Câu chuyện bắt đầu bằng chuyện tình của Michael Berg, một thanh niên trung học 15 tuổi, với nhiều mơ tưởng, đắm mình trong các tác phẩm văn chương từ Schnitzler đến Anton Chekhov, D. Lessing và đang căng mình trải nghiệm, khám phá những rung động đầu tiên trong cuộc đời với Hanna Schmitz, người phụ nữ hơn cậu 21 tuổi trong bối cảnh những năm 1960 tại Đức.
Hai người gặp nhau trong một lần Michael trên đường đi học về, gặp mưa và nôn thốc bên vệ đường. Hanna đưa cậu về nhà và từ đó hai người bắt đầu một mối quan hệ kỳ lạ. Họ tìm đến nhau thường xuyên hơn trong ngôi nhà trên căn gác cũ của Hanna để thực hiện một nghi thức gần như cố định: tắm - đọc sách - làm tình.
Ở đó có một bí mật được nắm giữ, và bí mật ấy đã trở thành một gấp khúc mãi mãi trong cuộc đời của cả hai người. Michael không hề biết rằng, Hanna người tình của anh, người khát thế giới trong những trang sách, lại chính là một người đàn bà không biết chữ.
Từ dẫn dắt ấy, câu chuyện trải dài bằng những tự sự buồn bã, với đầy những xáo trộn, giằng co trong tâm lý của Michael khi nghĩ về quãng thời gian bên Hanna; nỗi đau đớn, tuyệt vọng trước sự biến mất đột ngột của cô; cuộc trùng phùng “bất ngờ”… tất cả đẩy Michael đến bên bờ vực mong manh: tha thứ hay vẫn giữ trong lòng sự thù hận?
Quá khứ rồi cũng qua đi, tội lỗi rồi cũng nhận “phán xét”, chỉ có những điều day dứt và ám ảnh vẫn còn lại với con người, ngay cả khi họ không còn nữa. Michael đã phải lựa chọn một phương cách đối mặt hòng hoá giải “sự yếu đuối và nỗi xấu hổ” phải chôn giấu bấy lâu…
Câu chuyện kết thúc hướng về vẻ đẹp xúc cảm có tính nhân văn nhưng khó giấu được một nỗi buồn, sự hụt hẫng về lý lẽ khi luật sư Michael đã đi hết những điều ẩn mật nhưng vẫn không kịp bảo vệ được người tình.
Lịch sử không phải là nét vẽ chính trong bức tranh của Người đọc, nhưng nó là màu sắc bao trùm cả cuốn sách. Dẫu vậy, cũng giống như trong Kẻ trộm sách của Markus Zusak, lịch sử dẫu đau buồn, nhưng điều còn lại sau cùng vẫn là Con Người. Chính con người và sự khơi mở tâm trí con người là điều lưu giữ đẹp nhất.Hana để lại dấu ấn mãnh liệt đầy khắc khoải trong lòng người tình trẻ Michael không chỉ về một mối tình cá nhân, mà đó còn là một dấu ấn của lịch sử, với đầy những đau đớn buồn bã.
Người đọc xuất hiện ở Đức vào năm 1995 và được dịch ra gần 40 thứ tiếng, được xem là một sự kiện văn học có tiếng vang. 15 năm sau, năm 2009, Người đọc - The Reader xuất hiện trên màn bạc và gây sự tò mò với khán giả yêu văn học và tạo cảm tình đối với ban tổ chức những giải thưởng lớn.
Tác giả Bernhard Schlink đã từng chia sẻ về cảm hứng khiến ông đặt bút viết tác phẩm này: “Xuất phát điểm là tại Đông Berlin. Năm 1990, tôi sang làm người thỉnh giảng tại Đại học Humboldt và thường ở đó vài tuần liền. Một thế giới nghèo màu sắc và âm thanh, các dãy nhà u tối, đường phố gập ghềnh và giao thông thưa thớt... làm sống lại trong tôi ký ức về những năm 1950.
Và tôi quyết định viết sách. Dĩ nhiên các yếu tố chính của Người đọc đã có trong đầu tôi từ lâu, nhưng ở Đông Berlin chúng mới kết lại thành linh hồn của tiểu thuyết. Ngay những ý tưởng ban đầu của tôi đã xoay quanh một phụ nữ, và đó là một người mù chữ”.
Ông đã viết nên một tác phẩm đầy u uất về lịch sử, nhưng nó là sự u uất hướng thiện, tức là nhìn nhận lịch sử bằng sự tồn tại sống động của con người, với những xúc cảm trăn trở của con người.
Là một tác giả đồng thời là người làm luật, và dạy về luật pháp, giám định, nên Bernhard Schlink có lối tư duy rất logic, mạch lạc, và sâu sắc. Đối với Bernhard Schlink, “sáng tác văn học giống làm thẩm phán ở định hướng đi tìm giải pháp và quyết định, nhưng lại khác vì văn là mổ xẻ và soi rọi, là thể hiện chủ đề và gợi ý trải nghiệm cho người đọc”.
Trạm Đọc (Read Station)
Theo Phong Linh - Zing