Chắc hẳn là bất cứ ai trong số chúng ta cũng đều trải qua những giai đoạn đau khổ và mất mát. Trải nghiệm này có thể trở thành gánh nặng tinh thần khiến chúng ta dường như không thể nguôi ngoai, càng không thể tự mình vượt qua nỗi đau đó. Khi chìm sâu dưới đáy của nỗi buồn, có khi nào bạn đã tự hỏi: “Tại sao tôi là người phải chịu đựng những khổ đau? Và liệu rằng nó có khi nào kết thúc hay không?”
Trong màn đêm đen tối, chẳng mấy ai có hy vọng vào bình minh. Chúng ta nghĩ rằng những đớn đau sẽ huỷ hoại cuộc đời chúng ta mãi mãi. Nhưng rồi cuộc đời là vô thường, không có gì là bất biến, kể cả giây phút tốt đẹp hay khổ đau rồi cũng đi đến hồi kết. Khi ở giữa cơn bão mang tên đau khổ, thay vì né tránh hay ức chế cảm xúc, chúng ta cần can đảm đối mặt, nhận diện nguồn cơn nỗi đau và có niềm tin rằng mình sẽ vượt qua.
“Từ nước mắt đến nụ cười" với tựa gốc là Tears to Triumph của Marianne Williamson được xuất bản lần đầu tiên vào tháng 06 năm 2016 và nhanh chóng lọt vào Top sách bán chạy tại Mỹ. NXB Trí Việt đã chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam vào đầu năm 2021. Đúng như nhan đề của cuốn sách, “Từ nước mắt đến nụ cười" xoay quanh hành trình tìm hiểu căn nguyên của nỗi đau, giải quyết các vấn đề tâm lý trong xã hội đương thời. Xuyên suốt 12 chương sách, nữ tác giả luôn nhất quán một thông điệp rằng: “Sự chữa lành tinh thần không nằm ở việc chối bỏ nỗi đau, mà ở việc cảm nhận nó một cách trọn vẹn.”
Để thoát khỏi đau khổ, mở cánh cửa bước vào đời sống tinh thần an yên, tác giả đã đưa ra một số phương thức: Cho phép bản thân được buồn, Học cách tha thứ và Thoát khỏi quá khứ.
Ngay từ chương sách đầu tiên, tác giả đã lập luận rằng chúng ta, theo một cách rất tự nhiên, luôn tìm cách né tránh nỗi đau và kiếm chế những cảm xúc buồn bã. Tuy nhiên, bằng cách phủ nhận, nỗi đau sẽ không biến mất mà còn khiến vết thương lòng trở nên trầm trọng hơn. Đừng bao giờ tự nhủ rằng “Mình phải vui lên.”, điều đó sẽ giết chết tâm hồn bạn. Cũng đừng bao giờ thúc giục quá trình hồi phục. Hãy cho nỗi buồn của mình thời gian.
Trong cuốn sách, tác giả đã viết:
“Đôi khi ánh sáng bắt nguồn từ những nhận thức đến trong bóng tối. Những con quỷ của cá nhân chui ra từ hang động tối tăm của nỗi buồn sâu thẳm không thể “trị" một cách đơn giản; chúng phải bị rã tan ra dưới ánh sáng của sự tự nhận thức. Giai đoạn khổ sở về cảm xúc thường không chỉ đơn giản là một triệu chứng trầm cảm mà còn là một yếu tố cần thiết nhằm chữa lành nó. Nó có thể là thứ tốt nhất không nên tránh, mà cần phải vượt qua, trên hành trình đến nơi chúng ta không còn phải khổ sở thêm. Thế cho nên đôi khi ta phải dành chỗ cho nỗi đau cảm xúc. Đôi khi hàng tháng trời đau buồn lại có thể là điều mà ta cần phải trải qua. Đau buồn như thế là một hành trình thiêng liêng, không thể và cũng không nên vội vã.”
Chúng ta sẽ không thể hạnh phúc nếu trong lòng còn vương nỗi bất bình. Có thể với chính mình. Có thể với người khác. Chính vì vậy, để có được hạnh phúc, chúng ta phải học cách tha thứ. Tha thứ ở đây không phải là chối bỏ những gì đã xảy ra. Tha thứ là lựa chọn thay đổi góc nhìn của chính mình về những điều đã xảy ra.
Tha thứ không có nghĩa là chúng ta bỏ qua điều gì mà ta nghĩ rằng mình không nên bỏ qua. Nó chỉ có nghĩa là chúng ta đang giải phóng bản thân khỏi sự đau đớn sinh ra từ đó. Chúng ta tha thứ cho quá khứ để được giải thoát khỏi đó...Tha thứ sau cùng không chỉ là một hành động, mà là một thái độ; không phải là một công cụ cho mối quan hệ mà là trạng thái của tâm trí. Và nó không chỉ là thái độ với con người mà là đối với chính cuộc sống. Tha thứ là sự điều chỉnh cuối cùng của nhận thức làm tan biến đi mọi bóng tối của thế giới…
Trong cuộc sống sẽ luôn có những giai đoạn khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực để vượt chèo lái chuỗi cảm xúc tiêu cực. Ở giai đoạn như vậy, chúng ta sẽ phải chấp nhận những điều khó chấp nhận, học cách tha thứ những điều khó có thể thứ tha, có nghĩa là dù đau đớn nhưng vẫn phải đối diện với niềm tin rằng mình sẽ vượt qua.
Đối diện với nỗi đau chưa bao giờ là một việc dễ dàng và việc đó đòi hỏi rất nhiều thời gian. Chúng ta sẽ băng qua màn đêm tăm tối, can đảm đối mặt với những con quái vật ẩn nấp, để từ đó, đợi chờ một bình minh sáng rọi.
Ngoài ra, trong cuốn sách, nữ tác giả Marianne Williamson đã thể hiện rõ vai trò của nhà lãnh đạo tâm linh khi đã mang đến cho độc giả những câu chuyện về Đức Phật, Chúa Giê-su, nhà tiên tri Moses và từ đó khai mở về hành trình giác ngộ. Cuốn sách chứa đựng nhiều đoạn kinh ngắn giúp độc giả tìm thấy sự thanh tịnh và chữa lành.
“Từ nước mắt đến nụ cười" là một cuốn sách hữu ích dành cho bất cứ ai đang ở trong cuộc vật lộn với chính mình. Cuốn sách sẽ dẫn dắt bạn đọc đi sâu vào thế giới nội tâm của chính mình, lắng nghe tiếng nói thầm kín trong tâm hồn, đối diện với những nỗi đau, sự thống khổ mà bạn chẳng thể nguôi ngoai trong suốt nhiều năm ròng rã. Hãy bắt đầu cuốn sách này như một khởi đầu cho hành trình khám phá bản thân, giải phóng những day dứt và ẩn ức đang trói buộc tâm trí của bạn.
K.V
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Văn hóa muộn phiền - Hãy cho phép bản thân mình được buồn
Ta là sản phẩm của chính mình – Hành trình 5 giai đoạn của con người tự do