Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ: Sức sống bền bỉ của những người phụ nữ Afghanistan
Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ: Sức sống bền bỉ của những người phụ nữ Afghanistan
Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ đã đưa ra một thông điệp rằng: Đã đến lúc, xã hội nên dừng việc nhào nặn, áp đặt những quy chuẩn khắc nghiệt, lạc hậu lên những người phụ nữ. Đã đến lúc, những người phụ nữ vùng lên và đấu tranh cho quyền tự định đoạt số phận của chính mình.

“Các con, đừng nhìn xuống. Hãy nhìn thẳng về phía trước.” - Hakim

Afghanistan được xếp vào top một trong những quốc gia tệ nhất dành cho phụ nữ. Với nền chính trị hỗn loạn và tôn giáo hà khắc, có lẽ, câu chuyện về những khuôn khổ, điều lệ khắc nghiệt áp đặt lên những người phụ nữ nơi đây đã không còn là điều quá lạ lẫm với chúng ta. Quyền lợi của họ bị hạn chế đến mức báo động: ở Afghanistan, chỉ hơn 1/3 phụ nữ biết chữ, 70-80% phụ nữ bị ép kết hôn trước độ tuổi 16, và có đến gần 90% phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Nhưng đã bao giờ bạn mong muốn được chứng kiến rõ hơn cuộc sống, số phận của những người nơi đây, được nhìn thấu từ những điều nhỏ bé nhất mà họ phải chịu đựng? Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - một tiểu thuyết xuất sắc của Khaled Hosseini, một công dân Afghanistan - sẽ là một chiếc vé đưa bạn vào thế giới đầy những bất bình, đau thương và nước mắt mà những người phụ nữ Afgha phải chịu đựng. Nhưng bên cạnh đó, lòng dũng cảm và cuộc đấu tranh không biết mệt mỏi cho tự do, số phận của họ cũng sẽ khiến bạn phải nghẹn ngào trong hạnh phúc và tự hào.

“Đối với Jalil và những bà vợ của ông ta, mẹ chỉ là một cây dâu dại. Một cây ngải. Và con cũng thế. Thậm chí khi đó con chưa được sinh ra nữa.”

“Cây ngải là gì hả mẹ?” Mariam hỏi.

“Một thứ cỏ dại,” Nana nói. “Một thứ mà ta nhổ lên để rồi quẳng đi.”

Mariam, một người phụ nữ kém may mắn sinh ra với thân phận là một harami - đứa con hoang. Cha cô là Jalil, một doanh nhân giàu có ở thành phố Herat. Sinh ra trong hoàn cảnh thiếu thốn và thiệt thòi, bố Jalil là niềm hạnh phúc và an ủi lớn nhất của Mariam. Tuy nhiên, với thân phận là một đứa con ngoài giá thú, giấc mơ về một cuộc sống hạnh phúc bên bố Jalil của Mariam chỉ là một điều hão huyền. Cho đến một ngày, giấc mơ ấy đã khiến người mẹ thân yêu Nana của cô tự sát, bỏ lại Mariam trong sự ngỡ ngàng và tội lỗi.

Shah Marai | Getty Images

Năm 15 tuổi, Mariam được gả cho Rasheed - một người đàn ông góa vợ hơn 40 tuổi. Cuộc hôn nhân này là một bi kịch trong đời của Mariam, bởi nó chính là xiềng xích trói chặt Mariam khỏi vòng tay của tự do và hạnh phúc. Mariam đã đi qua những tháng ngày lầm lũi, âm thầm chịu đựng sự bạo hành, sỉ nhục của người chồng tàn ác Rasheed. Cô đã mắc kẹt trong một cuộc sống điển hình của phụ nữ Afghanistan - một cuộc sống thiệt thòi, bị coi thường và không có lối thoát.

4 năm sau đó, trong thị trấn nơi Mariam và Rasheed sinh sống, Laila chào đời. Đó là một cô gái thông minh nhận thức rất rõ về quyền lợi và giá trị của mình, cô là một người dám ước mơ, dám khát khao về hạnh phúc và tự do. So với Mariam, Laila may mắn hơn rất nhiều khi được sinh ra trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Cha cô, một người đàn ông nhỏ nhắn, hiền hậu, không ngừng khuyến khích cô theo đuổi con đường học vấn để làm chủ cuộc đời mình.

“Khi chiến tranh kết thúc, Afghanistan sẽ cần đến con như cần những người đàn ông, thậm chí có thể còn hơn ấy chứ. Bởi lẽ xã hội sẽ không thể phát triển nếu người phụ nữ không được đi học. Không thể phát triển, Laila ạ.”

Nhưng chẳng may, năm 1992, một cuộc xung đột vũ trang đã cướp đi cha mẹ của Laila và khiến Tariq, người tình “thanh mai trúc mã” của cô phải lưu vong. Số phận lại đưa đẩy cô rơi vào vòng tay cưu mang của Mariam và Rasheed. Và rồi Laila đưa ra một quyết định táo bạo: kết hôn với Rasheed nhằm giữ lại huyết nhục của cô và Tariq.

Những năm sau đó, khi chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan của Taliban giành quyền thống trị, chúng đã áp đặt nhiều điều lệ vô cùng hà khắc lên cuộc sống của người dân, đặc biệt là những người phụ nữ. Cùng lúc đó, Rasheed cũng mất đi công việc của mình trong một vụ tai nạn. Cuộc sống của hai người phụ nữ, Mariam và Laila, trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Qua nhiều năm chung sống, họ đã vượt qua những mâu thuẫn và dần xây dựng nên một tình bạn đẹp đẽ, giúp đỡ nhau đi qua khó khăn. Với Laila, Mariam ấm áp như ánh mặt trời, tựa như một người mẹ tần tảo, ân cần, âm thầm hi sinh và chịu đựng mọi nỗi đau. Còn với Mariam, Laila là biểu tượng của sự trẻ trung và sức sống, sự hiện diện của Laila đã thắp nên những tia sáng trong cuộc đời tăm tối và tủi nhục của Mariam.

Hai người phụ nữ đã không ngừng tìm cách thoát khỏi Rasheed để thay đổi số phận của mình. Nhưng sống trong một xã hội thống trị bởi đàn ông và tưởng chừng như đang chống lại phụ nữ, dường như việc chịu đựng nỗi đau đôi khi còn dễ dàng hơn việc bắt đầu một cuộc sống mới, khi Taliban không cho phép phụ nữ ra khỏi nhà mà không có đàn ông theo cùng. Vì vậy, viễn cảnh về một Miền Đất Hứa với những người phụ nữ đây có lẽ chỉ là một điều xa vời. Nhiều lần họ đã đấu tranh và thất bại, và cứ sau mỗi lần như thế, Rasheed lại càng trở nên tức giận và tàn ác hơn: những cơn giận vô lý, những cuộc đánh đập tàn bạo. Nhưng hai người phụ nữ kiên cường không bao giờ bỏ cuộc, cuối cùng, họ đã làm những gì họ phải làm, để tự giải thoát chính mình.

Ảnh minh họa: wowweekend.vn

Nếu Mariam là hình ảnh người phụ nữ Afghanistan mà ta vẫn thường thấy, sống trong tủi nhục và âm thầm chịu đựng mọi thiệt thòi, đau khổ, thì Laila là hình ảnh của người phụ nữ táo bạo hơn, một cô gái thông minh và lanh lợi. Dẫu sinh ra trong hoàn cảnh với những tính cách khác nhau, nhưng nỗi đau mà họ phải chịu đựng đã trở thành sợi dây vô hình gắn bó số phận hai người. Mariam và Laila, dù thuộc về hai thế hệ khác nhau, nhưng tinh thần quật cường và khát khao về tự do, hạnh phúc đã trở thành giao điểm trong cuộc đời của họ.

Dù được mệnh danh là “phái yếu”, nhưng hoàn cảnh càng tăm tối và đau thương bao nhiêu, ta lại càng chứng kiến một sức sống dẻo dai và bền bỉ bấy nhiêu của những người phụ nữ, Mariam và Laila chính là ví dụ điển hình cho điều đó. 

“Mấy năm sau, cô gái bé nhỏ này sẽ trở thành một người đàn bà, sẽ chỉ có những nhu cầu nhỏ nhặt trong cuộc sống, người không bao giờ làm nặng gánh người khác, người không bao giờ để lộ ra rằng mình cũng từng có những nỗi đau buồn, thất vọng, những giấc mơ đã bị đem ra chế nhạo. Người đàn bà ấy như một tảng đá dưới lòng suối, chịu đựng tất cả mà không một lời ca thán, lòng khoan dung của bà không bị bào mòn mà được định hình sau từng dòng nước chảy xiết qua đời bà.”

Đắm chìm trong hơn 400 trang sách của Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ, khi kết thúc cuốn sách, bạn sẽ phải ngỡ ngàng và bàng hoàng, tưởng chừng như vừa thức dậy từ một giấc mơ dài. Hơn 400 trang sách, đó sẽ là một hành trình dài của cuộc đời và cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ cho tự do, hạnh phúc của hai người phụ nữ; đó là cuộc hành trình sẽ đem lại cho bạn mọi cung bậc cảm xúc, từ phẫn nộ, đau xót, cho đến xúc động vì tình người ấm áp và nghẹn ngào trong nước mắt của niềm vui. Và tin tôi đi, cuốn sách cũng sẽ cho bạn một hành trình “rực rỡ”, không chỉ có đau thương mà còn có hạnh phúc.

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ đã đưa ra một thông điệp rằng: Đã đến lúc, xã hội nên dừng việc nhào nặn, áp đặt những quy chuẩn khắc nghiệt, lạc hậu lên những người phụ nữ. Đã đến lúc, những người phụ nữ vùng lên và đấu tranh cho quyền tự định đoạt số phận của chính mình.

Trịnh Tố Uyên

Tags: