Sách để làm gì?
Sách để làm gì?
Người lớn đọc sách góp phần bồi đắp chính mình và chia sẻ giá trị với cộng đồng, con trẻ đọc sách xây dựng tương lai của mình và đất nước. Tôi và bạn, nếu chung tay và bền bỉ nỗ lực, biết đâu có thể xây dựng thói quen đọc sách trở thành cơm ăn nước uống hàng ngày trong xã hội…

Tết 2015, tôi thực hiện một chuyến đi bộ từ Hà Nội đến Sài Gòn để kêu gọi toàn xã hội làm tủ sách cho con trẻ, đặc biệt ở nông thôn.

Đi đến đầu tỉnh Quảng Bình, tôi nhận một cuộc điện thoại. Người gọi nói rằng chị bị mù, “tôi nghe tin trên đài tiếng nói anh đang đi bộ xuyên Việt, hôm nào anh đi qua Quảng Bình thì cho tôi gặp”. Tôi đã gặp chị. Chị nói cuộc sống người mù quanh quẩn ở nhà và rất muốn xin một chiếc radio để nghe sách nói. Tôi đưa câu chuyện lên trang cá nhân của mình, sau đó có người tặng máy nghe sách nói cho chị.

Cũng trong chuyến đi, tôi còn nhớ ánh mắt và lời cầu xin “chú ơi, chú cho cháu cuốn sách, cháu thích sách mà không có tiền” của học sinh lớp 6 ở xã Phù Việt, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Cậu làm tôi nghĩ tới 15 triệu trẻ em nông thôn Việt Nam, chắc hẳn có nhiều đứa trẻ đang khát khao sách như thế.

Hành trình xuyên Việt 1.750 km trong 123 ngày của tôi thực ra là rất ngắn so với hành trình để phá dỡ những núi đá đói sách gây nên nạn ít đọc của người Việt Nam trong nhiều thập niên. Tôi hy vọng chuyến đi bộ của mình có thể giúp tăng tốc chương trình “Sách hóa Nông thôn” cũng như các chính sách khác thúc đẩy văn hóa đọc của xã hội.

Theo ngành Giáo dục, Việt Nam có hơn 90% dân số biết chữ. Thế nhưng, theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hàng năm mỗi người Việt Nam chỉ đọc chưa đầy một cuốn sách. Mohandas Gandhi cho rằng, biết chữ mới chỉ là sự khởi đầu của giáo dục. Tôi nghĩ, việc biết chữ phải dẫn lối con người đến với tri thức và nhân cách. Tôi đã “kêu” nhiều và tiếp tục “kêu” cho đến khi trẻ em Việt Nam được nghe và đọc sách nhiều như trẻ em Mỹ, Tây âu.

Năm 1998 và 1999, tôi làm thủ thư trong thư viện khoa Ngoại ngữ, Đại học Vinh để nghiên cứu về thư viện. Trong không gian nhiều ngàn đầu sách ấy, nhiều lần tôi mơ ước kiến thức từ những bộ sách quý như bộ bách khoa từ A đến Z, tác phẩm “Kỳ vọng lớn lao” của nhà văn người Anh Charles Dickens, tập sách tranh của hoạ sĩ người Ý Raphael hay hoạ sĩ Leonardo da Vinci sẽ đến tay độc giả nước Việt. Và những kiến thức vô giá của nhân loại sẽ thẩm thấu vào não hàng chục triệu con người đói sách.

Sau này, tôi thường dùng khái niệm “tương tác tri thức” để nói về việc đọc sách hay tranh luận. Tôi luôn tưởng tượng giá mà lượng tri thức khổng lồ trong thư viện biến thành các sản phẩm đầu ra cụ thể trong cuộc sống, nghề nghiệp của những sinh viên thế hệ tôi. Nếu chúng tôi đã được chuẩn bị nền đọc tốt, đất nước hẳn đã khác nhiều. Tôi cho rằng sách vô cùng quan trọng trong tiến trình xây dựng quốc gia. Đọc lịch sử Mỹ, chúng ta thấy rằng nước Mỹ là nơi tụ hợp của văn minh châu Âu, bởi những người dám vượt đại dương tìm miền đất mới. Nhiều người trong số họ hẳn nhiên đem theo tri thức và tinh thần của những Aristotle, Plato, Archimedes, Pascal, Galileo hay các hiệp sĩ trong sử thi Beowulf. Kế đến, hậu duệ của những người tiên phong đưa giá trị châu Âu sang miền đất mới tiếp tục tạo nên nước Mỹ vĩ đại bởi họ thấu hiểu tầm quan trọng và tự do do mà tri thức đem lại.

Những ai ở Mỹ đều biết rằng, phần nhiều trẻ em Mỹ được “chạm” vào sách từ lúc 0 tuổi, qua âm thanh. Một tuổi trở đi các em được nghe sách từ cha mẹ, thầy cô, từ thủ thư của thư viện công cộng. Lên tiểu học, các em được tiếp cận với thư viện lớp khoảng 200 đến 500 đầu sách, thư viện trường với nhiều ngàn đầu sách. Tôi đến trường trung học Albany, thành phố Albany, California, năm 2018 và quan sát thấy thư viện trường có đến 12.000 đầu sách thuộc đủ lĩnh vực. Bên cạnh đọc sách, học sinh các cấp được học qua thực hành như chế tạo đồ vật, đặc biệt là STEM và STEAM, được đến các trung tâm khoa học để thấy các sản phẩm của tri thức và sáng tạo. Nhờ có hệ sinh thái lĩnh hội tri thức rất đa dạng nên các phát minh, sáng chế, giải thưởng lớn… phần nhiều tập trung ở nước Mỹ.

Việt Nam có hơn 70 triệu người sinh ra và lớn lên ở nông thôn, chịu nạn đói sách dài dằng dặc mấy thập niên. Vấn đề ở chỗ, số nhiều trong những người đói sách ấy, nay là giáo viên, nhà quản lý, có những người không đủ nhạy cảm để hiểu tầm quan trọng của sách đối với trẻ từ mầm non đến trung học phổ thông như thế nào. Họ dường như chẳng chịu thấy rằng sức mạnh của quốc gia đến từ việc tạo cơ hội thu nhận tri thức cho con trẻ từ nhỏ. Những nhà thiết kế giáo dục trong nhiều thập niên qua đã không đưa ra các danh mục sách mà học sinh cần đọc như nhiều nước đã làm. Trong hành trình đi bộ từ Hà Nội đến Sài Gòn, tôi phỏng vấn hơn 3.000 người, chỉ hơn 30 người biết đến cuốn “Những tấm lòng cao cả”, 20 người biết đến tập thơ “Góc sân và khoảng trời” và 20 người biết đến tiểu thuyết “Robinson Crusoe”, đều là những tác phẩm nổi tiếng của nhân loại và Việt Nam.

Thiếu tri thức từ sách là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người không thể dạy con cháu họ đúng cách. Vô số đứa trẻ lớn lên trong sự sợ hãi bày tỏ ý kiến, tư duy một chiều và nghèo nàn khát vọng; có cả hiện tượng ăn cắp không biết xấu hổ, nói dối không biết ngượng, xem thường các giá trị phổ quát như trung thực, từ ái, sáng tạo song lại tán dương và theo đuổi những thứ tầm thường.

Tôi cũng cho rằng trí tuệ của những nhà quản trị quốc gia tài giỏi có một phần đến từ sách, nếu như nhìn vào văn hóa đọc sách của dân tộc Israel và nhiều dân tộc khác. Họ đã bằng tri thức sâu rộng, tư duy rộng mở để tìm ra cái mới, định dạng tương lai quốc gia. Công dân có tri thức thì tự giác, hiểu quyền và trách nhiệm của mình với cộng đồng.

Nếu ví sách là nguồn tri thức quan trọng của quốc gia, “rừng tri thức” của các nước Tây âu, Mỹ già nhiều ngàn tuổi. Trong những khu rừng đó, vô số cây cổ thụ cao lớn đã tỏa mát quốc gia đó và nhân loại, được trân qúy. “Rừng tri thức” của Việt Nam vốn đã hiếm cây lớn, lại chưa biết gieo giống và chăm sóc tốt, đang cần bàn tay vun vén.

Người lớn đọc sách góp phần bồi đắp chính mình và chia sẻ giá trị với cộng đồng, con trẻ đọc sách xây dựng tương lai của mình và đất nước. Tôi và bạn, nếu chung tay và bền bỉ nỗ lực, biết đâu có thể xây dựng thói quen đọc sách trở thành cơm ăn nước uống hàng ngày trong xã hội. Trong mục tiêu chung đó, tôi hy vọng càng sớm càng tốt, những người được giao nhiệm vụ thiết kế giáo dục nước nhà có hành động để tạo ra cơ hội được nghe và đọc sách của hàng chục triệu đứa trẻ, nhất là ở nông thôn. Nếu kiên trì gieo hạt và tưới tắm cây tri thức, ắt sẽ có rừng tri thức, nơi nhiều cây lớn tỏa mát tương lai.

Theo NGUYỄN QUANG THẠC - Văn học Sài Gòn

Tags: