đang ngày ngày tất bật với công việc của riêng mình mà bỏ quên đi mất giá trị vốn có của cuộc sống, đồng thời nhắc nhở về một cuộc sống mà ở đó chúng ta sống thực sự chứ không đơn thuần chỉ là tồn tại.

 

Kim

Tags: