Không ngờ lại có nhiều người đang phải sống đau đớn, tuyệt vọng trong định kiến của xã hội, trong sự thờ ơ của những người thân yêu nhất, và trong sự chối bỏ của cả chính bản thân mình đến thế.
Từ đâu lại có những định kiến, sự thờ ơ và chối bỏ như vậy? Nó đến từ sự thiếu hiểu biết chung về căn bệnh trầm cảm, mọi người nghĩ rằng đấy là một trạng thái buồn bã chán nản ai cũng có và rồi nó sẽ qua đi, chỉ cần người ta cố gắng tí chút. Cho nên từ “trầm cảm” mới được dùng khá thoải mái trong cuộc sống thường ngày.
Ta hay bắt gặp những lời than thở kiểu như: “Ôi thứ bảy mà trời lại mưa không đi phố cà phê được, trầm cảm quá đi”. Thậm chí, những người trẻ trêu cợt nhau trên mạng: “Đừng vui quá! Trầm cảm lên!”.
Mười hai câu chuyện được kể trong cuốn sách là những điển hình cho ta một hình dung cơ bản về thế giới của những người trầm cảm. Thế giới dữ dội và khốc liệt ấy có thanh niên, người già; có đàn ông, phụ nữ; có người hoàn cảnh kinh kế khó khăn và người dư giả điều kiện; nhiều người mang tuổi thơ ác mộng nhưng có người cuộc sống ấm êm, nhưng điểm chung giữa họ có lẽ là sự cô độc.
Thế giới ấy cũng cho ta biết việc chăm sóc sức khỏe tinh thần đang bị xã hội coi nhẹ thế nào và nếu không được hỗ trợ, căn bệnh tinh thần này có thể “lây lan” từ đời này qua đời khác hay từ người bị trầm cảm sang người chăm sóc họ.
Tôi bị ám ảnh với câu chuyện của Xuân Thủy, 41 tuổi, một người có nền tảng đào tạo tốt và hành nghề luật sư, nhưng trong 17 năm anh nhảy việc tới 20 lần khỏi những vị trí tốt mà không hiểu nổi tại sao lại thế.
Cứ mỗi khi mọi chuyện yên ổn, anh lại cảm thấy phát điên. Anh thấy sự yên ổn đó là phi lý. Xuân Thủy trải qua tuổi thơ trong một gia đình nát bấy, bất an, bị xâm hại tình dục và giờ đây anh hình dung mình như một con sâu róm quằn quại trong lửa.
Xuân Thủy muốn chết mà không thể, sự nghiệp bấp bênh, cuộc hôn nhân của anh đi vào bế tắc, nhưng anh lại chối bỏ việc mình mắc bệnh trầm cảm:
“Không, mình không thể bị cái bệnh đó, nó không liên quan gì tới mình. Nó là cái thứ mà chỉ những người kém cỏi, thô thiển, thường xuyên khóc lóc vật vã, mới bị. Mình lịch lãm, sạch sẽ, đẹp đẽ, ăn nói gẫy gọn, IQ, EQ sáng láng, mình không bị trầm cảm được".
Câu chuyện của Uyên và Hiển, 21 tuổi, cũng gây sốc. Với tuổi thơ chứng kiến cảnh bố thường xuyên đánh mẹ, Uyên lớn lên với một thương tổn tinh thần sâu sắc. Năm Uyên học lớp 11 những dấu hiệu đầu tiên của rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD) xuất hiện (và bị nhầm tưởng là trầm cảm), khiến cô co rút cả thể xác lẫn tinh thần và chỉ muốn chết.
Nhưng bố mẹ cô chưa khi nào thừa nhận sự tồn tại của căn bệnh đó, họ cho rằng cô làm trò, rằng bây giờ họ không đánh nhau nữa nên không có lý gì cô lại đau khổ.
Hiển là bạn trai của Uyên, cả hai hẹn hò nhau qua mạng. Trước khi tiến tới, Uyên đã cảnh báo trước về căn bệnh của mình và có lẽ Hiển nghĩ mình sẽ giúp được gì đó. Bảy tháng sau khi quen và sống riêng cùng Uyên, Hiển trở nên trầm cảm. Cậu tự sát hụt.
Bảng so sánh mức độ khuyết tật của một số bệnh tâm thần và một số bệnh vật lý khác do Đại học Eramus, Hà Lan thực hiện, khiến chúng ta có thể sẽ ngỡ ngàng.
“Trầm cảm nhẹ - tương đương với viêm khớp hông hay đầu gối; rối loạn lo âu nhẹ tới vừa - tương đương với nứt đốt sống, HIV; trầm cảm vừa - tương đương với hen suyễn nặng, viêm gan B, bệnh điếc, đa xơ cứng (rối loạn não bộ và tủy sống); rối loạn căng thẳng hậu sang chấn mức nặng - tương đương với liệt chi dưới, viêm phế quản kinh niên nặng, tổn thương thành phế nang phổi”.
Chỉ một vết đứt tay hơi sâu ta đã thấy nhức nhối đến thế nào, vậy mà trầm cảm nhẹ đã tương đương với viêm khớp hông hay đầu gối! Nhưng đa số mọi người không biết điều này, như gia đình của Thùy Dương xoắn xuýt chăm sóc khi cô bị sốt, nhưng lại thờ ơ với tâm bệnh của cô.
Dù sẽ rất gian nan, trầm cảm có thể điều trị. Trong các câu chuyện được kể, Thanh, Hằng và Thùy Dương đã có những bước tiến tới trên hành trình chữa lành của mình.
Nếu quan sát tất cả nhân vật của cuốn sách, ta sẽ nhận thấy họ đều có tri thức, họ biết tự vấn bản thân, họ biết đọc sách báo để tìm hiểu về trạng thái của mình, và đấy là cơ may cho việc chữa lành.
Nhưng điều này có nghĩa là rất nhiều người khác vì thiếu kiến thức và các điều kiện liên quan, đã có thể bị phá hủy nặng nề mà không biết tại sao.
Không chỉ có các câu chuyện, phần sau của cuốn sách trình bày các vấn đề chuyên môn về bệnh trầm cảm, giới thiệu các nguyên nhân của bệnh và một số phương pháp quan trọng đang được áp dụng trên thế giới để hỗ trợ thông tin cho chính người trầm cảm và người chăm sóc họ.
Trong điều kiện nhận thức về bệnh và hạ tầng chăm sóc những bệnh tinh thần còn hạn chế, cuốn sách có giá trị như một tài liệu giáo dục tâm lý mang đến những hiểu biết khoa học hữu ích.
Có thể nói trong các dự án sách từ trước tới nay, Đặng Hoàng Giang luôn theo đuổi vấn đề lòng thấu cảm. Cuốn sách Đại dương đen lần này cũng vậy. Trầm cảm là một căn bệnh cần được chữa trị, và trầm cảm có chu kỳ, nhưng người mắc bệnh hay bị đồng nhất căn bệnh là tất cả con người họ, họ bị gạt ra ngoài lề, bị tước mất phẩm giá, không thể sống hạnh phúc, không được cống hiến như họ mong đợi.
Cuốn sách là một tiếng nói sẻ chia hiếm hoi với thế giới của người trầm cảm, đồng thời là lời kêu gọi xóa bỏ định kiến xã hội, để những con người ấy có cơ hội được sống hạnh phúc với trọn vẹn nhân phẩm của mình.