Người theo đuổi tiếng đàn - tác phẩm hay nhất của nhà văn Đài Loan (Trung Quốc) Quách Cường Sinh
Người theo đuổi tiếng đàn - tác phẩm hay nhất của nhà văn Đài Loan (Trung Quốc) Quách Cường Sinh
Đây cũng là một trong những tiểu thuyết xuất sắc hiếm có của văn học Đài Loan.

Cuốn tiểu thuyết kể về câu chuyện của âm thanh và tình cảm, cây cầu kết nối giữa hai yếu tố này là tiếng đàn. Nhân vật chính là một người lên dây đàn dương cầm chuyên nghiệp, anh có nhạc cảm và âm chuẩn tuyệt vời, có khả năng phân biệt điểm đặc sắc của từng cây đàn dương cầm, sự thay đổi của nó trong mỗi hoàn cảnh khác nhau, và quan trọng hơn là anh có thể phân biệt được khiếm khuyết trong tiếng đàn. Cũng vọng, văn, vấn, thiết (nhìn, nghe, hỏi, mổ xẻ) giống như bác sĩ, nhạc sư nghe âm thanh, phân biệt âm sắc để bắt bệnh kê đơn.

Nhưng người lên dây đàn cũng hiểu một điều, âm thanh hay dở là một chuyện, còn tiêu chuẩn “hoàn mỹ” lại tùy thuộc vào gu thẩm nhạc của từng người. Người chơi đàn sử dụng kĩ xảo ra sao, trút bầu tình cảm vào tiếng đàn như thế nào mới là yếu tố then chốt quyết định bài diễn tấu thành công hay thất bại, mà khi người lên dây tự tay làm tiếng đàn chệch nhịp thì phải chăng họ đã có tiếng đàn lý tưởng nhất trong lòng? Phải chăng họ đã có bản nhạc mà mình muốn diễn tấu nhất?

Quách Cường Sinh đã sáng tác nhiều năm, các câu chuyện tình yêu dưới ngòi bút của ông rất diễm lệ và lãng mạn, vài năm gần đây, những áng tản văn ký ức gia đình, suy ngẫm thức tỉnh về sinh lão bệnh tử mà ông viết cũng vô cùng lay động lòng người. Tuy nhiên Người theo đuổi tiếng đàn thể hiện một tiếng nói còn phức tạp hơn, cũng hàm súc hơn, lúc thì quẩn quanh giãi bày, thậm chí thì thầm tự nói với mình, lúc thì lần tìm quá khứ, mà đã bắt đầu là không thể dừng lại, lúc thì ngập ngừng muốn nói lại thôi, vạn lời cất giấu trong lòng.

Tiểu thuyết "Người theo đuổi tiếng đàn" cỉa nhà văn Quách Cường Sinh

Lời tự sự chủ yếu (trong cuốn tiểu thuyết) là của người lên dây đàn dương cầm, nhưng hồ như chúng ta còn nghe thấy tiếng lòng đầy dồn nén, uẩn khúc, già nua của những nhân vật khác bủa vây mịt mùng trong tác phẩm. Tất cả chúng giao thoa, đan cài vào nhau, kết thành một tấm lưới nhân sinh nhiều âm thanh. Mà sự trầm bổng du dương của âm thanh, một cây đàn duy nhất, một tấm tình duy nhất, là “vấn”.

Ít nhất chúng ta có thể xem xét hàm ý của Người theo đuổi tiếng đàn từ ba phương diện. Người lên dây đàn dương cầm là một người đàn ông tuổi ngoại tứ tuần, dung mạo không lấy làm nổi bật, sự nghiệp thì làng nhàng. Vì công việc phối âm nên anh mới bước vào cuộc sống của một nữ nghệ sĩ dương cầm, sau đó lại bởi nữ nghệ sĩ dương cầm nọ đột ngột qua đời nên anh mới có cơ hội tiếp cận với người chồng của cô.

Từ đó, người lên dây đàn dương cầm hiểu được những góc khuất quanh co không dám để người đời chứng kiến được che giấu dưới lớp vỏ bọc là tiếng đàn thanh thoát: mối tình hoàng hôn giữa chồng già vợ trẻ từng trải qua khảo nghiệm tình cảm thương hải tang điền, và cả những khao khát, buồn thương bất tận.

Khi quá khứ của người đã khuất dần dần hiện rõ những mặt không ngờ tới, khi tâm sự của người còn sống không đơn thuần như tưởng tượng, thì người lên dây đàn dương cầm lạc vào mê lộ. Hóa ra vây quanh cây đàn Steinway hay Bösendorfer là rất nhiều âm thanh không phải tiếng đàn.

Nhà văn Quách Cường Sinh

Còn câu chuyện của bản thân người lên dây đàn dương cầm thì sao? Đây chính là điểm dụng tâm trong nghệ thuật kể chuyện của Quách Cường Sinh. Người lên dây đàn dương cầm xuất hiện trước mặt khách hàng với tâm thế của một kẻ thất bại, thoạt trông không hề có chí hướng, tham vọng, cũng chẳng được ai coi trọng, vậy anh thực sự là người không có hoài bão ư?

Anh từng là một thiên tài âm nhạc, chỉ có điều anh đã lỡ mất thời cơ định mệnh. Cô giáo luôn tán thưởng anh khi anh còn nhỏ, nghệ sĩ đàn dương cầm trẻ tuổi mà anh từng ngưỡng mộ, nữ nghệ sĩ dương cầm mà anh từng phục vụ, tất cả họ đều không thể phát hiện ra góc khuất ẩn nấp sau tài hoa của anh. Đó là áp lực xuất thân và bối cảnh giai cấp mà anh phải chịu đựng, là dẫn dắt của giới tính và tình dục, là những nhân tố ngẫu nhiên và tính cách mà bản thân anh không thể kiểm soát.

Các nhân vật trong câu chuyện tiếp xúc với nhau do sự hấp dẫn của tiếng đàn, từ đó tiến triển thành những bước ngoặt ngoài ý muốn. Đọc xong tác phẩm, ta mới chợt nhận ra Người theo đuổi tiếng đàn là cuốn tiểu thuyết bi thương đến vậy. Mỗi nhân vật, thậm chí ngay cả cô giáo năm đó phát hiện ra tài năng của anh, thực ra đều phải đối mặt với những lựa chọn tình cảm đầy bất lực, lựa chọn chân tình hay lừa dối, lựa chọn ngoại tình hay công khai xu hướng tính dục, lựa chọn lãng mạn hay hiện thực...

Còn về bản thân người lên dây đàn dương cầm, bởi trải nghiệm “bài học tình yêu” thất bại thảm hại khi còn quá trẻ mà phải chịu số phận phí hoài cả cuộc đời. Ngòi bút thương tâm của Quách Cường Sinh không dừng lại ở đó. Ông còn viết về các nhà soạn nhạc, từ Schubert đến Liszt, và Rachmaninoff; viết về các nghệ sĩ dương cầm, từ Richter đến Gould, đến Fuzjko, khúc ca vừa dứt thì người cũng tan tác, ai chẳng có một câu chuyện khiến mình thấy nuối tiếc, thậm chí suy sụp.

Đây chính là tầng nghĩa thứ hai đưa chúng ta đến với Người theo đuổi tiếng đàn. Mối quan hệ giữa “tình” và “đàn” dưới ngòi bút của Quách Cường Sinh không chỉ mang tính ẩn dụ, mà còn trực tiếp chỉ ra cuộc đối thoại giữa “tình” và “vật” trong cuộc sống của bạn, của tôi.

Cái được gọi là “tình” ở đây không chỉ là các cung bậc tình cảm như tham, sân, si, oán, mà còn là chữ tình trong tình hình, tình cảnh. Cái được gọi là “vật” ở đây không chỉ là các tồn tại hiện thực khách quan, mà còn là tổng hòa quy luật vận động của khát vọng sống. Sự vận hành tương tác lẫn nhau giữa tình và vật hình thành nên diện mạo hư thực.

Nghệ sĩ dương cầm trước tiên phải coi cây đàn dương cầm là vật có tình thì mới tìm được sự đáp lại và cộng hưởng. Mà người lên dây phải bắt đầu từ một cây đàn dương cầm đã mất âm chuẩn, “vật” và thanh sắc của nó cuối cùng đã được khôi phục đoạn cadenza (là đoạn nhạc được độc tấu ở cuối mỗi phần trong một bản công-xec-tô, đây là đoạn nhạc thể hiện được kĩ xảo, kĩ thuật do người biểu diễn ứng tác hoặc do tác giả viết) nồng nàn và sâu kín. Thực ra anh không chỉ chỉnh dây, mà chính xác hơn thì anh đã chỉnh lại cả cây đàn. Nhưng muốn đạt đến trình độ âm luật hài hòa tuyệt đối như Pythagoras (Pythagoras không chỉ là nhà triết học, nhà toán học nổi tiếng, mà ông còn là nhà lý luận âm nhạc tài ba) thì đâu phải chuyện dễ!

Và giờ chúng ta đến phần trung tâm của tác phẩm. Thời niên thiếu ngây ngô, vì được cô giáo tán thưởng nên người lên dây đàn dương cầm có cơ hội gặp gỡ và học hỏi một nghệ sĩ dương cầm trẻ tuổi mới từ nước ngoài trở về. Nghệ sĩ dương cầm trẻ tuổi nọ rất tài hoa, phong nhã, anh nói với cậu thiếu niên rằng, mỗi người từ khi sinh ra đều có một phương thức cộng hưởng riêng, có người tìm thấy sự cộng hưởng trong âm nhạc, có người lại tìm thấy sự cộng hưởng trong lời ca, cũng có người may mắn hơn tìm thấy sự cộng hưởng chấn động đủ sức đánh thức cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Loại chấn động đó, chúng ta gọi là lòng tin hoặc tình yêu.

Những lời tâm tình của nghệ sĩ dương cầm trẻ tuổi khiến cậu thiếu niên si mê, cậu nào biết sự chỉ dẫn đó là lời tận tâm can, là chỉ lệnh khó khăn nhất, thậm chí là một lời nguyền.

Nghệ sĩ dương cầm trẻ đã phải lấy thân thể chứng minh cho tiếng lòng mình. Đến cuối cùng anh vẫn không thể vươn tới đỉnh cao sự nghiệp, ngược lại còn bị cầm tù trong tình yêu không sắc dục, rồi mắc bệnh qua đời.

Còn cậu thiếu niên, vì không có được tình yêu dù vừa chớm nở nhưng lại sâu nặng với nghệ sĩ dương cầm nên từ đó rơi vào cõi luân hồi của mối tình chết yểu, không còn chuyên tâm với cây đàn. Nghệ sĩ dương cầm trẻ tuổi và cậu thanh niên buộc phải dùng phương thức khó khăn ấy mới hiểu rằng thực ra trở thành nghệ sĩ dương cầm hay không chẳng hề quan trọng. Cho dù chinh phục được cây đàn, chinh phục được người yêu nhạc mà không thể thuần phục được thể xác và linh hồn chính mình thì cũng hoài công vô ích.

“Hỏi thế gian, tình là gì mà khiến người ta thề nguyền sống chết?” Dưới ngòi bút của Quách Cường Sinh, lời thở than xưa cũ mang một ngụ ý mới. Mà Người theo đuổi tiếng đàn không chỉ dừng lại ở lời than thở vĩnh hằng ấy, nó còn mang đến cho tiểu thuyết một tầng ý nghĩa khiến người ta bất ngờ nhất.

Sau khi nữ nghệ sĩ dương cầm – người đã thuê anh lên dây đàn – qua đời, công việc lên dây đàn của anh cũng ngừng lại, nhưng lúc ấy chồng của nữ nghệ sĩ dương cầm lại xuất hiện, nối tiếp mối quan hệ lẽ ra đã chấm dứt. Người chồng là một doanh nhân, hoàn toàn là kẻ ngoại đạo, nhưng vì muốn giữ lại người lên dây đàn dương cầm ở bên mình nên đã đồng ý hợp tác mở rộng phạm vi kinh doanh sang buôn bán đàn cũ. Vì yêu đàn nên người lên dây đàn đã theo chồng nữ nghệ sĩ dương cầm đến New York tìm mua đàn cũ, và tại New York, kiếp trước kiếp này của mỗi nhân vật đã xoắn bện lại với nhau.

Sự xếp đặt việc mua bán đàn cũ khiến Người theo đuổi tiếng đàn có một kết cục khiến ta phải suy nghĩ thật sâu và thật lâu. Đây chỉ là một cuộc giao dịch trên thương trường chăng? Hay là logic yêu đồ vật của người mình yêu, kiểu “yêu nhau yêu cả đường đi lối về”? Cũng có thể là xuất phát từ việc cân nhắc thủ pháp nghệ thuật tả vật ngụ tình, nhìn đàn cũ khó quên tình cũ? Hay còn lý do nào khác?

Người lên dây đàn không thể không nghi hoặc. Nhìn lại con đường mình vừa đi, anh cảm thán về khoảng cách thời gian giống nhau không ngừng lặp đi lặp lại như một vòng tròn luân hồi: “Một đứa trẻ bảy tuổi và cô giáo Khâu hai mươi tư tuổi; một thiếu niên mười bảy tuổi và một nghệ sĩ dương cầm ba mươi tư tuổi; một người đàn ông trung niên bốn mươi ba tuổi và ông Lâm sáu mươi tuổi.”

Định mệnh ấy đúng là chẳng ai có thể lường trước được! Âm nhạc là nghệ thuật của thời gian, là câu ngâm vịnh về mất mát và cái chết. Nhưng liệu có khả năng xoay chuyển không? Liệu có thể thử gắn kết lại? Hay đó chỉ là sự khởi đầu lần nữa của vòng tròn lặp lại vĩnh cửu (còn gọi là vĩnh cửu luân hồi, quy hồi vĩnh cửu, vĩnh kiếp hồi quy, đây là một khái niệm cho rằng vũ trụ đã được lặp đi lặp lại và sẽ tiếp tục như vậy ở một dạng tương tự với chính nó với số lần vô hạn)?

“Phản” cao trào trong tiểu thuyết nằm ở mối quan hệ “hợp tác” mập mờ khó hiểu giữa người lên dây đàn và chồng của nữ nghệ sĩ dương cầm. Họ đến chợ bán buôn ở ngoại ô thành phố New York để mua đàn cũ, không ngờ phát hiện nơi đó chính là tòa nghĩa địa dành cho đàn cũ: không có cửa sổ, chỉ có mấy ngọn đèn âm u đủ chiếu sáng biển bụi bặm bay loạn giữa di hài những cây đàn cũ.

Hàng trăm cây đàn cũ đang đợi xử lý, có cây bị tháo hộp đàn, có cây thiếu bảng điều khiển âm thanh, có cây vẫn còn bọc trong giấy xốp, có cây mất nắp, có cây gãy chân, có cây không còn ruột, còn có cả từng bộ dây chất đống, những sợi dây đồng được lấy ra khỏi ruột đàn treo lủng lẳng trên tường giống như hệ thống dây thần kinh không còn máu thịt bảo vệ, chúng khe khẽ run rẩy...

Đối diện với nghĩa địa quy mô lớn dành cho đàn dương cầm, cảm giác của “tôi” lúc ấy không phải sợ hãi hay bi thương, mà là niềm hân hoan “hận gặp nhau quá muộn” giống chú cá voi cuối cùng tìm được hoang đảo, nơi tập trung bao đồng loại đang hấp hối của mình. Sự hoang phế của đàn, sự hoang phế của tình – Quách Cường Sinh đã phô bày một trong những cảnh tượng u buồn nhất trong văn học Hoa ngữ.

Ở các cuốn tiểu thuyết trước đây, Quách Cường Sinh thường nhấn mạnh về độ thuần khiết của tình yêu chỉ có một trên đời và nỗi đau tình tan đến cực điểm. Các tác phẩm Đứa con của đêm, Tuyệt tự, Người mơ hồ cố hương đều viết theo xu hướng này, truyện nào cũng không thể thoát ra nổi.

Còn trong phần vĩ thanh của Người theo đuổi tiếng đàn, tác giả hồ như đưa ra một ám thị hòa giải (hoặc giải thoát), điều đó khiến lời tự sự của ông như nâng thêm một bậc thành “mọi chuyện đều tốt đẹp”, ấy là sự trống rỗng sau khi đã trải qua nỗi đau to lớn. Ở phần kết của cuốn tiểu thuyết, người lên dây đàn đến thăm nơi ở cũ của nghệ sĩ dương cầm vĩ đại Richter, một nơi tĩnh mịch và cô đơn nhất thế gian. Nghĩ về tiếng đàn năm đó của Richter, thật đúng là “thử thời vô thanh thắng hữu thanh” (Một câu thơ trong Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị, dịch thơ: “Tiếng tơ lặng lẽ bây giờ càng hay.”). Tiểu thuyết của Quách Cường Sinh lần này hiện rõ dấu ấn của “tuổi tác”.

Năm 1986, Quách Cường Sinh xuất bản tiểu thuyết Làm bạn. Biết đến mùi vị u sầu ngay từ hồi còn trẻ, đó là tuyên ngôn chia tay thời thanh xuân của ông, cũng là dấu ấn của những ngày đầu gia nhập văn đàn. Suốt hơn ba mươi năm, ông vẫn mải miết đi tìm tri âm: “Chỉ tần số đó, chỉ tầng chấn động đó mới có thể đưa tôi đến vùng đất không những khiến tôi cảm thấy an toàn mà còn mang chút kỳ diệu của bi thương.” Có thể coi cây đàn này là hành trình truy

tìm ký ức, chỉ có điều khi đó bản thân ngơ ngẩn, bần thần. Bỗng quay đầu nhìn lại, Quách Cường Sinh đã viết ra Người theo đuổi tiếng đàn, mối duyên suốt nửa đời của ông.

Đọc thêm trích dẫn: Người theo đuổi tiếng đàn - Chương 1

Vương Đức Uy

 

Tags: