Tại sao chúng ta lầm tưởng về Bản chất của Dối trá (Phần I)
Tại sao chúng ta lầm tưởng về Bản chất của Dối trá (Phần I)
Tại sao soi gương trong khi làm bài thi lại làm giảm hành vi gian lận? Tại sao những người càng sáng tạo, càng có khả năng dối trá nhiều hơn? ... Tất cả chúng ta đã lầm về bản chất của dối trá như nào?

Chuyện kể rằng một ngày Gary Becker, người đạt giải Nobel kinh tế năm 1993, lái xe đến trường đại học Chicago nhưng bị muộn. Ông không thể tìm thấy một bãi đỗ xe hợp pháp mà ông lại sắp vào họp. Thế là ông tính nhẩm trong đầu. Ông đặt lợi ích của việc đến họp đúng giờ lên một bên và tiền phạt phải trả cho việc đậu xe trái phép sang bên khác. Sau đó, ông so sánh giữa hai cán cân, và cuối cùng quyết định chịu nộp phạt để đi họp đúng giờ.

 

Từ tình huống đơn giản này, ông khái quát rằng mọi quyết định về dối trá, ăn cắp, phạm tội... đều hoạt động theo kiểu phân tích chi phí/lợi ích đó (cost/benefit analysis), gọi là Mô hình đơn giản về việc phạm tội có lí trí (Simple Model of Rational Crime).

 
 
Giáo sư Gary Becker
 

Ví dụ, trước khi quyết định có nên nói thật với gấu rằng thực ra tối qua bạn đã đi gặp một cô gái khác chứ không phải đi đá bóng, cách suy nghĩ của bạn sẽ diễn ra như sau (theo các nhà kinh tế học cổ điển). Bạn tính toán cái lợi đạt được so sánh với cái giá phải trả. Lợi ích của việc nói thật là mình sẽ không phải thấp thỏm lo lắng sự việc sẽ bị bại lộ. Tuy nhiên chi phí của việc tự thú có thể sẽ là lần cuối bạn được nói thật với cô ấy. Bạn so sánh giữa lợi và hại, và đưa ra quyết định cuối cùng: Nói rằng tối qua, mình đã đi đá bóng.

 

Để kiểm tra mô hình này, nhà tâm lý học Dan Ariely, tác giả của 3 cuốn sách best-seller, giáo sư nổi tiếng về Kinh tế học hành vi của đại học Duke, đã quyết định dùng các thí nghiệm để kiểm chứng qua trò chơi ma trận của ông.

 


 
Tìm 2 số có tổng bằng 10 (Ảnh: Dan Ariely)
 

Trong 1 thí nghiệm, các sinh viên phải giải 20 bài toán lớp 3 để có thể kiếm chút tiền uống bia. Có 20 ma trận, mỗi cái có 12 chữ số. Nhiệm vụ của họ tìm ra trong mỗi ma trận 2 chữ số có tổng bằng 10. Ví dụ, trong bảng 1, họ tìm và khoanh tròn 2 con số 4.81 và 5.19, cộng lại bằng 10, tích vào ô "Tôi đã giải được" và cứ thế tiếp tục cho đến ma trận 20. Với mỗi bảng giải đúng, họ sẽ được khoảng 10 nghìn ($0.5), nếu giải đúng hết họ sẽ có 200 nghìn ($10), đủ cho một chầu bia.

 

Cái khó ở đây là họ chỉ có 5 phút để giải 20 ma trận, vì vậy chỉ có thánh mới lấy được trọn vẹn 200 nghìn của các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, họ vẫn có thể gian lận để kiếm toàn bộ số tiền. Nhưng chính việc này làm họ bị rơi vào bẫy của các nhà nghiên cứu.

 

Theo chỉ dẫn từ trước, khi làm xong bài, thay vì nộp bài cho giám thị, họ sẽ cho bài đó vào máy xé giấy để hủy kết quả, và tự báo cáo họ giải được bao nhiêu ma trận. Ví dụ, nếu trong 5 phút, họ chỉ giải được 6 cái, nhưng họ có thể nói mình giải được tất cả 20/20, và mang về số tiền 200 nghìn. Nếu là bạn, bạn sẽ làm gì? Gian lận kết quả hay trung thực với năng lực của mình.

 

Điều họ không biết là dù họ tưởng bài của họ đã bị hủy hoàn toàn, nhưng các nhà nghiên cứu đã tinh ranh thiết kế cái máy đó sao cho chúng chỉ hủy 2 mép giấy, để có thể về kiểm tra và đối chiếu lại kết quả thực tế với kết quả mà các sinh viên nói họ làm được.

 

 
Những bài thi chỉ bị xén 2 đầu (Ảnh: CNBC)
 

Bạn đoán sự chênh lệch có lớn không? Liệu mọi người sẽ đều nói dối, cho dù mình chỉ giải được 5 ma trận , nhưng đều khai khống lên 15 cái? Nếu ta theo Gary Becker và mô hình của ông, thì chúng ta sẽ dự đoán rằng đa số mọi người sẽ gian lận rất nhiều, chỉ giải được 5 nhưng nói khống lên 20.

 

Điều đáng ngạc nhiên là khi đối chiếu kết quả, trung bình các sinh viên thực sự giải được 4 ma trận và nói rằng mình giải được 6 cái. Đúng là mọi người có gian lận, nhưng không gian lận ở mức độ lớn mà mỗi người chỉ một chút ít.

 

Trong 40,000 người đã tham gia thí nghiệm trên, có khoảng 70% người đã nói dối. Các nhà nghiên cứu chỉ tìm ra được khoảng 20 người gọi là "Big cheaters", nói rằng mình giải được hết 20 ma trận và lấy mất của các nhà nghiên cứu khoảng 9 triệu đồng ($400). Ngoài đời, họ là những kẻ tham nhũng lớn mà đen đủi bị báo chí phanh phui, như những ông chủ tịch xã lấy trọn cả đàn dê (vốn để dành cho các hộ nghèo). Chúng ta cứ nghĩ rằng, bắt được những người này là hết chuyện.

 

 
Big Cheaters và Little Cheaters (Ảnh: CNBC)
 

Tuy nhiên, cũng trong thí nghiệm ma trận trên, có tới hơn 28,000 người gian lận cỡ nhỏ (ví dụ giải được 4, nói thành 6), lấy mất gần 1,1 tỷ đồng của các nhà nghiên cứu ($50,000).

 

Và điều này phản ánh khá tốt về thực trạng xã hội. Đúng là chúng ta có những ông quan tham, những giám đốc tham nhũng rất lớn, nhưng đó chỉ là số nhỏ và vì vậy tác động kinh tế của họ cũng nhỏ. Phần đông thiệt hại đến từ hàng triệu triệu những người tham nhũng cỡ nhỏ như chỉ ghi thêm 500,000 vào hóa đơn tiếp khách, hay bấu xén chỉ vài chục cân gạo dành người dân cho vùng lũ. Và vì có hàng triệu người như vậy, nên tác động của họ lên xã hội là khổng lồ.

 

Theo giáo sư Becker, chúng ta sẽ dựa vào 3 yếu tố chính sau để quyết định mình có gian lận hay không: (1) Lợi ích nhận được từ việc thực hiện hành vi sai trái [Như trong ví dụ nói dối người yêu kia là thoát hỏi 1 phiên điều trần trước gấu] (2) Khả năng bị phát hiện (bị tóm) [Nếu gấu của bạn lại có Facebook của các thành viên đội bóng, thì khả năng bị lộ sẽ cao hơn]; và (3) hình phạt dự tính nếu bị phát hiện [Bạn sẽ phải đi tìm gấu mới]. Dan viết trong cuốn sách Bản chất của dối trá: "Thông qua việc so sánh yếu tố đầu tiên (lợi ích) với hai yếu tố sau (thiệt hại), một cá nhân lý trí bình thường có thể quyết định việc vi phạm một tội danh cụ thể có thật sự đáng công hay không."

 

Trong thực nghiệm thì sẽ thế nào? Để kiểm tra giả thuyết (1), tác giả đã tăng trị giá tiền cho mỗi ma trận giải được, ví dụ với 1 đáp án đúng bạn sẽ nhận được các khoản tiền thưởng chạy từ 2k, 10k, 20k, 40k, 100k, 200k. Các tác giả tìm thấy rằng, số lượng gian lận không phụ thuộc vào giá trị tiền mặt mang lại. Thậm chí với giá trị giải thưởng lên đến 200k/ 1 câu trả lời, mọi người thậm chí còn gian lận ít đi (Họ bắt đầu cảm thấy tội lỗi chăng?).

 

 
Khả năng bị tóm (Ảnh: Dan Ariely)
 

Vậy còn giả định thứ (2), (3) về khả năng bị tóm và hình phạt đi kèm thì sao. Với 1 nhóm, các tác giả bảo họ chỉ hủy 1 nửa bài đáp án và nộp 1 nửa còn lại, do đó họ sẽ vẫn để lại 1 nửa bằng chứng về khả năng gian lận của mình. 1 nhóm khác thì được chỉ dẫn hủy cả tờ giấy. 1 nhóm nữa thì được yêu cầu hủy cả tờ giấy, và tự trả tiền cho mình từ tập tiền được đặt trong 1 cái bát. (phần tiếp)

 

Trạm đọc (Read Station) dịch và tổng hợp

Tags: