Chiến tranh Thái Bình Dương: Kí sự lịch sử nhìn từ hai phía
Chiến tranh Thái Bình Dương: Kí sự lịch sử nhìn từ hai phía
Trân Châu Cảng cùng hai quả bom nguyên tử bắt đầu và kết thúc, một nước Nhật đau thương và kiêu hãnh đứng lên sau chiến tranh, những chiến trận làm rung chuyển một thời kì… Tất cả sẽ được tái hiện sinh động qua kí sự Chiến tranh Thái Bình Dương của TS. Huỳnh Văn Tòng và Lê Vinh Quốc (nhà xuất bản Kim Đồng).
 Chiến tranh Thái Bình Dương Là một trong hai chiến trường quan trọng nhất trong chiến tranh thế giới thứ 2, cuốn sách đưa bạn đọc đến với bối cảnh, diễn biến chính, kết quả của từng trận đánh. Các kế hoạch, suy tính của từng bên tham chiến cùng với những diễn biến tâm lí của những tướng lĩnh, nhân vật quyết định, thậm chí cả của những người lính và dân thường giúp phác họa lên một bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến tranh tàn khốc này.
 

Nhắc đến chiến tranh thế giới thứ 2, không ai không biết về trận chiến Trân Châu Cảng – một thảm họa đã lôi kéo người Mỹ còn đang do dự vào vòng chiến. Tại cuốn sách, tác giả đã khắc họa chi tiết hình ảnh, suy nghĩ cũng như chiến lược của cả người Mỹ và người Nhật trong sự kiện trên. Nhờ đó, độc giả có thể hiểu nguyên nhân dẫn đến trận Trân Châu Cảng cũng như tại sao người Mỹ lại thiệt hại lớn như thế trong chính căn cứ quân sự lớn nhất của mình tại Thái Bình Dương.

Sau sự kiện này, tổng thống Roosevelt đã phải ra phát biểu trước quốc hội và ban bố tình trạng chiến tranh: “Hôm qua, ngày 07 tháng 12 năm 1941 là một ngày đáng tủi hổ - Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã bị các lực lượng hải quân và không quân của đế quốc Nhật tấn công bất ngờ và không tuyên chiến…”. Sau khi nói rõ thiện chí hòa bình của Hoa kỳ và sự tráo trở của Nhật Bản trong hành động thực tế để dẫn đến chiến tranh, Tổng thống Mỹ tuyên bố “Tôi yêu cầu lưỡng viện của Quốc hội Hoa Kì tuyên chiến với Nhật, kể từ ngày Chủ nhật hôm qua…”. Và thế là Hoa Kì bước vào cuộc chiến tổng lực với Nhật Bản.

Sức mạnh trên biển của Hải quân Mỹ

Vậy là bắt đầu từ ngày 07 tháng 12 năm 1941, cuộc chiến tranh TBD chính thức bắt đầu. Cuốn sách mô tả một loạt các chiến dịch quân sự đồ sộ của cả hai bên trong suốt 4 năm của cuộc chiến. Điển hình trong số đó là trận chiến bước ngoặt ở đảo MidWay và Guadalcanal. Tại đó, tác giả miêu tả chi tiết về cuộc chiến với sự tham tham gia đồ sộ của lực lượng hải quân, lục quân hai bên, sự có mặt của các tàu sân bay và hình thái chiến tranh mới.

Trong trận chiến trên đảo Saipan, khi quân Nhật thất thủ, hơn 22.000/30.000 người dân trên đảo đã tự sát tập thể thể bằng cách đứng từ trên các mỏm núi cao nhảy xuống biển. “Bộ máy tuyên truyền của Tokyo đã làm cho dân Nhật tin rằng người Mĩ là bọn quỷ dữ, sẽ giết hết bất cứ người Nhật nào lọt vào tay chúng. Bởi thế, họ thà chết còn hơn để bị bắt”.

Cuộc chiến trên đất liền giữa quân Đồng minh gồm Mỹ, philippines, liên quân Anh Ấn, Trung Quốc,… với quân Nhật cũng diễn ra quyết liệt và giằng co giữa hai bên. Các diễn biến tư tưởng, mâu thuẫn chính trị cũng được nói rõ xuyên suốt cuộc chiến. Roosevelt thì muốn dành tài nguyên cho cho cuộc chiến trong khi Winston Churchill muốn tập trung cho chiến trường Châu Âu. Tưởng Giới Thạch thì lo đề phòng Đảng cộng sản của Mao Trạch Đông. Phe chính khách và phe quân nhân của Nhật cũng mâu thuẫn gay gắt giữa việc mưu cầu hòa bình và việc đánh đến cùng với đồng minh.

Trong khi đó, mặc dù chỉ tham chiến ở giai đoạn cuối của cuộc chiến, nhưng vai trò của Liên Xô cũng được nêu rõ qua chiến thắng trước tập đoàn quân Quan Đông tinh nhuệ, khiến nhật chính thức thất bại trên mặt trận trên cả hai mặt trận đất liền và biển.

Tất nhiên, đỉnh điểm của cuộc chiến là hai quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima (130.000 người chết và bị thương), Nagasaki (200.000 người đã chết và bị thương). Sự kiện đau thương kia buộc Nhật hoàng Hirohito phải hạ chỉ lệnh chấp nhận tuyên cáo Potsdam của đồng minh đưa ra. Trong chỉ lệnh của mình, mặc dù đất nước đang gặp muôn ngàn khó khăn nhưng Hirohito vẫn thể hiện một sự tin tưởng mạnh mẽ vào tương lai của nước Nhật.

Hãy để cho dân tộc ta mãi mãi trọn vẹn như một gia đình từ thế hệ này sang thế hệ khác, mãi mãi giữ vững niềm tin về sự bất diệt của đất nước thần thánh… Hãy mở rộng những con đường chính trực, nuôi dưỡng sự cao thượng của tinh thần, quyết tâm làm việc để hòa nhịp bước với tiến bộ của thế giới.

Xuyên suốt cuộc chiến tranh cùng với các sự kiện trong cuộc chiến, điều gây xúc động mạnh mẽ đến người đọc không chỉ là những mất mát đau thương, mà còn là diễn biến tâm lý của những người liên quan trong cuộc chiến, nhất là những tầng lớp cuối cùng của xã hội là binh lính và dân chúng. Những con người nhỏ bé nhưng sẵn sàng hi sinh thân mình vì tổ quốc, phải chăng sự hi sinh đó lại bị giới quân phiệt che mắt?

Tàn quân Nhật sau thất bại năm 1945 trên các hòn đảo ở Thái Bình Dương

Hiện tại, tuy chiến tranh đã lùi xa nhưng tinh thần không khuất phục của người Nhật thì còn mãi, bằng chứng là sự vươn lên mạnh mẽ sau chiến tranh của họ. Phải chăng, tinh thần đó là điều chúng ta đang cần trong một xã hội mà sự phát triển quá nhanh của công nghệ lại tỷ lệ nghịch với mức độ đạo đức của con người trong đời sống hiện nay?

Vì cuốn sách viết về một gia đoạn dài trong chiến tranh nên nếu bạn mới tiếp cận với lịch sử sẽ dễ bị ngợp trước hàng loạt cái tên, sự kiện diễn ra liên tục. Tuy nhiên, đó không phải là thử thách đối với những người yêu và muốn tìm hiểu về lịch sử.

Sử sách được ghi lại để con người ta hiểu về cuội nguồn cũng như để rút kinh nghiệm, bài học trong quá khứ. Mời bạn đọc và cảm nhận cuốn Chiến tranh Thái Bình Dương để hiểu rõ cái giá của chiến tranh cũng như sự vươn lên từ sau đống hoang tàn.

 

Khắc Lực