Vì đâu mà loài người có những nỗi sợ hãi và cuồng loạn?
Vì đâu mà loài người có những nỗi sợ hãi và cuồng loạn?
Chúng ta ai cũng bị điều khiển bởi nỗi sợ và ham muốn, đôi khi còn trở thành nô lệ của chúng.
Từ điển những nỗi sợ hãi và cuồng loạn
(2 lượt)

Benjamin Rush, một nhà lập quốc của Mỹ, đã khơi mào phong trào đặt tên cho các cảm giác ám ảnh ấy vào năm 1786. Cho tới nay, từ “phobia” (hay “ám ảnh sợ hãi”, bắt nguồn từ Phobos, vị thần của nỗi sợ hãi và kinh hoàng của Hy Lạp) được dùng cho các triệu chứng cơ năng của thân bệnh, và từ “mania” (ám ảnh cuồng loạn, trong tiếng Hy Lạp là “điên cuồng”) với các trào lưu của xã hội. Rush gộp cả hai thành hiện tượng tâm lý. “Tôi sẽ định nghĩa ám ảnh sợ hãi là nỗi sợ cái gì đó quỷ quái do ảo tưởng mà ra,” ông viết, “hoặc là nỗi sợ hãi quá mức một thứ có thật.” Ông liệt kê ra 18 chứng ám ảnh sợ hãi, trong đó có các chứng sợ bẩn, sợ ma quỷ, sợ bác sĩ và sợ chuột, cùng 26 chứng ám ảnh cuồng mới, như chứng cuồng game (gaming-mania), cuồng quân đội (military-mania) và cuồng tự do (liberty-mania). Với giọng điệu hài hước nhẹ nhàng, Rush còn nhắc đến chứng sợ về nhà (home phobia), là chứng khiến các quý ông mắc phải cảm thấy buộc phải dừng chân tại quán rượu sau khi tan làm – song các bác sĩ tâm thần ở thế kỷ sau đó đã xây dựng được hiểu biết phức tạp hơn về những đặc điểm này. Họ xem các chứng ám ảnh sợ hãi và cuồng loạn là các đặc điểm thú vị về lịch sử của quá trình tiến hóa cũng như của chính mỗi cá nhân chúng ta, thể hiện những bản năng động vật đã tàn phai và những ham muốn bị ta kìm nén. 

Đầu thế kỷ 19, một loạt các chứng ám ảnh cuồng loạn đã được thêm vào danh sách của Rush, và cũng vào cuối thế kỷ đó, hàng loạt chứng sợ hãi và cuồng loạn ồ ạt xuất hiện.

Các ám ảnh sợ hãi bao gồm những nỗi sợ vô cớ với không gian công cộng, không gian hẹp, bị người khác nhìn hay bị chôn sống (agoraphobia, claustrophobia, erythrophobia, taphephobia). Các chứng ám ảnh cuồng loạn bao gồm những thôi thúc thực hiện hành động nhảy múa, lang thang, đếm, (choreomania, dromomania, arithmomania, trichotillomania). Và ta tiếp tục tìm ra những nỗi lo âu mới: chứng sợ không có điện thoại (nomophobia), chứng sợ len bông (bambakomallophobia), chứng sợ hề (coulrophobia). Một số chứng bệnh không chỉ có một tên gọi – chẳng hạn như, chứng sợ bay, trong cuốn sách này được gọi là aerophobia, nhưng cũng có những cái tên khác như aviophobia, pteromerhanophobia hay chỉ đơn giản là flying-phobia.

Mọi ám ảnh sợ hãi và cuồng loạn đều là sản phẩm của văn hóa: khoảnh khắc mỗi thứ được xác định - hoặc là được tạo ra – đánh dấu sự đổi thay về cách ta nhìn nhận bản thân. Một số chứng bệnh được mô tả trong sách không phải bệnh tâm thần, mà là được nêu ra để đặt tên cho các định kiến (kỳ thị đồng tính luyến ái - homophobia; chứng bài ngoại xenophobia), để giễu cợt sở thích hay trào lưu của xã hội (hiện tượng cuồng nhóm nhạc Beatles - Beatlemania; chứng cuồng hoa tulip - tulipomania) hoặc để đùa giỡn (aibohphobia, hippopotomonstrosesquipediophobia, chứng sợ các từ đối xứng và quá dài). Nhưng hầu hết các nội dung trong sách này mô tả những tình trạng co thực và đôi khi còn khiến ta khổ sở. Các chứng ám ảnh sợ hãi và cuồng loạn tiết lộ nội tâm của ta – những thứ khiến ta giật bắn mình hay ngả nghiêng, những thứ mà ta không thể quăng ra khỏi đầu mình. Tóm lại, chúng là những kiểu rối loạn lo âu phổ biến nhất trong thời đại của ta.

“Ám ảnh sợ hãi cụ thể hóa những nỗi lo âu,” học giả David Trotter nhận định, “đến mức những trở nên có thể cảm thấy và nhận biết được, và do đó có thể được ứng phó hay né tránh.” Chứng ám ảnh cuồng loạn, tương tự, có thể tích hợp nhiều nỗi sợ và ham muốn. Những ám ảnh cá nhân này có thể được coi là sự cuồng loạn của những người tỉnh táo; có lẽ, những sự cuồng loạn đó giúp ta giữ được sự tỉnh táo bằng cách kết tinh lại nỗi sợ cũng như ham muốn của bản thân, và cho phép ta tiếp tục hoạt động bình thường như thể mọi thứ đều hợp lý.

[...]

Tuy một số chứng sợ hãi cụ thể có thể đáp ứng tốt với trị liệu hơn các chứng lo âu khác, nhưng đa số mọi người không đi gặp bác sĩ mà thay vào đó chọn cách né tránh đối tượng mà họ cảm thấy sợ hãi – người ta cho rằng cứ tám người thì chỉ có một người mắc ám ảnh sợ hãi tìm kiếm sự hỗ trợ. Điều này khiến việc đo lường độ phổ biến gặp khó khăn. Song một báo cáo trong The Lancet Psychiatry vào năm 2018, tổng hợp 25 cuộc khảo sát tiến hành trong khoảng thời gian từ 1984 đến 2014, chỉ ra rằng 7.2% chúng ta xem ra có trải nghiệm một chứng sợ hãi cụ thể ở một số giai đoạn nhất định trong đời, và một khảo sát được tiến hành bởi Tổ chức Y tế Thế giới năm 2017, sử dụng dữ liệu của 22 quốc gia, cũng đưa ra kết luận tương tự. Những nghiên cứu trên cũng cho thấy một số chứng ám ảnh sợ hãi cụ thể phổ biến ở trẻ nhỏ hơn người lớn, tỷ lệ này giảm đi một nửa ở những người cao tuổi, và phụ nữ có số lượng các chứng ám ảnh sợ hãi nhiều gấp đôi đàn ông. Điều đó có nghĩa trung bình cứ mười phụ nữ thì một người trải nghiệm một chứng ám ảnh sợ hãi cụ thể, nhưng phải 20 người đàn ông thì mới có một người. Các khảo sát cấp quốc gia cho thấy hơn 7% người Mỹ và 12% người Anh có ám ảnh sợ xã hội.

Các số liệu trên nói về các chứng rối loạn ám ảnh sợ hãi ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật. Nhiều người trong số chúng ta có những cảm giác khó chịu hay sợ hãi nhẹ hơn mà đôi khi lầm tưởng là ám ảnh sợ hãi: cực kỳ không thích nói trước đám đông, đi gặp nha sĩ, nghe tiếng sấm sét hoặc nhìn thấy nhện. Ở Mỹ, có hơn 70% người nói rằng họ có một nỗi sợ vô cớ. Khi bắt đầu nghiên cứu để viết cuốn sách này, tôi không nghĩ rằng mình có chứng sợ hãi cụ thể nào – ngoại trừ nỗi sợ việc bị đỏ mặt khi còn niên thiếu và cảm giác lo lắng thường trực về việc đi máy bay – nhưng đến thời điểm cuốn sách hoàn thành, tôi đã thuyết phục bản thân rằng mình có gần như tất cả những ám ảnh sợ hãi đó. Một số nỗi sợ cảm nhận được ngay khi ta hình dung tới. Nguyên nhân của các tình trạng ấy vẫn còn nhiều tranh cãi. Ám ảnh sợ hãi các đối tượng, từ ngữ hay con số cụ thể có thể bắt nguồn từ những sự mê tín cổ xưa, tàn tích của nhiều tín ngưỡng. Nhà tâm lý học người Mỹ Granville Stanley Hall, người đã ghi lại 132 chứng ám ảnh sợ hãi trong một tiểu luận năm 1914, quan sát thấy rằng một vài đứa trẻ hình thành nỗi ám ảnh sợ hãi sau khi trải qua chúng. Cú sốc, ông viết, là “người mẹ mắn đẻ của ám ảnh sợ hãi”. Sigmund Freud, người đã phân tích các triệu chứng ám ảnh trong hai nghiên cứu nổi tiếng năm 1909, cho rằng ám ảnh sợ hãi là nỗi sợ bị dồn nén được dịch chuyển sang đối tượng bên ngoài: cả về biểu hiện lo âu và phòng vệ. “Trốn tránh mối nguy trong tâm trí là việc rất khó khăn,” ông giải thích. “Người ta có thể cứu lấy bản thân khỏi mối nguy bên ngoài bằng cách bỏ chạy.”

Các nhà tâm lý học tiến hóa tranh luận rằng nhiều chứng ám ảnh sợ hãi mang tính thích nghi: nỗi sợ độ cao và loài rắn được in hằn trong não bộ để ngăn ta ngã từ trên cao hoặc bị rắn cắn; sự ghê tởm với chuột và ốc sên bảo vệ ta khỏi bệnh tật. Các chứng ám ảnh sợ hãi như vậy là một phần di sản tiến hóa của loài người, những nỗi sợ “được chuẩn bị sẵn về mặt sinh học” được thiết kế để bảo vệ ta khỏi các mối đe dọa bên ngoài. Phản ứng với ám ảnh sợ hãi phần nào giống những phản xạ mang tính bản năng. Khi phát hiện đối tượng hay tình huống là mối đe dọa, bộ não nguyên thủy sẽ giải phóng các hóa chất giúp ta chiến đấu hoặc bỏ trốn, và phản ứng thể chất của ta – rùng mình hay chùn bước, đổ mồ hôi hay buồn nôn - dường như xâm chiếm lấy ta.

Cơ chế tiến hóa có thể giải thích được sự không cân bằng của những nỗi ám ảnh sợ hãi ở phụ nữ, đặc biệt là khi họ mang thai: sự cẩn trọng cao độ nhằm bảo vệ bản thân cũng như đứa con của mình. Nhưng ám ảnh sợ hãi cũng có thể phổ biến hơn ở phụ nữ bởi môi trường xã hội chống lại họ hơn – họ có nhiều lý do để sợ hãi hơn - hoặc bởi nỗi sợ của họ thường bị coi là vô lý hơn. Lối giải thích theo tiến hóa của chứng ám ảnh sợ hãi căn cứ vào việc tiến hóa là cái đến trước, và nó không giải thích được cho mọi ám ảnh sợ hãi, hay lý do một số cá nhân thì có ám ảnh sợ hãi còn số khác thì không. Năm 1919, hai nhà tâm lý học hành vi người Mỹ James Broadus Watson và Rosalie Rayner đã thiết lập một thí nghiệm chứng minh rằng một chứng ám ảnh sợ hãi có thể được hình thành do hoàn cảnh. Vào thập niên 60, Albert Bandura chứng minh rằng một chứng ám ảnh sợ hãi cũng có thể xuất hiện do tiếp xúc với nỗi lo âu và sợ hãi phi lý của người khác, chẳng hạn như cha mẹ. Gia đình truyền lại nỗi sợ chẳng khác gì gen di truyền. Tuy thường chịu ảnh hưởng của một mối lo âu nhất định, chúng vẫn cần được kích thích bởi trải nghiệm hay giáo dục.

Nếu ám ảnh sợ hãi là sự thôi thúc phải né tránh gì đó, thì cuồng loạn lại là sự thôi thúc phải làm gì đó. Bác sĩ tâm thần vĩ đại người Pháp Jean-Étienne Esquirol đã đề ra khái niệm về monomania, hay chứng cuồng loạn cụ thể, từ đầu thế kỷ 19, trong khi người đồng hương Pierre Janet ghi lại các điển cứu tập trung vào những người đàn ông và phụ nữ gặp tình trạng tương tự được ông chữa trị vào giai đoạn chuyển giao sang thế kỷ 20. Hầu hết các chứng ám ảnh cuồng loạn trong cuốn sách này là những hành vi mang tính ám ảnh, tập trung vào một đối tượng, hành vi hay ý tưởng nào đó, chẳng hạn như nhổ tóc hay tích trữ. Khó để xác định được mức độ phổ biến của chúng, một phần vì nền y học hiện đại đã gộp chung nhiều phạm trù như nghiện ngập, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn kiểm soát hành vi trùng lặp vào cơ thể, rối loạn kiểm soát xung động và rối loạn nhân cách ranh giới. Giống như chứng ám ảnh sợ hãi, chúng hay được quy cho sự mất cân bằng hóa học trong não, và đôi khi là những cảm xúc tiêu cực hoặc bị cấm đoán. Thường thì chúng phóng đại các ham muốn thông thường - muốn cười, la hét, mua sắm, ăn cắp, lừa dối, châm lửa, quan hệ tình dục, phê thuốc, cạy vảy vết thương, đầu hàng trước khổ đau, được tán dương.

Cùng với những thôi thúc cá nhân, cuốn sách này cũng nói tới cả những chứng cuồng loạn cộng đồng, khi mà người ta cùng nhảy, cùng cười, cùng run rẩy hay cùng gào thét. Vào những năm 1860, một loạt chứng ám ảnh bị quỷ ám (demonomania) xâm chiếm thị trấn Morzine ở dãy Alps, và trong thập niên 1960, những tiếng cười điên cuồng bùng nổ bên bờ hồ ở Tanzania. Những biến động chung này có thể xem như những cơn bạo loạn, khi những cảm xúc không được công nhận trào dâng và thỉnh thoảng có thể buộc ta phải xét lại xem điều gì mới là hợp lý. Khi quyết định một hành vi là cuồng loạn hay ám ảnh, ta thực chất đang vẽ ra ranh giới về văn hóa và tâm lý cho chính mình, nghĩa là chỉ ra những niềm tin mà với nó, xã hội của mình được kiến tạo. Những ranh giới ấy chuyển dịch theo thời gian, và trong khoảnh khắc khủng hoảng tập thể – chiến tranh, bệnh dịch – chúng có thể thay đổi nhanh chóng. 

Ám ảnh sợ hãi hay cuồng loạn cũng giống như thần chú, ban cho một vật thể hay hành vi những ý nghĩa bí ẩn và sức mạnh để tạo thành ám ảnh và biến đổi chúng ta. Những tình trạng ấy có thể tạo ra cảm giác áp chế, nhưng cũng phù phép lên thế giới quanh ta, khiến nó trở nên đáng sợ và sinh động như trong cổ tích. Chúng tạo ra một tác động hữu hình, hệt như phép thuật, và khi ấy ta bộc lộ sự kỳ lạ của bản thân.

- Trạm Đọc

- Trích từ cuốn sách “Từ điển những nỗi sợ hãi và cuồng loạn” 

 

Tags: