Dù ở cấp độ tư duy cá nhân hay cấp độ chính sách xã hội, trong môn kinh tế học nói riêng hay khoa học xã hội nói chung, chúng ta thường mắc kẹt vào những câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng có ý nghĩa lớn lao: mối quan hệ giữa sự thịnh vượng và bất bình đẳng, giữa thu nhập và sức khỏe, giữa sự thành công và lối sống (của cá nhân hay cả một dân tộc) v.v…
Trong tác phẩm "Cuộc đào thoát vĩ đại1" mang tính đúc kết sự nghiệp nghiên cứu uyên thâm bền bỉ của mình, nhà kinh tế đoạt giải Nobel (2015), Ngài Angus Stewart Deaton lần đầu tiên cung cấp một phân tích sáng rõ về các mối liên hệ nhằng nhịt giữa các vấn đề này.
Angus Deaton là nhà kinh tế gốc Scotland, mang cả quốc tịch Anh và Mỹ, dành phần lớn thời gian trong sự nghiệp học thuật của mình tại Đại học Princeton, Mỹ. Ông khởi đầu sự nghiệp với mối quan tâm sâu về kinh tế vi mô, nghiên cứu hành vi của đường cầu, và dành nhiều công sức cho việc thiết kế và phân tích các cuộc điều tra hộ gia đình.
Những khám phá về các hành vi của con người trong thực tiễn đã thúc đẩy ông đi tới các vấn đề phát triển căn bản như đói nghèo, ý tế, sức khỏe, bất bình đẳng, tăng trưởng kinh tế, v.v…. Đúng như kinh tế gia bậc thầy Robert Lucas (nhận giải Nobel Kinh tế năm 1995) từng nói, khi anh bắt đầu nghiên cứu về kinh tế phát triển, anh chẳng muốn tìm hiểu về cái gì khác nữa.
Trong cuộc phiêu lưu truy tầm câu trả lời cho những vấn đề phát triển căn bản nhất, như nguồn gốc của sự tăng trưởng, nguồn gốc của bất bình đẳng giữa các cá nhân và xã hội, Deaton đã dấn thân vào cuộc hành trình đi ngược lại toàn bộ quá trình phát triển của loài người, xuyên qua các nền văn minh và thời đại, sử dụng kiến thức liên ngành của nhiều môn khoa học.
Vì thế, tác phẩm này có hàm lượng tri thức được kết tinh và cô đọng cao độ, khiến người đọc, nhất là những người không chuyên, có thể thấy đôi chỗ mệt mỏi và choáng ngợp. Nhưng nỗ lực của bạn đọc sẽ được đền đáp xứng đáng, như bất kỳ một cuộc leo núi nào, khi bạn đứng trên đỉnh núi do mình tự chinh phục và hưởng làn gió mát trong lành tinh khiết chỉ có trên tầng cao khí quyển.
Ý tưởng chính trong tác phẩm này, như Deaton chỉ ra, là nếp suy nghĩ rằng có thu nhập cao hơn sẽ mang tới sức khỏe tốt hơn, rằng xã hội thịnh vượng, giàu có hơn sẽ tự động mang lại tiến bộ nhân văn tốt hơn, chẳng hạn như một xã hội bình đẳng hơn, biết chia sẻ hơn, là một nếp suy nghĩ còn quá thô sơ.
Lối suy nghĩ này đã đưa tới một loạt chính sách phát triển gây lãng phí, và nhiều khi làm tổn thương con người và xã hội.Theo tác giả, chính tình trạng sức khỏe là yếu tố đầu tiên tạo ra sự khác biệt giữa các cá nhân về tuổi thọ, trí tuệ và khả năng làm việc, và dẫn tới sự thành công khác nhau ở mỗi cá nhân. Có rất nhiều nguyên nhân chi phối sức khỏe cá nhân, như nguồn gốc gia đình, thu nhập, tri thức, yếu tố bẩm sinh, và môi trường xã hội (yếu tố thể chế).
Điều này dẫn tới sự khác nhau (bất bình đẳng) ngày càng xa giữa con người. Sự thiết lập xã hội (thể chế) có thể nhằm duy trì sự bất bình đẳng tiếp diễn và liên tục được tái tạo, hoặc làm mềm khuynh hướng này, và qua đó tác động đến sức khỏe của mỗi cá nhân trong cộng đồng đó. Đến lượt nó, bất lợi sức khỏe của cá nhân sẽ giam hãm những người thiệt thòi hơn, kém dinh dưỡng hơn, ít tri thức hơn, trong một địa vị thấp kém hơn, được hưởng ít quyền lợi kinh tế- xã hội hơn và có một cuộc sống ngắn ngủi hơn.
Còn những người có lợi thế và may mắn hơn, tiếp tục được duy trì các đặc quyền trên tầng lớp cao hơn của xã hội. Một xã hội giàu có hơn, như Deaton chỉ ra, không nhất thiết mang lại phúc lợi đồng đều cho các thành viên của mình, và do đó, hố sâu ngăn cách giữa họ sẽ tăng lên nhanh chóng, và kết cục là xét về tổng thể, không nhất định bảo đảm sức khỏe bình quân của toàn xã hội được cải thiện.
Vì vậy, tăng trưởng kinh tế về lâu dài có thể không được duy trì. Chính những phát minh và khám phá mới trong khoa học và y tế đã giúp lan tỏa hiểu biết của con người về dinh dưỡng và điều trị bệnh tật, giúp thúc đẩy các xã hội tiên tiến cải thiện sức khỏe cho người dân của mình, và từ đó lan tỏa ra toàn nhân loại. Đây chính là cuộc Đào thoát Vĩ đại mà con người đã làm được trong hơn hai thế kỷ quá: thoát khỏi bệnh tật, yếu ớt, chết sớm và nhờ đó thoát khỏi đói nghèo.
Mỗi chương của cuốn sách này tập trung vào một chủ đề tương đối độc lập, và đem lại cho độc giả nhiều tri thức mới, đầy thú vị, qua mỗi trang sách. Chúng dẫn ta trở về thời nguyên thủy khi loài người còn săn bắt hái lượm. Vì khả năng bảo quản thức ăn kém nên con người phải chia sẻ toàn bộ thức ăn cho nhau, do dó họ có một xã hội khá quân bình và sức khỏe đồng đều. Rồi tác giả dẫn chúng ta tới xã hội nông nghiệp, một phát kiến lớn lao của nhân loại, nhưng cùng với nó là khả năng tích trữ lương thảo, vở bi kịch đầu tiên về sự bất bình đẳng giữa con người được trình diễn trên một sân khấu vĩ đại.
Tác giả cũng dẫn chúng ta hành trình qua đất nước Ấn Độ nghèo đói, đất nước Trung Quốc đang nỗ lực vươn lên, và nước Mỹ giàu có nhưng hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng mở rộng.
Một ví dụ sinh động và gây ấn tượng mạnh, về cách mà bất bình đẳng có thể kìm hãm tăng trưởng như thế nào, được tác giả phân tích trong trường hợp Ấn Độ. Đó là sự bất bình đẳng nam nữ ở phía Bắc Ấn Độ đã kìm hãm chiều cao của người phụ nữ, do họ được đầu tư về dinh dưỡng kém hơn nhiều so nam giới. Nhưng chính những người phụ nữ đó lại trở thành những người mẹ trong tương lai, sinh ra cả bé trai lẫn gái. Vì thế, các thế hệ tiếp theo, bất kể nam hay nữ, ở Bắc Ấn Độ có thân hình ngày càng nhỏ hơn so với người Nam Ấn Độ, nơi nam-nữ bình đẳng hơn nhiều, và chiều cao của họ cùng được cải thiện theo thời gian.
Bởi vì mối quan hệ giữa sự thịnh vượng và bất bình đẳng kết nối với nhau qua mối liên hệ chí tử là tương quan sức khỏe của các cá nhân trong cộng đồng, thể chế trở nên một nhân tố đặc biệt quan trọng. Độc giả sẽ tìm thấy cây cầu thú vị nối cuốn sách này với tác phẩm “Vì sao các quốc gia thất bại” của hai kinh tế gia hàng đầu Daron Acemoglu và James Robinson .
Một lần nữa, thể chế giải thích vì sao, một quốc gia lại như chính nó đang là: hoặc là cùng một lúc đạt được thịnh vượng và công bằng dưới nền dân chủ, hoặc là cùng một lúc cùng quẫn trong đói nghèo và chật vật trong hố sâu phân biệt giàu-nghèo, dưới một chính quyền độc tài tham lam.
Từ đây, tác giả đi tới chương cuối cùng liên quan đến chủ đề viện trợ kinh tế. Ông cho rằng các khoản viện trợ từ các nước giàu có thực ra đa phần làm các nước nghèo tiếp tục bị giam cầm trong cùng quẫn.
Lý do là vì các nước nghèo vốn đã có một thể chế kém, một sự phân phối bất minh và lệch lạc về nguồn lực giữa các thành viên xã hội, nên khi có thêm các khoản viện trợ, các chính phủ cai trị có thêm nguồn lực để duy trì tình trạng hiện thời. Nếu không có các khoản viện trợ này, thì chính phủ phải thỏa hiệp nhiều hơn với người dân để có nguồn lực, và do đó, sẽ phải chấp nhận nhiều cải cách thể chế có lợi hơn cho người dân.
Tuy nhiên, Deaton không phủ nhận toàn bộ các nỗ lực viện trợ từ các nước giàu đến các nước nghèo. Ông cho rằng, nếu các nước giàu hỗ trợ trực tiếp để cải thiện sức khỏe người dân, đặc biệt ở những tầng lớp yếu đuối, thiệt thòi nhất, sẽ giúp giảm bất bình đẳng xã hội, giúp đất nước đó có tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội tốt hơn.
Hình ảnh quan trọng mà Deaton sử dụng trong suốt cuốn sách, về sự Đào thoát khỏi ngục tù của đói nghèo và yếu ớt, một lần nữa được lặp lại. Đó là những người đã thoát khỏi nhà ngục, luôn muốn quay lại cứu những người còn đang bị giam cầm. Nhưng cuộc Đào thoát chỉ có thể thực hiện được khi chính kẻ bị giam cầm mong muốn được thoát ra. Người đã tư do có thể tuồn cho tù nhân một miếng bánh, nhưng là để ăn mà lấy sức trèo tường ra, chứ không phải là ngồi ăn cho qua cơn đói mỗi ngày và thỏa mãn với miếng bánh miễn phí từ người bạn tốt bụng.
Tiếc thay, trong nhiều thập niên, rất ít quốc gia có thể dùng miếng bánh cứu trợ để lấy sức thoát ra khỏi đói nghèo.
Trạm Đọc - Read Station
Theo Tia Sáng