Oprah Winfrey 'Tôi biết tại sao chim trong lồng vẫn hót'
Oprah Winfrey 'Tôi biết tại sao chim trong lồng vẫn hót'
Trở thành bạn bè, sau rồi trở nên thân thiết như chị em gái; cuối cùng, được coi như là con gái của Maya Angelou, Oprah Winfrey đã viết những lời chia sẻ gan ruột trong cuốn tự truyện đầu tiên của Maya Angelou 'Tôi biết tại sao chim trong lồng vẫn hót'

Tôi phát hiện ra “Tôi biết tại sao chim trong lồng vẫn hót” lần đầu khi mới 15 tuổi. Quả là một sự khai sáng. Từ hồi lên lớp ba, tôi đã đọc rất nhiều, nhưng đến tận khi ấy tôi mới tìm được một câu chuyện nói hộ lòng mình. Thật kinh ngạc. Làm thế nào mà tác giả Maya Angelou lại gặp phải những chuyện y như chuyện của tôi, những cảm xúc, khát vọng, nhận thức y như cảm xúc, khát vọng, nhận thức của tôi, một đứa con gái da đen nghèo khó vùng Mississippi?

Tôi đã kinh ngạc ngay từ những trang đầu:

Người nhìn tôi làm gì?

Tôi chẳng đến để ở...

Tôi chỉ đến nhắc nhở

Nay là ngày Phục sinh.”

Tôi chính là cô bé đó, cô bé đã đọc thuộc lòng những mẩu thơ Phục sinh – và cả mẩu thơ mừng Chúa giáng thế nữa. Tôi chính là cô bé ham đọc. Tôi chính là cô bé được người bà ở miền Nam nuôi nấng. Tôi chính là cô bé bị cưỡng hiếp lúc chín tuổi, giấu kín chuyện đó trong lòng. Tôi hiểu tại sao Maya Angelou đã im lặng suốt nhiều năm.

Tôi đã thấm từng lời bà viết.

Mỗi trang sách đều tiết lộ những suy nghĩ và xúc cảm thầm kín mà tôi chưa bao giờ nói được thành lời. Tôi nghĩ, bà ấy biết mình, bà ấy hiểu mình. “Tôi biết tại sao chim trong lồng vẫn hót” đã trở thành tấm bùa hộ mệnh của tôi. Khi mới 15 tuổi, tôi đã cố gắng thuyết phục tất cả những người tôi biết đọc cuốn sách. Và giờ đây, Maya Angelou đã là tác giả yêu thích của tôi, là người mà tôi luôn ngưỡng mộ từ xa.

Tôi biết đó chính là Ý Chúa khi hơn 10 năm sau, với tư cách là một phóng viên trẻ ở Baltimore, tôi có cơ hội phỏng vấn Maya Angelou sau bài giảng của bà tại một trường đại học địa phương. “Cháu hứa,” tôi nài nỉ, “sẽ không lấn hơn năm phút đâu nếu bác cho phép cháu nói chuyện với bác.” Giữ đúng lời hứa của mình, khi bài phỏng vấn được 4 phút 58 giây, vào phút thứ 4:59 tôi quay sang người quay phim: “Xong.” Lúc đó, Maya Angelou quay đầu, nghiêng hẳn khuôn mặt về phía tôi, bà nháy mắt, mỉm cười với tôi và hỏi: “Cháu là ai, cô gái?”

Đầu tiên chúng tôi trở thành bạn bè, sau rồi trở nên thân thiết như chị em gái. Cuối cùng, khi bà bảo rằng tôi là con gái bà, tôi biết mình đã tìm thấy mái nhà của mình. Tôi rất thích những khoảnh khắc ngồi bên chân bà, dựa vào lòng bà và cười sảng khoái hay bên bàn bếp nhà bà trên Đường Thung lũng, Winston-Salem, Bắc Carolina, lắng nghe bà đọc thơ, những bài thuở bé của tôi – Paul Laurence Dunbar, “Em bé da nâu mắt lấp lánh”. Đắm mình trong mọi điều bà biết, mọi thứ bà dạy – lòng biết ơn, tình yêu, tất cả – trái tim tôi chứa chan khi được ở cùng bà.

Maya Angelou và Oprah Winfrey

Chẳng mấy khi tôi quên ghi chép mỗi lúc được nói chuyện qua điện thoại với bà. Lúc nào bà cũng dạy bảo tôi. “Khi con học được điều gì, hãy dạy lại cho người khác,” bà thường bảo tôi vậy. “Khi nhận, hãy cho”. Tôi là một học sinh chăm chỉ, học bài nào là xào bài ấy, cho đến tận buổi nói chuyện cuối cùng, vào Chủ nhật trước khi bà qua đời. “Ta là một con người,” bà lúc nào cũng nói vậy, “bởi thế không có gì thuộc về loài người mà xa lạ với ta.”

Maya Angelou đã sống theo đúng những gì bà viết. Bà hiểu rằng việc nói ra sự thật sẽ giúp kết nối bà với những sự thật vĩ đại hơn của loài người – sự thật về khát vọng, về cảm thức lạc loài, về tiếng lòng an yên, về niềm hy vọng, về điều kỳ diệu, định kiến, bí mật và cuối cùng, về hành trình tự khám phá bản thân: nhận ra mình thực sự là ai, nhận ra tự do mà tình yêu đem lại. Và mỗi sự thật ngàn đời ấy đều dần hiển hiện ra trong cuốn tự truyện đầu tiên về cuộc đời bà.

Tôi rất vui mừng (và tôi biết bà cũng thế) là cả một thế hệ độc giả mới sẽ biết đến câu chuyện của Maya Angelou và rồi được tiếp thêm sức mạnh để nhận ra câu chuyện của chính mình.

Nếu đây là lần đầu tiên bạn đọc cuốn sách này (như tôi rất nhiều năm về trước) hay nếu bạn đang ghé thăm một người bạn cũ (giống như tôi cảm thấy lúc này, khi lật giở những trang xưa), thì bạn sẽ nhận ra rằng khi đó, dù còn là một cây bút trẻ, Maya đã truyền đi một chủ đề quán xuyến cho cả cuốn sách, chủ đề đã trở thành tiếng gọi thiết tha, một lời kinh cầu cộng hưởng trong mọi bài phát biểu, mọi bài thơ, trước tác – và trong cả cuộc đời bà.

Bà đã cất cao những lời trang trọng, tự hào và bền bỉ: “Chúng ta giống nhau nhiều hơn là khác!”

Sự thật đó là lý do tại sao tất cả chúng ta đều có thể cảmthông, đều có thể xúc động khi nghe tiếng hót của chú chim trong lồng.

Đọc thêm bài review: Tôi biết tại sao chim trong lồng vẫn hót

Oprah Winfrey

Tags: