Người theo đuổi tiếng đàn - Chương 1
Người theo đuổi tiếng đàn - Chương 1
Mời các bạn đọc Chương 1 cuốn tiểu thuyết "Người theo đuổi tiếng đàn" được đánh giá xuất sắc hiếm có của văn học Đài Loan (Trung Quốc) của nhà văn Quách Cường Sinh.

Ban đầu, chúng ta chỉ có linh hồn, vẫn chưa có thể xác. Khi các vị thần muốn biến linh hồn thành thực thể thì linh hồn đều không muốn chui vào thể xác kia, cái thể xác sẽ bệnh, sẽ chết, hơn nữa không thể tự do di chuyển giữa các không gian và thời gian. Thế là các vị thần nghĩ ra một cách, đó là cho các thiên sứ bắt đầu diễn tấu các bản nhạc làm say mê lòng người.

Loại âm nhạc đó thực sự khiến các linh hồn đắm say và muốn nghe rõ hơn một chút. Nhưng biện pháp duy nhất để nghe rõ tiếng nhạc là phải đi qua một con đường, đó là đôi tai của con người. Nhờ vậy mà mẹo vặt của các thần đã thành công, linh hồn từ đó đã có thể xác.

Câu chuyện tiếp theo đây có lẽ nên bắt đầu từ việc đôi tai của ông Lâm nghe thấy tiếng nhạc của Rachmaninoff.

Tiếng đàn vọng ra từ phòng luyện đàn trên tầng hai.

Ông Lâm chưa từng nghe câu chuyện linh hồn vì đôi tai mà đánh mất tự do của mình. Trên thực tế, ông vừa trải qua một mất mát khác.

Vợ ông đã qua đời được ba tháng, khó khăn lắm ông mới có thể vực dậy tinh thần, chuẩn bị đi xử lý mấy lớp dạy đàn mà vợ ông mở khi còn sống.

Vì lớp dạy đàn này mà vợ ông bỏ ra biết bao tâm huyết, bởi vậy nó khá có tiếng tăm trong vùng, nhưng tại sao mãi đến lúc lâm chung cô vẫn chưa bàn giao lại? Có lẽ vì không nỡ đẩy gánh nặng tiếp tục kinh doanh lớp dạy đàn sang cho chồng, ông nghĩ vậy. Vợ ông biết trừ phi cô thật sự mở miệng nhờ vả, còn không, một người nghiệp dư trong việc thưởng thức âm nhạc như ông Lâm có lẽ sẽ nghiêng theo hướng dừng lại.

Phỏng đoán ấy khiến ông Lâm vơi bớt nỗi day dứt. Nói sao thì trước khi quen Emily, ông còn không phân biệt được đàn violin và đàn viola.

Ba tháng trôi qua, các lớp đàn đang hoạt động lần lượt đến kỳ hạn, giáo viên và các học viên đều nhận được thông báo không tiếp tục mở lớp.

Suốt ba tháng đó, ông chỉ đến lớp học đúng một lần. Tối đó, ông còn đặc biệt chọn thời điểm sau chín giờ tối, lúc lớp cuối cùng trong ngày sắp kết thúc, như vậy ông không cần đối diện với các giáo viên, đối diện với những chỉ trích hay trách cứ từ họ. Dẫu họ không nói thẳng trước mặt ông, thì ông vẫn sợ phải nhìn thấy sự né tránh của những người sắp bị chấm dứt hợp đồng, ông không muốn phải gượng gạo tiếp xúc với họ. Có lẽ đó mới là điều khiến ông khó lòng chịu đựng.

Cuộc hôn nhân đầu tiên của ông kéo dài sáu năm, cuối cùng kết thúc bằng tờ đơn ly hôn. Cuộc hôn nhân lần này còn ngắn ngủi hơn, chưa đầy bốn năm, ngắn ngủi đến mức Emily không kịp dạy ông Lâm trở thành một người yêu nhạc cổ điển thực thụ. Bệnh ung thư đến quá bất ngờ và dữ dội, chưa đến sáu tháng nó đã mang vợ ông đi.

Ông hơn vợ tròn hai mươi tuổi, năm đó khi bước vào ngưỡng cửa hôn nhân lần nữa, ông suy nghĩ, đắn đo rất lâu, ông chỉ sợ một ngày nào đó mình trở thành gánh nặng của người vợ trẻ, chẳng ngờ cuối cùng lại có kết cục thế này.

Cánh cửa phòng dạy đàn khép hờ, âm thanh uyển chuyển vang lên rõ mồn một giữa đêm khuya thanh vắng.

Nhiều lần bị Emily kéo đến các buổi hòa nhạc, trong đó có cả những buổi biểu diễn độc tấu của bản thân Emily, nhưng chẳng có mấy bản nhạc khiến ông Lâm vừa nghe là nhận ra. Tiếng đàn dương cầm vọng ra từ tầng hai khiến ông giật mình, dừng cuộc đối thoại với chủ nhiệm lớp, bất giác ngẩng đầu hướng về phía phát ra tiếng nhạc.

Đây là bài Vocalise của Rachmaninoff.

Ông từng nghe bản nhạc này cách đây rất lâu, là bản do Emily kéo violin.

Đó là đêm trước kỷ niệm một năm ngày cưới, ông chuẩn bị cho vợ một món quà bất ngờ, không phải hột xoàn, đá quý, cũng không phải túi xách hàng hiệu, mà là một buổi biểu diễn độc tấu do ông tài trợ. Lúc ấy, cô vô cùng sung sướng, muốn ông ngồi trong phòng khách nhà mình làm khán giả duy nhất của cô, rồi lần lượt diễn tấu từng bài, từng bài như trong dự định. Ông không có cảm nghĩ hoặc ý kiến gì đặc biệt, chỉ khi tấu đến bài này của Rachmaninoff, tiếng đàn lọt vào tai ông lại vô cùng rõ ràng, chẳng biết có phải bởi nó khiến ông nhớ đến người mẹ quá cố của mình hay không, lúc ấy ông bất giác thốt lên: “Sao lại buồn đến thế?”

Quả nhiên Emily tinh tế chuyển ngay sang bài khác, nhưng không hiểu sao từ lúc đó trở đi, giai điệu bài hát cứ khảm vào trí óc ông, hoặc nó trở thành một thứ giống như dị nguyên (chất gây dị ứng), ông có cảm giác thỉnh thoảng lại nghe thấy, từ tiếng ngân nga của giọng nữ cao đến khúc diễn tấu của đàn cello, từ quảng cáo xe ô tô đến nhạc nền phim, khúc nhạc hồ như không ngừng biến chuyển thành nhiều loại hình thể khác nhau, cứ quấn quýt mãi bên ông.

Nhưng tối nay, khi nghe bản dương cầm của khúc nhạc này trong căn phòng trống trải, chẳng rõ vì sao không làm ông cảm thấy nặng nề, mà có cảm giác chống chếnh.

“Sao lại có người đàn vào giờ này?” Ông hỏi chủ nhiệm lớp.

Ngay từ khi ông Lâm bước vào cửa, người phụ nữ có dáng người béo lùn đã cố gắng ép ra chút sầu muộn trên khuôn mặt tròn trịa mang vẻ hớn hở bẩm sinh, cuối cùng câu hỏi xen ngang này cũng giúp bà có cảm giác được giải thoát.

“Ồ, đó là người lên dây đàn dương cầm cho chúng tôi.”

“Bà chưa thông báo với cậu ta từ sau không cần đến nữa sao?”

“Có chứ, nhưng cậu ta nói trước khi những cây đàn này bị chuyển đi, cậu ta vẫn có nghĩa vụ đến đây giúp đỡ.”

Ông Lâm không nói gì, chỉ khẽ nhíu mày.

Trời ạ, vẫn còn mấy cây đàn, biết xử lý thế nào đây...

Chủ nhiệm lớp nói tiếp: “Cậu lên dây đàn dương cầm này cũng biết đàn, nhưng hỏi cậu ta có muốn đứng lớp không thì cậu ta lại bảo không muốn, nên thỉnh thoảng chúng tôi để cậu ta sử dụng miễn phí phòng tập đàn.”

“Phí lên dây tính thế nào?”

“Một ngàn năm trăm tệ mỗi tiếng.”

Thật ít ỏi so với thu nhập của giáo viên dạy đàn! Ông Lâm là người làm kinh doanh nên phản ứng bản năng của ông là so sánh mức thu nhập của hai bên.

Không có cây đàn riêng, cũng không muốn dạy đàn, lại tình nguyện làm thợ điều chỉnh dây đàn, ông Lâm thấy có điểm không hợp lý cho lắm.

“Đàn cũng không tệ mà...”

Hoàn toàn xuất phát từ phán đoán trực giác mà thôi, dẫu sao cũng trên địa bàn nhà mình, cho dù ông có nói sai cũng chẳng phải chịu trách nhiệm vì lỡ lời.

“Cô giáo Trần cũng nói vậy đấy!”

Ở đây, Emily luôn luôn là cô giáo Trần. Từ đầu chí cuối, ông luôn là người đàn ông đứng sau cô giáo Trần, người đàn ông gần giống như người cha. Nhân viên gọi ông là Lâm tiên sinh, còn gọi Emily là cô giáo Trần, như thể họ chưa xác định được chắc chắn mối quan hệ giữa hai vợ chồng ông Lâm.

Ông chầm chậm bước lên cầu thang theo hướng phát ra tiếng đàn.

Quả thực là không giống so với những bản phối khác trong ấn tượng của ông, nó mềm mại, đẹp đẽ như trong cõi mộng, giống như ký ức bị đánh thức sau bao năm vật đổi sao dời.

Giai điệu này sớm muộn cũng sẽ biến mất khỏi cuộc sống của mình thôi...

Đứng ở đầu cầu thang, nhìn phía phòng luyện đàn duy nhất còn sáng đèn, phía sau cánh cửa khép hờ, bóng lưng thẳng tắp trước cây đàn là của người đàn ông đội mũ lưỡi trai.

Ông Lâm lập tức nhận ra cây đàn Bösendorfer kiểu đứng.

Chuyên ngành chính của Emily là violin, cho nên hiếm khi cô tập trung tinh thần ngồi trước đàn dương cầm, cuối cùng cây đàn Steinway trong nhà lại thường xuyên được sử dụng để hòa tấu mỗi khi cô luyện đàn.

Cô học đàn dương cầm từ nhỏ, lên trung học thì học song song văn hóa và đàn dương cầm, ông Lâm từng hỏi cô vì sao sau này lại chuyển sang học violin, cô nửa đùa nửa thật nói ra lý do thế này: Có lẽ cả đời cô không có hy vọng trở thành nghệ sĩ diễn tấu dương cầm, nhưng nếu trở thành tay kéo đàn violin thì biết đâu lại thi được vào đoàn giao hưởng nào đó mà kiếm miếng cơm.

Ông Lâm không muốn truy hỏi, chỉ thầm đoán lúc đó có lẽ cô từng muốn ở lại nước ngoài. Lúc ở nước ngoài, có thể cô đã có bạn trai người ngoại quốc, năm ấy Emily đã ba mươi sáu tuổi, chắc bản thân cô cũng hiểu rõ nếu không chịu lấy chồng thì tương lai sẽ càng mờ mịt.

Sau đám cưới, ông mua cây đàn Steinway mới toanh cho Emily, cây đàn Bösendorfer mà cô vẫn luôn dùng từ nhỏ đến trước khi kết hôn giờ được chuyển tới căn phòng này. Năm đó, bạn bè đến nhà nhìn thấy cây đàn mới, ai cũng khen ông yêu vợ đến nỗi vung tiền không tiếc tay.

Đương nhiên là thâm tâm ông vẫn hơi tiếc tiền, bởi dẫu sao ông cũng là người làm ăn đi lên từ hai bàn tay trắng, gặp thời vận những năm kinh tế vô cùng thuận lợi, chẳng ngờ bán ghế nhựa lại giúp ông tạo ra vương quốc xuất khẩu nước ngoài của riêng mình. Những doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ ở thế hệ ông đều vươn lên như vậy, bán các loại đồ dân dụng, các thiết bị điện tử, nhưng không thể chế tạo nổi ô tô hoặc đàn piano xuất khẩu ra nước ngoài.

Cây đàn dương cầm được lên dây, bảo dưỡng hợp lý nên không có vấn đề về tuổi đời, âm sắc sau năm mươi năm của nó vẫn hoàn hảo y như lúc mới xuất xưởng, thậm chí còn tuyệt vời hơn. Nếu nó được những ngón tay ma thuật vừa mạnh mẽ vừa linh hoạt của một thanh niên diễn tấu thì những nốt nhạc tuôn chảy từ cây đàn Bösendorfer này sẽ thanh khiết như một viên lưu ly, đột nhiên ông có cảm giác muốn bật cười thành tiếng.

Cây đàn Steinway vốn phải được bảo quản trong môi trường nhiệt độ lý tưởng là 20 độ C và độ ẩm lý tưởng là 42%, nhưng hơn nửa năm qua, sự chăm sóc lơ là đã khiến cho cây đàn trở thành hoang phế.

Cây đàn cũ lẽ ra bị bỏ bê nhưng lại nhận được sự bảo dưỡng tận tâm ở đây, trong khi cây đàn Steinway ở phòng khách thì bụi phủ thành lớp dày trên nắp đàn; các phím và dây đàn chắc chắn đều cùn mòn biến dạng. Sự mỉa mai này bị ông Lâm thầm nguyền rủa trong lòng một cách đau khổ, ép ra vị chua chát mang mùi gỉ sắt.

Tôi lại một mình, hơn nữa còn là một ông già ngoài sáu mươi tuổi...

Ông nhớ đến cây đàn Yamaha cổ lỗ sĩ nhà mình thời thơ ấu.

Từ nhỏ em gái ông đã bị bắt học đàn, trong giới tri thức già giống như bố ông, con gái biết đàn mấy bản nhạc là sự chuẩn bị bắt buộc để sau này xuất giá, trong số của hồi môn có cây đàn dương cầm mới thể hiện mình là con nhà có giáo dục. Bố ông không nhìn ra em gái ông không có năng khiếu âm nhạc, đến khi học cấp Ba, thi ba năm đều trượt, ông mau chóng tống con bé sang Nhật. Thỉnh thoảng ông sẽ nhớ đến cô em gái thắt nơ trên mái tóc luyện tập những bản nhạc của Schubert hết lần này đến lần khác. Sao bố mẹ không bắt ông học đàn cùng với em gái? Kỳ vọng của hai bậc phụ huynh trọng nam khinh nữ là muốn con trai họ phải vào trường Trung học phổ thông Kiến Quốc Đài Bắc, rồi vào khoa Chế tạo máy của trường Đại học Đài Loan. Ông đã không làm họ thất vọng.

Không phải ông không thầm nghi hoặc liệu cuộc hôn nhân với Emily, ở một mức độ nào đó, là sự bù đắp những tiếc nuối khi ông vô duyên với âm nhạc? Biết rõ cây đàn cũ Bösendorfer vẫn dùng tốt, nhưng ông luôn cảm thấy trong ngôi nhà của một nhạc sư nên có một cây đàn dương cầm dạng nằm (grand piano), thay vì dạng đứng. Bây giờ nghĩ lại, có lẽ không hoàn toàn vì Emily, mà còn vì lòng hư vinh của bản thân – loại hư vinh ngay chính ông cũng không nhận ra...

Rachmaninoff dẫn dắt ông Lâm vào trạng thái trí nhớ bị hỗn loạn tạm thời.

Ở dư âm của nốt nhạc cuối cùng, đôi tay của người diễn tấu vẽ một đường cong giữa khoảng không tựa áng mây vô hình bỗng nhẹ nhàng bay lên cao, cuối cùng hạ xuống đầu gối.

Ông Lâm lẳng lặng đứng ngoài cửa chăm chú nhìn động tác kết thúc của người đó.

Có lẽ đây là lần đầu tiên ông chú ý đến sự tồn tại của tôi.

Những ngày sau đó, trong một quán rượu nhỏ mà chúng tôi thường lui tới, có lần ông Lâm tiết lộ cho tôi biết, ông cảm thấy có một số nhạc cụ dường như đặc biệt phù hợp với vóc dáng của phái nữ, ví dụ như sáo dài hay đàn dương cầm dạng đứng.

Ông Lâm thích vóc dáng thon thả của những cô gái kéo đàn violin hơn là một anh chàng lực lưỡng, vai u thịt bắp, với bộ dạng nghiêng đầu như thể sắp sửa đập nát nhạc cụ trên vai. Còn các cô gái kéo đàn cello, ông thấy tư thế chân của họ không được tao nhã cho lắm.

Ông Lâm thậm chí còn thầm cho rằng ngoại hình của đàn dương cầm phù hợp với đàn ông hơn, đặc biệt là đàn dương cầm dạng nằm, dường như chỉ đôi bàn tay to và bờ vai rộng mới có thể điều khiển được nó.

“Xin lỗi...”

Tuy tôi đã ra ra vào vào phòng dạy đàn này hơn một năm, có mấy lần rời khỏi đây tình cờ bắt gặp ông lái xe đưa Emily đến cổng, nhưng đây là lần đầu tiên tôi có cơ hội tiếp xúc với ông ở cự ly gần thế này.

Gương mặt phía sau vô lăng cùng mái đầu gần như bạc trắng luôn mang cho người ta cảm giác nghiêm khắc và lạnh lùng. Điều khiến tôi ngạc nhiên hơn là người vừa bước ra khỏi chiếc xe Ferrari đó lại cao hơn tôi nửa cái đầu. Đối mặt với người đàn ông vừa mất đi người bạn đời của mình, tôi cố gắng khắc chế để không lộ ra quá nhiều sự cảm thông ngập ngừng trong ánh mắt.

“Cảm ơn cậu! Nghe chủ nhiệm lớp nói những cây đàn này đều do cậu bảo dưỡng giùm.”

“Cũng vì sư phụ trước đó muốn nghỉ hưu nên năm ngoái tôi mới tiếp nhận một vài khách hàng của ông ấy.”

Sau đó hai người chìm vào im lặng. Mãi đến khi tôi khoác chiếc túi vải canvas lên lưng, đi đến cửa mới quay đầu lại, mở miệng hỏi:

“Ông Lâm, cây đàn Steinway trong nhà vẫn ổn chứ?”

Đọc thêm: Người theo đuổi tiếng đàn - tác phẩm hay nhất của nhà văn Đài Loan (Trung Quốc) Quách Cường Sinh

 Trạm đọc

Tags: